CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Về vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm: Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TƯ: Tôi hết sức bàng hoàng, phẫn nộ!

Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TƯ: Tôi hết sức bàng hoàng, phẫn nộ!  
GS -TS - Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí.

Về vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm:

Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TƯ: Tôi hết sức bàng hoàng, phẫn nộ!


Sau khi đọc 2 bài về “Vụ 'nhân bản' kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội” của Báo Lao Động, GS -TS - AHLĐ Nguyễn Anh Trí ngồi lặng đi, ông nói: “Không thể chấp nhận được”.
Là người đứng đầu ngành huyết học, GS-TS Nguyễn Anh Trí khẳng định: Người lớn tuổi và trẻ em cũng dùng chung kết quả xét nghiệm máu là không thể chấp nhận được và rất nguy hiểm.

Chưa trả lời câu hỏi của chúng tôi ngay, ông đề cập đến vai trò của kết quả xét nghiệm máu:

-  Hiện nay, thông thường với nhiều bệnh, vào khám bệnh  thường được bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm. Bởi lẽ, qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ có cơ sở để chẩn đoán bệnh đúng hơn, chính xác hơn và phát hiện được bệnh sớm hơn.

Giá trị và vai trò của xét nghiệm máu ngày càng trở nên quan trọng hơn. Do đó, kết quả này đòi hỏi phải rất chính xác. Nếu các xét nghiệm mà lại bị làm sai lệch là không thể chấp nhận được và hậu quả của nó là rất nặng nề.

Về nguyên tắc, nhân viên xét nghiệm được đào tạo mới được làm xét nghiệm, đào tạo lĩnh vực nào thì được làm xét nghiệm của lĩnh vực đấy, đào tạo đa khoa thì làm đa khoa.

Đào tạo thì cũng có nhiều cách, có thể là học theo khóa, lớp tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các viện đầu ngành... hoặc học kiểu đào tạo lẫn nhau theo kiểu cầm tay chỉ việc tại các khoa phòng, các labo (nhưng phải do những người có kinh nghiệm dạy và phải có kiểm tra đánh giá).

Tuy nhiên, riêng một số xét nghiệm chuyên sâu như HIV, phương pháp ELISA, sinh học phân tử học... thì phải được đào tạo rất cơ bản, tại các cơ sở lớn, nếu không được đào tạo thì không thể làm được xét nghiệm.

Việc một số kỹ thuật viên không có chức trách ký kết quả xét nghiệm vẫn vô tư ký, theo ông hậu quả tới mức nào?

-  Người có quyền ký vào bản kết quả xét nghiệm thường được quy định rất chặt chẽ, thường chỉ có trưởng, phó phòng xét nghiệm và cán bộ chuyên ngành, có trình độ mới có quyền (hoặc được giao trách nhiệm ký).

Do đó, nếu người không có quyền ký nhưng cứ ký, mà lại ký vào giờ hành chính thì sai. Thậm chí, với những labo lớn, kể cả các giáo sư, nếu không đúng chuyên ngành cũng không được phép ký.

Còn nếu ngoài giờ hành chính, trong giờ trực, phần lớn các BV các tuyến, nhất là tuyến huyện,  chỉ tiến hành những xét nghiệm thường quy cho những bệnh nhân cấp cứu và thông thường những xét nghiệm đó, KTV nào đã được đào tạo đều có thể thực hiện được. Họ ký kết quả, chịu trách nhiệm về kết quả mà mình làm ra.

Dư luận rất bức xúc khi biết kết quả xét nghiệm được “nhân bản”, nhưng vẫn chưa hiểu hết tác hại của nó. GS có thể đưa ra những ví dụ cụ thể để thấy rõ những nguy cơ do nó đẩy đến cho bệnh nhân?


- Việc một kết quả được dùng chung cho nhiều bệnh nhân, nếu đúng như vậy thì với lương tâm của người thầy thuốc, người đứng đầu ngành huyết học của cả nước, tôi không chỉ bàng hoàng, ngạc nhiên mà còn hết sức phẫn nộ.

Qua các bài viết trên báo Lao Động tôi thấy, những người lớn tuổi và các cháu bé mà lại được dùng chung một kết quả xét nghiệm máu là không thể chấp nhận được và rất nguy hiểm.

Ví dụ rất đơn giản, chỉ số bạch cầu bình thường của trẻ dưới 5 tuổi thường cao, còn ở người lớn thì chỉ số này sẽ giảm đi. Do đó, nếu lấy chỉ số của cháu bé mà áp cho người lớn tuổi thì bác sĩ dễ chẩn đoán nhầm bệnh (và ngược lại).

Tương tự, với các loại bệnh khác nhau nhưng lại dùng chung một kết quả xét nghiệm thì hậu quả khó lường. Đó là, bác sĩ không thể chẩn đoán đúng bệnh, dẫn đến điều trị sai, có thể nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.

Chẳng hạn, với một bệnh nhân, chỉ số bạch cầu bao nhiêu đó thì cần phải mổ, nhưng vì kết quả sai, bác sĩ quyết định không mổ; hoặc với bệnh sốt xuất huyết, nếu chỉ số tiểu cầu sai (vì dùng kết quả của người khác), dẫn đến điều trị sai thì bệnh nhân có thể  xuất huyết mà chết.

 Qua vụ việc này, GS có nhận xét, đề xuất gì với Bộ Y tế?

- Qua vụ việc này tôi thấy, quy trình quản lý chất lượng của các labo chưa tốt và thực sự còn lúng túng trong khâu tổ chức công việc. Có lẽ, đây là lỗi hệ thống! (mà tôi biết Bộ Y tế đang rất cố gắng để khắc phục)

Để chấn chỉnh, ngăn chặn những hiện tượng như vừa xảy ra, rất cần đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra các labo trên toàn quốc.

Xin cảm ơn GS!

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Hà Nội làm rõ sự việc.

Sáng 6.8, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và Sở Y tế Hà Nội đã làm việc với BV Đa khoa Hoài Đức về những nội dung báo Lao Động phản ánh trong các số báo ra ngày 4 và 5.8. 

Trao đổi với  Báo Lao Động, TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - khẳng định: Thông tin báo Lao Động phản ánh những dấu hiệu vi phạm ở BV Hoài Đức là rất đáng quan tâm, để cơ quan quản lý vào cuộc nắm sát thực tế hơn.

Việc nhân bản xét  nghiệm đối với ngành y tế là không thể chấp nhận được. Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế Hà Nội làm rõ sự việc, xử lý nghiêm minh. Ng.H

TS - bác sĩ Nguyễn Văn Doanh - Chủ nhiệm khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị: Không thể chấp nhận được. 

Việc phòng xét nghiệm “nhân bản” kết quả xét nghiệm huyết học để sử dụng cho nhiều bệnh nhân là không thể chấp nhận được. Hậu quả của nó, nhẹ nhàng nhất là bác sĩ chẩn đoán bệnh không đúng, chỉ định thuốc điều trị sai... Hoặc với người bị suy thận, nhưng vì nhầm kết quả, không phát hiện ra bệnh này, bác sĩ lại sử dụng thuốc mà người suy thận không được dùng thì thực sự nguy hiểm... V.H
Copy từ: Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét