CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Tiền bạc thật không đổi tiến sĩ giả

Thiếu tiến sĩ, thừa trường đại học, dư sinh viên. Thiếu tiến sĩ thật, thừa trường kém chất lượng, dư sinh viên đang thất nghiệp phải đi làm công nhân để kiếm sống. Đó là thực trạng của giáo dục đại học Việt Nam.
Thực trạng đó là hậu quả của hệ thống quản lý giáo dục đại học trải qua nhiều thời kỳ. Cho nên, không còn cách nào khác là phải chấn chỉnh, đổi mới. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo đại học thì trước hết đội ngũ giảng dạy phải đạt chất lượng. Lấy gì để đo chất lượng của đội ngũ giảng viên, xin thưa rằng, trước tiên là bằng cấp, học vị, học hàm. Thế nhưng, tỉ lệ giảng viên là tiến sĩ trong các trường đại học, CĐ chỉ chiếm 10%.
Chỉ xét về số lượng cũng đã thiếu tiến sĩ trầm trọng. Chưa kể trong 10% ít ỏi đó, không biết có bao nhiêu phần trăm là tiến sĩ thật. Cái thước đo chất lượng tiến sĩ ở Việt Nam không chuẩn, xã hội hoài nghi trình độ của các ngài tiến sĩ, giáo sư hiện nay.
Biết là vậy, nhưng trong cái môi trường tao loạn bằng cấp đó, cũng cố mà gạn đục khơi trong dần dần. Để có đủ lực lượng cho công cuộc đổi mới đầy hăng hái sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chạy nước rút trong việc thực hiện kế hoạch đào tạo bổ sung 20.000 tiến sĩ cho đến năm 2020. Phải có đủ tiến sĩ mới phục vụ cho nhu cầu phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Dù còn băn khoăn, nhưng có lẽ dư luận ủng hộ cho kế hoạch đào tạo này.
Có điều, đào tạo tiến sĩ không phải là lò ấp trứng. Cứ bỏ trứng vào lò bao nhiêu cũng được, ấp đúng thời gian là nở ra gà con hay vịt con. Ngay cả ấp trứng mà không cẩn thận cũng bị thối, bị hỏng. Việt Nam nhiều tiến sĩ lắm, đến cơ quan nào cũng gặp tiến sĩ. Hà Nội từng nổi tiếng thế giới vì đưa ra mục tiêu đầy tham vọng, đến năm 2020, có 100% cán bộ do thành ủy quản đạt trình độ tiến sĩ. Thực ra cũng chẳng phải tham vọng, để có cái bằng tiến sĩ nộp cho thành ủy không khó khăn gì đối với quan chức. Tiến sĩ hay sau tiến sĩ cũng có tất. Vấn đề là chất lượng.
Dù rất xấu hổ, nhưng không thể không nhắc lại thông tin (đến nay vẫn còn "nóng") của Tổng Thư ký Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam Phạm Bích San tại hội nghị đóng góp ý kiến cho Luật Khoa học công nghệ sửa đổi cách đây hơn một năm: “Số lượng các bài báo công bố quốc tế của cả nước 90 triệu dân trong một năm chỉ bằng khoảng số lượng của một trường đại học ở Thái Lan. Vậy mà số giáo sư, tiến sĩ của chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á”.
Đó là mới so với một trường đại học của Thái Lan, nếu so với Anh, Mỹ chắc không biết như thế nào mà tính. Giấc mơ lọt vào “Top 200” đại học thế giới vẫn cứ là giấc mộng đẹp.
Thôi, hãy tỉnh mộng để đối diện với hiện thực. Muốn đào tạo bổ sung 20.000 tiến sĩ theo đề án, dự kiến sẽ bỏ ra 14.000 tỉ đồng. Hy vọng tiền bạc thật không đổi lấy tiến sĩ giả.

Copy từ: Lao Động

.............

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét