CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Đối phó với an ninh: khi bạn là nhà quản lý hay doanh nhân

Phan Châu Thành (Danlambao) - Loạt 4 bài “Vài kinh nghiệm khi làm việc với an ninh” của anh Nguyễn Trung Tôn rất giá trị và thiết thực đối với hầu hết chúng ta - những “công dân” bất đắc dĩ của VN XHCN hôm nay. Kết luận chung từ những bài viết giá trị của anh NTT là, khi làm việc với an ninh cộng sản chúng ta đừng hy vọng chút gì vào tính người, danh dự hay sĩ diện, lòng tự trọng hay tình đồng loại...và tính thượng tôn pháp luật của họ - những thứ đó với họ là xa xỉ phẩm, mà hãy hết sức cảnh giác! Hết sức cảnh giác như chúng ta đang làm việc với quỉ dữ đội lốt người vậy, vì đúng là như thế! Họ sẽ làm tất cả những gì phạm pháp và dơ bẩn, đen tối nhất để lừa dối chúng ta và mọi người, để qui tội và hãm hại chúng ta bằng “luật pháp” bẩn thỉu của họ.

Nhưng đó là từ khi họ đã chính thức xuất đầu lộ diện với ta, là từ khi họ đã tỏ ra quan tâm trực tiếp và công khai đối với chúng ta rồi. Nhưng còn trước đó, giai đoạn chuẩn bị cho sự quan tâm công khai trên, họ thường làm gì?

Từ thực tế công việc của mình, và quan sát nhiều trường hợp khác gần tương tự như vụ anh Trần Huỳnh Duy Thức, Ls. Lê Quốc Quân và một số cá nhân tiến bộ có tinh thần dân chủ khác, nói chung là những nhà quản lý kinh tế (trong cơ quan nhà nước hay nước ngoài) hay những doanh nhân (trong các công ty của chính mình như THDT, LQQ...) tôi xin bổ sung mấy kinh nghiệm sau về các “chiêu thức” của an ninh.

Vì bạn là nhà quản lý hay doanh nhân, họ sẽ tìm cách tiếp cận và cài bẫy bạn ngoài cách qua người thân và chỗ ở của bạn, còn trước hết qua cả cơ quan, doanh nghiệp của bạn.

Cách thứ nhất bao giờ họ cũng luôn làm và làm kỹ là họ nghiên cứu kỹ các thông tin, tài liệu công khai về cơ quan, công ty bạn, rồi họ tiếp cận các cơ quan quản lý kinh tế (thuế, thị trường, thanh tra kinh tế hay nghiệp vụ địa phương...) để tìm cách tiếp cận bạn gần hơn, hay tìm cách hạ ban qua việc hại đường làm ăn của công ty của bạn. Khi đó, rất thường xuyên họ “trở thành” các cán bộ thuế, các “thanh tra” này kia của phường quận đến làm việc với bạn và “giúp” bạn... Hãy cảnh giác! Nếu bạn không biết rõ các cán bộ thuế, thanh tra địa phương quản lý công ty mình là ai thì sẽ rất tai hại. Nếu bạn biết mà họ tự nhiên “thay người” là bạn có chỗ đặt dấu hỏi rồi. Vậy nên, hãy biết rõ mình làm việc với ai và kiểm tra khả năng họ là an ninh hay bị an ninh điều khiển, thật kỹ. Việc này không khó phát hiện nếu bạn đã cảnh giác và sau một hai lần nói chuyện chuyên môn. Tôi đã bắt mẽ vài “cán bộ thuế” và/hay “thanh tra” như thế, nhưng bí quyết là không để cho họ biết mình đã biết họ là ai. Hãy nhớ, họ có thể và luôn biến cả bộ máy “nhà nước” thành công cụ để nghiền nát bạn...

Cách thứ hai là họ sẽ làm tất cả để cài người vào đội hình thân cận của bạn để theo dõi và lấy thông tin về bạn hay công ty bạn. Nếu bạn là nhà quan lý cấp thấp, trung hay cao của công ty nước ngoài hay nhà nước thì họ sẽ ép phòng tổ chức phải “cử” người của họ vào vị trí thuận lợi nhất để theo dõi hay cài bẫy để hại bạn. Thường thì nếu bạn thấy cán bộ tổ chức tự động dẫn người “bổ sung tạm” cho bạn là có vấn đề rồi đó. Đặc điểm của công ty nhà nước hay liên doanh là không ai lo cho công việc của bạn cả, mà là ngược lại. Họ chỉ làm điều đó khi họ phải làm. Và khi bỗng dưng được nhận một “đồng đội” ngang xương như vậy, thường được giới thiệu ỡm ờ là “con ông cháu cha” (thực ra đó là con ma cháu quỷ), bạn đừng vội tin, hãy cảnh giác! Hãy kiểm tra bằng nhiều cách (chuyên môn, sự nhất quán thông tin, linh cảm...) và kết quả thế nào cũng đừng lộ ra, hãy tham gia cuộc chơi họ bày ra mà bạn phải luôn là người chủ động.

Cách thứ ba là an ninh sẽ cài người vào công ty riêng của bạn khi bạn tuyển người công khai qua báo chí, cho các vị trí nhậy cảm như trợ lý và thư ký giám đốc, kế toán thuế... (không sợ các vị trí quản lý cao hơn lắm vì họ... không có nhiều người giỏi!). Vì thế, bất cứ khi nào bạn tuyển người cho các vị trí nhậy cảm trên, hãy cảnh giác và kiểm tra thật kỹ. Trong trường hợp này, hãy kiểm tra kỹ hồ sơ xin việc của họ, vì họ ưa dùng hồ sơ giả (bằng giả, lý lịch giả...) nên các chi tiết họ nói về mình cũng không chính xác và nhất quán, rất dễ phát hiện. Và hãy nhớ là an ninh họ nhiều nhân viên - gián điệp như quân nguyên, nếu bạn loại được “cô bé” này của họ ra thì họ sẽ cử ngay “cậu bé” khác đến cho bạn phỏng vấn!

Tôi đã từng phải ôm đầu kêu lên: sao vẫn còn nhiều bạn trẻ làm an ninh - tức là bán linh hồn cho quỉ dữ thế! Đất nước này sẽ đi về đâu với nhan nhản đội ngũ an ninh chân tay của họ! Nhưng nghĩ cho cùng, họ cũng chỉ là nạn nhân của chế độ.

Còn vài chiêu bẩn khác an ninh VN hay dùng để theo dõi bạn mà chúng ta hay gặp trong các bộ phim hình sự rẻ tiền, như là họ ép quản lý và nhân viên khách sạn (cả k/s nhà nước, tư nhân và liên doanh) phải cho họ làm “dịch vụ phòng” (house keeping) của bạn suốt thòi gian bạn đi công tác xa và lưu trú ở khách sạn hay ăn uống ở nhà hàng nào đó trên đất VN này (Cù Huy Hà Vũ “bị” vụ 2 bao cao su theo cách tanh tưởi này). Họ cũng hay ép đại lý VN của các hãng lớn nước ngoài phải nhận “chiến sĩ an ninh” của họ vào đoàn đàm phán các dự án mới (còn bí mật) của bạn và đối tác để tìm cách diệt cả hai bên. Hoặc tầm thường như việc họ đe dọa và mua chuộc nhân viên của bạn làm đặc tình cho họ… Nói chung, an ninh cộng sản rất khoái chơi các trò theo dõi bằng gián điệp mọi lúc mọi nơi, vì họ luôn làm thế giữa “các đồng chí” họ với nhau, để hại nhau. Một điều đáng buồn là đa số “quần chúng” sẽ vẫn vô tư, nhiệt tình và thích thú giúp họ…

Tóm lại, trước khi an ninh cộng sản công khai “làm việc” với bạn, bạn nên biết họ đã áp dụng hầu như tất cả mọi kỹ năng tình báo chuyên nghiệp của họ với bạn từ lâu rồi. Cho nên, bạn phải vô cùng cảnh giác khi làm việc với an ninh, như anh Nguyễn Trung Tôn đã chia sẻ, mà cũng cần phải cảnh giác ngay từ trước đó rất nhiều, và mọi lúc mọi nơi, nhất là nếu bạn còn đang làm việc ở cơ quan nào đó hay trong chính doanh nghiệp tư nhân của mình.

Đó là từ kinh nghiệm của tôi.

Phan Châu Thành
danlambaovn.blogspot.com

________________________________

Loạt bài của Ms. Nguyễn Trung Tôn:

- Vài kinh nghiệm khi làm việc với an ninh (Phần 1)

- Vài kinh nghiệm khi làm việc với an ninh (Phần 2)

- Vài kinh nghiệm khi làm việc với an ninh (Phần 3)

 


Copy từ: Dân Làm Báo

..........

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét