CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

Từ vụ tước bằng của Thạc sỹ Đỗ Thị Thoan


Lê Tuấn Huy
Qua ảnh chụp một phần văn bản được cho là công văn của Ban Tuyên giáo Trung ương, được biết một hội đồng thẩm định đã thu hồi Luận văn Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa và “không công nhận học hàm (sic!) thạc sỹ của chị Đỗ Thị Thoan”. Dù độ xác thực của văn bản chưa được kiểm chứng, thông tin này được củng cố qua việc trang Bauxite Việt Nam cung cấp danh sách thành viên hai hội đồng liên quan đến luận văn được đề cập.
Căn cứ để Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội lập Hội đồng thẩm định, là Luật Giáo dục (2005) và Điều lệ trường Đại học (2010) – hai văn bản không quy định cụ thể cho việc đào tạo sau đại học. Trong khi đó, Quy chế Đào tạo Trình độ Thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 10/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định rõ tiến trình đào tạo cho học vị này, thì bị lờ đi. Ngay cả Luật Giáo dục Đại học (2012), sát sườn hơn một luật mà phạm vi là cả hệ thống giáo dục quốc dân, cũng không được nhắc đến. Có thể lý giải điều này như thế nào?
Việc không liên hệ đến Quy chế Đào tạo Trình độ Thạc sĩ thì dễ hiểu, bởi nó không cho phép viện dẫn để thực hiện cái gọi là “thẩm định”.
Còn không căn cứ vào Luật Giáo dục Đại học, dù nó cũng chỉ là những quy định chung, là bởi Điều 73 quy định rằng: “Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật”. Nếu chiếu theo đó, sẽ buộc phải “phục hoạt” và tuân thủ Quy chế Đào tạo Trình độ Thạc sĩ, do đấy chính là “quy định chi tiết” để thực hiện luật này của “cơ quan có thẩm quyền” trực tiếp.
Căn cứ vào Luật Giáo dục, bởi Điều 120 của nó viết rằng: “Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này”. Năm 2009, ra đời Luật Sửa đổi, Bổ sung một số Điều của Luật Giáo dục, và điều cuối cùng được sửa dừng lại ở Điều 110c. Như vậy, dùng cái luật không sát sườn này, người ta có thể vô hiệu hóa một cách “hợp pháp” những văn bản có hiệu lực của “cơ quan có thẩm quyền”. Và lấy Điều lệ trường Đại học đi kèm, ngoài việc tăng thêm số lượng văn bản căn cứ, cũng cho thấy ẩn ý cố tình vận dụng Điều 120, bởi nó được ban hành từ Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Bên cạnh việc “vận dụng” luật pháp như thế, đáng lưu ý từ thông tin của Đỗ Thị Thoan, tất cả chủ thể liên quan trực tiếp và không thể nào bỏ qua của Luận văn, từ người viết và người hướng dẫn, đến người phản biện và hội đồng chấm, đều tuyệt nhiên bị cách ly khỏi “quy trình” thẩm định.
Nếu sự việc quả như vậy, tự nó, đã ghi dấu một cột mốc đen tối và tạo một tiền đề u ám.
Để thấy nó hắc ám như thế nào, cần nhắc lại mặt thủ tục. Trước khi được ban hành trên phạm vi cả nước, quy trình đào tạo sau đại học đã được các trường xây dựng và vận hành, mà quy chế hiện hành chỉ là phản ánh và chính thức hóa những gì đã diễn ra. Theo đó, hội đồng chấm luận văn có quyền hạn cao nhất đối với luận văn được phân công chấm và đối với kết quả của nó. Do đặc thù của khoa học (đặc biệt là khoa học xã hội) và theo thông lệ quốc tế, một khi luận văn đã có kết quả, vấn đề tái thẩm không được đặt ra nếu không có lý do thuần túy khoa học, là đạo văn.
Nghiên cứu của Đỗ Thị Thoan không bị đặt vấn đề từ tiêu chí đó. Mà, theo luồng dư luận dọn đường, và đọc hai văn bản làm căn cứ pháp lý – vốn không có chỗ cho quy trình lẫn khái niệm “thẩm định” sau đại học – có thể thấy rằng, có lẽ cơ sở cho hành động ấy là ở Điều 20Điều 39 của văn bản đầu, cùng Điều 6.9 của văn bản sau.
Điều 20 viết: “(…) Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước (…)”. Điều 39 là: “(…) Mục tiêu của giáo dục đại học là đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân (…)”
Điều 6.9 thì: “Không để bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào lợi dụng danh nghĩa và cơ sở vật chất của nhà trường để tiến hành các hoạt động trái với các quy định của pháp luật và của Điều lệ này”.
Những điều chung chung như thế, trên thực tế, có thể dùng để suy diễn, quy chụp ở mức cao nhất đối với bất kỳ quan điểm độc lập hay phản biện nhỏ nhất nào.
Việc một trường đại học mà lại vận dụng luật pháp “tùy nghi”, bất chấp chuẩn mực hữu lý tối thiểu, đã thể hiện sự tan rã khoa học trong lòng sự tan rã xã hội, khi mà giới hữu trách khoa học cũng áp đặt luật rừng cho đồng môn: lấy sức mạnh làm chân lý, dùng công cụ kinh tế và hành chính để khóa miệng, bịt mắt, trói tay.
Việc thẩm định không minh bạch đối với Luận văn của Đỗ Thị Thoan thực chất là phiên tòa kín về chính trị, tuyên án tử đối với sinh mệnh khoa học của một người có tư duy độc lập. Phiên tòa ấy còn được nâng cấp hơn cả những phiên tòa tôn giáo thời Trung cổ, xử các nhà khoa học, mà ít ra còn để người bị xử hiện diện và cất tiếng.
Từ nay, bất cứ lúc nào, bất cứ chủ thể, công trình, trạng thái và hành vi khoa học nào cũng có thể bị “hồi tố” hay tước bỏ tức thời bằng những căn cứ ngoài khoa học, có phạm vi điều chỉnh mênh mông, bất tận, cả từ động cơ “công bộc” lẫn ý đồ tư riêng.
Bất chấp tính pháp lý và hợp lý của quy chế đào tạo, thử hỏi, có còn cần hay không một quy trình chặt chẽ (và tốn kém) từ việc trình đề cương, hướng dẫn, phản biện, đến hình thành hội đồng chấm, thu nhập nhận xét độc lập ngoài hội đồng, rồi họp hội đồng chấm luận văn?
Với một hội đồng có quyền hồi thẩm, vượt trên và có quyền phủ nhận kết quả của hội đồng chấm, có cả quyền cách ly hội đồng chấm và người viết luận văn, chẳng khác là mấy với hình thức phúc tra của giáo dục phổ thông, vậy để tiện cho cả người học, nhà trường và nhà nước, sao không tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp cao học, với đáp án có sẵn, giảng viên chuyên ngành nào cũng có thể chấm, và cũng dễ dàng phúc khảo khi cần?
Cần nói thêm, tùy theo loại hình, các trường đại học có hội đồng quản trị, hội đồng nhà trường, hội đồng khoa học, hội đồng tư vấn… Đó là loại hội đồng thường xuyên và định kỳ. Các hội đồng chấm luận văn và luận án là loại hội đồng bán thường xuyên và đơn kỳ. Hội đồng như vừa thực hiện với Luận văn của Đỗ Thị Thoan là loại hội đồng đặc biệt và đơn kỳ (hoặc đa kỳ, nếu muốn). Hai loại trước tồn tại theo thông lệ và có quy định pháp lý. Loại sau cùng, không có tiền lệ và không có quy định pháp lý, dù theo thông lệ, nó có thể tồn tại, nhưng duy nhất chỉ với lý do khoa học chứ không vì lý do chính trị.
Dẫu biết rằng khó mà có kết quả ngược lại khi nó đã được áp đặt bằng sức mạnh của cả hệ thống, những người có tư duy độc lập và công tâm – bao gồm cả ThS. Đỗ Thị Thoan, PGS, TS. Nguyễn Thị Bình, các vị thuộc Hội đồng chấm luận văn, các GS thâm niên và từng có cương vị tại Đại học Sư phạm Hà Nội – vẫn phải cất tiếng đấu tranh về khoa học và về mặt pháp lý – hành chính, vẫn phải tiến hành chất vấn hay kiến nghị chính thức, với văn phong và nội dung thích hợp.
Còn những người chủ trương và ủng hộ việc bất chấp tất cả để thủ tiêu cho được Luận văn của Đỗ Thị Thoan, tất nhiên, xem việc làm đó là hợp lý và hợp pháp, bởi đối với họ, cái tiên quyết để nhìn một vấn đề khoa học là tính chính trị, và là cái chính trị dưới nhãn quan “đặc thù” của họ chứ không phải dưới cái nhìn phổ quát. Nên, hãy để họ nhắc đi nhắc lại một chiều rằng không có gì tách khỏi chính trị, chính trị là thống soái, vốn là cái lập luận đã đẩy khoa học xã hội và nhân văn của các nước xã hội chủ nghĩa trước kia thành một thứ văn vẻ minh họa, góp phần lớn vào việc ru ngủ toàn bộ hệ thống, và ngủ sâu đến độ hôn mê, rồi chìm vào cái chết mà quên cả cú giãy có thể hồi tỉnh.
22-24/03/2014
© 2014 Lê Tuấn Huy & pro&contra

Copy từ: Phạm Thị Hoài


............

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét