CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2014

Kiện Trung Quốc và các ảnh hưởng kinh tế

LTS. Bốn mươi năm qua, không chỉ chiếm đóng các đảo của Việt Nam, Trung Quốc còn áp đặt quyền chủ quyền lên các vùng biển quanh Hoàng Sa. Những năm gần đây, các cơ quan chấp pháp trên biển của Trung Quốc liên tục bắt giữ, xua đuổi ngư dân Việt Nam hoạt động trong ngư trường truyền thống hàng trăm năm nay ở quần đảo Hoàng Sa. Mới nhất là việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Hoàng Sa và vịnh Bắc bộ. Trước tình trạng gia tăng các vi phạm nghiêm trọng của Trung Quốc trên biển Đông, thông tin gần nhất cho thấy lãnh đạo Việt Nam đang tính đến biện pháp pháp lý, hay nói cách khác là kiện Trung Quốc ra toà. Trong trường hợp Việt Nam kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế, ngoài những vấn đề pháp lý, chúng ta cần dự đoán các hành động “trả đũa” có thể của Trung Quốc về kinh tế để chuẩn bị đối phó.  

Kiện Trung Quốc và các ảnh hưởng kinh tế
Xe chở trái cây xuất khẩu ứ đọng ở biên giới Việt - Trung. Ảnh: thoibaokinhdoanh.vn
Đối với Trung Quốc, từ năm 2001, Việt Nam liên tục nhập siêu và cán cân thương mại ngày càng thâm hụt lớn. Trong khi Hoa Kỳ và EU (liên minh châu Âu) là các đối tác mà Việt Nam liên tục xuất siêu, đối với Trung Quốc, Việt Nam liên tục nhập siêu.

Cái bình, con chuột và “Tái ông thất mã”

Theo số liệu thống kê, năm 2013, trao đổi thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 50,2 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 13,26 tỉ USD (chiếm khoảng 10% tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam), nhập khẩu đạt 36,94 tỉ USD (khoảng 28% tổng giá trị hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam).
Để dự đoán đồng thời tìm giải pháp đối phó với những trả đũa về kinh tế mà Trung Quốc có thể sẽ áp dụng với Việt Nam, một trong những điều cần làm là hiểu rõ hơn những mạnh yếu của chúng ta trong quan hệ thương mại Việt - Trung
Gần đây, chính phủ hai nước đã thống nhất tăng kim ngạch thương mại hai chiều lên 60 tỉ USD vào năm 2015. Nếu cán cân thương mại không được cải thiện, vấn đề nhập siêu trong thương mại với Trung Quốc sẽ trở nên trầm trọng hơn, do nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu. Đến nay, giá trị nhập khẩu gấp khoảng hai - ba lần giá trị xuất khẩu và không có dấu hiệu thu hẹp.
Khi nhìn vào các con số trên, có thể nhận thấy hai điều:
Đối với Việt Nam, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn và quan trọng. Nếu Việt Nam thách Trung Quốc ra toà, một kịch bản tưởng tượng và cực đoan là Trung Quốc sẽ giơ “đũa thần” làm ngưng trệ giao thương giữa hai nước. Tuy nhiên, không phải là Trung Quốc không bị “đụng chạm” gì trong trường hợp đó, vì chính Trung Quốc, và người lao động của họ, hiện cũng đang xuất khẩu đến 36,94 tỉ USD sang Việt Nam (gấp gần ba lần Việt Nam xuất sang Trung Quốc). Dĩ nhiên ảnh hưởng của 36,94 tỉ USD đối với thương mại Trung Quốc sẽ ít hơn của 13,26 tỉ USD đối với thương mại Việt Nam, nhưng không thể nói nền kinh tế Trung Quốc hoàn toàn không bị ảnh hưởng. Ném được chuột thì bình cũng không chắc còn nguyên!

Một trong số các dự án Trung Quốc trúng thầu tại Việt Nam: nhà máy khí điện đạm Cà Mau. Ảnh: TL
Sự mất cân bằng trong thương mại Việt - Trung, với phần thiệt thòi cho Việt Nam, là rõ ràng và ngày càng trở nên tồi tệ hơn nếu tiếp tục như hiện nay. Các trả đũa về thương mại dưới bất cứ hình thức nào của Trung Quốc, nếu có, cũng chỉ có thể làm Việt Nam nhập khẩu ít đi từ Trung Quốc. Điều đó, nếu xảy ra, có thể gây khó khăn cho sản xuất Việt Nam trong ngắn hạn, tuy nhiên về trung hạn và dài hạn sẽ hướng Việt Nam đến những bạn hàng bình đẳng hơn, với cán cân thương mại thăng bằng hơn cho Việt Nam, ví dụ như Hoa Kỳ và EU, và giảm sự phụ thuộc về kinh tế của Việt Nam vào Trung Quốc nhiều hơn. Với nền kinh tế của Việt Nam, đó có khi lại là sự may mắn kiểu “Tái ông thất mã”.

Dĩ độc trị độc

Khi đi sâu phân tích các mặt hàng Việt Nam nhập từ Trung Quốc, chúng ta nhận thấy nhiều hàng nông sản, 40% là các hàng hoá cơ bản, thâm dụng tài nguyên và công nghệ thấp. Hàng nông nghiệp và các sản phẩm hàng hoá cơ bản và công nghệ thấp là những sản phẩm mà Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động sản xuất được. Nếu Trung Quốc dựng hàng rào thuế quan để chặn các hàng nhập khẩu từ Việt Nam thì không lý do gì Việt Nam không thể làm tương tự đối với các mặt hàng nông sản, cơ bản và công nghệ thấp của Trung Quốc. Sự khan hiếm các mặt hàng xuất xứ Trung Quốc loại này chỉ có thể là điều tốt cho nền sản xuất Việt Nam trong trung và dài hạn.
Nếu Trung Quốc dựng hàng rào thuế quan để chặn các hàng nhập khẩu từ Việt Nam thì không lý do gì Việt Nam không thể làm tương tự đối với các mặt hàng nông sản, cơ bản và công nghệ thấp của Trung Quốc. Sự khan hiếm các mặt hàng xuất xứ Trung Quốc loại này chỉ có thể là điều tốt cho nền sản xuất Việt Nam trong trung và dài hạn
Ngoài ra, Việt Nam có xu hướng nhập khẩu từ Trung Quốc các sản phẩm phục vụ sản xuất và xây dựng như hoá chất, điện tử, máy móc thiết bị, sợi dệt. Đây là yếu điểm Trung Quốc có thể trả đũa để gây khó dễ cho nền sản xuất Việt Nam. Để đối phó với khả năng này và giảm thiểu ảnh hưởng từ sự trả đũa của Trung Quốc, Việt Nam phải đa dạng hoá nguồn nhập khẩu các sản phẩm loại trên. Ngoài ra, việc Việt Nam phải nhập các sản phẩm như sắt thép, máy móc thiết bị một phần lớn là do các nhà thầu EPC (Engnieering, Procurement, Construction) Trung Quốc hay các dự án FDI (Foreign Direct Investment) từ Trung Quốc không tuân thủ các chỉ tiêu sử dụng sản phẩm và nhà thầu Việt Nam. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có thể cải thiện và giảm thiểu nhập khẩu từ Trung Quốc các dạng sản phẩm này nếu quản lý nghiêm chỉnh các dự án FDI, các việc chấm thầu EPC.

Cắt giảm đầu tư: không đáng ngại

FDI Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam không nhiều như các nước khác. Ví dụ như trong năm 2013, năm FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng đột biến với gần 2 tỉ USD đầu tư mới để thành 2,3 tỉ USD, con số này mặc dầu tăng bất ngờ vẫn xếp xa sau các nước Nhật, Singapore, Hàn Quốc với FDI cấp mới cho năm 2013 lần lượt là 5,875 tỉ USD, 4,76 tỉ USD, và 4,46 tỉ USD.

Khủng hoảng nhiên liệu là một trong những nguyên nhân xấm lấn của Trung Quốc.
Ảnh: vovworld.vn
Tuy đầu tư vào Việt Nam không nhiều, hay nói cách khác đem đến Việt Nam không nhiều ngoại tệ, Trung Quốc lại có mức độ hưởng lợi cao hơn rất đáng kể so với các quốc gia khác. Các dự án FDI từ Trung Quốc thường đưa nhân công Trung Quốc tràn lan thành cả làng, cả phố Trung Quốc ngay trên lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra các công ty Trung Quốc lại kéo theo những máy móc thiết bị công nghệ cũ, lạc hậu sang làm việc.
Đơn cử trong lĩnh vực xây dựng, do quản lý yếu kém và tham nhũng, các gói thầu EPC thường rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Khi đó các nhà chế tạo Việt Nam hầu như không có cơ hội tham gia như nhà thầu phụ, tỷ lệ nội địa hoá = 0%.
Điều này kéo theo việc nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị từ Trung Quốc vào Việt Nam, thay vì sử dụng nguồn nguyên vật liệu và nhân công tại chỗ, góp phần làm cho nhập siêu của Việt Nam tăng nhanh. Có thể điểm qua một số các dự án mà Trung Quốc đã trúng thầu tại Việt Nam theo hình thức EPC, như: tổ hợp bôxít - nhôm Lâm Đồng, alumin Nhân Cơ - Đắk Nông, phân đạm Cà Mau…
Do đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam không nhiều, chiếm tỷ trọng nhỏ, trong trường hợp Việt Nam kiện Trung Quốc ra toà, thì việc Trung Quốc (nếu có) cắt giảm các nguồn đầu tư cũng không thể tạo thành một sức ép đối với kinh tế Việt Nam. Thậm chí như đã phân tích, rõ ràng có nhiều vấn đề cần giải quyết đối với các dự án có yếu tố Trung Quốc. Và như bà Phạm Chi Lan đã nói trên báo Đầu tư: “Riêng với lao động Trung Quốc, chúng ta còn quá nương nhẹ, do e ngại, cả nể một cách quá đáng. Không nên nhầm lẫn giữa quan hệ chính trị với quan hệ hợp tác kinh tế”. Vì sự thật này mà sự trả đũa kinh tế của Trung Quốc càng cho thấy Trung Quốc đang nhập nhằng quan hệ kinh tế và chính trị.
Và đó sẽ là bài học quý giá, là cơ hội để Việt Nam có thêm động lực và ý chí để giải quyết hàng loạt vấn đề như: xử lý nghiêm minh các vụ việc người Trung Quốc tràn lan ở Việt Nam, tuân thủ cơ chế đấu thầu minh bạch, loại bỏ các nhà thầu Trung Quốc và các dự án FDI hạ giá bất kể chất lượng và không tôn trọng các chỉ tiêu nội địa hoá của Việt Nam. Nói cách khác, tình hình cho thấy Trung Quốc đã và đang “trả đũa” Việt Nam ngay hiện tại chứ không phải đợi lúc Việt Nam đưa tranh chấp Hoàng Sa ra trọng tài quốc tế.

Biện pháp đối phó

Mở rộng quan hệ thương mại để tránh phụ thuộc: Nếu như năm 1986 Việt Nam mới chỉ có quan hệ trao đổi hàng hoá với 43 quốc gia, năm 1995 là 100, năm 2000 là 192 thì đến hết năm 2013, con số này lên tới gần 240 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam là bạn hàng và đối tác của nhiều nước, tham gia nhiều tổ chức kinh tế như WTO, và sắp tới là TPP, cộng đồng kinh tế ASEAN.
Chúng ta phải chuyển dịch theo dòng chảy chung của thời đại, của thế giới. Để làm điều đó, Trung Quốc không thể là đối tác, là người đồng hành chiến lược, và có vị trí quá quan trọng như hiện nay
Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, nhưng không phải là đối tác thương mại duy nhất, và khó có thể là một đối tác tốt, ổn định, bình đẳng và tuân thủ các giá trị công bằng, bảo vệ môi trường, ít nhất nếu tình hình tiếp tục diễn tiến như hiện nay.Trong khi đó, tư duy phát triển của cả thế giới đã thay đổi, với những quan điểm tăng trưởng mới như xanh, bền vững, sáng tạo, Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với những cải cách lớn, như môi trường, biến đổi khí hậu, hay an sinh xã hội. Việc này bắt buộc chúng ta phải chuyển dịch theo dòng chảy chung của thời đại, của thế giới. Để làm điều đó, Trung Quốc không thể là đối tác, là người đồng hành chiến lược, và có vị trí quá quan trọng như hiện nay.
Là láng giềng của Việt Nam, là nhà xuất khẩu số một thế giới, việc Trung Quốc có ảnh hưởng tương hỗ đối với kinh tế Việt Nam là điều dễ hiểu. Tuy nhiên Trung Quốc không thể (hay chưa thể) dùng ảnh hưởng đó để chi phối hoàn toàn đời sống kinh tế Việt Nam và từ đó lung lạc các quyết sách chính trị. Ít nhất Việt Nam may mắn không lệ thuộc năng lượng vào Trung Quốc, như Ukraina đối với Nga.

Nhà máy bôxit Tân Rai: góp phần làm nhập siêu từ Trung Quốc tăng nhanh. Ảnh: nangluongvietnam.vn

Hành động vì lợi ích dân tộc và chủ quyền đất nước: kiện Trung Quốc ra toà theo cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) và đồng thời yêu cầu chính thức Trung Quốc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra phân xử tại toà án Công lý Quốc tế, là một hành động văn minh, thể hiện tinh thần thượng tôn công pháp quốc tế và hoà bình. Đó là một điều bình thường, một cách cư xử đúng đắn giữa các nước láng giềng với sự tôn trọng tối thiểu dành cho nhau.
Khi thực hiện công việc lành mạnh đó, Việt Nam có thể gặp phải các trả đũa về kinh tế của Trung Quốc. Các trả đũa này có thể gây các khó khăn cho người dân, cho sản xuất của Việt Nam, tuy nhiên về trung hạn và dài hạn, các trả đũa này nếu kéo dài sẽ là liều thuốc quý để Việt Nam giải quyết dứt điểm các vấn đề, các điểm yếu trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Các khó khăn sẽ là động lực, cơ hội để Việt Nam cải tổ cơ cấu, sản xuất, và tiêu dùng, và hướng đến các đối tác thương mại bền vững hơn, thậm chí đạt được một mối quan hệ kinh tế thương mại bình đẳng hơn với Trung Quốc. Chúng ta có thể làm điều này hiện giờ, khi các dự án FDI của Trung Quốc vào Việt Nam còn hạn chế, và mặc dầu con số thâm hụt mậu dịch khủng lồ đối với Trung Quốc, Việt Nam vẫn duy trì vị thế tương đối độc lập về kinh tế và năng lượng.
Dĩ nhiên, thời gian sẽ không đứng về phía người không hành động.


Lê Trung Tĩnh - Trần Bằng, chuyên viên nghiên cứu thuộc nhóm Biển Đông tại Pháp.



_________
Bài viết này có tham khảo các ý kiến trong và ngoài nước về việc kiện Trung Quốc ra một cơ quan trọng tài quốc tế; tài liệu của ban Quan hệ quốc tế VCCI; tài liệu của nhóm nghiên cứu Depocent và các báo trong nước.

Copy từ: Người Đô Thị 

...............

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét