Sài Gòn, ngày 9/2/2013 (chiều 29 Tết).
Kính gửi: Ông Dương Trung Quốc -Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, hiện là Đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.
Địa chỉ: 27 Hàng Đường – Hà Nội.
Tên tôi là: Đỗ Nam Hải, sinh năm 1959 tại Hà Nội.
Nghề nghiệp: Kỹ sư kinh tế ngân hàng.
Địa chỉ: 441 Nguyễn Kiệm, P. 9, Q. Phú Nhuận, Sài Gòn.
Trong bài báo Cuốn sách nhỏ về một người vĩ đại, đăng trên tờ Tuổi Trẻ, ngày 4/2/2013 vừa qua, ông có viết rằng: cuốn sách nhỏ Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của tác giả Trần Dân Tiên đã là một cú hích
hướng ông vào nghề sử học. Đọc xong bài báo, tôi hiểu là ông đã nghĩ
(hoặc ít ra là muốn hướng độc giả nghĩ như vậy), rằng Hồ Chủ tịch và
Trần Dân Tiên là 2 người khác nhau. Thế nhưng, có những ý kiến khác lại
cho rằng: 2 ông trên thực ra chỉ là 1 người, và người đó chính là Chủ
tịch Hồ Chí Minh!
Một vấn đề khác mà tôi cũng muốn đề cập là: trong tất cả các phương tiện
thông tin đại chúng cũng như các sách giáo khoa xuất bản ở Việt Nam hơn
nửa thế kỷ qua đều khẳng định rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh và tác giả tập
thơ Nhật Ký Trong Tù là 1 người. Thế nhưng, có những ý kiến khác lại
cho rằng đó là 2 người khác hẳn nhau: một người Việt Nam và một người
Trung Hoa! Như vậy là rất khó hiểu cho người đọc: vấn đề trước tưởng là 2
mà biến thành 1, còn vấn đề sau ngỡ là 1 lại hóa thành 2!
Năm 2001, khi đang sinh sống tại Australia, tôi có bài báo Viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, và năm 2008 khi đã về Việt Nam, tôi có viết bài Một vài suy nghĩ sau khi đọc lại tập thơ Nhật Ký Trong Tù. Trong đó có đề cập đến hai vấn đề khó hiểu trên, nay xin gửi đến ông đọc tham khảo.
Tôi không phải là nhà sử học, hơn nữa việc đi lại để tìm hiểu cặn kẽ
những vấn đề trên đối với tôi hiện gặp rất nhiều khó khăn. Bởi lẽ, công
an Việt Nam (PA 21 – Công an Tp. Hồ Chí Minh) luôn bám sát tôi như hình
với bóng trong suốt hơn 8 năm qua (từ tháng 8/2004 đến nay), kể cả trong
những ngày xuân này.
Vì vậy, tôi viết bức Thư ngỏ này gửi đến ông, một người có lợi thế
nghiên cứu sử học và được quyền đi lại tự do hơn hẳn tôi, hãy giúp tôi
và nhiều người khác hiểu rõ 2 vấn đề trên. Rất mong nhận được sự quan
tâm của ông. Nhân dịp năm mới 2013, xin kính chúc ông và gia đình luôn
được mạnh khỏe và an lành. Trân trọng kính chào!
Đỗ Nam Hải
__________________
Phụ lục:
1) Cuốn sách nhỏ về một người vĩ đại
TT - Chuyên mục “Quyển sách thay đổi cuộc đời” kỳ này giới thiệu bài viết của nhà sử học Dương Trung Quốc.
Dương Trung Quốc
- Tôi có một lý lịch nghề nghiệp rất đơn giản: sinh ra, lớn lên, đi
học, thi học sinh giỏi môn sử phổ thông rồi tốt nghiệp khoa sử Đại học
Tổng hợp Hà Nội, về Viện Sử học công tác cho đến khi về hưu vẫn tiếp tục
hoạt động trong một hội nghề nghiệp của giới sử học và làm một tờ báo
của Hội Sử. Có hơn một thập kỷ làm đại biểu Quốc hội thì ngẫm kỹ điều
mình thể hiện trên diễn trường ấy cũng luôn là những vấn đề có liên quan
đến lịch sử, lấy chuyện xưa vận vào chuyện nay, tựa như người nhắc vở
vậy.
Với người làm nghề sử thì việc đọc sách là chuyện đương nhiên, như nông
dân cày cấy, thợ may cắt vải nên khó chọn được một cuốn sách nào lại đủ
sức “làm thay đổi cuộc đời” của mình. Nhưng ngẫm nghĩ kỹ có thể nhắc tới
một cuốn sách dường như nó đã “bẻ ghi” khiến đời mình nghiêng về cái
ngả đường mà đến thời điểm đã U-70 rồi thì có thể nói được rằng sẽ theo
nghiệp nghề ấy đến lúc xuống... mồ.
Cú hích vào nghề
Tôi đến với nghề sử rất ngẫu nhiên, không hề có một hứng thú hay năng
khiếu gì đặc biệt đối với cái môn dễ là khổ sai trí nhớ ấy. Đến lớp 10
niên khóa 1963-1964, Hà Nội tổ chức thi học sinh giỏi môn lịch sử. Chẳng
biết vì sao cô giáo dạy sử lại chọn tôi với câu động viên: “Cô thấy em đi thi được đấy!”. Có lẽ vì nể trọng cô giáo mà tôi nhận lời.
Chuẩn bị cho cuộc thi, cô giáo hướng dẫn: ngoài sách giáo khoa, nên tìm
đến một người nào đó am hiểu lĩnh vực này để hỏi han thêm. Lớp tôi có
một anh bạn có bố làm ở Viện Sử học. Tôi đến xin được ông chỉ giáo. Ông
đưa cho tôi mấy số tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử bảo mang về nhà đọc thử
một vài bài, rồi hẹn gặp lại để ông hướng dẫn. Trước lúc về tôi thấy
trên bàn của ông có một cuốn sách không dày. Tôi vừa động tay vào thì
nhà sử học đầu tiên mà tôi được gặp trong đời bảo: “Cuốn ấy không phải là sử đâu cháu ơi. À, nhưng đọc được lắm...”.
Đó là cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, tác giả Trần Dân Tiên.
Về nhà, đọc các bài tạp chí thấy dài lằng nhằng càng đọc càng khó hiểu
nên tôi chuyển sang cuốn sách và đọc một mạch từ trang đầu đến trang
cuối. Hồi đó Bác Hồ còn sống, một đôi lần tôi được gặp, sách vở viết về
Bác chưa nhiều như bây giờ nhưng hình tượng của con người còn sống ấy đã
là thiêng liêng lắm. Cuốn sách ấy không thể nói là đã “làm thay đổi
cuộc đời tôi”, song đã tạo một cái hích nhẹ và hướng tôi bước vào ngả
đường nghề nghiệp mà vào thời điểm đó tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Cuốn
sách “không phải là sử” ấy thật sự gây ấn tượng với tôi.
Cuốn Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch
chắc nhiều người đã đọc vì từ khi được xuất bản lần đầu vào cuối thập
kỷ 1940 đến nay đã qua gần bảy thập kỷ, đã được nhiều nhà xuất bản tái
bản rất nhiều lần. Thông qua lời kể của một nhà báo có bút danh Trần Dân Tiên, người đã được gặp
Chủ tịch Hồ Chí Minh vào những ngày đầu nước nhà độc lập (1945), cuộc
đời của nhà cách mạng và là người đứng đầu nhà nước Việt Nam độc lập
được kể lại qua “những mẩu chuyện” như tên gọi của sách. Mục đích sách
ra đời vào thời điểm đó dường như chỉ để trả lời câu hỏi “Hồ Chí Minh là
ai?”, kể cả với những người nước ngoài.
Sau này, khi đã thâm niên trong nghề nghiệp, tôi có nhiều cơ hội đọc và
gặp nhiều người nước ngoài, có người thuần túy là nhà nghiên cứu, có
người là nhân chứng lịch sử, cũng có người là cả hai. Tôi đã nghe và đọc
được rất nhiều cách tiếp cận, cách đánh giá khác nhau về cuốn sách này
và nhân vật của sách...
Đam mê tìm kiếm sự thật
Hồi Liên Xô “mới đổ”, tôi là một trong những người Việt Nam sớm “mò đến”
Lưu trữ cũ của Quốc tế Cộng sản ở thủ đô nước Nga để khai thác tài liệu
về Hồ Chí Minh. Tôi được biết cách đó không lâu có một phụ nữ quốc tịch
Mỹ cũng đã đến đây và cũng có mối quan tâm đến nhân vật lịch sử này.
Rồi các đồng nghiệp Nga cho biết người phụ nữ ấy đã “lần mò” đến tận
Leningrad để tìm kiếm những chi tiết liên quan đến cuộc đời của Hồ Chí
Minh trong thời gian ở Liên Xô (cũ). Người phụ nữ ấy tên Sophie Quinn Judge.
Bẵng đi một thời gian tôi gặp bà ở Aix en Provence, nơi có một trung tâm
lưu trữ quan trọng của Bộ Thuộc địa Pháp, ở đó có nhiều tư liệu liên
quan đến Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Nhưng nếu người ta chỉ quan tâm
đến học thuyết hay sự nghiệp chính trị của Hồ Chí Minh thì bà lại muốn
tìm hiểu đời sống riêng tư, một phần không thể thiếu được nếu muốn tiếp
cận một chính khách cũng như một nghệ sĩ. Theo bà, thật đáng tiếc chưa
mấy ai quan tâm đến điều đó vì thế bà sẽ cố gắng lấp chỗ trống này.
Hồi đó bà mới chỉ đưa ra nhận xét bước đầu là càng nghiên cứu càng thấy
nhân vật này có nhiều điều hấp dẫn. Vài năm sau Sophie Quinn Judge cho
xuất bản ở Singapore một luận văn nghiên cứu về Hồ Chí Minh trong quãng
thời gian ở châu Âu 1919-1940. Bà có gặp để trao đổi và gửi bản thảo cho
tôi đọc trước. Cuốn sách của bà có thể có sự đánh giá khác nhau từ
những người có quan niệm khác nhau, nhưng giữa những dòng chữ có thể
thấy được thiện chí của một người muốn thỏa mãn đi tìm sự thật, công
việc của một người làm sử.
Nhân dịp 110 năm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, có một nhóm làm phim
đến phỏng vấn Sophie, bà vẫn nhắc lại cái điều bà từng nói với tôi khi
mới bắt tay vào viết sách: “Lúc đầu tôi đã nghĩ rằng Hồ Chí Minh
không tuyệt vời và thú vị như hình ảnh mọi người vẫn tuyên truyền, nhưng
hóa ra ông ấy thật sự thú vị... Con người thật của Hồ Chí Minh rất thú
vị”.
Cuốn sách nhỏ mà tôi nhắc đến trong bài viết này thật sự đã “dẫn tôi vào
đời” nghề nghiệp để hướng tới cái khao khát muốn tìm ra những gương mặt
thật đã tạo nên một lịch sử thật. Thỏa mãn cái khao khát ấy thật là
khó, có khi cả đời nghề chưa làm được là bao nhưng lại vô cùng hấp dẫn.
Nghiệm lại đời mình thấy cái làm được trong nghề không nhiều nhưng niềm
say mê khiến mình đã theo nghiệp nghề này trọn đời lại làm mình thỏa
mãn.
Xuân 2013
*
2) Viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phương Nam – Australia, tháng 7/2001.
Bao nhiêu sao sáng bấy nhiêu anh hùng vì dân mà Bác Hồ ngôi sao sáng
soi vô ngần. Cuộc đời của Bác sáng ngời gương người cộng sản, nguyện làm
theo lời Bác dạy khuyên. Quê hương yêu dấu Bắc - Nam chung một dòng
máu, đoàn kết bên nhau đàn cháu ngoan của Bác Hồ. Vì ngày mai bao tươi
sáng, nhớ lời thề đinh ninh. Nguyện xứng cháu của Bác Hồ Chí Minh.
Có thể nói rằng ở Việt Nam không ai lại không biết đến CT Hồ Chí Minh.
Các thế hệ thanh, thiếu niên, nhi đồng lại càng được giáo dục kỹ lưỡng
về ông. Những bài hát như trên là xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi, dù ông
mất đã hơn 30 năm nay. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong
sách giáo khoa các cấp cũng luôn nói tới ông từ chuyện lớn đến chuyện
nhỏ. Tất cả đều nhằm mục đích làm cho mọi người hiểu rằng: không bao giờ
được quên công lao to lớn của ông đối với dân tộc và kêu gọi tất cả hãy
"Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh
vĩ đại."
Tài Liệu Giáo Dục Công Dân lớp 7, Nhà Xuất Bản Giáo Dục năm 1997, trang
53 có một bài đọc thêm nhan đề: Tinh Hoa Của Dân Tộc Việt Nam Góp Phần
Vào Tinh Hoa Thế Giới, nội dung khẳng định một sự kiện là: Vào năm 1990,
nhân dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Hồ Chủ Tịch, Tổ Chức Giáo
Dục, Khoa Học Và Văn Hóa của Liên Hiệp Quốc, tức UNESCO (United Nations
Educational, Scientific and Cultural Organization), đã ra một nghị quyết
công nhận ông là danh nhân văn hóa thế giới. Trong đó có đoạn: “ ...
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hiện tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả
một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng cho
nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì
hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ.” (trích nghị quyết UNESCO, sách đã dẫn.)
Trong bài Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Danh Nhân Văn Hóa Của Nhân Loại, bộ
trưởng ngoại giao Nguyễn Dy Niên, nguyên chủ tịch ủy ban UNESCO Việt Nam
, viết vào tháng 5 năm 2000 vừa qua cũng tiếp tục khẳng định như vậy.
(Xem: Danh Nhân Văn Hóa - Nguyễn Dy Niên).
Dù có ý đọc kỹ nhưng tôi không thấy cả hai bài viết trên ghi cụ thể đấy
là nghị quyết số mấy? Ký ngày nào và ai đã ký nó? Như thông thường đối
với việc trích dẫn một nghị quyết quan trọng như thế. Tuy nhiên ở nước
ngoài, vì có điều kiện được tiếp cận với những nguồn tài liệu khác thì
tôi lại thấy những bài viết quả quyết rằng: không hề có một nghị quyết
nào như vậy cả. Ðiều đó có nghĩa là CT Hồ Chí Minh chưa bao giờ được
UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới, mà ông mới chỉ có tên
trong danh sách được đề cử, rồi dừng lại ở đó thôi.
Nhận thấy đây là một vấn đề lớn cần làm rõ, vì dù ai có chấp nhận hay
không thì trong thực tế ông cũng đã là nhân vật lịch sử của Việt Nam
trong thế kỷ thứ 20 vừa qua. Còn cái lịch sử ấy đã và sẽ tiếp tục diễn
ra như thế nào? Tốt hay xấu? v.v… thì đó không phải là mục đích chính mà
tôi muốn đề cập đến trong bài viết này.
Ngoài ra còn là vấn đề bức xúc hơn, nó liên quan đến sự nghiệp trồng
người của dân tộc: những học sinh lớp 7 kia rồi sẽ lớn lên, và với thời
đại bùng nổ thông tin như ngày nay thì việc các em được tiếp cận với
những nguồn tài liệu khác là rất dễ dàng. Khi ấy liệu các em còn biết
tin vào đâu? Nguồn nào đúng, còn nguồn nào sai? Nếu chúng tự phát hiện
ra sự thật lại ngược hẳn với những gì đã được dạy dỗ từ nhỏ đến lớn thì
sao? Từ đó rất có thể chúng sẽ oán trách các thế hệ cha anh đã lừa dối
chúng, rồi cứ theo cái vết mòn ấy, biết đâu chúng lại đi lừa dối tiếp
những thế hệ sau thì hậu quả sẽ tai hại biết nhường nào? Cả một dân tộc
cứ đi lừa dối lẫn nhau mãi như vậy thì dân tộc ấy sẽ đi về đâu? v.v…
Chính vì những lý do trên mà ở phần dưới đây, tôi xin được nêu ra một số
câu hỏi liên quan đến thân thế và sự nghiệp của CT Hồ Chí Minh mà đến
nay vẫn chưa được làm rõ. Tôi rất mong các nhà nghiên cứu ở cả trong và
ngoài nước, vốn quan tâm đến lịch sử Việt Nam hiện đại, nhất là đến thế
hệ trẻ Việt Nam tương lai hãy giải đáp giúp. Tôi nghĩ rằng đây không chỉ
đơn thuần là mối quan tâm của riêng tôi - một độc giả, mà còn là của
hàng chục triệu phụ huynh học sinh đang có con cháu mình đi học ở Việt
Nam . Những câu hỏi của tôi là:
1- Có phải trước khi xuống tầu buôn Pháp làm phụ bếp vào ngày 5 tháng 6
năm 1911 thì chàng trai 21 tuổi Nguyễn Tất Thành, với tên mới là Văn Ba
đã có sẵn ý định ra đi tìm đường cứu nước hay chưa? Nếu anh Ba đã có sẵn
mục đích rõ ràng như sau này anh kể lại: “…Tôi muốn được đi ra
ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế
nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta...” thì thật đáng quý biết bao.
Tuy nhiên, nó lại mâu thuẫn với một sự kiện sau do những tài liệu ở nước
ngoài viết rằng: Ngày 15.9.1911, khi vừa đặt chân đến cảng Mác-Xây
(Marseille) - Pháp, tức là chỉ hơn 3 tháng sau khi rời bến Nhà Rồng -
Sài Gòn thì anh Thành đã vội viết đơn xin được vào học nội trú Trường
Thuộc Ðịa (Ecole Coloniale). Nhưng đã bị nhà trường từ chối với lý do:
Ðơn không được xét vì anh là đối tượng di chuyển tự túc đến Pháp chứ
không phải được tuyển chọn từ xứ Ðông Dương sang, theo như quyết định
ban hành ngày 30.4.1910 của Bộ Thuộc Ðịa Pháp. (lá đơn này do ông Nguyễn
Thế Anh sưu tầm được trong văn khố Pháp ngày 2.2.1983, có sao chụp lại
cẩn thận. Cũng cần lưu ý rằng: theo những tài liệu trong nước thì Trường
Thuộc Ðịa là nơi chuyên đào tạo những tên Việt gian phản động, tay sai
của thực dân Pháp lúc bấy giờ.)
Giả sử câu chuyện trên là có thật thì sẽ có thêm một câu hỏi hệ quả là:
Nếu năm 1911 Trường Thuộc Ðịa chọn anh Thành, thì 9 năm sau anh có còn
chọn con đường của Lênin cho cách mạng Việt Nam nữa hay thôi? (theo suy
luận chủ quan của tôi thì có lẽ là anh Thành sẽ... thôi!)
2- Phải chăng lý do chính rời nước ra đi của anh Thành là bởi trước đó
một năm, trong gia đình anh có một biến động lớn đã diễn ra? Ðó là: năm
1910, cha anh là ông Nguyễn Sinh Huy, tức cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
(1863 - 1929), tri huyện Bình Khê - Bình Ðịnh, trong một cơn say rượu đã
sai người đánh chết anh nông dân tên là Tạ Ðức Quang bằng roi và gậy.
Sở mật thám Pháp sau khi điều tra xong đã kết ông vào tội ngộ sát khi
đang say rượu. Hội Ðồng Nhiếp Chánh tại Huế sau đó đã ra quyết định kỷ
luật ông: hạ bốn bậc trong ngạch quan lại thời bấy giờ, bị triệu hồi về
Huế, rồi cuối cùng là bị sa thải luôn. Bà Thanh con gái ông cũng kể :
ông là người nghiện rượu nặng, hồi nhỏ bà vẫn thường bị bố đánh rất đau
bằng roi, có khi còn quẳng cả roi đi để đánh bằng tay. Một số tài liệu
lịch sử trong nước thì viết rằng: "Cụ Sắc nhà nghèo, ham học, thông
minh, thi đậu phó bảng, “bị ép” ra làm quan. Có lần cụ nói: " Quan
trường là chốn nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn.". Cụ
thường làm những việc trái ý bọn quan lại, nên bị cách chức."
Như vậy là giữa hai nguồn tài liệu đã có những điểm mâu thuẫn lớn cần
làm rõ, nhất là lý do ra khỏi chốn quan trường của ông: phải chăng ông
ra khỏi là vì như ông nói là không muốn bị "nô lệ hơn" trong số những
người nô lệ? Hay là bởi rượu đã đưa ông ra khỏi chốn ấy và chính vì bị
ra khỏi chốn ấy nên ông lại càng uống nó nhiều hơn?
Cũng qua những sách báo ở trong nước kể lại thì: khi từ chiến khu Việt
Bắc trở về Hà Nội sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ (tháng 10.1954), ông đi
thăm rất nhiều vùng quê trên miền Bắc, đi ra nước ngoài,... Nhưng riêng
quê ông thì mãi tới tháng 6.1957, tức là gần 3 năm sau ông mới về thăm
lần đầu (sau đó ông có về thêm một lần nữa, vào năm 1961). Có cái gì đó
không ổn trong tinh thần vì nước quên... quê của ông không? Hay ông ngại
nhân dân, cán bộ và chiến sỹ biết được tấn bi kịch trên của gia đình
mình?
3- Ai là người đã viết cuốn Những Mẩu Chuyện Về Ðời Hoạt Ðộng Của Hồ Chủ Tịch
vào mùa xuân năm 1948? Cuốn sách ghi tác giả tên là Trần Dân Tiên. Năm
1985, giáo sư Hà Minh Ðức đã xuất bản cuốn Những Tác Phẩm Văn Của Chủ
Tịch Hồ Chí Minh, trong đó có đoạn: “Ðáp lại tình cảm mong muốn
của đồng bào và bạn bè trên thế giới. Hồ Chủ Tịch với bút danh Trần Dân
Tiên đã viết tác phẩm Những Mẩu Chuyện Về Ðời Hoạt Ðộng Của Hồ Chủ
Tịch,...”. (Hà Minh Ðức, sách đã dẫn, Tr 132, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1985).
Như vậy có nghĩa là tác giả Trần Dân Tiên và Hồ Chủ Tịch thực ra chỉ là
một người. Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn, người biết rất rõ ông từ những năm
1930s, khi cả hai cùng học tập và làm việc ở Liên Xô đã viết lời tựa
cho cuốn sách cũng đã khẳng định như vậy. Tôi tin là hai giáo sư ấy viết
đúng, vì 2 lẽ: thứ nhất, đó là việc rất quan trọng mà nếu nói sai thì
chính hai giáo sư có thể sẽ bị mang họa, chắc chắn là hai ông đã cân
nhắc rất kỹ trước đó. Thứ hai, cứ theo tư duy lôgic mà suy luận: nếu ông
Trần Dân Tiên và cụ Hồ là hai người thì nay ông Trần Dân Tiên kia đâu?
Còn sống hay đã chết? Nếu sống thì bao nhiêu tuổi rồi? Vợ, con ra sao?
Nếu chết thì chết vào năm nào? Hiện chôn ở đâu?...
Còn một khi lại chỉ là một người thì xét theo khía cạnh nào cũng đều
không ổn. Chúng ta hãy nghe một vài đoạn Chủ Tịch Hồ Chí Minh viết về...
Hồ Chủ Tịch như sau: “ ... Bác Hồ của chúng ta vô cùng khiêm tốn;
Bác không muốn kể cho ai nghe về hoạt động của mình; rồi Bác Hồ được
nhân dân ta coi là cha già của dân tộc; Bác còn vĩ đại hơn Lê Lợi, Trần
Hưng Ðạo vì đã đưa dân tộc ta vào kỷ nguyên xã hội chủ nghĩa.” và: “ ...
Một người như Hồ Chủ Tịch của chúng ta với đức tinh khiêm tốn nhường ấy
và đang lúc bề bộn biết bao nhiêu công việc, làm sao có thể kể cho tôi
nghe bình sinh của Người được?...”. (Trần Dân Tiên, sách đã dẫn). Cũng cần lưu ý rằng vào năm 1948 thì vị "cha già của dân tộc" ấy mới có 58 tuổi! (1890 – 1948).
Trong thực tế nhân loại cũng đã có những người dùng quyền lực hay tiền
bạc để bắt người khác ca ngợi mình. Nhưng nếu Hồ Chủ Tịch lại tự mình
đứng ra "dầy công vun đắp" nên điều đó thì quả là chuyện xưa nay hiếm!
Tôi cũng không rõ là những người đang cố gắng "giữ gìn và bảo vệ tư
tưởng Hồ Chí Minh" có coi đây như là một trong những “yếu tố cấu thành”
nên tư tưởng của ông hay không? Và giả sử ở dưới cõi âm kia, nếu ông gặp
các vị cách mạng đàn anh khác như Lê Nin, Stalin, Mao Trạch Ðông, v.v…
thì không nói. Nhưng nếu rủi thay, ông lại gặp các cụ Trần Hưng Ðạo, Lê
Lợi thì biết "ăn, nói" thế nào cho phải với những vị anh hùng chân chính
của dân tộc ấy đây?
Một điều nữa đáng lo ngại hơn: trong cuốn Dàn Bài Tập Làm Văn lớp 7,
(NXB Giáo Dục 1997, Tr 39). Tức là đã 12 năm, sau khi tác phẩm của giáo
sư Hà Minh Ðức nói trên được xuất bản, thì các tác giả biên soạn cuốn
sách giáo khoa kia vẫn tiếp tục mập mờ mà không chịu viết thẳng ra đấy
là hai hay chỉ có một người. Nếu cứ cung cấp thông tin và bắt các thầy
cô giáo dạy học sinh theo kiểu này, thì đến ngay như người lớn cũng còn
bị nhiễu loạn chứ nói gì đến trẻ con? Hồi đất nước còn chiến tranh, tôi
đã được một sỹ quan QÐND Việt Nam cho xem cuốn nhật ký của anh, trong đó
có đoạn:
“ Hà Nội ngày 2 tháng 9 năm 1969.
Hôm nay Ðài Tiếng Nói Việt Nam báo tin Bác Hồ bị bệnh nặng. Bác ơi!
Chúng cháu hiểu là chúng cháu thật có lỗi với Bác, vì đất nước đến lúc
này vẫn còn bị nỗi đau chia cắt. Ðơn vị của chúng cháu đã được vinh dự
nhận lệnh vào miền Nam chiến đấu, chỉ vài hôm nữa thôi là lên đường.
Cháu xin hứa với Bác rằng: dù phải trải qua gian khổ, hy sinh đến đâu
thì chúng cháu cũng quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ mà đảng và quân
đội giao phó; góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ Quốc, để sớm
được đón Bác vào thăm đồng chí, đồng bào trong ấy. ”
Cũng cùng một tinh thần đó, từ miền Nam , nhà thơ Lê Anh Xuân viết ra:
Gửi miền Bắc lòng miền Nam chung thủy
Ðang xông lên chống Mỹ tuyến đầu.
Nghĩa là tất cả đều hướng lên Ba Ðình tràn đầy một niềm tin trong sáng,
một niềm kính trọng vô biên. Bởi vì ở nơi ấy "có Trung Ương Ðảng, có bác
Hồ" luôn chỉ lối dẫn đường cho cách mạng Việt Nam tiến lên.
Theo tôi, nếu trong một cuộc chiến tranh, giả sử tất cả những yếu tố
khác đều ngang nhau, thì bên nào có thêm yếu tố tin tưởng và kính yêu
lãnh tụ như trên là sẽ rất có lợi thế để giành chiến thắng. Thế nhưng,
nếu vì muốn trở thành một “ngôi sao sáng vô ngần” mà chính vị lãnh tụ
lại cho ra đời một sản phẩm kiểu như Những Mẩu Chuyện Về Ðời Hoạt Ðộng
Của Hồ Chủ Tịch thì lại là điều không thể chấp nhận được. Bởi vì đó thực
chất là quan điểm đạt mục đích bằng mọi cách, kể cả những cách rất
thiếu tử tế: chủ động đi hủy hoại những giá trị văn hóa của nhân loại
nói chung và dân tộc nói riêng, mà hậu quả để lại sẽ rất nặng nề cho hậu
thế. Bằng cách đó ở một giai đoạn nhất định, có thể ông cũng tự đưa
được uy tín của mình lên vị trí rất cao trong lòng một bộ phận dân tộc.
Xong nếu xét về lâu về dài, khi phần lớn đã nhận ra sự thật thì hình
ảnh: "Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác, nở ngàn hoa chiến công ta dâng lên Người,..." sẽ trở nên trớ trêu, phũ phàng và thật đáng xấu hổ với bạn bè thế giới.
Tôi cũng được biết một câu chuyện sau: Gia đình ấy có 2 anh em, người
anh đi bộ đội, còn người em gái ở lại nhà và lấy chồng. Năm 1954 khi
người anh từ chiến khu trở về thì em gái mình đã theo chồng di cư vào
Nam. Sau gần 30 năm xa cách, hai anh em mới được gặp lại nhau, khi người
em ra Bắc bốc mộ cho chồng - ông bị chết trong thời gian học tập cải
tạo ở ngoài ấy. Cô em nói trong nước mắt giận hờn, đại ý: “Tại anh và những người cộng sản như anh nên bây giờ em gái anh khổ, các cháu của anh phải mồ côi cha.”. Xúc động không kém, người anh nói: “Thôi
em ạ, đằng nào thì mọi việc cũng đã lỡ rồi. Em cứ nghĩ như thế này: nếu
một người em không hề tin yêu, kính trọng mà làm em đau khổ thì đấy chỉ
là một nỗi khổ đau. Nhưng nếu đấy lại là người em hằng kính trọng, tin
yêu bao năm trời, kể cả sẵn sàng đem cuộc đời của mình ra để hy sinh,
cống hiến mà nay em lại phát hiện ra rằng thực chất sự tin yêu, kính
trọng ấy của mình lại bắt nguồn từ sự giả dối của người kia, thì lúc ấy
nỗi đau khổ trong em sẽ phải nhân lên gấp 5, gấp 10. Ðấy chính là tâm
trạng của anh lúc này, em ạ.”.
Trên đất nước Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua đã có bao nhiêu gia đình phải lâm vào hoàn cảnh tương tự như vậy?
4- Một vài điểm khác cần xác minh:
Trong số những người Việt Nam hoạt động ở Paris vào những năm 1910s
-1920s là chỉ có duy nhất 1 ông Nguyễn Ái Quốc hay là có đến 5 ông
Nguyễn Ái Quốc? Vai trò của chàng trai Nguyễn Ái Quốc - Nguyễn Tất Thành
trong các hoạt động như: thành lập Hội Người Việt Nam Yêu Nước, soạn
thảo Bản Yêu Sách 8 Ðiểm Gửi Hội Nghị Véc - Xây năm 1919, ra báo Người
Cùng Khổ năm 1922, viết Bản Án Chế Ðộ Thực Dân Pháp năm 1925, v.v…là tới
đâu? Liệu có đúng như các phương tiện thông tin đại chúng trong nước
hoặc chính CT Hồ Chí Minh đã kể lại hay không? Bởi vì nếu theo các tài
liệu “ngoài luồng” thì :
a) Hội Người Việt Nam Yêu Nước đã được thành lập tại Pháp từ năm 1914,
mà tiền thân của nó là Hội Ðồng Bào Thân Ái còn có trước đó nữa. Ðấy là
do công lao của những ông Nguyễn Ái Quốc khác, chứ anh Thành lúc ấy lại
không có mặt ở Pháp, mà là đang mưu sinh ở Anh. (anh Thành ở Anh từ cuối
năm 1913 đến 1917. Cuối năm 1917 mới rời Anh để sang Pháp và ở đấy đến
năm 1923 thì sang Liên Xô.)
b) Bản Yêu Sách 8 Ðiểm gửi hội nghị Véc-Xây là có rất nhiều ý của cụ
Phan Chu Trinh (1872-1926) gửi khâm sứ Trung kỳ, gửi toàn quyền Ðông
Dương và gửi chính phủ Pháp. Như vậy có phải như CT Hồ Chí Minh đã kể: “...Ý
kiến đưa yêu cầu do ông Nguyễn đề ra, nhưng lại do luật sư Phan Văn
Trường viết, vì lúc bấy giờ ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp...”
(Trần Dân Tiên, sách đã dẫn), hay những ý kiến ấy phải là của cụ Phan
Chu Trinh mới đúng? Vì cụ Phan đã có mặt và hoạt động ở Paris liên tục
trước đó, cụ cũng là sáng lập viên của Hội Ðồng Bào Thân Ái. (cụ Phan
thi đậu phó bảng năm 1901, cùng khóa với cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh
anh Thành.)
c) Báo Người Cùng Khổ (Le Paria) là do những “ông Tây” (người Pháp) lập
ra, chứ đâu phải của một “ông ta” nào như sự xác nhận sau: “...Ban
biên tập báo Người Cùng Khổ do Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm, kiêm chủ
bút, giao cho Nguyễn Thế Truyền là một Việt kiều được anh Nguyễn giới
thiệu vào Hội Hiệp Thuộc.” (Trần Dân Tiên, sách đã dẫn).
Bây giờ giả sử đúng là có 1 ông Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm, kiêm chủ
bút tờ báo kia đi, nhưng chính xác là ông Nguyễn Ái Quốc nào? Vì ở Paris
lúc ấy có tới 5 ông Nguyễn Ái Quốc, còn gọi là nhóm Ngũ Long gồm các
ông: Phan Chu Trinh, sang Pháp năm 1911/phó bảng. Phan Văn
Trường/1908/luật sư. Nguyễn Thế Truyền/1910/cử nhân. Nguyễn An
Ninh/1917/năm thứ 2 trường luật. Nguyễn Tất Thành/1917/tiểu học, và ai ở
trong nhóm viết bài cũng ký tên là Nguyễn Ái Quốc.
Hơn nữa, chúng ta cũng cần tìm hiểu thêm cả việc ai đã giới thiệu ai? Vì
anh Thành mới chân ướt chân ráo đến Pháp thì nào đã quen biết ai mà
giới thiệu cho ông Nguyễn Thế Truyền vào Hội Hiệp Thuộc? (ông Truyền
sang Pháp từ năm 1910, có 2 bằng cử nhân văn chương và cử nhân hóa học,
có vợ người nước ngòai.)
d) Cũng theo Những Mẩu Chuyện Về Ðời Hoạt Ðộng Của Hồ Chủ Tịch thì: “...Ông Nguyễn chỉ viết một quyển sách duy nhất là quyển Bản Án Chế Ðộ Thực Dân Pháp.” Thế
nhưng, với điều kiện thông tin lúc đó thì theo tôi chính quyển này mới
là quyển ông ít có cơ hội tham gia nhất. Bởi vì cả tài liệu trong và
ngoài nước đều xác nhận rằng: cuốn sách được xuất bản lần đầu tại Pháp
vào năm 1925, nhưng lúc ấy thì ông Nguyễn không có mặt ở Pháp mà đang
hoạt động ở Trung Quốc! (ông ở Trung Quốc từ tháng 11.1924. Tháng 5.1927
mới rời khỏi đấy để sang lại Liên Xô).
Hơn nữa, cứ giả sử các tài liệu đều viết sai về năm xuất bản cuốn sách
trên thì chúng ta cũng cần lưu ý là: chính anh Thành cũng đã phải công
nhận rằng anh là người có bút lực yếu ở trong nhóm, nếu như không muốn
nói là yếu nhất. Vì anh Thành chỉ mới tốt nghiệp trường tiểu học Pháp -
Việt Ðông Ba, Huế niên khoá 1906-1907. Tháng 9.1907 anh vào học trường
Quốc Học Huế, nhưng chưa đầy 1 năm sau, tháng 5.1908 thì đã bị đuổi khỏi
đấy rồi. Tức là tấm bằng Thành Chung đối với anh cũng vẫn còn rất xa
vời. (http://www.cpv.org.vn/hochiminh/tieusu/thoinienthieu/index.htm).
Nói tóm lại, những điểm còn chưa rõ ràng trong thân thế và sự nghiệp của
CT Hồ Chí Minh là còn rất nhiều. Một lần nữa tôi rất mong các nhà
nghiên cứu, các sử gia ở cả trong và ngoài nước hãy vì tính trung thực,
khách quan của lịch sử và nhất là vì thế hệ trẻ Việt Nam tương lai, hãy
xác minh cho được chúng càng sớm càng tốt.
Viết về CT Hồ Chí Minh, lại lật ngược những vấn đề khá phức tạp và tế
nhị lên như thế này, tôi hiểu rằng sẽ làm cho nhiều người vốn tôn kính
ông đau lòng. Nhưng theo tôi, thà làm như vậy một lần cho rõ còn hơn là
cứ dễ dãi với nhau để rồi tự làm khổ nhau và làm khổ mãi con cháu chúng
ta sau này.
5- Một ý kiến đề nghị:
Như ở đầu bài đã nêu, từ 11 năm qua đã có rất nhiều bài viết với hai xu
hướng ngược nhau: thứ nhất, khẳng định rằng CT Hồ Chí Minh đã được
UNESCO chính thức công nhận là danh nhân văn hóa thế giới. Thứ hai là
phủ nhận nó. Nay tôi xin có một ý kiến đề nghị: dù ai thuộc xu hướng nào
cũng được, nhưng nếu đã có tấm lòng quan tâm, mong rằng hãy cùng nỗ lực
giải quyết dứt điểm vấn đề này. Ðối tượng tiếp cận chính là UNESCO, đây
là vị trọng tài khách quan, vô tư và hữu hiệu hơn cả. Sẽ có hai khả
năng xảy ra:
a) Nếu CT Hồ Chí Minh đã thực sự được UNESCO công nhận là danh nhân văn
hóa thế giới thì những cơ quan nào đã đưa tin sai lạc trước đó cần ra
một bản tin đính chính lại. Ðó cũng là hành động thể hiện sự tôn trọng
các độc giả, thính giả của mình.
b) Nếu UNESCO chưa hề có một quyết định như giả thiết nêu trên, thì cá
nhân hay tổ chức nào có điều kiện tiếp cận được với tổ chức ấy, cần làm
sao có được một văn bản phủ nhận chính thức của họ. Dù chỉ là vài dòng
thôi, nhưng nó sẽ có tác dụng thuyết phục rất lớn.
Ðây cũng là trách nhiệm của mỗi người nhằm giúp UNESCO. Nó cũng là quyền
lợi của UNESCO cần phải tự bảo vệ mình, khi có ai hoặc quốc gia nào lợi
dụng uy tín của họ để làm những việc khuất tất. Tôi cũng rất mong rằng
nếu trường hợp là b) thì những nhà biên soạn sách giáo khoa ở Việt Nam
cần rà soát lại toàn bộ những điểm liên quan và điều chỉnh lại chúng cho
đúng sự thật.
6- Một ý kiến ủng hộ:
Trong bức thư ngỏ viết vào tháng 5.2001 vừa qua của 2 tác giả Trần Khuê
và Nguyễn Thị Thanh Xuân, gửi tân tổng bí thư ÐCS Việt Nam Nông Ðức Mạnh
có một ý kiến đề nghị là: hãy hỏa táng thi hài của Hồ Chủ Tịch. Bức thư
giải thích rằng: những người lãnh đạo đảng và nhà nước vào thời điểm CT
Hồ Chí Minh qua đời đã vi phạm ý nguyện ghi trong di chúc của người quá
cố. Trong đó ông đã viết: "...Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi,
tức là hỏa táng. Tôi mong rằng cách hỏa táng sau này sẽ được phổ biến,
và như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất
ruộng. Khi ta có nhiều điện thì điện táng càng tốt hơn." Và nay thì
những người lãnh đạo mới của ÐCS VN cần phải sửa lại sai lầm ấy. Nếu cần
thì tổ chức một cuộc Trưng Cầu Dân Ý về vấn đề này. (http://www.thongluan.org/VN2/viet_frame.htm)
Hai tác giả cũng phân tích thêm rằng: hình thức ướp xác, tức chôn nổi là
hoàn toàn không phù hợp với phong tục tập quán của người Việt Nam, vốn
quen với hai hình thức phổ biến là địa táng hoặc hỏa táng. Rồi cảnh báo
là nếu không nghiêm chỉnh tuân theo di chúc của người đã khuất, thì gia
đình, dòng họ và đất nước luôn bị “sái”, không ngóc đầu lên được. Ngoài
ra còn là chuyện lãng phí tiền bạc: để duy trì hệ thống lăng CT Hồ Chí
Minh thì hàng năm phải tốn kém 100 tỷ đồng VN. Dù đấy là tiền thuế đóng
góp của nhân dân hôm nay hay là đi vay mượn của nước ngoài, thì sau này
con cháu chúng ta cũng phải nai lưng ra trả nợ.
Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến trên và tin rằng nguyện vọng của đa số nhân
dân Việt Nam hôm nay cũng là như vậy. Chúng ta chỉ cần thử làm một bài
toán nhỏ: Ðể xoá đói giảm nghèo cho một hộ gia đình nông dân, theo 2 tác
giả là cần 5 triệu đồng VN tiền vốn. Giả thiết mỗi hộ có 4 người, như
vậy tổng chi phí cho công trình ấy trong suốt 26 năm qua là 2600 tỷ đồng
VN (không tính chi phí xây lăng) là một số tiền rất lớn, đủ để giúp hơn
2 triệu người Việt Nam thoát khỏi cảnh đói nghèo. Còn nếu mỗi hộ cần 10
triệu đồng tiền vốn thì cũng giúp được cho hơn 1 triệu người. Nhưng cái
chính của vấn đề là sự lãng phí kia rất vô lý, không đáng có.
Ngoài ra tôi cũng xin được bổ xung 1 ý kiến nữa, hy vọng rằng nó sẽ góp
thêm cơ sở để dân tộc cùng dứt khoát hơn với đề nghị trên của 2 tác giả.
Ý kiến của tôi liên quan đến khía cạnh kiến trúc của lăng: kể từ khi
lăng được khánh thành nhân dịp quốc khánh mùng 2.9.1975 đến nay, thì từ
những người dân bình thường tới các kiến trúc sư, nhà xây dựng, v.v. từ
Bắc chí Nam mà tôi có dịp được tiếp xúc, phần lớn đều cho rằng: công
trình này không có những đường nét của kiến trúc hiện đại, cũng lại rất
nghèo tính dân tộc. Tức là nếu xét thêm về khía cạnh kiến trúc thì cũng
không có giá trị gì đáng kể để mà phải tiếc nuối nữa. Có lẽ vì chạnh
lòng với công trình quốc gia khá nặng nề và đơn điệu này, ai đó đã sửa
lại lời những câu đầu của bài hát Viếng Lăng Bác (nhạc: Hoàng Hiệp, thơ:
Viễn Phương), mà thành: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác, con thấy lăng
Ông đẹp hơn lăng Bác, trăm phần trăm,…” (lăng Ông: lăng ông Lê Văn
Duyệt - một võ tướng đầu triều Nguyễn, lập tại khu Bà Chiểu - Sài Gòn;
trăm phần trăm = 100%.).
7- Những lời thay cho kết luận:
Trong diễn văn đáp từ của nguyên tổng bí thư ÐCS Việt Nam Lê Khả Phiêu
đọc tại Hà Nội ngày 18.11.2000 vừa qua, nhân dịp tổng thống Mỹ lúc ấy là
Bill Clinton sang thăm Việt Nam có đoạn: “...Ðiều chắc chắn là trong
thế kỷ 21, khoa học công nghệ sẽ phát triển như vũ bão. Nhưng lại có
một nghịch lý là hố ngăn cách giữa nước giầu và nước nghèo lại ngày càng
lớn. Ngày nay, tổng số tài sản của hơn 300 tỷ phú trên thế giới bằng
thu nhập của hơn 2 tỷ người ở các nước nghèo.”
Ðúng! Ðấy là thực tế và người đọc hiểu ngay rằng ý ông muốn nhấn mạnh
đến sự bất công của một thế giới ngày càng bị phân hóa giầu - nghèo hôm
nay. Nhưng còn một thực tế nữa là: liệu những người lãnh đạo trong ÐCS
Việt Nam trước và sau ông có dám làm triệt để việc kê khai danh sách của
300 người giầu nhất ở Việt Nam hôm nay hay không? Họ là những ai? Có
bao nhiêu tiền? Ðể ở những đâu? Bằng cách nào họ đã làm giầu được nhanh
như vậy? Tổng số tiền mà họ đã tích lũy được là bằng thu nhập của bao
nhiêu triệu người nghèo ở Việt Nam ? v.v…
Một cuộc Trưng Cầu Dân Ý như 2 tác giả Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh
Xuân đề nghị, nếu nó được tiến hành sẽ là cuộc tổng diễn tập cho một
bước dân chủ cao hơn. Ðó là: dân tộc Việt Nam phải được quyền tự mình
lựa chọn giữa thể chế chính trị dân chủ đa nguyên, đa đảng và pháp trị
của thời đại mới, hay là cứ phải tiếp tục duy trì mãi thể chế nhất
nguyên, đơn đảng của “thời đại Hồ Chí Minh” đầy đau thương hôm qua, lắm
bất công hôm nay và vô vàn những rủi ro, bất trắc vào ngày mai.
Tôi nghĩ rằng nếu toàn thể dân tộc ta ở cả trong và ngoài nước, một khi
đã nhận thức lại được đúng những vấn đề của quá khứ và hiện tại thì sẽ
vượt qua được những khoảng cách biệt còn lại. Ðể trong tương lai có thể
đoàn kết thành một khối thống nhất tạo ra được một sức mạnh tổng hợp,
nhằm đấu tranh có hiệu quả hơn với các thế lực bảo thủ hiện nắm thực
quyền trong ÐCS Việt Nam.
Trong thực tế có những người giận ngày “quốc hận” 30 tháng 4, giận mùa
xuân năm 1975, rồi giận lây sang cả mùa thu năm 1945 với cuộc Cách Mạng
Tháng 8 lịch sử, vì cho rằng đây là chiến công riêng do CT HỒ Chí Minh
và ÐCS Ðông Dương lúc đó lãnh đạo. Theo tôi đây là điều chứa đựng nhiều
sai lầm, bởi vì thành công của cuộc CMT8 là chiến công chung của mọi
người Việt Nam , trong đó có cả vai trò của các đảng phái khác. Tất cả
lúc ấy đều đã sẵn sàng gác bỏ mọi quyền lợi riêng, để cùng đồng lòng
đứng lên giành lại nền độc lập tự do cho Tổ Quốc.
Nó cũng là kết quả được hun đúc bởi truyền thống dựng nước và giữ nước
từ ngàn đời xưa, từ lịch sử gần 100 năm kháng Pháp của ông cha ta, và
mọi người Việt Nam đều có quyền tự hào chính đáng về nó. Với một nước
Việt Nam mới, chắc chắn trang sử hào hùng ấy của dân tộc ta cũng sẽ được
các sử gia viết lại cho khách quan và chính xác hơn. Một ngày hội lớn
về dân chủ của non sông nhất định sẽ được mở ra trong một tương lai gần.
Khi mà khối đoàn kết toàn dân gồm 80 triệu người, với hơn 76 triệu đồng
bào ta ở trong nước và 3 triệu đồng bào ta ở nước ngoài đã được xác lập
vững chắc. Ðó là niềm tin mãnh liệt của tôi.
Phương Nam Đỗ Nam Hải – Australia, tháng 7 năm 2001.
*
3) Một vài suy nghĩ sau khi đọc lại tập thơ NHẬT KÝ TRONG TÙ.
Phương Nam (Đỗ Nam Hải)
Nhân dịp kỷ niệm 118 năm, ngày sinh của Chủ Tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 –
19/5/2008), nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia, địa chỉ: 24, Quang Trung,
Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã tái bản tập thơ "Nhật Ký Trong Tù" (còn được
gọi là "Ngục Trung Nhật Ký"). Người chịu trách nhiệm xuất bản là Tiến sĩ
Nguyễn Duy Hùng và người chịu trách nhiệm về nội dung là Tiến Sĩ Nguyễn
Minh Nghĩa. Thơ được in xong và nộp lưu chiểu năm 2008. Theo lời giới
thiệu của nhà xuất bản trên, ở trang 7, thì: “Đây là một tập thơ chữ
Hán gồm hơn 100 bài thơ, phần cuối có ghi chép về quân sự và thời sự,
được Chủ Tịch Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian hơn 1 năm
(29/8/1942-10/9/1943), Người bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới
Thạch bắt giam trái phép tại các nhà tù ở tỉnh Quảng Tây Trung Quốc...
Tập thơ được đánh giá là một văn kiện lịch sử quan trọng, một tác phẩm
văn học xuất sắc, có tác dụng giáo dục sâu sắc; phẩm chất và đạo đức
cách mạng cho nhiều thế hệ...”
Như nhiều người Việt Nam ở trong nước, tôi cũng đã từng học, từng đọc và
từng nghe nhiều về tập thơ ấy. Trong tháng 8 năm 2008 này, tôi cũng có
dịp đọc lại nó. Tuy nhiên, mục đích của tôi khi viết bài nầy không phải
là để phân tích về phong cách nghệ thuật của tác giả tập thơ. Bởi một lẽ
đơn giản: tôi không phải là nhà thơ, nên dẫu có muốn thì tôi cũng không
có đủ khả năng để làm công việc ấy.
Mục đích chính của tôi khi viết bài này là muốn nêu lên một nhận xét lớn
nhất, bao trùm nhất của mình đối với quí vị độc giả rằng: dường như tâm
hồn của tác giả tập thơ "Nhật Ký Trong Tù" là tâm hồn của một người
Trung Hoa chứ không phải là tâm hồn của một người Việt Nam! Mà Chủ tịch
Hồ Chí Minh như chúng ta đã biết thì cả quê nội và quê ngoại của ông đều
thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, thuộc miền Trung Việt
Nam. Điều đó có nghĩa ông là một người Việt Nam 100%. Vì vậy theo tôi,
rất khó có cơ sở để nói rằng ông là tác giả của "Nhật Ký Trong Tù" được.
Trừ khi ông là người Việt Nam nhưng lại hoàn toàn mang tâm hồn của
người Trung Hoa khi làm thơ thì thôi, không nói làm gì.
Để chứng minh cho nhận xét trên, tôi xin được phân tích nội dung của một
số bài trong tập thơ ấy. Trước hết là bài "Tết Song Thập Bị Giải Đi
Thiên Bảo", trang 68:
Nhà nhà hoa Tết với đèn giăng
Quốc Khánh reo vui cả nước mừng
Lại đúng hôm nay ta bị giải
Oái oăm gió cản cánh chim bằng
Theo tôi, với một người đang bị tù thì việc người đó hồi tưởng về quá
khứ, kể cả việc hồi tưởng về ngày Quốc Khánh của Tổ quốc mình thì đó là
chuyện hết sức bình thường. Thế nhưng, hai chữ "Song Thập" có trong tựa
đề của bài thơ trên có nghĩa là gì? Theo chú thích ở trang 293 của chính
tập thơ trên thì: "Song Thập tức là ngày mùng 10/10 là ngày Quốc khánh
của Trung Hoa Dân Quốc trước đây."
Như vậy là đã rõ: Ngày Quốc khánh ở đây là ngày Quốc khánh của Trung Hoa
chứ không phải là ngày Quốc khánh của Việt Nam. Và cái việc nhà nhà kết
hoa, giăng đèn ấy dĩ nhiên cũng là nhà nhà Trung Hoa chứ không phải là
nhà nhà Việt Nam!
Để rõ hơn, chúng ta hãy cùng trở lại với lịch sử Trung Quốc đầu thế kỷ
thứ 20 vừa qua: ngày 10/10/1911, tại Vũ Xương, Trung Quốc đã diễn ra
cuộc khởi nghĩa của nhiều tổ chức cách mạng Trung Quốc. Cuộc khởi nghĩa
giành thắng lợi tại Vũ Xương đã mở đường cho sự thắng lợi toàn diện của
cuộc cách mạng dân chủ tư sản, kết thúc chế độ quân chủ lập hiến ở Trung
Quốc. Hai ngày sau, nước Trung Hoa Dân Quốc được thành lập và cuộc cách
mạng đó còn được gọi là cuộc Cách Mạng Tân Hợi.
Sự hồi tưởng về quá khứ của nhà thơ thì đã là như vậy, thế còn những
chiêm nghiệm về hiện tại của ông thì sao? Trong bài "Kỷ Niệm Họ Hầu Tặng
Một Cuốn Sách" trang 267, tác giả viết:
Sách ngài chủ nhiệm mới đưa sang
Đọc đoạn, tinh thần chợt mở mang
Còn vẳng bên tai lời lãnh tụ
Chân trời một tiếng sấm rền vang
Theo chú thích ở trang 298 thì "Hầu chủ nhiệm tức Hầu Chí Minh là chủ
nhiệm chính trị chiến khu 4, người đã trực tiếp thả Hồ Chí Minh theo
lệnh của Tưởng Giới Thạch."
Còn theo lịch sử của đảng Cộng Sản Việt Nam thì: tháng 1/1941, Chủ tịch
Hồ Chí Minh về nước, sau gần 30 năm xa Tổ quốc. Ông ở tại hang Pắc Bó,
huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Tháng 5/1941, Việt Nam Độc Lập Đồng Minh
Hội (gọi tắt là Việt Minh) ra đời, do ông làm lãnh tụ. Như vậy, vấn đề
đặt ra ở đây là: bản thân ông Hồ Chí Minh đã là lãnh tụ rồi thì cái sự "Còn vẳng bên tai lời lãnh tụ"
là lãnh tụ nào nữa? Tôi đã thử đưa ra những giả thiết có thể, nhưng
bằng phương pháp loại trừ đã cho phép tôi kết luận: cả vị lãnh tụ lẫn
nhà thơ trong bài thơ trên chỉ có thể là hai người Trung Hoa, chứ không
thể là hai người Việt Nam được!
Mặt khác, đọc hết toàn bộ tập thơ, người đọc tuyệt nhiên không hề thấy
tác giả đề cập gì đến những tên sông, tên núi, tên người Việt Nam đã
từng đi vào sử sách, thơ ca. Đâu rồi những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa?
Đâu rồi những Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần
Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám? Và đâu
rồi những sự kiện lịch sử chỉ mới diễn ra ở Việt Nam một vài năm, trước
khi ông Hồ Chí Minh bị bắt như: Hai cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng
9/1940), Nam Kỳ (11/1940) và cuộc binh biến Đô Lương (01/1941), với máu
của bao người Việt Nam đã đổ xuống vì nền độc lập dân tộc? Ngay cả những
đồng chí cộng sản của ông như: Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai,
Hoàng Văn Thụ, Võ Văn Tần, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, v.v... Tất cả
đều không thấy xuất hiện trong "Nhật Ký Trong Tù".
Đọc đến đây, có thể có người sẽ nêu ý kiến phản biện cho rằng: vì Chủ
tịch Hồ Chí Minh lúc đó đang bị tù ở Trung Quốc, nên rất có thể ông đã
tạm quên Việt Nam đi trong tâm thức của mình chăng? Nhưng theo tôi, ý
kiến này là rất khó thuyết phục. Bởi vì, thực tế sau đây sẽ chứng minh
cho điều ngược lại: trong cuốn sách "Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động
Của Hồ Chủ Tịch", do Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội phát hành vào năm
2001, tác giả Trần Dân Tiên người đã viết lại theo lời kể của Chủ tịch
Hồ Chí Minh, vào tháng 9 năm 1945 tại Hà Nội, về giai đoạn này của ông ở
trang 105 và 107 như sau:
“Đi liền 10 đêm và 5 ngày, Cụ Hồ đến một thị trấn Trung Quốc, chưa
kịp nghỉ chân thì chiều hôm đó Cụ bị bắt. Và gian khổ lại bắt đầu. Quốc
Dân Đảng giam Cụ vào nhà lao T.H.S hơn hai tuần, ngày mang gông, đêm đeo
cùm,... Trong khi Cụ Hồ lê lết tấm thân mệt lử từ nhà giam này đến nhà
giam khác, có lẽ những việc lớn đang dồn dập trong nước và trên thế
giới. Ai khuyên bảo đồng chí? Ai giúp đỡ và đẩy mạnh việc tổ chức? Có lẽ
các nước đồng minh đã đổ bộ lên Đông Dương? Có lẽ Pháp, Nhật đã cắn
nhau? Có lẽ các đồng chí trong Đảng Cộng Sản Đông Dương và các hội viên
Việt Minh đang đau đớn hỏi nhau Cụ Hồ bị tai nạn gì? Lòng Cụ Hồ rối như
tơ vò vì phải ngồi im vô ích, trong khi công việc đang đòi hỏi Cụ mà
thời gian đi qua không chờ Người.”
Như vậy cũng là đã rõ: sẽ thật là vô lý nếu như những mối lo gan ruột
kia lại không hề được nhà thơ Hồ Chí Minh thể hiện gì, dù chỉ là một
dòng trong "Nhật Ký Trong Tù"? Ngoài ra: tại sao lần này đi tù tại Quảng
Tây - Trung Quốc, thời gian là hơn một năm (từ tháng 8/1942 đến tháng
9/1943) thì Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nổi hứng làm thơ? Trong khi, lần đi
tù trước ở Hồng Kong, thời gian là gần hai năm (từ tháng 6/1931 đến
tháng 1/1933) lâu hơn thì lại không thấy ông làm bài thơ nào? Tôi tin
rằng, nếu ai đọc kỹ tập thơ trên thì cũng đều có những thắc mắc tương tự
như tôi hoặc nhiều hơn tôi.
Nói tóm lại, viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại viết về một vấn đề có
tính nhạy cảm như thế này, tôi hiểu rằng là cần phải hết sức khách quan
và thận trọng. Nhưng theo tôi, dù vấn đề có là nhạy cảm và cần phải thận
trọng đến đâu đi chăng nữa thì không có nghĩa là không nên viết, không
nên phản biện lại những gì liên quan đến ông. Tôi rất mong nhận được
những ý kiến đóng góp trên tinh thần xây dựng, kể cả những ý kiến phản
biện của độc giả xa gần. Mục đích là để có thể sớm đưa ra được kết luận
chính xác về vấn đề nêu trên. Tôi xin chân thành cảm ơn trước.
Điều đáng buồn ở Việt Nam từ trước đến nay, nhất là ở lĩnh vực khoa học xã hội là tình trạng phản biện phổ biến theo kiểu "Một chiếc máy bay chia thành hai tốp máy bay".
Điều đó hoàn toàn là hình thức và phản khoa học. Nó vừa gây mất thời
gian, tiền bạc của xã hội; vừa tạo ra sự xuê xoa, nể nang, thậm chí là
lừa dối lẫn nhau, rất tai hại. Đề cập đến vấn đề này, nguyên Tổng bí thư
Đảng cộng sản Liên Xô (giai đoạn 1985-1991) M. Gorbachev đã có những
nhận xét rất xác đáng trong cuốn sách "Cải Tổ Và Tư Duy Mới" – Nhà xuất
bản Sự Thật, Hà Nội 1988, trang 24 như sau:
“Trong khoa học xã hội nảy nở thói lý luận kinh viện. Những tư tưởng
sáng tạo bị loại trừ ra khỏi ngành khoa học xã hội. Những sự đánh giá và
phán đoán hời hợt, duy ý chí trở thành những chân lý không thể bác bỏ
được mà chỉ cần thuyết minh. Những cuộc tranh luận khoa học, lý luận và
những cuộc tranh luận khác bị cướp mất nội dung sinh động, mà không có
những cuộc tranh luận này thì không thể phát triển tư tưởng, không thể
có sinh hoạt sáng tạo được. Những khuynh hướng tiêu cực không chừa các
lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, chính trị và các lĩnh vực giáo dục, y tế.
Và ở đây nổi lên chủ nghĩa trung bình, chủ nghĩa hình thức, lối nói
trống rỗng,...”
Khoảng giữa năm 2001, khi còn đang sinh sống tại Australia, tôi có viết
bài "Viết Về Chủ Tịch Hồ Chí Minh", với bút hiệu là Phương Nam. Trong
đó, tôi có đặt ra một số vấn đề nữa, liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh
như sau:
1/ Chủ tịch Hồ Chí Minh có phải là danh nhân văn hóa thế giới đã được tổ
chức UNESCO công nhận, nhân dịp kỷ niệm 100 ngày sinh của ông
(19/5/1890-19/5/1990) như các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt nam
đã nêu hay không?
2/ Ở thủ đô Paris của nước Pháp vào đầu thế kỷ thứ 20 vừa qua là chỉ có
duy nhất một ông Nguyễn Ái Quốc - Nguyễn Tất Thành, tức Chủ tịch Hồ Chí
Minh sau này hay là có đến 5 ông Nguyễn Ái Quốc khác nhau?
3/ Tác giả Trần Dân Tiên viết cuốn sách "Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt
Động Của Hồ Chủ Tịch", nói ở trên có phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh hay
không?
v.v…
Nay xin được trân trọng giới thiệu lại cùng quí vị độc giả quan tâm,
trong phần phụ lục ở dưới bài viết này. Xin trân trọng kính chào!
Đỗ Nam Hải (Phương Nam)
Thành phố Sài Gòn - Việt Nam.
Tháng 8 năm 2008.
Copy từ: Dân Làm Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét