Gần đây, lại có thêm những vụ học trò đánh nhau gây nhức nhối. Nhà trường đã làm gì trước nạn bạo lực học đường?
Hiện tượng bạo lực học đường lại
bùng phát khi hàng loạt vụ đánh nhau liên tục xảy ra ngay trong lớp học,
cổng trường. Đầy rẫy hình ảnh, đoạn băng về những vụ việc này được tung
lên trên các trang mạng xã hội gây nhức nhối dư luận.
Đủ kiểu đánh nhau
Ngày nào chúng ta cũng dễ dàng nghe thấy
những tin tức về bạo lực, đánh nhau: Chồng đánh vợ vì nợ nần, hàng xóm
đánh nhau chỉ vì mấy quả bưởi, người giữ trẻ đánh các cháu để cho ăn,
thầy giáo đánh học trò, học trò đánh thầy giáo, bạn bè cùng lớp yêu nhau
rồi đánh nhau... “Sao ngày nay người ta dễ dàng đánh nhau như vậy?” là
câu hỏi mà nhiều người đặt ra.
Hàng loạt vụ bạo lực học đường xảy ra gần đây được tung lên mạng.
Một số lý giải đã được nêu, như: Trong
bối cảnh kinh tế khó khăn, việc thỏa mãn các nhu cầu cuộc sống có một
giới hạn nhất định, từ đó con người ta trở nên bức bối, dễ bùng nổ, dễ
đánh nhau. Trẻ con thiếu hoạt động vui chơi nên dễ xả năng lượng bằng
“uýnh lộn”. Người lớn uống bia rượu vào dẫn đến mất kiểm soát nên “nói
chuyện” với nhau bằng tay chân… Bên cạnh đó, do luật pháp, nội quy,
chuẩn mực đạo đức - văn hóa không đủ mạnh để bảo vệ con người nên người
ta cho rằng đánh nhau cũng là một cách tự vệ.
Chuyện học trò đánh nhau cũng dần trở nên
quen thuộc giữa chốn học đường. Bé N.L.C, học sinh lớp 4, đi học về kể
với mẹ : “Hôm nay, lớp con suýt có một trận đánh nhau với khối lớp 3,
may nhờ có thầy con xử lý kịp”. Nguyên do, một nam sinh lớp 4 đem đồ
chơi xuống “hùn” cùng với lớp 3. Sau giờ ra chơi, một em lớp 3 phát hiện
mình bị mất một món đồ bèn lên lớp 4 để đòi lại và được trả một món
không phải thứ đã mất. Khi quay về, em lớp 3 rủ thêm mấy bạn to con lên
để đánh nhau với lớp 4…
Lớp nhỏ đánh nhau kiểu lớp nhỏ, lớp lớn
đánh kiểu lớp lớn. Nhà trường đã làm gì để học trò bớt đánh nhau? Một
giáo viên có thâm niên gần 10 năm làm chủ nhiệm lớp cho biết khi học
sinh đánh nhau, nhiều bậc cha mẹ cho rằng việc gặp gỡ thầy cô và nhà
trường để trao đổi nhằm giáo dục trẻ tốt hơn lại là một sự phiền phức
đối với họ. Cho nên, chẳng đặng đừng mới mời phụ huynh, còn hầu hết thầy
cô tự “dàn xếp” với học trò.
Chỉ giải quyết phần ngọn
Quy trình xử lý của các thầy cô ở trường
THCS khi học sinh đánh nhau thường là tách 2 đối tượng ra, làm “công tác
tư tưởng” với từng em. Với học sinh đánh bạn, thầy cô truy hỏi lý do
tại sao. Câu trả lời thường là: bạn chảnh, bạn ỷ giàu, bạn nợ tiền, bạn
chọc quê và nhiều khi đơn giản là... thấy ghét!
Giáo viên sẽ hỏi tiếp: “Nếu gặp trường
hợp bị bạn khác “thấy ghét” và đánh như vậy, em sẽ như thế nào?” rồi để
học sinh suy nghĩ. Với học sinh bị bạn đánh, thầy cô cũng thường hỏi
nguyên do, giờ nên giải quyết thế nào... và để cho các em suy nghĩ.
Sau đó, giáo viên yêu cầu cả hai viết lại
suy nghĩ của mình (không phải tự kiểm điểm) và xử lý nhẹ nhàng nhất có
thể với từng trường hợp. Giải pháp cuối cùng mới là mời phụ huynh. Như
vậy, nhà trường chủ yếu áp dụng biện pháp hòa giải và giáo dục.
Phần lớn giáo viên khẳng định học sinh
tiếp xúc mỗi ngày với thầy cô nhiều nhất, những hành xử của thầy cô sẽ
ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ. Cho nên, những tác động của thầy cô thường
có hiệu quả hơn. Không phải chỉ ở lời nói, khi có bạo lực, nếu giáo viên
chỉ đe dọa, mắng mỏ thì không có giá trị xử lý, chỉ làm hằn sâu thêm
thói quen bạo lực cho trẻ.
Mặt khác, chỉ một phía giáo viên thôi
cũng là chưa đủ vì việc hòa giải học sinh mới giải quyết phần ngọn của
chuyện đánh nhau. Để giải quyết phần gốc, cần nhiều giải pháp. Trong đó,
phải tạo môi trường giáo dục thực sự thân thiện, có sự phối hợp giáo
dục từ phía gia đình và nhà trường, sự mẫu mực trong hành vi của người
lớn…
Bà Lâm Minh Trang - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Quận Gò Vấp, TP HCM:
Cần định hướng cho trẻ
Phụ
huynh cần phải phối hợp triệt để và tích cực với nhà trường trong việc
xây dựng cái gốc cho con. Trong đó, cần giáo dục định hướng cho trẻ lựa
chọn khuynh hướng hành vi không bạo lực trong việc giải quyết các vấn
đề; cùng với nhà trường phân tích đúng sai, từ đó giúp trẻ tự mình nhìn
ra cái đúng - sai khi có sự cố xảy ra.
Phụ
huynh phải cư xử nhẹ nhàng với trẻ từ lời ăn tiếng nói, hành vi ứng xử
mỗi ngày; không dạy trẻ tính hơn thua, không làm quá, dù là chuyện lớn
hay nhỏ. Hằng ngày, cha mẹ nên trò chuyện nhiều với con, hỏi thăm những
mối quan hệ của con ở trường để kịp thời chia sẻ và có lời khuyên bổ
ích.
TS Đinh Phương Duy - Phó hiệu trưởng Trường Cán Bộ TP HCM, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục TPHCM:
Dạy học sinh kỹ năng xử lý mâu thuẫn
Phụ
huynh cần thường xuyên trao đổi, giúp con nhận thức rõ quan điểm: Không
tham gia chuyện đánh nhau, né tránh những nhóm tiêu cực, như ông bà
từng dạy “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Ngoài ra, cần tập cho trẻ tính
kiềm chế trong các mối quan hệ, nhất là quan hệ với nhóm bạn, trang bị
kỹ năng xử lý mâu thuẫn với bạn bè. Ngoài ra, bố mẹ, anh chị em không
gây gổ, đánh nhau trong gia đình. Trẻ không xem phim ảnh bạo lực. Gia đình dạy con biết cách tự vệ, ứng phó, chống đỡ, thoát nguy…
L.Linh ghi
|
Theo TS Lê Thị Linh Trang
Người Lao ĐộngCopy từ: Dân Trí
............
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét