Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013-07-15
2013-07-15
Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 12/7, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm 5,3%, lạm phát cao tới 8,2% và đối diện nhiều thách thức. Nam Nguyên phỏng vấn TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương về vấn đề liên quan, từ Hà Nội trước hết TS Lê Đăng Doanh nhận định:
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã đưa ra một nhận xét khá nghiêm khắc đối với kinh tế Việt Nam. Đó là kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tương đối chậm, trong khi lạm phát lại cao hơn tốc độ tăng trưởng. Nhận xét này cũng phù hợp với những ý kiến của các chuyên gia độc lập của Việt Nam, trong đó những vấn đề được nêu lên là vấn đề doanh nghiệp nhà nước, đó là vấn đề đầu tư công, đó là vấn đề hiệu lực của các chính sách và bộ máy quản lý nhà nước. Đó là những vấn đề sắp tới đây Việt Nam cần phải chú ý có sự cải cách mạnh mẽ nếu không tình hình đó có thể diễn biến phức tạp.
Nam Nguyên: Những thách thức mà Việt Nam đang đối diện nếu đặt theo thứ tự ưu tiên sẽ như thế nào?
TS Lê Đăng Doanh: Theo tôi điều quan trọng nhất của Việt Nam bây giờ là cải cách thể chế, tức là phải có sự giám sát quyền lực, phải có những thể chế hoạt động theo luật và tự chịu trách nhiệm. Thí dụ như cơ quan thống kê cũng phải hoạt động độc lập tương tự như cơ quan kiểm toán. Ngân hàng Nhà nước cũng phải độc lập hơn nữa, tránh trở thành nơi ứng trước tiền cho các chi tiêu của chính phủ và điều ấy rất bất lợi cho việc kiềm chế lạm phát. Ngoài ra việc giám sát việc thực thi chính sách, việc hoàn thành nhiệm vụ cũng như chế độ công khai minh bạch phải được thực hiện một cách rõ rệt.
Theo tôi điều quan trọng nhất của Việt Nam bây giờ là cải cách thể chế, tức là phải có sự giám sát quyền lực, phải có những thể chế hoạt động theo luật và tự chịu trách nhiệm.Điểm thứ hai đó là phải tiến hành cải cách doanh nghiệp nhà nước, trong đó phải chú ý thực hiện qui chế quản trị doanh nghiệp một cách hiện đại; thực hiện việc bổ nhiệm nhân sự công khai minh bạch qua tuyển chọn và bổ nhiệm theo hợp đồng có thời hạn với những điều kiện nhất định tránh chuyện bổ nhiệm trong nội bộ và không rõ các điều kiện cũng như không ràng buộc là nếu anh làm được thì anh được cái gì và nếu không làm được thì có việc gì không.
- TS Lê Đăng Doanh
Điểm thứ ba, phải có một công cuộc cải tổ mạnh mẽ, tái cấu trúc đầu tư công, hiện nay Nhà nước Việt Nam đầu tư vào quá nhiều lãnh vực trong đó có những lãnh vực mà tư nhân có thể thực hiện được. Thí dụ như dệt may, da giày hay là công ty sữa. Những lãnh vực đó không phải là những lãnh vực có tính quyết định với nền kinh tế. Nhà nước có thể hoàn toàn thoái vốn để các doanh nghiệp này hoạt động hoàn toàn như một công ty cổ phần mà trong đó cổ phần của Nhà nước hoàn toàn không cần thiết nữa.
Điểm cuối cùng, Việt Nam cần phải có một cuộc đổi mới lần thứ hai rất mạnh mẽ trong đó kể cả lãnh vực kinh tế tư nhân cũng phải có cải cách. Dĩ nhiên trước mắt Việt Nam phải giải quyết vấn đề nợ xấu, vấn đề tái cấu trúc ngân hàng, cũng như vấn đề bong bóng bất động sản. Đấy là các vấn đề Việt Nam cần phải làm trong vòng từ 3 năm đến 5 năm sắp tới để có thể ổn định kinh tế cũng như đưa nền kinh tế đến một mức độ phát triển cao hơn.
Nam Nguyên: Thưa Tiến sĩ, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận xét là Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) hay công ty xử lý nợ được hình thành theo một kế hoạch mà Ngân hàng Thế giới cho là xa lạ với những cách thức mà tổ chức này cho là tốt. Tiến sĩ nhận định gì?
TS Lê Đăng Doanh: Với việc tạo lập Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) với vốn pháp định chỉ có 500 tỷ đồng so với nợ xấu cần phải giải quyết mà có con số đưa ra vào khoảng 400.000 tỷ cho đến 500.000 tỷ thì đấy là một công việc rất khó khả thi. Thứ hai nữa, những qui chế khác về việc xử lý nợ xấu như thế nào, vai trò của nhà đầu tư nước ngoài như thế nào, vai trò của các công ty tư vấn đánh giá độc lập như thế nào, thứ tự ưu tiên của việc giải quyết như thế nào và sự quyết tâm chính trị để bảo vệ các nhà đầu tư nếu như họ đầu tư vào để giải quyết các nợ xấu đó, thì hiện nay hàng loạt vấn đề chưa rõ ràng.
Phải có một công cuộc cải tổ mạnh mẽ, tái cấu trúc đầu tư công, hiện nay Nhà nước Việt Nam đầu tư vào quá nhiều lãnh vực trong đó có những lãnh vực mà tư nhân có thể thực hiện được.Nam Nguyên: Thưa Tiến sĩ có thể đưa ra một vài thí dụ về vấn đề này.
- TS Lê Đăng Doanh
TS Lê Đăng Doanh: Trường hợp ở Hàn Quốc, hay Thái Lan, Malaysia, các nhà đầu tư đã mua đến 65% hoặc 50% tổng số nợ xấu. Tức là vai trò của nhà đầu tư nước ngoài rất là quan trọng. Nhưng bây giờ ở Việt Nam nếu muốn mua tài sản hay là nợ xấu của một doanh nghiệp nhà nước thì tài sản đó phải được mua theo giá sổ sách và giá đó rất xa với giá thực tế. Đấy là các vấn đề mà Ngân hàng Thế giới có nói đến là cách xử lý của Việt Nam xa lạ với các mô hình của thế giới.
Việc này thì cũng đã được đưa ra bàn thảo nhiều lần, nhưng hiện nay Việt Nam vẫn quyết định như vậy. Chỉ có sự thật sẽ là người thầy để giúp Việt Nam xem mình thực hiện được đến đâu. Nhưng nếu như vậy thì thời gian để học bài học đó có thể lâu hơn và đấy là thời gian mất mát không cần thiết để xử lý vấn đề nợ xấu đang gây ứ đọng bế tắc trong tín dụng làm cho kinh tế Việt Nam không tăng trưởng được.
Nam Nguyên: Cảm ơn TS Lê Đăng Doanh đã dành thời gian trả lời đài RFA.
Copy từ: RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét