Câu trả lời là “Hãy đợi đấy”. Ngày 10-12-2013, TT Barack Obama đã bắt tay Chủ tịch Cuba Raul Castro nhân dịp hai ông đến dự lễ tang ông Nelson Mandela. Nhiều nhà bình luận coi đây là cú bắt tay lịch sử giữa hai kẻ thù hàng xóm suốt nửa thế kỷ. Họ còn mong sự hàn gắn vết thương và tha thứ.
Trên video nhìn thấy cụ Castro cười rất vui khi Obama siết chặt tay và nói với nhau gì đó khi TT Hoa Kỳ lên bục phát biểu trên sân bóng đá Johannesburg để đọc diễn văn vinh danh cựu Tổng thống Nam Phi, Nelson Mandela, vừa qua đời ngày 5-12-2013.
Báo chí Cu Ba chạy tít và chú thích bức ảnh “Obama chào đón Raul: liệu đây có thể là khởi đầu cho việc kết thúc căng thẳng giữa Mỹ và Cuba?”. Xem kỹ trên video thì không hoàn toàn thế.
Raul Castro đứng đầu tiên trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo thế giới làm khách danh dự. Tiếp sau là bà Dilma Rousseff, tổng thống Brazil, đang lên án Hoa Kỳ vu gián điệp nghe lén điện thoại. Thế mà Obama vẫn hôn lên cả hai má “nàng” và cười khá thân mật. Obama lần lượt chào các nhà lãnh đạo nổi tiếng khác, trên CNN còn nhìn rõ cựu tổng thống Nam Phi Clark.
Trong chốn đông quan khách, đôi khi cú bắt tay mang tính xã giao. Chúng ta từng chứng kiến Obama đứng cạnh Thủ tướng Dũng ở Hội nghị quốc tế, vần V(ietnam) và U(nited Sates) liền nhau trong bảng chữ cái, chả lẽ không cười và chào nhau phát.
Năm 2000, Bill Clinton từng bắt tay Fidel Castro, nhưng chẳng cơm cháo gì, đảng Cộng hòa chửi không tiếc lời vụ này. Obama về nước sẽ bị chất vấn, tại sao lại bắt tay kẻ thù, thế nào cũng phải làm “tường trình” với ban Tuyên giáo đảng Lừa cho mà xem.
Có những cú bắt tay làm nên lịch sử, có khi không làm nên trò trống gì. Giống ngoài đời, chỉ một lần nắm tay mà trai gái nên vợ nên chồng, hạnh phúc trăm năm. Có cú hôn vào tận sào huyệt cũng chẳng đi tới đâu.
Liên Xô bắt tay Đức Quốc xã chia đôi thế giới. Rồi cuối cùng Đức phản bội, tấn công Liên Xô. Liên Xô lại bắt tay với Anh, Pháp, Mỹ và thế giới chia làm hai phe nóng lạnh sau thế chiến 2.
Cú bắt tay Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ và Pháp đã chia đôi Việt Nam vào năm 1954, hệ lụy là cuộc chiến Mỹ Việt đã cướp đi sinh mạng từ 3 đến 5 triệu người Việt.
Mao Trạch Đông nắm tay Nixon tưởng như không rời ở Bắc Kinh năm 1972. Cả hai rung rung, đưa lên đưa xuống đúng 32 lần. Một sự thân mật hiếm có, đánh dấu sự thay đổi cục diện thế kỷ 20.
Thời Clinton từng cố gắng rất nhiều để giải quyết xung đột Palestine và Israel. Thủ tướng Rabin và Arafat được bố trí gặp ở Nhà Trắng, ký thỏa thuận hòa bình. Người ta còn lo Arafat thích phô trương trước ống kính nên sẽ ôm hôn Rabin mà ông Do Thái này rất kỵ. Cả ba nắm tay nhau, hòa giải trên giấy tờ, cú bắt tay tưởng đi vào lịch sử, nhưng cuối cùng hai bên vẫn đánh nhau.
Gần đây có cú bắt tay của chủ tịch Trương Tấn Sang với TT Obama trong Nhà Trắng dấy lên bao hy vọng. Nào là TPP, nhân quyền, dân chủ, nhưng HP VN vẫn như cũ. Có lẽ hồi kết cũng như vụ Obama bắt tay Raul Castro mà thôi. Nếu có đợi, chắc còn phải rất lâu. Thế giới này biến đổi vừa nhanh vừa chậm, tùy thuộc vào não trạng của chính khách có tầm hay không.
Các vị lãnh đạo Việt Nam và Cu Ba từng ví von hai quốc gia “một bên thức, một bên ngủ, thi nhau canh giữ hòa bình thế giới”. Nhưng đôi khi bên nhắm mắt để ngủ thì cứ mở chong chong một cách không cần thiết, bên kia lẽ phải thức lại nhắm mắt ngủ, bỏ lỡ những cơ hội vàng để phát triển.
Vì thế, có cú bắt tay tưởng làm nên lịch sử, nhưng rồi kết thúc như cuộc hôn nhân tan vỡ bởi lòng tin không có.
Dẫu sao, hang Cua vẫn mong người anh em Cu Ba, nay đã quá nghèo, thay đổi ý thức hệ và trở thành đồng minh với Mỹ thì dân xứ xì gà cũng được nhờ.
HM. 10-12-2013
Xem thêm cùng chủ để Cú bắt tay ở Hà Nội
Copy từ: Hiệu Minh’ blog
................
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét