CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

COC thách thức sự thống nhất của ASEAN

(Kienthuc.net.vn) - Các nước ASEAN có kế hoạch đến tháng 9/2013 sẽ bắt đầu tham vấn Trung Quốc và phát triển một lộ trình nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

 Đến bao giờ Biển Đông mới có một bộ Quy tắc ứng xử?

Trung Quốc đã đồng ý bắt đầu làm việc cùng với các nước ASEAN về dự thảo Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC). Quyết định này là một trong những quyết định then chốt trong cuộc gặp của các ngoại trưởng ASEAN, diễn ra tại Brunei.

Quyết định trên được đưa ra để đáp lại tuyên bố tại Brunei của Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario, người cáo buộc Trung Quốc đang tăng cường hiện diện quân sự trong vùng biển tranh chấp. Ông đánh giá hành động của Trung Quốc là "mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Ông Dmitry Mosyak, người đứng đầu Trung tâm Đông Nam Á của Viện phương Đông thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga nhận xét: “Họ có thể thảo luận quy tắc đó thêm 10 năm nữa. Có rất nhiều dấu hiệu cho thấy nếu các cuộc đàm phán bắt đầu, Trung Quốc sẽ làm hết sức mình để chia rẽ sự thống nhất này. Trung Quốc có đòn bẩy rất lớn và bất cứ lúc nào cũng có thể chia rẽ tổ chức. Nếu các nước ASEAN có thể duy trì được đoàn kết nội bộ, có quan điểm nhất định về soạn thảo quy tắc ứng xử mới ở Biển Đông, điều đó sẽ cho thấy khả năng của tổ chức này với tư cách là một thành viên hợp nhất trong quá trình quốc tế. Nếu họ không làm được điều đó, thì sẽ có thể nói về một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong nội bộ ASEAN. Tổ chức này sẽ bị biến thành chiến trường của các cường quốc ngoài khu vực. Mỹ rõ ràng đứng sau Philippines, trong khi Trung Quốc sẽ thể hiện khả năng ảnh hưởng của mình như khi sử dụng "anh bạn Campuchia" phá hoại Tuyên bố chung của ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh Phnom Penh năm ngoái.

Hội nghị Bộ trưởng ASEAN tại Brunei diễn ra trong bối cảnh quốc tế phức tạp khi mà các mối đe dọa đối với an ninh và ổn định khu vực đã tăng lên đáng kể. Phần lớn điều này là do hai sự kiện quan trọng đã xảy ra gần đây. Cuối năm 2012, chính phủ Trung Quốc thông báo rằng kể từ tháng 1/2013, "cảnh sát Hải Nam được quyền kiểm soát tàu thuyền nước ngoài” đi vào Biển Đông một cách "bất hợp pháp" theo các nhà chức trách Trung Quốc. Tuyên bố này thực sự có nghĩa là tạo ra một khu vực đối đầu mới. Con đường qua eo biển Malacca và Biển Đông là tuyến thương mại hàng hải quan trọng. Nước nào kiểm soát được tuyến đường này sẽ có cơ hội ảnh hưởng đến quá trình kinh tế và chính trị toàn cầu, chưa kể đến thực tế là nước đó có thể đưa ra điều kiện thuận lợi cho mình bắt các quốc gia Đông Nam Á tuân theo.

Một lý do khác khiến xung đột gia tăng là chính phủ Philippines đệ đơn lên Tòa án quốc tế về Luật Biển. Bằng cách đó, Philippines đã bật đèn xanh cho cuộc xung đột khu vực và song phương leo thang thành xung đột đa phương. Trung Quốc phản ứng gay gắt và tuyên bố sẽ không công nhận quyết định của tòa án này.  

ASEAN và Trung Quốc đang hy vọng rằng họ sẽ có thể giải quyết tranh chấp qua Quy tắc ứng xử Biển Đông. Nhưng liệu Quy tắc này có được thông qua trong tương lai gần hay không, đó là vấn đề đang còn bỏ ngỏ.


Copy từ: Kiến Thức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét