Kết thúc điều tra vụ bầu Kiên, đề nghị truy tố 4 tội
Thứ Năm, 08/08/2013 13:56
(NLĐO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất điều tra vụ án liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên, theo đó đề nghị truy tố bầu Kiên với 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Trốn thuế và Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
Bị can Nguyễn Đức Kiên
Tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an
ngày 8-8 cho biết cơ quan này vừa kết thúc điều tra vụ án liên quan đến
ông Nguyễn Đức Kiên (thường gọi là bầu Kiên) cùng các đồng phạm sau gần 1
năm điều tra.
Theo đó, Nguyễn Đức Kiên và 7 đồng phạm bị đề nghị
truy tố 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản;
Trốn thuế và Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây
hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu
(Ngân hàng ACB) và một số công ty trên địa bàn TP Hà Nội và TP Hồ Chí
Minh.
7 bị can bị can còn lại gồm: Ông Trần Xuân Giá, Chủ
tịch HĐQT Ngân hàng ACB; ông Lê Vũ Kỳ; ông Phạm Trung Cang; ông Trịnh
Kim Quang, đều nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB; ông Lý Xuân
Hải, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB; ông Trần Ngọc Thanh, Giám đốc
Công ty cổ phần Đầu tư ACBI Hà Nội; bà Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán
trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội.
Lập hàng loạt công ty kinh doanh trái phép
Theo kết luận điều tra, năm 1993, Nguyễn Đức Kiên là cổ đông góp vốn lớn của Ngân hàng ACB và sau đó đã giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng này từ năm 1994 đến năm 2008. Trong thời gian làm việc tại Ngân hàng ACB, bầu Kiên tham gia quản trị, điều hành ngân hàng với nhiều vị trí khác nhau, có ảnh hưởng, chỉ đạo và quyết định nhiều hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB.
Để tránh quy định hạn chế vay vốn từ ngân hàng ACB,
hạn chế việc sở hữu chéo tại nhiều ngân hàng thương mại cổ phần và hạn
chế nhiều hoạt động kinh doanh riêng khác, bầu Kiên đã rút tên khỏi HĐQT
Ngân hàng ACB. Sau đó, bầu Kiên đã thành lập 5 công ty, gồm: Công ty cổ
phần Tập đoàn Tài chính Á Châu (Công ty AFG); Công ty cổ phần Đầu tư
ACB Hà Nội (Công ty ACBI); Công ty cổ phần Đầu tư Á Châu (Công ty ACI);
Công ty TNHH đầu tư tài chính Á châu Hà Nội (Công ty ACI-HN) và Công ty
CP đầu tư thương mại B & B (Công ty B&B). Trong đó, Nguyễn Đức
Kiên làm Chủ tịch HĐQT của 4 Công ty B&B, AFG, ACBI, ACI và Chủ tịch
Hội đồng thành viên Công ty ACI-HN.
Mặc dù không được Nhà nước cấp phép kinh doanh tài chính, nhưng bầu Kiên đã chỉ đạo 5 công ty trên sử dụng hơn 9.700 tỉ đồng từ vốn điều lệ, tiền huy động và tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu bán cho các ngân hàng. Để nâng giá trị cổ phiếu Ngân hàng ACB, bầu Kiên và Thường trực HĐQT Ngân hàng này đã ra chủ trương cấp tiền cho Công ty ACBS là công ty chứng khoán do Ngân hàng ACB sở hữu 100% vốn điều lệ để mua cổ phiếu Ngân hàng ACB.
Bầu Kiên và Thường trực HĐQT Ngân hàng đã chỉ đạo Ngân hàng ACB cấp cho Công ty ACBS 1.500 tỉ đồng cùng vốn tự có, Công ty ACBS đã chuyển cho các Công ty ACI, ACI-HN tổng số tiền hơn 1.557 tỉ đồng để đứng tên mua hộ hơn 52,5 triệu cổ phiếu ACB, đến nay mới thu về hơn 364 tỉ đồng tiền gốc, còn lại 1.193 tỉ đồng chưa thu về, trong khi số cổ phiếu Ngân hàng ACB còn lại là hơn 19,5 triệu cổ phiếu, bị mất 32,9 triệu cổ phiếu, gây thiệt hại hơn 614 tỉ đồng (tính theo đơn giá cổ phiếu lúc mua) và thiệt hại hơn 879 tỉ đồng (tính theo giá trị cổ phiếu hiện tại).
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng làm rõ hành vi trốn thuế với số tiền hơn 25 tỉ đồng của Nguyễn Đức Kiên trong vụ kinh doanh vàng giữa Công ty B&B và Ngân hàng ACB. Cụ thể, trong quá trình kinh doanh, công ty của bầu Kiên đã thu được lãi trên 100 tỉ đồng, song bầu Kiên đã chỉ đạo Công ty B&B không kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp mà chuyển lợi nhuận doanh nghiệp sang cho thuộc cấp để trốn thuế hơn 25 tỉ đồng. Số tiền này được chuyển lại toàn bộ cho Công ty B&B để bầu Kiên sử dụng vào hoạt động kinh doanh khác.
Chiếm đoạt tiền của Thép Hòa Phát
Bầu Kiên và đồng phạm cũng đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát.
Theo đó, với vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty ACBI, ngày 11-5-2010, bầu Kiên đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty ACBI ký hợp đồng thế chấp 22,497 triệu cổ phần Công ty cổ phần thép Hòa Phát vào Ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc Công ty ACBI phát hành trái phiếu trị giá 800 tỉ đồng tại Ngân hàng ACB.
Đến tháng 4-2012, bầu Kiên đã giao dịch trực tiếp với ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT và ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, về việc bán 20 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát do ACBI đang sở hữu với số tiền 264 tỉ đồng cho Tập đoàn Hòa Phát.
Mặc dù chưa được Ngân hàng ACB và Công ty ACBS chấp thuận cho giải tỏa 20 triệu cổ phiếu trong tổng số gần 22,5 triệu cổ phiếu đang thế chấp nhưng ngày 15-5-2012, ông Kiên đã chỉ đạo Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán trưởng Công ty ACBI) soạn thảo quyết định của HĐQT và biên bản họp HĐQT để ông Kiên ký quyết định và biên bản họp thể hiện chủ trương của HĐQT trong khi thực tế không họp HĐQT công ty về việc chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu này.
Sau đó, ông Kiên đã ký nháy hợp đồng để bán số cổ phiếu trên cho Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát lấy 264 tỉ đồng. Số tiền thu được, ông Kiên đã chỉ đạo sử dụng vào mục đích riêng. Đến thời điểm này, Thép Hòa phát vẫn chưa nhận được 20 triệu cổ phiếu như hợp đồng.
Cố ý làm trái, thiệt hại hơn 1.400 tỉ đồng cho ACB
Với hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, khi còn là Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, bầu Kiên biết rõ quy định của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất và các quy định kinh doanh chứng khoán song vẫn đề xuất, chỉ đạo Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng; ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty TNHH chứng khoán ACB mua cổ phiếu ngân hàng ACB sai quy định, gây hậu quả nghiêm trọng đến việc thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ của Nhà nước, thu lợi bất chính cho nhóm cổ đông Ngân hàng ACB hơn 256 tỉ đồng và trực tiếp gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB hơn 1.407 tỉ đồng.
Việc Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo ủy thác cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền vào Ngân hàng Vietinbank đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB gần 719 tỉ đồng.
Đối mặt với mức án "kịch khung" chung thân
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã
đưa, ngày 21-8-2012, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt
tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Kiên (SN 1964, Chủ tịch CLB Bóng đá Hà
Nội, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp - VPF,
thường gọi “bầu” Kiên) để điều tra về tội Kinh doanh trái phép theo điều
159 Bộ Luật Hình sự. Tội danh này có khung hình phạt cao nhất 2 năm tù.
Tiếp đó, ngày 18-9-2012, “bầu” Kiên đã bị Cơ quan điều
tra Bộ Công an khởi tố bổ sung 2 tội danh Cố ý làm trái quy định của
nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 và
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 - Bộ Luật Hình sự. Trong đó,
tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả
nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù, còn tội Lừa đảo
chiếm đoạt tài sản có khung hình phạt cao nhất tới chung thân.
Đầu tháng 7-2013, Cơ quan điều tra Bộ Công an lại
quyết định khởi tố bổ sung vụ án, tội danh “Trốn thuế” đối với bị can
Nguyễn Đức Kiên. Tội danh này có mức án cao nhất là 7 năm tù.
Nguyễn Quyết
Copy từ: Người Lao Động
http://nld.com.vn/20130808123417645p0c1019/ket-thuc-dieu-tra-vu-bau-kien-de-nghi-truy-to-4-toi.htm
............
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét