CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Đường sữa trong tù



Phạm Thị Hoài
Truyền thông nhà nước lại vừa trưng ra danh sách thực phẩm mà gia đình gửi vào cho người tù Nguyễn Văn Hải Điếu Cày để kết luận rằng ông dựng “màn kịch tuyệt thực”. Cách đây không lâu, nghe ông Cao Trọng Oánh phụ trách Tổng cục 8 cho biết rằng ông Cù Huy Hà Vũ “sẽ không chết, trong tù đường sữa rất nhiều”, tôi bất giác nhớ đến câu chuyện ly sữa của nhà văn Nhã Ca [1].

Bà Nhã Ca, có tên trong danh sách những tên “biệt kích văn hóa”, bị bắt trong chiến dịch khởi động ngày 3 tháng Tư năm 1976, một năm sau ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc, cùng hàng trăm nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, nhân sĩ miền Nam bị xếp hạng “phản động”: Trần Dạ Từ, Đằng Giao, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Hữu Hiệu, Hoàng Anh Tuấn, Thân Trọng Kỳ, Hoàng Vĩnh Lộc, Trịnh Viết Thành, họa sĩ Chóe, Như Phong Lê Văn Tiến, linh mục Trần Hữu Thanh, linh mục Đinh Bình Định, thượng tọa Thích Huyền Quang… Một trong những người trực tiếp thẩm cung bà là họa sĩ Ớt, tức nhà báo Huỳnh Bá Thành, sau này là Tổng biên tập báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau mấy tháng biệt giam trong cát-sô vì “ngoan cố” không chịu nhận tội và không chịu tố giác người khác, sức khỏe bà suy kiệt. Một cán bộ thuộc Sở Bảo vệ Văn hóa Chính trị sai nhân viên đem đến cho bà một ly sữa. Sữa ấy không phải của nhà tù cấp, mà do con bà gửi vào. Ông ta cho biết lí do bà được uống sữa: “Chúng tôi đã cứu xét xong trường hợp của chị. Tôi được lãnh đạo cử tới chỉ để giúp đỡ chị. Từ nay chị sẽ có cơ hội được bồi dưỡng để hồi sức. Đợt làm việc này có thể là lần chót, để giúp chị an tâm tư tưởng. Chị Nhã Ca, chị uống sữa đi chứ.”

Sáng nào nhân vật này cũng hộ tống bà từ phòng giam nữ, diễu qua những dãy phòng giam tập thể khác đến lớp học về nọc độc của văn hóa Mỹ ngụy và chính sách nhân đạo của cách mạng. Theo sau là một nhân viên cung kính bưng ly sữa bốc khói. Bà không chịu nổi đám rước sữa trình diễn lòng nhân đạo hay đòn phép ơn huệ ấy. Xin nhắc lại, sữa ấy không do nhà tù cấp, mà là của gia đình gửi vào. Nhưng bà không từ chối được. Người ta ép bà uống, vì “chúng tôi chỉ muốn tạo điều kiện [2] giúp chị mau phục hồi, trở về với các cháu”. Ly sữa được đặt lên bàn bà. Cán bộ giảng chính sách khoan hồng của cách mạng nói: “Như chị Nhã Ca kìa. Trong những buổi lên lớp vừa qua, tôi đã phân tích rõ các cuốn sách phản động, cản bước tiến cách mạng của chị ấy. Vậy mà các anh quay lại coi. Cách mạng đã đối xử với chị ấy như thế nào.” Bà Nhã Ca kể, nhiều người từ bàn trên đã quay lại và hình như tất cả đều tủm tỉm cười, không phải với bà mà với ly sữa để trước mặt bà. Ở một đoạn khác bà được giải thích rõ hơn về ơn huệ của cách mạng: “Cách mạng muốn giết chị, không cần phí một viên đạn. Bắt chị vào đây chỉ là thi hành chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng. Muốn giết, đã giết rồi.”

*
Cả hai vụ tuyệt thực của Cù Huy Hà Vũ và Nguyễn Văn Hải Điếu Cày đều cùng một diễn biến.

1. Người tù khiếu nại vì thấy mình bị đối xử bất công.
2. Khiếu nại không được tiếp nhận hay chuyển tới cấp có thẩm quyền. Người tù tuyên bố tuyệt thực cho đến khi nào khiếu nại được giải quyết.
3. Gia đình người tù ngẫu nhiên biết về vụ tuyệt thực qua một lần thăm viếng hoặc qua một bạn tù, khi vụ tuyệt thực đã kéo dài nhiều ngày.
4. Gia đình cùng đồng chí và bạn hữu của người tù gõ cửa các cấp có thẩm quyền và đánh động dư luận.
5. Truyền thông nhà nước hoàn toàn im lặng, trong khi truyền thông độc lập và truyền thông quốc tế đồng loạt lên tiếng.
6. Gần một tháng (trường hợp Cù Huy Hà Vũ) hoặc hơn một tháng (trường hợp Điếu Cày) từ ngày người tù tuyên bố tuyệt thực, các cơ quan chức năng mới đáp ứng yêu cầu của người tù là tiếp nhận hoặc trả lời khiếu nại.
7. Người tù chấm dứt tuyệt thực.
8. Truyền thông nhà nước, chủ yếu dựa trên thông tin do báo và truyền hình công an cung cấp, đồng loạt đưa tin và hình ảnh vạch trần màn kịch tuyệt thực của người tù và các thế lực chống phá nhà nước.
9. Truyền thông độc lập và dư luận trên các mạng xã hội đáp trả bằng vạch trần sự lừa bịp của truyền thông nhà nước.


Tất cả những diễn biến điên rồ ấy, tất cả những khổ đau mất mát của người trong cuộc, tất cả bầu không khí đầy độc tố nhả ra từ nghi ngờ, thù địch, phẫn uất ấy lẽ ra không cần phải có, nếu chính quyền không muốn mọi chuyện phải xảy ra như thế. Không có gì đơn giản, dễ dàng, nhẹ nhàng và hữu hiệu hơn một cuộc gặp mặt công khai giữa ban giám thị trại giam, người tù, gia đình cùng đông đảo giới truyền thông trong và ngoài nước – chứ không chỉ một vài nhà báo công an – ngay khi có dư luận về cuộc tuyệt thực. Song dường như sông có thể cạn, núi có thể mòn, chính quyền Việt Nam sẽ không bao giờ hành động như vậy. Tất cả những diễn biến điên rồ ấy, tất cả những khổ đau mất mát của người trong cuộc, tất cả bầu không khí đầy độc tố nhả ra từ nghi ngờ, thù địch, phẫn uất ấy sẽ lặp lại, như chẳng bao giờ, chẳng bao giờ nguôi.

*
Nhà tù cho ta biết về một đất nước nhiều hơn nhà triển lãm quốc gia. Nếu được chọn một quốc gia để ngồi tù, tôi tin rằng không ai tự nguyện chọn Việt Nam, kể cả các ông chủ của hệ thống nhà tù ở đó. Một phòng giam như trong trường hợp ông Cù Huy Hà Vũ, được truyền thông nhà nước coi là ưu đãi, thậm chí là vương giả, nếu ở Đức sẽ bị coi là xúc phạm phẩm giá con người [3]. Song vấn đề không chỉ là sự khác biệt về điều kiện vật chất. Nhà tù xây bằng đá của luật pháp [4]. Luật pháp Việt Nam trên giấy trông cũng đẹp như ở nhiều nơi khác, nhưng nó chết ngay trong văn bản để sống bằng những chỉ dẫn siêu văn bản. Như chỉ dẫn “muốn giết, đã giết rồi”.


© 2013 pro&contra

[1] Nhã Ca. Hồi kí Một người mất ngày tháng, California 1991

[2] Trong chưa đầy hai phút trả lời phỏng vấn của Truyền hình Công an về việc Cù Huy Hà Vũ tuyệt thực, viên giám thị Trại giam tạo điều kiện đến 7 lần. Chẳng hạn, tạo điều kiện cho mua một cái quạt, như bằng chứng về sự quan tâm, nhân đạo của Ban Giám thị, mặc dù Cù Huy Hà Vũ không có thành tích, không “lập công”. Đơn giản là một cái quạt, vật dụng tối thiểu ở một đất nước nhiệt đới, trong một phòng giam chật chội và đóng kín, mua bằng tiền của chính tù nhân hay gia đình tù nhân.

[3] Bang Nordrhein-Westfalen ở Đức bị hai cựu tù nhân kiện vì họ phải ở chung trong một phòng giam chỉ rộng 7,6 mét vuông mà buồng vệ sinh chỉ được ngăn bằng một tấm vách chứ không khép kín, và đã phải trả tổng cộng 6700 Euro tiền đền bù thiệt hại, tính ra mỗi ngày 25 Euro. Một cựu tù nhân khác đang đòi bang Berlin trả 16.000 Euro tiền đền bù cho 659 ngày trong một phòng giam không xứng đáng với nhân phẩm. Bức hình kèm theo là ảnh chụp phòng giam đó.

[4] “Nhà tù xây bằng đá của luật pháp, nhà thổ xây bằng gạch của tôn giáo” (Prisons are built with stones of law, brothels with bricks of religion. – William Blake, The Marriage of Heaven and Hell, 1793)


Copy từ: Dân Luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét