VRNs(26.03.2014)
– Gia Lai – Xuống xe tại thị trấn Kiến Đức (tỉnh Đăk Nông) tôi nhìn
đồng hồ là 2h30 sáng. Ngã ba trung tâm thị trấn chỉ còn lại vài quán bán
ăn khuya bên vỉa hè dành cho khách vãng lai. Tôi chọn một quán vắng
khách hơn, ngồi ăn khuya và nghĩ cách tìm vào nhà thầy Định một cách an
toàn thuận lợi nhất. Qua video-clip trên mạng danlambao.com,
trong đầu tôi còn ghi lại địa chỉ 214 Nơ Trang Long – khối phố 4. Ở
giữa cái thị trấn mênh mông, khuya vắng, tôi không phán đoán được vị trí
nhà thầy Định ở hướng nào để tôi bắt đầu đi tìm, vả lại xe hon đa ôm
cũng không còn hoạt động.
Tôi biết,
những thông tin liên quan tới thầy Định là rất nhạy cảm ở những tụ điểm
trung tâm này, nên chỉ hỏi nhỏ cô chủ quán về tên con đường và khu phố
4. Sau khi trả lời, cô chủ quán còn hỏi lại tò mò muốn biết là tôi đi
tìm nhà ai giữa lúc đêm tối khuya. Vì cần kiểm chứng địa chỉ nên tôi trả
lời: “Nhà thầy giáo Định“. Đang rửa bát, nhưng cô vẫn quay lên nhìn tôi
như nhìn những người khách khác biệt gì và nói “Thầy Định à!”. Cô nói tiếp: ”Thầy
Định làm chính trị, chống đối nhà nước làm bô – xít nên bị công an bắt
xử tù. Nghe nói là vào tù công an đánh nhiều lắm nên bị bịnh nặng nên
nhà nước cho về nhà rồi và anh là gì của thầy Định?”. Tôi giả vờ
không nghe để khỏi bị trả lời những câu hỏi bất lợi giữa chốn tai mắt
của công an mật vụ và đúng lúc này bàn nhậu bên kia cũng bắt đầu im lặng
lắng nghe cuộc chuyện bên này.
Tôi tìm
cách thoát ra khỏi sự chú ý của mọi người vì ngại những trắc trở có thể
xảy đến cho tôi – người khách lạ độc hành giữa đêm khuya vắng. Tôi bước
đi nhưng trong lòng vẫn có chút niềm vui, vì có lẽ người dân ở nơi đây
vẫn còn những bậc phụ huynh học sinh xưng gọi thầy giáo Định bằng chữ
“Thầy“ bằng thái độ biết “tôn sư trọng đạo“.
Dưới ngọn
đèn cao áp, tôi cứ đi bộ chậm rãi mon men theo đường Nơ Trang Long để
chống lại cái lạnh rét, lần dò theo số nhà bên chẵn theo thứ tự tăng dần
và mong chờ trời sáng. Khoảng 4h, sự hoạt động của con người bắt đầu
trở cho ngày mới. Người tập thể dục đi bộ, kẻ đi chợ lấy hàng về bán lẻ
qua lại, lại qua, lòng tôi cũng giảm dần sự bất an vì bóng tối.
Cuối cùng
tôi đến trước cổng một căn nhà gỗ, có diện mạo giống như căn nhà tôi xem
trong video-clip, nhìn trông vào bên trong số nhà vẫn chưa thấy rõ vì
tầm nhìn trên 10m, nhưng tôi vẫn đoán chắc là nhà của thầy Định. Căn nhà
gỗ nhỏ, lụp xụp ở cuối con đường ngoài khu vực đông dân cư trông rất
thôn dã. Ngồi chờ đến 5h giờ sáng, tôi mới gọi cửa. Bé Thảo (con của
thầy) mới mở cửa để tôi vào nhà (vì đã được anh Trương Minh Đức báo
trước là sẽ có tôi lên thăm).
Đưa tôi
vào nhà, trong sự rón rén nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của
cô thầy và những người khác. Tôi vào thẳng bên trong chỗ thầy nằm. Căn
bệnh quái ác đã hành hạ thầy đau đớn, nên thầy không ngủ được nằm trăn
trở và rên rỉ suốt đêm.
Thăm Thầy Đinh Đăng Định (Ảnh: Hồng Trung)
Khi biết
tôi đến thăm, thầy cố gắng gượng ngồi dậy nhìn tôi chưa nói được gì thì
đã ra hiệu lấy bô cho thầy nôn mửa. Khoảng hơn một lít bệnh phẩm thầy ói
ra, tôi thấy hoàn toàn là nước dịch dạ dày và máu hãy còn đỏ tươi. Thầy
thốc ruột ói mửa từng cơn đau đớn. Thảo và cô Dinh ôm thầy mà khóc mà
khiến tôi cũng não ruột. Sau khi được bé Thảo làm vệ sinh thân thể, thầy
cầm tay tôi, nhìn tôi như muốn nói nhiều nhưng không nói được nhiều
ngoài mấy lời mà tôi nhớ như in những giọng nói trong sự nấc quản:
”….Cảm ơn anh em đến thăm, nhưng… nhưng…an ninh không tốt đâu, hãy cẩn
thận “… rồi thầy nằm xuống trở lại mà còn mang theo nỗi lo lắng an ninh
cho tôi khi đến thăm thầy.
Tôi ngồi
cạnh thầy, vừa xoa nắn tay thầy vừa quan sát bên trong căn nhà vừa ngẫm
nghĩ. Căn nhà gỗ lợp tôn, vừa nhỏ vừa thấp như thế này thì sức nóng từ
mái tôn tỏa nhiệt xuống thì làm sao thầy có thể nằm để an dưỡng bịnh.
Cũng may, là ai đó trong gia đình sáng kiến nghĩ ra cách giảm nhiệt bằng
những tấm xốp, cạc-tông chèn áp trên mái tôn. Gia tài, hiện vật trong
nhà cũng chẳng có gì đáng giá hơn là kệ sách trong phòng thầy nằm. Chiếc
ti vi, đời thượng cổ, chiếc xe máy hỏng hóc như cục sắt nằm choáng diện
tích cả một góc nhà cũng chẳng đáng giá là bao. Vì tất cả vật dụng
trong nhà đều cũ kỹ, nên cũng dễ dàng nhận ra chiếc tủ lạnh và chiếc
quạt còn mới tinh chưa tróc tem, tôi cũng đoán biết là anh em, người
thân hay ai đó đã hảo tâm quyên góp tặng thầy sử dụng những ngày còn lại
cuối cùng trong đời.
Dù thầy
không nói chuyện được gì nhiều, nhưng qua ánh mắt, biểu cử của thầy cùng
với tâm sự của cô Dinh và bé Thảo, tôi biết là thầy gia đình không hề
hối tiếc ân hận những gì thầy đã làm cho sự nghiệp đấu tranh dân chủ hóa
đất nước, nhất là đồng thanh lên tiếng phản đối chính sách chủ trương
cho Tàu khai thác Bô- xít Tây Nguyên; và bây giờ là bằng chứng thiệt hại
kinh tế, môi trường và đe dọa an ninh quốc gia trước hiểm họa xâm lược
Trung Quốc. Vợ và các con của thầy cũng đồng cảm với thầy mà không hề
than vãn trách móc mà chỉ thấy xót thương khi nhìn thấy bố bị cơn đau
hành hạ thể xác. Thầy chỉ mong sao, cuộc đấu tranh dân chủ sớm thành
công để thế hệ con em mai sau được sớm hưởng được chính sách an sinh xã
hội trong một nhà nước thật sự có nền dân chủ – tự do
Ra khỏi
cổng nhà, tôi nhìn lại căn nhà thầy và nhìn cả dãy nhà lân cận nơi cuối
phố để làm phép so sánh mà lòng miên man nhưng suy nghĩ đến cuộc sống
thanh bần của người nhà giáo đạo đức chân chính của thời xưa, và người
nhà giáo của ngành giáo dục hôm nay mà báo chí vẫn thường phê phán. Thầy
tuy nghèo nhưng thật giàu lòng nhân ái.
Khung cảnh nhà của Thầy Đinh Đăng Định. Tháng 3/2014 (Ảnh VRNs)
Viết từ Gia Lai (VN) ngày 24-3-2014
Ký sự của Hồng Trung (ĐVDVN)
Copy từ: Truyền Thông Chúa Cứu Thế
.............
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét