“Tôi xin nói thành thật, cứ mỗi lần đặt vấn đề điều chỉnh tăng giá điện thì đều có tâm trạng rất khó tả. Một mặt thực tâm không muốn tăng giá điện bởi biết rằng sẽ ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, đời sống nhân dân. Nhưng không thể không tăng bởi hiện giá điện đang thấp hơn so với giá kinh doanh, ngành điện thì lỗ…”.
Đây là những lời tâm sự của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, trước câu hỏi “chỉ trong 3 tuần cả giá điện và xăng dầu cùng tăng (dù chúng) là hai mặt hàng thiết yếu tác động rất lớn đến đời sống kinh tế”. Và là câu trả lời trước ống kính truyền hình.
Phải nói ngay, ai ngồi chiếc ghế bộ trưởng Công thương bây giờ cũng khó có thể nói khác, về một tâm trạng khó tả, khi một bên là giá bán điện rẻ đến mức lợi thế thu hút đầu tư chỉ còn là sự bù lỗ và sự khó khăn, “đau lòng” của một ngành mà lương bình quân chỉ 7,3 triệu. Và một bên là quảng đại quần chúng nhân dân đang trần mình trước bão giá.
Bộ trưởng có thể “khó tả” tâm trạng của mình, giữa một bên là sự thông cảm với người dân, và một bên là trách nhiệm của một vị bộ trưởng, nhưng người dân thì biết rõ cảm xúc của mình. Không phải là “tâm trạng khó tả” của một vị bộ trưởng, mà là tâm trạng “không nói được thành lời” khi phải đo túi tiền trước bão giá, khi phải trách nhiệm bằng túi tiền ngày càng bọt bèo, trước những đứa trẻ con, trước gia đình và trước chính bản thân.
Nỗi bức xúc trước giá sữa đã tăng tới lần thứ 5 trong chỉ hơn nửa năm.
Sự phẫn uất trước “giá bão”, khi mà lương thực, thực phẩm tăng 400-500% chỉ vì một cơn bão.
Sự chán nản khi giá xăng chỉ cần chưa đầy 30 ngày để lập kỷ lục của kỷ lục.
Và, 24 tiếng sau khi ngành điện “chốt công tơ” với giá điện mới, và trong đúng ngày mà Bộ trưởng nói về “tâm trạng khó tả”, người dân lại được nghe lời than vãn của các DN xăng dầu. Tất nhiên, là lại lỗ. Và sau lỗ, có lẽ sẽ lại có một câu trả lời về một tâm trạng khó tả.
Nhiệm vụ của Bộ trưởng, của một tư lệnh ngành là phải tính đến sự hợp lý của giá cả mỗi mặt hàng chiến lược. Nhưng sự hợp lý đó, phải được tính toán trên sức dân, trên sự chịu đựng, và cả tâm trạng xã hội, một vấn đề thuộc phạm trù lòng dân, chứ không phải, không bao giờ chỉ là tính toán trên việc lỗ lãi lạnh lùng thuần túy kinh tế.
Đối phó với giá xăng, xe máy 50 cm3 đã trở thành một ưu tiên lựa chọn. Đối phó với bão giá, trong đó có “giá bão”, người ta ăn mì tôm ở nhà thay cho bát phở sáng. Nhưng tự thắt, tự ăn thịt mình cũng chỉ có giới hạn.
“Tôi nghĩ rằng khi người dân hiểu được sẽ rất thông cảm”- Bộ trưởng Hoàng bảo thế.
Nhưng người dân muốn thông cảm trước hết cũng cần được thông cảm. Bởi có lẽ, chỉ khi thực sự hiểu và thông cảm cho tâm trạng của người dân, bộ trưởng mới có thể tả chính xác cảm xúc của mình khi gật hay lắc với giá điện, giá xăng, giá sữa…những mặt hàng thiết yếu, đầu vào, thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công thương, những loại giá đang tăng “quá tả” so với tấm lưng còng của người dân.
Copy từ: Đào Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét