(NLĐO) – Máy bay ném bom B-52 của Mỹ được điều tới Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận chung Foal Eagle (Đại bàng non), cho thấy liên minh Mỹ - Hàn vững chắc trước các mối đe dọa từ Triều Tiên.
“Sứ mệnh này nhấn mạnh
khả năng răn đe và năng lực của siêu pháo đài bay B-52 khi tham gia vào
các cuộc tập trận như Foal Eagle” – người phát ngôn Nhà Trắng George
Little phát biểu trước báo giới hôm 18-3.
Trong chuyến công du Seoul, Thứ trưởng Quốc phòng
Mỹ Ashton Carter cũng nói rằng các máy bay ném bom B-52 được điều động
tham gia tập trận chung với Hàn Quốc. Đây được xem là động thái bất
thường khi một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc công bố cụ thể về vũ
khí tham gia một cuộc tập trận.
Một chiếc máy bay B-52 trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở Seoul – Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP
Trước đó, ngày 8-3, một chiếc B-52 được điều động
xuất kích từ căn cứ không quân Andersen tại Guam và bay về phía Hàn
Quốc. Theo nhận định của ông George Little, “chuyến bay chứng minh khả
năng sẵn có của Mỹ trong việc bảo vệ Hàn Quốc”.
Mặc dù hiện Washington phải đối mặt với nhiều thách
thức như hạn chế tài chính, song cơ hội diễn tập quân sự để bảo đảm bảo
cho quân đội hai bên trong tư thế sẵn sàng trước bất kỳ cuộc tấn công
nào là không thể thiếu, ông George Little nói thêm.
Cuộc tập trận Foal Eagle diễn ra hằng năm, năm nay bắt đầu từ ngày 1-3 và sẽ kéo dài 2 tháng. Cùng thời gian này, quân đội Mỹ - Hàn cũng đang tổ chức một cuộc tập trận chung khác có tên gọi Key Resolve (Giải pháp Then chốt).
Trong một diễn biến khác, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 18-3 cho rằng các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng, cũng như những lời đe doạ mới đây về một vụ tấn công hạt nhân, tên lửa nhắm các đảo biên giới của Hàn Quốc sẽ không khiến Mỹ và các đồng minh nhân nhượng.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo Mỹ và
yêu cầu nước này hành động thận trọng trong việc tăng cường hệ thống
phòng thủ tên lửa nhằm vào Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao
Trung Quốc Hồng Lỗi lo ngại diễn biến hiện nay “sẽ làm tăng thêm sự đối
đầu, không có lợi trong việc tìm giải pháp giải quyết”.
H.Bình (Theo Yonhap, VOA)
Copy từ: Người Lao Động
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét