Cập nhật: 12:09 GMT - thứ ba, 4 tháng 3, 2014
Tòa án Nhân dân TP Đà Nẵng
vừa tuyên án nhà báo Trương Duy Nhất 2 năm tù giam trong phiên xử
ngắn ngủi vào sáng thứ Ba ngày 4/3.
Sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội ra thông cáo nói: "Chúng tôi quan ngại sâu sắc bởi việc Toà án Việt Nam kết án Trương Duy Nhất."Tuyên bố này cho biết: "Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đã nêu vấn đề nhân quyền với chính phủ Việt Nam trong chuyến thăm đến Hà Nội ngày 4/3."
Tòa này đã xét xử ông Nhất về tội ‘Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức và công dân’ theo Điều 258 Bộ Luật hình sự.
Bằng chứng chống lại ông Nhất là 11 bài viết của ông Nhất và một bài của tác giả khác do ông Nhất đưa lên trang blog cá nhân của ông có tựa đề ‘Một góc nhìn khác’.
Tuy nhiên, luật sư của ông Nhất nói ông vẫn khẳng định mình ‘vô tội’ trước bản án.
Mức án nhẹ?
Theo cáo trạng tại tòa thì các bài viết trên blog của ông Trương Duy Nhất "đã làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền và làm mất uy tín cá nhân các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam".Mức án 2 năm này là mức thấp nhất trong khung hình phạt từ 2 đến 7 năm được quy định trong khoản 2, Điều 258 – tức là trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng – mà ông Nhất bị truy tố.
"Uy tín của lãnh đạo không phải được xây nên bằng những lời phê phán của người khác mà chính bằng hành động và lời nói và kết quả làm việc của các vị đó."
Luật sư Trần Vũ Hải
Nói với BBC sau khi kết thúc phiên tòa, ông Trần Vũ Hải, luật sư bào chữa của ông Nhất giải thích rằng Tòa đã cân nhắc những tình tiết giảm nhẹ như gia đình ông Nhất có công với cách mạng và đã từng viết những bài báo được Ban Tuyên giáo tuyên dương.
Ngoài ra, theo ông Hải, trước sự đấu tranh của luật sư thì Tòa đã bỏ cáo buộc ông Nhất ‘xâm phạm lợi ích của tổ chức và cá nhân’ và chỉ còn giữ cáo buộc ‘xâm phạm lợi ích của Nhà nước’.
“Uy tín của lãnh đạo không phải được xây nên bằng những lời phê phán của người khác mà chính bằng hành động và lời nói và kết quả làm việc của các vị đó,” ông Hải giải thích.
Còn việc ông Nhất ‘chấm điểm thủ tướng’ hay yêu cầu ‘tổng bí thư phải ra đi’ thì Luật sư Hải lập luận rằng ‘đó là quyền đương nhiên của nền dân chủ’.
“Quyền của nhân dân là giám sát, trong giám sát phải được nhận xét, trong nhận xét có nhận xét tốt và chưa tốt,” ông nói thêm.
Ông dẫn Hiến pháp năm 2014 rằng ‘Nhà nước Việt Nam của dân, do dân, vì dân’ để lập luận rằng ‘Nhà nước không có lợi ích là bảo vệ uy tín lãnh đạo Đảng và đường lối của Nhà nước’.
Luật sư Hải cũng phản bác cáo trạng cho rằng thân chủ ông ‘bôi nhọ’ các vị lãnh đạo.
“Nếu bôi nhọ thì người đầu tiên cảm nhận là các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước,” ông nói, “Chúng tôi đã gửi thư xin ý kiến các vị đấy là có cảm thấy bị xâm phạm quyền và lợi ích hay không và chúng tôi chưa thấy có câu trả lời.”
Theo nhìn nhận của Luật sư Hải thì bản án có thể là sự dung hòa sự ‘chỉ đạo ở đâu đó’ với ý kiến của công luận mà ông cho là ‘đã có những tác động nhất định’.
‘Sẽ kháng cáo’
Về phần Trương Duy Nhất, ông Hải cho rằng ông thừa nhận có viết 11 bài như cáo trạng nêu nhưng ông cho rằng ông không ‘xâm phạm quyền và lợi ích’ của tổ chức hay cá nhân nào cả mà chỉ ‘chỉ ra những khuyết điểm, sai lầm, những hiện tượng chưa đúng’ với hy vọng ‘lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ thấy ra, khắc phục, sửa chữa và rút kinh nghiệm’."Có những loại tù mà người ta cảm thấy ân hận hay xấu hổ, nhưng trường hợp của tôi thì tôi thấy tự hào."
Trương Duy Nhất nói trước Tòa
Trong lời cuối cùng trước khi Tòa tuyên án được ông Hải thuật lại, ông Nhất khẳng định ông ‘vô tội’.
“Với tư cách nhà báo tự do tôi góp phần cho không khí dân chủ ở Việt Nam, góp phần giúp các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thức được những vấn đề của đất nước, những suy nghĩ của người dân,” ông Nhất được dẫn lời nói.
“Có những loại tù mà người ta cảm thấy ân hận hay xấu hổ, nhưng trường hợp của tôi thì tôi thấy tự hào.”
“Chừng nào tôi chưa được tự do mà còn bị còn kết tội thì tôi còn đấu tranh cho đến khi được xóa bỏ tội danh.”
Copy từ: BBC
............
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét