Alan Phan
August 17, 2012
Lịch sử loài người trở thành một cuộc chạy đua giữa giáo dục và thảm hoạ (Human history becomes more and more a race between education and catastrophe – H.G. Wells)
Hôm nay một cuộc khảo sát trên tờ tạp chí khoa học Health Affairs xác nhận “giáo dục” là yếu tố quan trọng trong dự đoán số tuổi của con người. Một người xong đại học có tuổi thọ khoảng 10 năm lâu hơn là một người chỉ mới học xong trung học (kiểu ra chợ mua bằng cấp ở VN không tính).
Tôi thường nghĩ là người làm việc lao động linh hoạt hơn với cơ bắp và không phải bận rộn với suy tư, áp lực từ trí tuệ chắc phải sống lâu hơn. Nhưng tôi lầm và cuộc khảo sát này cho thấy tiềm năng của giáo dục cao hơn chúng ta nghĩ. Ai cũng biết là “giáo dục” thường gia tăng lợi tức của một nhân viên ở Mỹ khoảng $6,000 cho mỗi năm học trên cấp đại học. Theo cảm nhận cá nhân, tôi nghĩ giáo dục cũng sẽ đem lại cho mình một tâm linh sâu đậm hơn, một tinh thần mạnh mẽ hơn (vì con người thường sợ hãi những điều họ không biết). Thêm vào đó, tôi nghĩ một người học thức thường cư xử văn minh hơn với đồng loại.
Tóm lại trong 6 yếu tố (sức khỏe, trí tuệ, tâm linh, tinh thần, xã hội, tài chánh) mà tôi cho rằng quan trọng trong cuộc sống hạnh phúc, trí tuệ đóng góp một phần đáng kể. Cái đòi hỏi của bao tử và hormone rất cần thiết (một người đói dài sẽ bỏ quên mọi thứ khác); nhưng muốn cuộc đời thăng hoa đúng nghĩa, chúng ta cần trí tuệ.
Cho nên khi Mao Trạch Đông gọi “trí thức là đống phân” hay khi Pol Pot diệt chủng để đưa đồng loại về thời ăn lông ở lỗ (vì giáo dục làm hư con người) hay khi chủ thuyết “tam vô” của đảng Lao Động TQ (vô tổ quốc, vô gia đình, vô tôn giáo) được hô hào khắp năm châu, tôi đã nghĩ chắc mình sống nhầm thế kỷ. Mọi người thì đã phải im lặng ngao ngán vì quá sợ hãi trước cái ngạo mạn của bạo lực.
Tuy nhiên, trời sẽ lại sáng và giáo dục phải là vũ khí bén nhọn nhất của người yếu thế. Kiến thức trên đám mây của Google là ánh mặt trời đang soi sáng cho nhân loại. Tôi không tin vào một siêu nhân hay một anh hùng nào sẽ xuất hiện để thay đổi thời thế. Đây là việc làm của từng người, gieo rắc kiến thức, khoa học…mỗi ngày vào từng cá nhân một trong xã hội; bắt đầu với những người thân yêu và các bằng hữu.
Chúng ta sẽ nói KHÔNG với sự ngu xuẩn, dối trá và bất nhân. Đó cũng là lý do tại sao tôi cho việc tiếp cận với kiến thức Internet của các trẻ vừa lớn quan trọng hơn bất cứ chương trình nào của quốc gia này.
Với giáo dục, chúng ta khỏe mạnh hơn (không ăn nhậu bừa bãi và tự đầu độc), chúng ta sáng suốt hơn (không bị những lời hoa mỹ bịp), thương người khác nhiều hơn (vì chúng ta biết so sánh chính mình với thế giới) và gần với Thượng Đế hơn (khi biết đọc và tìm hiểu thêm về văn hóa nghệ thuật). Quên, chúng ta cũng giàu hơn (nếu không vào lúc này thì sẽ có một ngày). Trên hết, một người có “giáo dục” là một con người tự do đúng nghĩa.
Hãy suy nghĩ thêm về lời của Claiborne Pell,” Sức mạnh của Hoa Kỳ không phải là những thỏi vàng ở Fort Knox hay các vũ khí tiêu diệt tập thể mà là tổng số của giáo dục cộng với nhân cách của người dân (The strength of the United States is not the gold at Fort Knox or the weapons of mass destruction, but the sum total of the education and the character of our people).
Alan Phan
Copy từ: Góc Nhìn Alan
.............
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét