Việt Nguyễn
Dư luận gần đây nổi sóng với
ý tưởng thành lập Đảng Dân Chủ Xã Hội của ông Lê Hiếu Đằng. Đảng phái phi cộng
sản tồn tại ngay trong lòng chế độ cộng sản không phải là chuyện vô tiền khoáng
hậu. Đó là điều đã từng xảy ra tại Việt Nam (VN) và vẫn đang tiếp diễn ở Trung
Quốc (TQ).
VN có những ký ức không thể
gọi là ngọt ngào khi áp dụng chính sách của “ông anh” láng giềng. Nhưng liệu mô
hình đa đảng “made in China” có thể giúp phần nào “dung hoà được lợi ích giữa
đảng và dân tộc”? Không có ông vua
“quang vinh muôn năm” nào tự nguyện rời bỏ ngai vàng, nhưng hãy là những thần
dân tỉnh táo và thức thời.
Đủ loại đảng
phái
Có thể nhiều người ngạc nhiên
khi biết hiện nay ở TQ ngoài Đảng Cộng Sản còn có 8 đảng phái phi cộng sản khác
đang hoạt động hợp pháp. Trong bài viết ngày 14/3/2013, thời báo Hoàn Cầu cũng
phải thừa nhận về sự “nổi tiếng khiêm tốn” của những đảng này “không nhiều người biết đến sự tồn tại của
các đảng chính trị hợp pháp khác ngoài Đảng Cộng Sản Trung Quốc ở đại lục. Chỉ
vài người có thể nêu tên được tất cả 8 đảng đó, gọi chung là “các đảng dân
chủ”.
Đây là những đảng được thành
lập trong thời kỳ nội chiến với phe Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch bao gồm
(kèm theo năm thành lập):
1) Ủy ban Cách mạng Quốc Dân Đảng (1948),
2) Liên đoàn Dân chủ Trung Quốc (1941),
3) Hội Kiến thiết Dân tộc Dân chủ Trung Quốc (1945),
4) Hội Thúc đẩy Phát triển Dân chủ Trung Quốc (1945),
5) Đảng Dân chủ Công Nông Trung Quốc (1930),
6) Chí công Đảng (1925),
7) Hội Cửu Tam (1944), và
8) Liên đoàn Tự trị Dân chủ Đài Loan
(1947).
Khác với VN, những đảng phi
cộng sản tại TQ vẫn “không chịu” tự giải tán sau khi đã “hoàn thành sứ mạng
lịch sử”. Ngược lại họ vẫn phát triển rất mạnh…về số lượng. Tính đến năm 2012, các đảng dân chủ có khoảng
850.000 đảng viên, bằng 24% so với số đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Số lượng đảng viên tham gia
chính quyền ngày càng tăng. Thống kê cho biết đến cuối năm 2010, có khoảng
32.000 đảng viên các đảng dân chủ đang nắm giữ các chức vụ cao cấp trong ngành
hành pháp, lập pháp và tư pháp. Năm
2007, Wang Gang - đảng viên Chí Công Đảng- được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Khoa học
& Công nghệ. Cùng với Bộ trưởng Y Tế
Chen Zhu, Wang Gang trở thành một trong những bộ trưởng ngoài Đảng Cộng Sản đầu
tiên tại TQ kể từ những năm 1970.
Đảng viên các đảng dân chủ đa
phần là những nhân sĩ, trí thức và không phải ai cũng có thể dễ dàng gia nhập
đảng. Có đảng yêu cầu người gia nhập phải có trình độ thạc sĩ, phó giáo sư hoặc
có đóng góp lớn trong lĩnh vực mình đang làm và phải được 2 đảng viên khác giới
thiệu. Ngoài ra, một yêu cầu có vẻ còn “khó khăn” hơn. Đó là những người muốn
gia nhập các đảng dân chủ phải có…lý tưởng cộng sản. Thời Báo Hoàn Cầu trích lời Shi Zhongyan –
đảng viên Ủy ban Cách mạng Quốc Dân Đảng – cho biết: “Khi chúng tôi xem xét liệu một người nào đó có đủ phẩm chất để gia nhập
đảng hay không, thì đó phải là người tin tưởng vào chủ nghĩa cộng sản”. Tuy nhiên, bài báo trên tờ The Diplomat
ngày 28/12/2012 lại cho thấy một động cơ hoàn toàn trái ngược: “điều bí mật mà ai cũng biết là người ta gia
nhập các đảng phi cộng sản chỉ để được thăng chức”.
Với những nhân sĩ, trí thức
không muốn gia nhập Đảng Cộng Sản, thì việc tham gia các đảng dân chủ có vẻ là
lựa chọn thức thời. Nhưng không phải trí thức nào cũng nghĩ như vậy. Tờ The New
York Times ngày 12/3/2013 trích lời luật sư Liu Minh, 33 tuổi, tại tỉnh Hồ Nam
cho biết anh muốn tham gia hoạt động chính trị nhưng tránh gia nhập Đảng Cộng
Sản “vì tôi muốn lương tâm mình trong
sạch”. Anh cũng không mặn mà với việc tham gia đảng phái phi cộng sản để thực
hiện ý tưởng cải cách tư pháp của mình, anh nói “tôi có cảm giác mình chỉ là một tiếng nói lạc lỏng giữa rừng hoang”.
Cộng đồng mạng gần đây trên trang Weibo cũng
tỏ ra bức xúc về tính minh bạch liên quan đến ngân sách giành cho các đảng này.
Vài người phàn nàn rằng trong khi họ đã đóng thuế để “nuôi” Đảng Cộng Sản thì
tại sao họ lại phải “nuôi” thêm 8 đảng kia nữa?
Đa đảng dưới sự lãnh đạo của một đảng
Trong khi mục tiêu tối thượng
của bất kỳ đảng chính trị nào cũng là trở thành đảng cầm quyền, thì mục tiêu
của các đảng dân chủ lại khá “lạ lẫm”, đó là ủng hộ quyền lãnh đạo tuyệt đối
của Đảng Cộng Sản. Họ “tự nguyện” chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản và không cho
rằng việc trở thành đảng đối lập là “cần thiết”.
Vậy mô hình này là gì? Độc
đảng trong đa đảng? hay đa đảng nhưng vẫn độc đảng? Các nhà nghiên cứu có thể
hơi nhức đầu trong việc phân loại mô hình chính trị TQ. Nhưng Bắc Kinh vẫn có
cách để gọi tên cho đúng “bản chất sự việc”. Đây là Chế độ hợp tác đa đảng và Chính trị hiệp thương dưới sự lãnh
đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc – một chế độ chính trị cơ bản của TQ. Theo
đó các đảng dân chủ có chức năng (i) tham gia chính quyền nhà nước, (ii) tham
gia hiệp thương về các phương châm chính sách lớn (iii) tuyển chọn
lãnh đạo nhà nước, và (iv) tham gia quản lý công việc xây dựng và thi
hành phương châm, chính sách, pháp luật Nhà nước.
Các đảng dân chủ cũng có ghế
trong những cơ quan quyền lực cao nhất như Quốc Vụ Viện (chính phủ), Hội nghị
Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (quốc hội) và Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân
dân TQ. Về nguyên tắc, Đảng Cộng Sản phải tham khảo ý kiến với các đảng dân chủ
trước khi đưa ra những quyết sách quan trọng.
Tuy nhiên, độ hoành tráng về
chức vụ mà các đảng dân chủ đang nắm giữ không thể khoả lấp được một thực tế: đây
là những đảng gần như không có thực quyền. Vai trò giám sát, phản biện đối với đường
lối chính sách do Đảng Cộng Sản đưa ra là rất mờ nhạt.
Tháng 1/2013, Tân Hoa Xã dẫn
lời ông Tập Cận Bình khuyến khích các đảng dân chủ nên mạnh dạn hơn trong việc
góp ý với Đảng Cộng Sản, ông nói “người
ngoài Đảng Cộng Sản hãy dũng cảm nói lên sự thật, cả những lời nghịch nhĩ”. Nhưng
điều này dường như vẫn chưa làm an lòng những đảng phái khác. Chen Changzhi,
chủ tịch Hội Kiến thiết Dân tộc Dân chủ Trung Quốc, nói ông tán thành ý kiến
cho rằng các đảng phi cộng sản nên nói lên nói lên sự thật “nhưng những chỉ trích đưa ra cần phải thực tế và ở mức độ vừa phải”.
Lý giải cho sự rụt rè này, giáo sư Zhu
Shihai thuộc Viện Nghiên cứu CNXH Trung ương TQ nói “Thật khó để trông đợi họ đưa ra ý kiến khác biệt vì họ đứng cùng phe
với đảng cầm quyền. Nếu họ đưa ra những chỉ trích thẳng thắng công khai, họ sẽ
bị xem là “vô lễ” và “bất lịch sự”.
Không phải đảng đối lập,
không có thực quyền nhưng vẫn tồn tại. Có lẻ bản thân sự tồn tại của các đảng dân
chủ TQ cho đến ngày nay đã là một ân huệ lớn (nếu so với những gì đã xảy ra tại
VN). Và đương nhiên, khi bạn đã nhận được ân huệ thì không bao giờ bạn dám “vô
lễ” hay “bất lịch sự” với những người đã ban phát nó cho mình.
Muốn đi Mẹc hay cuốc bộ dài dài?
Mô hình đa đảng tại TQ khá
giống với đặc trưng hàng hoá mà họ sản xuất: mẩu mã hấp dẫn nhưng chất lượng
bằng không. Bắc Kinh vẫn còn cần đến sự hiện diện của 8 đảng phái này. Nó giúp
họ vừa kiểm soát giới trí thức trong nước, vừa tạo được bộ mặt “sáng sủa” hơn khi
đối diện với chỉ trích nhân quyền từ bên ngoài.
Tại Việt Nam, đề xuất thành
lập đảng của ông Lê Hiếu Đằng đang vấp phải sự phản kháng quyết liệt từ chính
quyền, đặc biệt là những nhà lý luận Mác Xít. Dường như họ quên rằng chính đồng
minh ý thức hệ của mình đang để cho không những một mà còn đến tám đảng phái khác
hoạt động một cách hợp pháp. Đương nhiên họ cũng hiểu ông Lê Hiếu Đằng không hề
muốn xài hàng TQ, mà là hàng rin thật sự, một đảng đối lập thật sự. Nhưng việc
xem xét mô hình TQ (vốn được xem là hình mẩu) để giải quyết áp lực đòi dân chủ
trong nước có thể là cần thiết trong giai đoạn này. Điều quan trọng là phải
thoát khỏi nổi ám ảnh: bất kỳ đảng phái nào được thành lập ngoài Đảng Cộng Sản cũng
đều là đảng phản động.
Phía những người ủng hộ ông
Lê Hiếu Đằng có thể cười lăn cười bò với ý tưởng đem mô hình đa đảng “made in
China” vào VN. Nhưng hãy nhìn vào thực tế chính trị trong nước. Việc thành lập
một đảng phái mới để “ăn thua đủ” với Đảng Cộng Sản Việt Nam lúc này gần như là
không tưởng. Những đảng dân chủ tại TQ không có thực quyền nhưng chí ít đó cũng
là bước khởi đầu quan trọng cho sự lớn mạnh sau này (khi thời cơ đến). Và quan
trọng hơn, đây có lẻ là giải pháp khả dĩ nhất mà chính quyền sẽ chấp nhận – một
giải pháp đã được Bắc Kinh đóng mộc. Dân chủ là một hành trình dài đầy chông
gai và đôi khi bạn cần phải “hối lộ” cảnh sát giao thông chút ít để tiến nhanh
hơn.
Người Phương Tây thường nói:
better than nothing (Có còn hơn không).
Khi bạn chưa đủ tiền để tậu con Mercedes hay Lexus, bạn hãy nghĩ đến
việc dùng tạm chiếc Wave Tàu rẻ tiền. Nó vẫn tốt hơn so với việc bạn ròng rã
cuốc bộ trên hành trình xa dịu vợi để rồi “trong giấc mơ tôi vẫn hằng mơ..”.
..............................
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét