Vinh Mỹ (Danlambao)
- Ngày 05/09/2013, ba ngày sau vụ đàn áp đẫm máu giáo dân xứ Mỹ yên,
khi Mặc Lâm, biên tập viên RFA hỏi về tình hình liên đới hiệp thông của
HĐGMVN thì Đức GM Nguyễn Thái Hợp đã trả lời: "Các giám mục vẫn hợp thông và rất hiểu hoàn cảnh này nhưng đây là những chuyện nhỏ thì mỗi giám mục cũng có thể giải quyết được, không cần đến Hội đồng Giám mục".
Tuy nhiên sau khi chứng kiến những thủ đoạn gian ngoan của chính quyền, khi thấy rõ việc chính quyền "cố
tình đánh lạc hướng và làm phức tạp sự việc ngày 22/5/2013, nhằm kết án
và truy cứu nhiều người dân chất phác vô tội khác, trong khi những hành
vi sai trái của các cán bộ lại được bao che" Ngài đã không khỏi "băn khoăn lo âu", "không biết chính quyền Nghệ an có chủ đích gì khi dàn dựng kịch bản nầy?"
Mà không băn khoăn lo âu sao được khi nhớ lại kịch bản đã xảy ra ở Hà
nội năm 2008. Đức TGM Ngô Quang Kiệt còn đó "đứng dưới chân Thánh Giá
như Đức Mẹ sầu bi" vọng về Ngài và con chiên giáo phận Vinh đàng chia
phần khổ nạn của Chúa như chính Ngài đang chịu. (Thư Hiệp thông
15/09/2013).
Chủ đích của cộng sản trong việc dàn dựng kịch bản như thế là đã rõ.
Song song với chiến dịch bôi nhọ và buộc tội qua báo đài nhà nước, như
khi xưa đã làm với TGM Ngô Quang Kiệt, chính quyền Nghệ An đã gửi công
văn số 139/UBND-NC lên chủ tịch HĐGMVN, cũng lại là TGM Nguyễn Văn Nhơn
để kể những tội họ đã định sẵn và chuẩn bị tư tưởng để Ngài chấp nhận
bản án họ sẽ dành cho Đức Cha Nguyễn Thái Hợp. Chỉ còn thiếu phép lành
của Vatican nữa là xong và họ đã cử Ban (triệt hạ) Tôn giáo sang Vatican
"làm việc".
Chính vì thấy thâm ý của chính phủ như thế nên Đức Cha Nguyễn Thái Hợp
cấp tốc viết thư tìm sự liên đới và hiệp thông của HĐGMVN và kêu gọi sự
hỗ trợ của thế giới.
Tuy nhiên chúng ta hy vọng Giáo hội VN và Tòa Thánh sẽ không còn ngoan
ngoãn như ngày nào để cho cộng sản dùng kế hoạch dùng Giáo hội giết Giáo
hội.
Về phía HĐGMVN, vị đương kim chủ tịch sẽ không trả lời nhà nước theo
kiểu Philato như năm 2008: "Tôi thấy người nầy không có tội gì" rồi để
"sống chết mặc bây". Nhưng ngài đã đích danh viết thư tận tình liên đới
hiệp thông vói Đức cha Nguyễn Thái Hợp và giáo phận Vinh. Chắc chắn Ngài
đang vận động để có một tiếng nói chung của HĐGMVN, quên đi lời nói để
đời đã gây đau thương cho Đức TGM Ngô Quang Kiệt: "đồng cảm nhưng không
đồng thuận".
Lý do là khi mà các dụng cụ tuyên truyền của nhà nước buộc cho ĐC Nguyễn
Thái Hợp "những ‘tội danh’ như cấu kết với thế lực phản động trong cũng
như ngoài nước, kích động nhân dân hận thù với nhà nước, chia rẽ khối
đoàn kết nhân dân..." thì đó là chuyện chính trị. Cộng sản gán ghép cho
những ai họ muốn triệt tiêu. ĐC Nguyễn thái Hợp sẽ phải đối phó riêng
với họ.
Nhưng còn khi các thế lực cộng sản đó tó cáo Ngài "đi ngược lại
với chủ trương của các Đức Thánh Cha và của Hội Đồng Giám mục Việt Nam
là sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc, là một người công giáo tốt là một
người công dân tốt v.v...", thì không biết các Đức cha có giật
mình không? Khi người cộng sản, ông tổ của sự dối trá, kẻ thù truyền
kiếp của công giáo lên lớp một giám mục bảo phải đi đúng chủ trương của
Đúc Thánh Cha, và của HĐGMVN là thế này là thế nọ thì người công giáo
còn có chút lương tri phải đánh dấu hỏi rằng "liệu cái chủ trương của
ĐTC, của HĐGMVN mà được cộng sản bên vực và truyền bá như thế thì nó còn
gì là công giáo nữa không? Chỉ có hai câu trả lời: Một là cộng sản đã đi đúng đường công giáo, hai là HĐGMVN đã theo đúng đường cộng sản. Đã đến lúc HĐGMVN phải tỏ thái độ.
Còn về chủ trương của ĐTC thì cũng chỉ có hai câu trả lời, một là cộng sản đã cố tình xuyên tạc lời tuyên bố của Ngài để đánh lừa người công giáo, hai là ngài cũng bị cộng sản lừa dối.
Đó là về phía Hàng Giáo phẩm Việt Nam, còn về phía Vatican thì sao?
Chính quyền Việt Nam cử phái đoàn do Trưởng ban Ban (phá) Tôn giáo Chính
phủ Phạm Dũng dẫn đầu sang Roma để "làm việc" với Vatican từ ngày 15
đến 20 tháng 9 vói hậu ý gì thì chúng ta đã rõ theo kinh nghiêm của ĐC
Ngô quang Kiệt.
Về phía Vatican, Ban (bài trừ) Tôn giáo chính phủ hình như chưa đạt được
kết quả mong muốn mặc dầu đài phát thanh Vatican nhận định, "cuộc đối
thoại diễn ra trong không khí thoải mái và thân mật".
Về tình hình căng thẳng ở Mỹ Yên, "Vatican yêu cầu cần có những cuộc
điều tra bổ sung". Không như Đức ông Cao Minh Dung đã trả lời với Đức
TGM Kiệt khi Ngài muốn trình bày hoàn cảnh của Ngài: "Ở đây đã biết hết
cả rồi "!
Nói thế nhưng chúng tôi lo ngại cho sự thông tin giữa các giám mục Việt
Nam với Tòa thánh cũng như quan niệm của Tòa Thánh về vai trò của mình
đối với đời sống Giáo hội Việt Nam. Nói trắng ra các giám mục Việt Nam
đã báo cáo tình hình địa phận Vinh cho Tòa Thánh trước khi Tòa Thánh gặp
phái đoàn Ban Tôn Giáo Việt Nam chưa? Hay là Vatican chỉ biết qua báo
cáo của những nhân viên cộng sản nằm vùng ở Roma! Nếu có thì Tòa Thánh
có tin tưởng những lời của các Giám mục là sự thật hay là cho lời của
các Giám mục cũng có độ đáng tin như lời của chính phủ cộng sản hiện
thân của dối trá? Vatican đứng về phía nào?
Điều đáng lo là như hãng tin Fides hôm 19/09/2013 cho biết, "quan
hệ giữa Tòa Thánh và Hà Nội có tiến triển tích cực, cho dù có sự căng
thẳng tại giáo xứ Mỹ Yên thuộc giáo phận Vinh... Vatican và Việt Nam
tiếp tục đối thoại trong lúc phong trào phản kháng vẫn tiếp diễn, sau vụ
hai giáo dân ở giáo xứ Mỹ Yên bị bắt và giam giữ từ tháng sáu mà không
có tội danh nào được cáo buộc". Thì ra những tiến triển tích cực
của ngành ngoại giao Vatican không lệ thuộc vào sự tôn trọng nhân quyền
như các nước tự do thường đòi hỏi?
Nói như thế có nghĩa là Vatican đã coi trọng việc quan hệ với Hà Nội
khỏi cần biết đến số phận người giáo dân một địa phận xa xôi hẻo lánh.
Vatican tin như đinh đóng những lời tuyên bố có tính xỏ xiên của phái
đoàn cộng sản: "Hà Nội cam kết đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và đấu tranh chống lại các nhân tố gây bất ổn xã hội", bày tỏ hy vọng các tín đồ Công giáo trong nước tích cực tham gia công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Cũng theo Fides, Vatican ghi nhận các tiến triển tích cực trong quan hệ
song phương, sự hỗ trợ của chính quyền đối với các hoạt động của Giáo
hội Công giáo Việt Nam cũng như các chuyến thăm mục vụ của Đặc phái viên
không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam là Tổng giám mục Leopoldo
Girelli. Hãng thông tấn Fides nói thêm, các chủng viện Công giáo không
còn bị chính quyền áp đặt số lượng các chủng sinh mới, và số lượng linh
mục tiếp tục tăng.
Chúng ta nên nhớ mục tiêu của cộng sản trước sau như một vẫn là tiêu
diệt tôn giáo và Ban Tôn Giáo do các chính thể cộng sản thành lập chính
là Ban diệt trừ Tôn giáo mà Vatican vừa tiếp đón "thoải mái thân mật":
Sau thời kỳ công giáo bị bách hại đẫm máu, cộng sản lợi dụng chính sách
Ostpolitik (thỏa hiệp đối thoại không đối đầu) của Vatican để tiêu diệt
công giáo một cách tinh vi hơn. Một trong những thủ đoạn cuối cùng là
"tìm lũng loạn Giáo hội bằng cách loại bỏ dần những vị trung thành với
giáo hội và thành lập một đội ngũ giám mục linh mục được chính phủ tuyển
chọn hoạc gài vào, thứ đến đưa vào phụng vụ những nghi lệ trần tục, dần
dần biến sự phụng tự thành những lễ hội chỉ có hình thức đình đám. (bài
ca Cùng nhau đi Hồng binh sau thánh lễ, Rước tượng Hồ Chí Minh với
tượng Đức Mẹ, Giám mục giảng cánh chung luận cộng sản, linh mục mù tịt
thánh kinh, linh mục đếm tiền, rước xách linh đình TGM Girelli cưỡi ngựa
xem hoa v.v... là kết quả của chính sách đó).
Đó phải chăng là những "tiến triển tích cực", những sự "hỗ trợ của chính
quyền đối với hoạt động của Giáo hội!", những đàn áp đổ máu của những
người dân vô tội, những vi phạm nhân quyền là chuyện không đáng nói đến?
Đó chỉ là những chuyện có thể do giám mục vu khống cần phải xem xét
lại?!
Tôi phục đức tính khiêm nhượng của một TGM Ngô Quang Kiệt, vâng lời từ
chức vì lý do sức khỏe tốt; nhưng tôi khâm phục hơn tính cao cường khảng
khái của Đức Hồng Y Mindszenty Giáo chủ Hung... (đã nói tôi xin nói
nốt, có thể có hơi dài dòng xin lỗi trước bạn đọc):
Chúng ta biết ĐHY Mindszenty tỵ nạn tại sứ quán Mỹ ở Budapest từ 1956
sau vụ đàn áp khốc liệt thử nghiệm "một chế độ cộng sản mang mặt người".
Ngài cương quyết không chịu từ chức giáo chủ Hung như chính quyền đòi
hỏi. Tòa thánh cử Hồng y König đến Budapest thuyết phục ngài nhưng ngài
cương quyết không từ chức và giải thích tại sao ngài không thể làm theo ý
của Đức Giáo Hoàng: Ngài nói: Chức giáo chủ của ngài không phải chỉ làm
ngài trở thành thủ lãnh của một giáo hội bị bách hại, nhưng còn là một
"biểu tượng quốc gia", một "chiến lũy (rocca) cho việc đối kháng và hy
vọng của nhân dân Hung trước sự áp bức của một chính thể "vô thần, bạo
ngược" và "bất hợp pháp".
TGM Casaroli phải đến Budapest nhiều lần để thương thảo. Lần đầu tiên
vào tháng 5 năm 1963. Từ Vienne thủ đô nước Áo ngài cải trang mặc thường
phục, vét tông càvat, đến biên giới thì được xe chính phủ Phòng tôn
giáo đón về biệt thự trên đồi Buda.
Khi TGM Casaroli đến gặp HY Mindszenty trong tòa lãnh sự Mỹ ở "công
trường Tự do" Budapest. Mặc dù TGM Casaroli tỏ ra rất kính cẩn, nhưng đã
không đánh tan được nỗi ngờ vực của Đức Hồng y do sự lén lút của Ngài
Casaroli khi đến thủ đô Hung. Trong hồi ký Đức Hồng y trách cứ vị ngoại
giao Vativan "đã không nghe tiếng nói của Giáo hội Hung chính thống" bị
"chính quyền bịt miệng", ít chú trọng đến số phận của giáo dân. Ngài còn
nói: "Vatican không thấu hiểu tình trạng bi đát của họ mà cứ để cho
cộng sản lôi kéo vào những cuộc thương thảo bang giao chỉ nhượng bộ làm
lợi cho chúng, và chỉ mang lại nhiều khó khăn thêm cho người công giáo
Hung..."
Ông Philippe Chenaux đã rất có lý khi bình luận như sau: "Vatican của
Paul VI, mặc dầu bị những chỉ trích không thể tránh khỏi (1). đã liều
lĩnh thừa nhận tích cách hợp pháp của chính thể cộng sản Hung. Làm thế
vì Ngài nghĩ rằng các chính thể cộng sản sau bức màn sắt sẽ còn tồn tại
lâu dài và còn tiếp tục chi phối cuộc sống của Giáo hội (Đó là một nhận
định sai lầm, Ngài không nghĩ có ngày chính thể cộng sản sẽ sụp đổ).
Trước một quyền lực độc tài thô bạo và tùy tiện, lại hết sức thù ghét
tất cả những gì là tôn giáo, điều cần thiết tối thiểu là phải giữ được
cái chính yếu, đó là sự tồn tại của hàng giáo sĩ công giáo. Cái gọi là modus vivendi chỉ là một modus non moriendi, tránh chết để chờ thời.(2)
Đức HY Mindszenty kịch liệt phản đối lại quan niệm đó, Ngài nói với TGM Casaroli trong buổi tiếp kiến thang 4 năm 1964: "Nếu thiên hạ không làm con lừa thì bolchevich đã chết tiệt từ lâu..."
Ỏ Yougoslavie, ĐHY giáo chủ Alois Stepinac, cũng một quan điểm như thế, theo Ngài, cộng sản không là gì khác mà chính là "hình
ảnh sống động của hỏa ngục, một «mendacium incarnatum» (hiện thân của
dối trá); với nó mọi thỏa hiệp hoặc cộng tác bất kỳ dưới hình thức nào
đều bất khả thi xét về quan điểm công giáo" (Thư đề 3 tháng 10 năm 1956) ()
Còn việc phải vâng phục Vatican trong việc không được đối kháng cộng sản hay không, chúng tôi xin trích dẫn sau đây bản Tuyên ngôn chống lại chính sách Ostpolitik của Vatican:
Cách đây 39 năm, ngày 8 tháng 4, 1974, ông Plinio Corrêa de Oliveira, Giáo sư Đại học Giáo hoàng công giáo São Paulo, đã công bố một bản Tuyên ngôn chống lại chính sách Ostpolitik của Vatican đối với các chế độ cộng sản.
Suốt hai triều đại Giáo Hoàng Gioan XXIII và Phaolô VI, Vatican đã áp
dụng đường lối thỏa hiệp với các nước cộng sản Đông Âu trong lúc Giáo
hội trong các nước đó đang bị đàn áp khốc liệt. Cộng sản triệt để thực
hiện chính sách bài trừ tôn giáo và Giáo huấn Công giáo về xã hội bằng
cách khủng bố, tru diệt bất kỳ ai còn muốn sống đức tin công giáo và
tuân phục Đức Giáo Hoàng La mã. Đây là một cuộc khủng bố tàn khốc nhất
thế kỷ.
Áp dụng sách lược Ostpolitik với các nước cộng sản, Vatican đã gửi một
thông điệp bất thành văn cho người công giáo: ngừng ngay việc chống đối
cộng sản.
Giáo sư Plinio đã phản ứng lại mệnh lệnh nầy này bằng cách trả lời cho ĐGH Phaolo VI: Thưa Đức thánh Cha, xin ngài truyền dạy bất kỳ điều gì ngài muốn; nhưng xin đừng bắt chúng con phải ngừng chống lại cộng sản. Điều này lương tâm chúng con không thể vâng phục. Trong vấn đề này chúng con sẽ chống đối.
Tài liệu của giáo sư Plinio có lẽ là văn bản mạch lạc được phổ biến đầu
tiên chứng minh rằng người công giáo có thể chống lại đường lối của Giáo
hoàng dựa trên tiền nghiệm lịch sử Giáo hội và tiếng nói lương tâm. Đặc
biệt, lời tuyên bố này vẫn còn rất hợp thời cuộc, vì trên thực tế, mặc
dầu bức tường Bá Linh đã bị giật sập và theo sau là các bức màn sắt,
nhưng chính sách Ostpolitik của Vatican vẫn còn được áp dụng nhiều nơi
trên thế giới.
Sau khi đưa ra những dẫn chứng cụ thể chứng minh những nhượng bộ tai hại
của Vatican theo chiến dịch Ostpolitik trong những quốc gia như Nga.
Cuba Chile Hung, Tiệp, Yougoslavie, Ông tuyên bố thẳng thừng rằng trong
vấn đề nầy Vatican đã lầm. Một cái lầm tai hại nhất của Đức Giáo Hoàng
trong một lãnh vực không được ơn bất khả ngộ theo Công đồng Vatican I.
Ông viết:
"Thực vậy Thánh Phêro đã dạy chúng ta phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng
lời người thế (Acts 5,29). Thánh Phêro là thủ lãnh Giáo hội và vì thế
ngài được Chúa Thánh linh hỗ trợ và được ơn vô ngộ (không thể sai lầm)
trong những điều kiện do công đồng Vatican I chỉ định. Thế nhưng không
có nghĩa là trong một vài vấn đề và trong nhiều hoàn cảnh, ngài đã để
những yếu đuối của con người chi phối hành động của mình. Một trong
những lãnh vực có thể có những quyết định sai lầm lớn nhất là lãnh vực
ngoại giao trong đó có chính sách Ostpolitik nhằm bắt tay với các chế độ công sản.
Như thế chúng ta phải làm gì? Chúng ta không thể liệt kê tất cả những
giáo phụ, những tiến sĩ Giáo hội, những nhà luân lý và luật gia giáo
hội, trong đó nhiều vị đã được phong thánh, những vị đó đã minh chứng
rằng phản đối là một điều hợp lệ. Phản đối ở đây không đồng nghĩa với ly
khai, với dấy loạn với hận thú, với bất kính, trái lại đó chính là lòng
trung thành, lòng hiệp nhất, lòng yêu mến và tuân phục".
“Kháng cự” là chính chữ được dụng ý chọn lựa vì nó đã được dùng trong
sách Công vụ các thánh Tông đồ, được Chúa linh ứng, để diễn tả thái độ
của Thánh Phaolo đối với Thánh Phêro, vị Giáo Hoàng tiên khởi Giáo hội,
người đã đua ra những hình thức kỷ luật nhằm miễn trừ cho Giáo hội sơ
khởi một số nghi thức củ của Do thái. Thánh Phaolo thấy trong đó có sự
lẫn lộn và nguy hiểm về đức tin cho tín hữu vì thế Ngài đã chống lại
thánh Phero và "kháng cự ông ngay trước mặt" Gal 2:11: "Nhưng khi ông Kêpha-Phêro đến Antiokhia tôi đã kháng cự ông ngay trước mặt vì ông đã lạm điều sai trái.
Số là trước khi nhóm người của Giacôbê đến, ông đang ngồi ăn chung
với những anh em gốc dân ngoại (không cắt bì); nhưng vừa thấy họ đến ông
liền đánh trống lãng đi ngồi xa ra ví sợ mang tiếng với người đã chịu
cắt bì. Những người Do thái khác cũng bắt chước giả hình theo, đến cả
Barnabê cũng làm theo.").
Thánh Phêro không coi hành động sốt sắng và thích ứng như thế của vị
Tông đồ dân ngoại, là một vụ nổi loạn nhưng là một việc làm vì hợp nhất
và vì tình huynh đệ. Ngài nhận ra đâu mình có lý và chỗ nào mình có thể
sai. Thánh Phêro đã chấp nhận lý luận của thánh Phaolo.
Các vị thánh là mẫu mực cho giáo hữu. Như vậy trong chiều hướng kháng cự
của thánh Phaolo, chúng ta là những người phản kháng. và làm thế lương
tâm chúng ta vẫn bình thản..
Kết luận
Đã từ lâu người công giáo Việt nam, vốn tôn trọng các “đấng bậc trong
Hội thánh” thường được xem Cha là Chúa, huống chi là Giáo Hoàng, Đại
diện Giáo hoàng, Giám mục, Linh mục v.v... lời của các Ngài là lời Chúa.
Được hỏi về ơn vô ngộ của Đức Giáo Hoàng, một Giáo sư Collège de France
“có đạo nhưng không công giáo” đã nói đó là một tín điều rất tai hại,
trên nguyên tắc nó chỉ dành cho Giáo Hoàng trong những điều kiện rất đặc
biệt quan trọng, nhưng trên thực tế các vị giám mục và cả đến linh mục
thường cho là mình “được Chúa thánh thần soi sáng” và ngầm ám chỉ vô
ngộ! Tai hại là ở chỗ đó.
Để chấm dứt, với tư cách một con cái địa phận Vinh, con xin thưa với Đức
Cha Nguyễn Thái Hợp là trước khi Đức Cha gần Chế độ thì con xa Đức Cha,
bây giờ vì đấu tranh cho công lý và lẽ phải mà Đúc cha bị cộng sản trù
dập và một số anh em ruồng bỏ, chúng con xin đứng sau lưng hậu thuẩn cho
Đức cha. Xin Đức Cha cứ xử sự theo lẽ phải và lương tâm. Chân lý sẽ
giải phóng Cha con chúng ta. Xin Đức Mẹ, Mẹ Giáo phận Vinh và các Thánh
Tử đạo Địa phận Vinh phù hộ Đức Cha trong cuộc thử thách đang đến với
Đức Cha và Giáo phận.
___________________________________
Chú thích:
(1) Biến cố nầy đã gây nên một làn sóng ủng hộ HY Mindszenty nhất là
trên người công giáo Đức.. Một nhà bình luận công giáo Đức Herman M.
Goergen sau khi điểm sách của Reinhard Raffalt “Wohin steuert der
Vatikan?” (Cái đầu Vatican để ở đâu?), trong đó tác giả dựa vào nhiều
chứng cớ đã quả quyết rằng Phaolo VI là người theo chủ nghĩa xã hội, đã
kể thêm giai thoại sau đây : Có tờ nhật báo Đức đăng hí họa cho thấy một
Phaolo VI đi bách bộ vói Gromyko. Khi đi qua tấm hình HY Mindszenty,
Gromyko quay đầu nói với Phaolo VI "Tôi và Ngài, người nào có
Solzhenitsyn.của người nấy"!
Một tu sĩ dòng tên Simmel đã viết bài đã kích trên tuần báo Rheinischer
Merkur. một tờ báo có tiếng bảo thủ và thiên Vatican, bài báo nhan đề là
“Không, Ông Giáo Hoàng ơi!”và bị Vatican khiển trách. Tờ Frankfurter
Allgemeine Zeitung nói công khai về “mộng Kito-Macxit” của Phaolo VI.
Cả.Paulus Gesellschaft (Hội Thánh Phaolo) thường ủng hộ đối thoại giữa
của Vatican cho đó là“Machiavelíst” vì muốn “áp đặt Pax Romana-Sovietica
lên toàn cầu công giáo và Macxit cùng lên án Ostpolitik ”. Xem đó chúng
ta thấy ảnh hưởng to lớn của HY Mindszenty.
(2) Philippe Chenaux.- L’Eglise catholique et le communisme en
Europe.(1917-1989) : De Lenine à Jean.Paul II. - Paris : Ed. Cerf
Histoire, 2009.- p. 276
(3) Ibidem p 209.
Copy từ: Dân Làm Báo
..................
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét