Tô Văn Trường
Vải thiều đang trông đợi nhiều vào người tiêu dùng trong nước. Ảnh TL
Nông dân nước ta mỗi khi thấy lãnh đạo nào đến thăm địa phương cũng ra rả “trồng cây gì, nuôi con gì” là lại nẫu cả ruột gan - vì thật lòng người dân mong chờ có câu giải đáp, chứ không muốn nghe những câu hỏi được đặt ra!
Nỗi ám ảnh của người nông dân
Đối
với người lãnh đạo ngành nông nghiệp, nhiều người dân đặt ra các câu
hỏi: Nông lâm, thủy sản xuất khẩu hàng chục tỉ USD/năm nhưng có mặt hàng
nào có sức cạnh tranh - hội nhập, có thương hiệu hay không? Người dân
ăn lương thực và thực phẩm do nông dân ta trồng có sạch không? Làm sao
biết? Về chính sách đã đề xuất cho Chính phủ có lợi cho nông dân và Nhà
nước được những thứ gì cụ thể?
Tâm lý và tác
phong tiểu nông của người nông dân đã dẫn đến sự phát triển nông nghiệp
một cách tự phát, như trường hợp trồng điều rồi lại chặt điều, trồng
tiêu rồi lại chặt tiêu. Mới đây là trường hợp nông dân bị chi phối bởi
thương lái Trung Quốc, thậm chí những người nông dân nhẹ dạ bị họ lừa
đặt mua giá cao những loại sản phẩm “quái chiêu” như đỉa, lá điều khô,
lá vải, nụ hoa thanh long, xoài non… làm cho nông nghiệp phát triển lộn
xộn, kém hiệu quả.
Vai trò quản lý của Nhà nước ở đâu?
Suốt
một thời gian dài, chúng ta đã không chú ý đúng mức đến nhiệm vụ công
nghiệp hóa lĩnh vực nông nghiệp, hiện đại hóa cho người nông dân, một
yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất nông nghiệp nên người nông dân
vẫn dường như giẫm chân tại chỗ ở trình độ người tiểu nông.
Sản
xuất của người nông dân bị ứ thừa chủ yếu do các nguyên nhân: Sản xuất
không theo định hướng thị trường, nói cách khác là thiếu thông tin,
thiếu vai trò Nhà nước một cách hữu hiệu. Vai trò Bộ Công thương và nhất
là thương vụ mờ nhạt. Doanh nghiệp chưa tham gia tìm kiếm và xác lập
thị trường (thậm chí với những ngành hàng Việt Nam chiếm số lượng áp đảo
cần phải kiến tạo thị trường cho riêng mình).
Kiểu
buôn bán của ta vẫn theo kiểu có gì bán nấy. Nông dân loay hoay theo
tín hiệu thị trường ngắn hạn vì có ai lo cho thông tin đâu. Doanh nghiệp
chỉ đầu tư vào công đoạn lãi nhanh, rủi ro thấp, hầu như rất ít có
doanh nghiệp đầu tư khâu sản xuất.
Việt Nam sản
xuất quy mô nhỏ nên mẫu mã, chất lượng không đồng đều, vệ sinh an toàn
thực phẩm kém. Ví dụ như sản phẩm cá ngừ Việt Nam xuất khẩu sang thị
trường Nhật Bản (dùng làm món sashimi), do phẩm chất quá kém nên chỉ bán
được với mức giá bằng 10% so với những sản phẩm cùng loại của các nguồn
khác.
Công nghiệp chế biến và bảo quản của ta
quá yếu. Vấn đề là tỉ lệ chế biến và chế biến sâu quá thấp. Do vậy, có
lẽ cần nghiên cứu mô hình sản xuất/chế biến.
Để
giúp người nông dân không phải lo “được mùa, mất giá” cần nắn lại ngay
cái nếp “nông nghiệp thành tích”, “nhờ trời” để trở thành nông nghiệp
thị trường và nông nghiệp hàng hóa. Hãy nhẩm kỹ lại lời của tiền nhân đã dạy “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, hãy thống kê bằng VND hoặc bằng USD, hãy đoạn tuyệt với cách tính bằng tấn (nghe số tấn dễ “phổng mũi” lắm)!
Kinh
nghiệm của chuyên gia người Việt sinh sống nhờ nuôi tôm ở quần đảo
Hawaii cho biết thoạt kỳ thủy ở những đảo này (1970-1980) họ nuôi và bán
ra thị trường loại tôm chất lượng hàng đầu trên thế giới. Qua thập niên
1990 họ chuyển sang chuyên bán tôm giống (gọn nhẹ, lời hơn), sau đó, họ
lại xoay tiếp sang chuyên sản xuất và bán ra thị trường “tôm bố mẹ” với
giá mấy trăm USD/cặp. Vậy là họ đã “thiên biến vạn hóa”, liên
tục “leo thang”, không chịu “giẫm chân tại chỗ”, nhất quyết làm chủ,
tung hoành thị trường bằng thế mạnh riêng.
Chờ những câu trả lời mới
Ở
Việt Nam, cần phải đẩy mạnh đa dạng thị trường, tăng cường đầu tư cho
bảo quản và chế biến. Hình thành doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn,
cho phép doanh nghiệp tích tụ ruộng đất. Tại sao ta có thể thu hồi đất
cho công nghiệp mà không thể thể làm cho nông nghiệp, đó là chưa kể tích
tụ đất đai không làm thay đổi mục đích sử dụng như chuyển sang công
nghiệp. Nhà nước cần hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng, chính sách tích tụ đất
đai, vốn vay.
Nông dân khi đó là cổ đông của
doanh nghiệp, họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Kêu gọi FDI trong bảo
quản, chế biến, công nghệ cao, thay đổi tư duy về nông nghiệp: là ngành
mang tính kinh tế - xã hội và thậm chí chính trị rất cao, như vậy mới có
đầu tư xứng đáng với đóng góp của nông nghiệp. Cần chuyển chức năng
quản lý xuất nhập khẩu nông sản từ Bộ Công thương về Bộ NN&PTNT.
Cách
đây nửa thế kỷ ở nước ta rầm rộ vận động “phong trào hiến kế”, còn bây
giờ cái gì cũng phải XIN! Bỏ ngay thói quen “gà què ăn quẩn cối xay” và
cung cách “buôn thúng bán bưng” chỉ quen bán ở những chợ “thượng vàng,
hạ cám”, “có sao bán vậy” ở những “chợ tả-pí-lù”, để đĩnh đạc bước vào
những siêu thị. Trong khi nơi này, nơi kia phô trương những “lò ươm tạo
các doanh nghiệp” mà quên rằng nông dân chính là doanh nghiệp lớn nhất!
Để
đáp ứng được các điểm kể trên, phải đi vào phẩm chất hàng hóa: PHẨM và
CHẤT. Mới đây, trên kênh truyền hình VTV1 Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân có
trả lời những câu hỏi của bà con về những sản phẩm nông nghiệp, trong
đó có mục cá ngừ Việt Nam và cả về cách bảo quản trái cây để xuất khẩu
(cụ thể là vải thiều). Khoa học sẽ nghiên cứu theo 2 hướng: Chuẩn bị các
sản phẩm chiến lược lâu dài đồng thời đáp ứng đặt hàng của doanh
nghiệp.
Thời gian qua chúng ta đổ lỗi nhiều cho
khoa học kỹ thuật, nhưng lỗi lớn hơn phải là của khoa học quản lý. Do
vậy, có lẽ điều trước tiên cần nghiên cứu và xác định cho ra Mô hình tổ
chức sản xuất trong bối cảnh AFTA và TPP với kinh tế họ quy mô nhỏ là
chủ lực.
Nhà bác học A. Einstein có nhận xét rất
chí lý: “Những câu hỏi cũ luôn cần có những câu trả lời mới”! Hy vọng,
trước hết ở các nhà quản lý có tư duy mới và thực tế để giúp người nông
dân thoát khỏi cảnh thu nhập quá thấp lại luôn bị ám ảnh phải “nuôi con
gì, trồng cây gì”?
T. V. T.
Copy từ: Một Thế Giới
........
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét