CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Khi Ngân hàng Nhà nước trở thành “lái vàng”


Nam Nguyên, phóng viên RFA 2013-08-09

000_Hkg5200567-305.jpg
Một cửa hàng kinh doanh vàng nữ trang ở Hà Nội
AFP photo

Thị trường vàng vẫn rối sau hơn một năm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao đặc quyền cho Ngân hàng Nhà nước và sau 51 phiên đấu thầu bán ra hơn 52 tấn vàng, giá vàng ở Việt Nam vẫn luôn cách biệt rất xa so với giá vàng thế giới.

Mục tiêu chống vàng hóa

Sau khi Nghị định 24 có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước đã quản lý chặt thị trường vàng, độc quyền nhập khẩu vàng thoi, độc quyền chế tác thành vàng miếng, áp đặt thương hiệu SJC là thương hiệu quốc gia duy nhất, Ngân hàng Nhà nước còn độc quyền ấn định giá vàng và phân phối ra thị trường dưới hình thức đấu thầu cho các ngân hàng và doanh nghiệp được tái cấp phép kinh doanh vàng. Khoảng 5.000 cửa hàng vàng trên toàn quốc bị đóng cửa.

Mục đích của Nghị định 24 là chống vàng hóa nền kinh tế, ổn định thị trường vàng và giảm chênh lệch giá vàng giữa Việt Nam và thế giới. Vậy sau 1 năm độc quyền và bán ra hơn 52 tấn vàng Ngân hàng Nhà nước đã đạt được những mục đích vừa nêu hay không. Trả lời chúng tôi vào tối 8/8/2013, Phó Giáo sư Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế từ Hà Nội nhận định:

“Theo quan điểm của tôi về cơ bản là chưa đạt mục tiêu. Chống vàng hóa là làm sao người ta không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán cũng như không để lượng vàng vật chất lớn. Đặc biệt lượng vàng trong dân Việt Nam hiện nay là rất lớn, anh phải có giải pháp thu hút về phục vụ cho quốc kế dân sinh. Nhưng thông qua 51 phiên đấu thầu đưa ra hơn 52 tấn thì vô hình chung vàng vật chất lại tăng lên, đấy là sự bất cập.
Một trong những mục tiêu Quốc hội đặt ra là làm sao giá vàng trong nước phải liên thông với giá vàng thế giới, hay nói cách khác giá vàng Việt Nam phải sát với giá thế giới. Nhưng thực tế qua 51 phiên đấu thầu thấy rằng mục tiêu này theo Nghị quyết của Quốc hội đã chưa thực hiện được. Có những thời điểm giá vàng chênh lệch khoảng 7 triệu đồng/lượng, tại thời điểm hôm nay (8/8) giá vàng chênh khoảng gần 5 triệu. Từ chênh lệch lớn này nếu không quản lý tốt thì sẽ tạo ra kẽ hở rất lớn tạo ra hiện tượng buôn lậu vàng, ngươi ta sẽ tuồn vàng từ nước ngoài về để hưởng chênh lệch nhất định.”
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, cùng về vấn đề này chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh ở Hà Nội phân tích,  Hội đồng vàng thế giới và Ngân hàng Nhà nước ước đoán hiện nay trong dân ở Việt Nam phải có khoảng từ 400 tấn đến 500 tấn vàng. TS Doanh nhận định là do quá trình thăng trầm của lịch sử, ở Việt Nam ngay cả người nghèo cũng thấy là cần phải giữ vàng. Đã có giai đoạn mỗi lần thay đổi  chính phủ  là lại đổi tiền và thực tế người dân thấy là vàng bao giờ cũng có giá trị. Do vậy vàng đã trở thành vật cất giữ và có một giá trị đặc biệt tại Việt Nam.
….thực tế không có một đất nước nào mà Ngân hàng Nhà nước lại đi mua vàng và chế tác sản xuất đem ra bán trên thị trường.
- PGS Ngô Trí Long
Theo TS Lê Đăng Doanh, trước đây Nhà nước đã cho phép ngân hàng được kinh doanh vàng, Ngân hàng ACB đã mở sàn vàng và nhận gởi tiết kiệm bằng vàng. Sau đó Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định độc quyền vàng thoi, rồi giảm bớt các cửa hàng buôn bán vàng, NHNN độc quyền nhập khẩu vàng, độc quyền đưa vàng ra thị trường với mục tiêu đến 30/6/2013 thì tất cả ngân hàng thương mại đều đã tất toán được số vàng mà họ đã nhận gởi cho dân và bây giờ phải hoàn trả lại. TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh:
“Đến sau 30/6 Ngân hàng Nhà nước thấy vẫn có nhu cầu và vẫn phải tiếp tục đấu thầu và cho đến nay đã bán ra 52 tấn vàng rồi, chênh lệch giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới khoảng từ 4 triệu cho đến khoảng 7 triệu, có những thời điểm lên đến 7 triệu, thì NHNN nói là đã nộp đầy đủ vào Kho bạc Nhà nước. Tuy vậy chưa thấy có con số nào công bố lên về việc đó.
Cho đến nay có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, một là tại sao giá vàng còn chênh lệch đến như vậy và bao giờ giá vàng trong nước và giá vàng thế giới có thể tiếp cận được với nhau. Điều thứ hai là, số vàng trong dân thì để làm gì và thứ ba là NHNN bán vàng ra thì phần lớn do các ngân hàng thương mại mua, còn số vàng ra được thành vàng trang sức hoặc vàng miếng đến tay người dân thì ít thôi, thế thì số vàng đó đi đâu và nên xử lý cái đó như thế nào. Tôi nghĩ rằng, đây là một trong các vấn đề cần phải được thảo luận và xem xét thêm trong thời gian tới.”
Còn nhiều bất cập
000_Hkg4619860-250.jpg
Vàng miếng SJC, ảnh minh họa. AFP photo
Báo Tiền Phong Online ngày 29/7 trích lời Đại tá Vũ Hồng Nam, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Quản lý Kinh tế và Chức vụ, Công an TP.HCM phát biểu rằng, hiện nay 1kg vàng tức 26,6 lượng khi nhập lậu có thể thu lãi 100 triệu đồng. Chính vì vậy dù tăng cường ngăn chặn nhưng vàng lậu vẫn xâm nhập bằng nhiều đường khác nhau. Vẫn theo Tiền Phong, hàng chục kg vàng lậu đã bị bắt giữ ở các cửa khẩu, đặc biệt khu vực biên giới Tây Nam. Bọn buôn lậu còn nghĩ ra cách cắt nhỏ vàng miếng và giao cho nhiều người cất giữ vận chuyển nên rất khó phát hiện.

Đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện độc quyền thị trường vàng trong thời gian vừa qua, Phó Giáo sư Ngô Trí Long nói với chúng tôi là ông giữ nguyên phản biện ban đầu từ cách nay một năm. Ông nói:
“Nghị định 24 của Chính phủ ban hành về quản lý kinh doanh vàng còn rất nhiều bất cập, quan điểm này của tôi đã được chứng minh rất cụ thể. Ví dụ nó thể hiện ở tính chất một mình một chợ, nó khác với thông lệ quốc tế, với các nước. Hay là chỉ qui định một thương hiệu vàng độc quyền, hay một số bất cập mà tôi đã nêu lên rất cụ thể, quan điểm của tôi cho tới nay vẫn là cần sửa đổi gấp NĐ 24 mà vấn đề này Diễn Đàn Kinh Tế Mùa Thu sắp tới, tôi được Ban Tổ chức đặt một bài liên quan đến điều hành thị trường giá vàng thời gian 1 năm qua. Chắc chắn tôi sẽ nêu lên rất cụ thể và định hướng sửa đổi, còn nếu cứ tồn tại cơ chế quản lý vàng như thế này, thì chắc chắn những mục tiêu ban đầu chính phủ đặt ra thì không bao giờ có thể thực thi được.”
Hé lộ những đề nghị liên quan đến vấn đề quản lý thị trường vàng Việt Nam, Phó Giáo sư Ngô Trí Long nói rằng, không thể chỉ có một thương hiệu SJC độc quyền và buộc mọi thương hiệu khác phải trả phí để chuyển đổi. Ông nhấn mạnh:
Theo quan điểm của tôi về cơ bản là chưa đạt mục tiêu. Chống vàng hóa là làm sao người ta không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán cũng như không để lượng vàng vật chất lớn.
- PGS Ngô Trí Long
“Ngân hàng Nhà nước phải nên đi vào chức năng, nhiệm vụ chủ yếu Nhà nước phân công cho là quản lý tiền tệ, quản lý về vàng chứ không phải đi làm nhiệm vụ kinh doanh….thực tế không có một đất nước nào mà Ngân hàng Nhà nước lại đi mua vàng và chế tác sản xuất đem ra bán trên thị trường. Đây là điều mà thông lệ quốc tế và các nước theo mô thức kinh tế thị trường không bao giờ có.”
 
Trong bối cảnh Việt Nam mong muốn được các quốc gia có quan hệ thương mại nhìn nhận là nền kinh tế thị trường đầy đủ, tư duy độc quyền thị trường vàng, can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính có thể gây ảnh hưởng trái chiều hay không. Phó Giáo sư Ngô Trí Long nhận định:
"Đã là một nền kinh tế thị trường thì phải hoạt động theo những tiêu chí nhất định. Việt Nam đang trong xu thế hội nhập thì phải chứng minh cho quốc tế thấy được mình vận động và hành động đúng theo những qui luật của kinh tế thị trường. Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo phải xem xét nghiên cứu làm sao để đưa tất cả các hoạt động đặc biệt là thị trường vàng đi theo đúng quĩ đạo, vì nó là một bộ phận của thị trường tiền tệ tài chính.” 

Chúng tôi xin trích nhận định của TS Lê Đăng Doanh trên báo Người Lao Động Online: “ Thị trường vàng nào đang được hình thành và vận hành ở Việt Nam….Độc quyền sẽ luôn áp đặt giá độc quyền cao nhất có thể để thu siêu lợi nhuận, đó là nhận thức từ sách giao khoa và không sai với đối với các hành vi độc quyền ở Việt Nam. Hy vọng rút ngắn giá trong nước bằng với giá thế giới xem ra còn xa vời.”


Copy từ: RFA

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/wh-central-bank-act-gold-trader-nn-08092013100532.html


...........

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét