CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Vì sao Mỹ-Trung vẫn đang tìm kiếm máy bay mất tích?

(Tin tức 24h) - Nhiều quốc gia cùng tham gia tìm kiếm máy bay mất tích nghi ngờ rằng, Trung Quốc đang tận dụng vụ việc để do thám họ.
Trung Quốc do thám
Báo Thanh Niên trích dẫn nguồn tin từ tờ Wall Street Journal (Mỹ) ngày 26/3 cho biết, Trung Quốc đang có vai trò là một trong những nước tham gia tìm kiếm máy bay MH370 mất tích, nhưng nhiều quốc gia cùng tham gia nghi ngờ rằng cường quốc châu Á này đang lợi dụng vụ việc để do thám họ.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Ấn Độ nói với Wall Street Journal vào tuần trước rằng, yêu cầu cho tàu vào vùng biển gần quần đảo Andaman thuộc Ấn Độ từ phía Trung Quốc đã bị từ chối vì lo ngại Bắc Kinh dùng chiến dịch tìm kiếm để do thám các căn cứ quân sự quan trọng tại đây.
“Họ có thể đang lợi dụng tình cảnh và cố tìm cách đi vào khu vực này. Chúng tôi có đủ các phương tiện hiện đại để tự tìm kiếm chiếc máy bay nếu nó rơi trong vùng biển của Ấn Độ”, vị quan chức giấu tên này cho hay.
Giáo sư Brahma Chellany, một trong những chuyên gia phân tích chiến lược quốc tế hàng đầu của Ấn Độ, đồng ý với lập luận nói trên, đồng thời nhận định rằng đó là ví dụ mới nhất cho thấy Trung Quốc đang dần trở nên mạnh tay hơn trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.
Một trực thăng cất cánh từ tàu đổ bộ Tĩnh Cương Sơn của Hải quân Trung Quốc để tìm kiếm máy bay MH370
Một trực thăng cất cánh từ tàu đổ bộ Tĩnh Cương Sơn của Hải quân Trung Quốc để tìm kiếm máy bay MH370
Wall Street Journal đã liên lạc với bộ ngoại giao Trung Quốc để yêu cầu bình luận về nhận định nói trên, nhưng đã không được hồi đáp.  
Việc Bắc Kinh hăng hái hỗ trợ cho cuộc tìm kiếm cũng xuất phát từ mong muốn nắm bắt cơ hội “tăng uy tín” với dư luận quốc tế, và quan trọng hơn là với người dân trong nước là đánh giá của ông Andrew Davies, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Úc.
Theo Wall Street Journal, ngoài máy bay, Trung Quốc đã gửi tàu chiến đến khu vực tìm kiếm và đã điều động 21 vệ tinh rà quét khu vực nghi máy bay rơi để lùng tìm mảnh vỡ.
“Chưa bao giờ Trung Quốc, gồm lực lượng hải quân hay tuần duyên, tiến hành một chiến dịch có quy mô lớn cỡ này. Tốc độ triển khai lực lượng của họ khá ấn tượng. Chúng ta đã quen với việc người Trung Quốc không thích mạo hiểm”, ông Gary Li, chuyên gia phân tích cấp cao thuộc hãng nghiên cứu hàng hải IHS Maritime (Mỹ), cho hay.
Được biết, trước khi vụ máy bay Malaysia mất tích diễn ra, chiến dịch lớn nhất mà hải quân Trung Quốc từng tiến hành trong vài năm đó là tham gia các hoạt động tuần tra chống hải tặc cùng các nước khác tại Vịnh Aden, theo ông Li.
Tuy nhiên, các hoạt động tuần tra nói trên chỉ đòi hỏi sự tham gia của 2 tàu chiến và 1 tàu hậu cần. Và chiến dịch tìm kiếm máy bay số hiệu MH370 có quy mô vượt xa các chiến dịch trước đây, theo chuyên gia Li.
Nhưng các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, thông qua việc điều động 2 máy bay vận tải quân sự Ilyushin Il-76, vốn không có khả năng chuyên biệt nào có ích cho cuộc tìm kiếm, Bắc Kinh cũng để lộ sự hạn chế trong sô trình diễn sức mạnh quân sự của mình.
“Một máy bay tuần tra biển hiện đại có tầm bay xa, với radar tối tân là thứ mà dường như họ đang thiếu”, chuyên gia Davies thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc nói.
Còn ông Li thuộc IHS Maritimes thì chỉ ra rằng Trung Quốc mới chỉ gửi một tàu hậu cần để hỗ trợ các tàu tham gia tìm kiếm máy bay MH370, đồng nghĩa với việc các tàu Trung Quốc sẽ sớm gặp khó khăn trong việc hoạt động xa nhà.
Giới quan sát còn nhận định thêm rằng Trung Quốc cũng để lộ một số hạn chế khi tham gia tìm kiếm máy bay MH370 tại Ấn Độ Dương.
Cụ thể, một máy bay vận tải Ilyushin Il-76 của Trung Quốc đã đáp nhầm xuống đường băng sân bay thành phố Perth (Úc) vào hôm 22/3, thay vì hạ cánh theo dự kiến xuống căn cứ không quân Pearce nằm cách đó 42 km về phía bắc.
Các chuyên gia nhận định vụ việc trên cho thấy không quân Trung Quốc không quen đi xa về phía nam đến như vậy để hoạt động cùng với lực lượng từ Úc, Nhật Bản, New Zealand và Mỹ, vốn là các nước quen với việc gửi quân đi xa.

Mỹ nghĩ sâu
Nếu Trung Quốc tham gia tìm kiếm máy bay mất tích vì mục đích do thám, thì mục đích của Mỹ trong vụ này dường như là sát sao tìm tung tích MH370 và xác minh thông tin vụ việc.
Một công ty luật Mỹ vào ngày 26/3 cho biết đã phát động một cuộc chiến pháp lý có giá trị "hàng triệu USD” chống lại hãng hàng không Malaysia Airlines và tập đoàn Boeing vì vụ máy bay MH370 mất tích.
Ribbeck Law Chartered International, hãng luật có trụ sở đặt tại thành phố Chicago (Mỹ), cho biết đã gửi đơn lên một tòa án bang Illinois vào hôm 25/3 nhằm tìm kiếm tài liệu liên quan đến lỗi thiết kế, hỏng hóc máy móc của chiếc Boeing 777 hoặc lỗi quy trình của Malaysia Airlines, khiến dẫn đến thảm họa máy bay mất tích.
“Chúng tôi cho rằng cả 2 bị đơn đều phải chịu trách nhiệm cho thảm họa máy bay MH370”, hãng luật Ribbeck Law Chartered International cho hay.
“Việc đưa tất cả các bên có trách nhiệm ra xét xử trước công lý là điều hết sức quan trọng đối với các nạn nhân mà chúng tôi đang đại diện”, theo thông báo của hãng luật Mỹ.
“Đơn kiến nghị được khám phá” mà Ribbeck Law Chartered International đệ trình lên tòa án vào hôm 25/3 nhằm mục đích tìm kiếm bằng chứng từ phía bị kiện và đây là thủ tục thường có trong các vụ kiện tụng.
Hãng luật này còn cho biết thêm rằng gia đình các hành khách “đã bắt đầu một thủ tục pháp lý trị giá hàng triệu USD”, nhưng không nói rõ khoản tiền đòi bồi thường là bao nhiêu.
Một mô hình máy bay Boeing 777 được trưng bày trong cuộc họp báo của đại diện hãng luật Mỹ Ribbeck Law Chartered International ở Kuala Lumpur
Một mô hình máy bay Boeing 777 được trưng bày trong cuộc họp báo của đại diện hãng luật Mỹ Ribbeck Law Chartered International ở Kuala Lumpur
Đơn kiện được đệ trình nhân danh ông Januari Siregar, “một luật sư mất con trai trong vụ rơi máy bay khủng khiếp này”, hãng luật Mỹ nói, nhưng cũng không cung cấp thêm thông tin gì khác về phía nguyên đơn.
“Chúng tôi phải tìm hiểu nguyên nhân gì khiến máy bay bị rơi và yêu cầu rằng những vấn đề phát sinh cho hãng hàng không Malaysia Airlines, cũng như cho thiết kế và cho quy trình sản xuất chiếc máy bay cần phải được giải quyết ngay lập tức để tránh xảy ra những thảm họa khác trong tương lai”, công ty luật Mỹ cho hay.
Không chỉ vậy, sau công bố của giới chức Malaysia về việc đã tìm thấy máy bay MH370 ở vùng biển phía nam Ấn Độ Dương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết, Mỹ không có những “kiểm chứng độc lập” về vụ tai nạn máy bay MH370 mà Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã tuyên bố dựa trên dữ liệu vệ tinh của công ty Inmarsat của Anh.
 Hiện, Mỹ đang liên lạc với cả phía Malaysia và công ty Inmarsat để tiếp cận dữ liệu nhằm tiến hành những phân tích riêng.
Bên cạnh đó, quân đội Mỹ cho biết đã gửi một thiết bị định vị hộp đen và một robot tìm kiếm dưới đáy biển tới Ấn Độ Dương để giúp tìm máy bay của Malaysia.
Mai Thùy


Copy từ: Đất Việt

.............

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét