Lê Diễn Đức - Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.
Trong cuốn "A History of Reading", Alberto Manguel, nhà văn Argentina, viết:
"Các chế độ độc tài không muốn chúng ta suy nghĩ, nên ngăn cấm,
đe dọa và kiểm duyệt. Trước và sau đều nhằm mục đích làm chúng ta ngu
ngốc và cam phận với sự xuống cấp về sự hiểu biết của mình. Vì vậy các
chế độ này khuyến khích tiêu thụ những thứ rác rưởi. Trong bối cảnh này,
đọc sách báo ngoài luồng kiểm duyệt trở thành hoạt động phá hoại".
Kiểm soát, cắt xén, ngụy tạo thông tin phục vụ tuyên truyền lừa mị
là mục đích của các nhà nước độc tài toàn trị hay các chế độ chuyên
quyền.
Tháng 6/năm 1989, chính phủ không cộng sản đầu tiên tại Ba Lan được
thành lập. Việc đầu tiên mà chính phủ thực hiện là ngưng toàn bộ hoạt
động của cơ quan kiểm duyệt trung ương, vào lúc bây giờ có tới 465 nhân
viên, mỗi năm tiêu thụ hàng tỷ đô la và giải thể hoàn toàn cơ quan này
vào năm 1990.
Nhà nước Ba Lan chỉ còn nắm giữ hai kênh truyền hình TVP1 và TVP2,
bên cạnh khoảng 200 kênh truyền hình tư nhân khác như Polsat, TVN, TV
Puls, Canal +, v.v... Tuy nhiên không có bất kỳ tờ báo nào trong hàng
trăm nhật báo và tạp chí thuộc hệ thống nhà nước.
Nền dân chủ non trẻ cần báo chí, truyền thông tự do để xây dựng và
lành mạnh hoá xã hội. Tất cả sinh hoạt của cộng đồng xã hội, của nhà
nước Ba Lan đều được phản ánh rộng rãi trên báo chí.
Trong hơn hai mươi năm dân chủ, báo chí tự do tại Ba Lan thực sự là
sân chơi, diễn đàn bình đẳng cho sự cạnh tranh, tranh chấp chính trị
giữa các đảng phái, nhưng đồng thời cũng là vũ khí hiệu quả nhất vạch
trần tham nhũng, tội phạm. Trong đối ngoại, báo chí đã góp phần tích cực
trong việc bảo vệ chủ quyền.
Một nền dân chủ đích thực không phải chỉ có quốc hội đa đảng, bầu
cử tự do mà là phải đảm bảo có báo chí, truyền thông tự do. Đấy là tiêu
chuẩn then chốt, là chân lý.
Bao giờ cho đến... ngày xưa?
Trong thời kỳ Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ, báo chí tư nhân vẫn được phát hành.
Ngày 15/4/1865 nguyệt san Gia Định xuất bản tại Sài Gòn là tờ báo quốc ngữ đầu tiên trên toàn quốc.
Tại Nam Kỳ lần lượt phát hành Nhật trình Nam Kỳ (1883), Phan Yên
báo (1898), Nông Cổ Mín Đàm (1901), Nhật Báo Tỉnh (1905), Lục Tỉnh Tân
văn (1907), Nam Kỳ Địa phận (1908), Tân Đợi Thời báo (1916, sau đổi
thành Công Luận báo), Nam Trung Nhật báo (1917), An Hà Báo (1917, ở Cần
Thơ), Đại Việt Tạp khí (1918, ở Long Xuyên), Nữ Giới Chung (1918)…
Một phụ bản của tờ "Lục tỉnh Tân văn" ở Sài Gòn xuất hiện ở Bắc Kỳ
là tuần báo "Đông Dương Tạp chí", ra mắt ngày 15/5/1913, do F. H.
Schneider làm giám đốc và Nguyễn Văn Vĩnh giữ chức chủ bút. "Đông Dương
Tạp chí" tồn tại được 6 năm 4 tháng (1913 - 1919).
Đông Dương Tạp chí có mục đích chính trị là tuyên truyền cho chính
sách bảo hộ của người Pháp, nhưng với những người Việt Nam cộng tác, thì
họ dùng tờ báo để tuyên truyền cho việc duy tân đất nước và xây dựng
một nền văn học mới.
Tháng 7/1917 tờ Nam Phong Tạp chí do Phạm Quỳnh chủ trương ra đời. Trong bài "Quốc học và chính trị", năm 1921, ông viết:
“Gầy dựng, tổ chức một nền tản văn thích hợp với đời nay, và có
cốt cách An Nam, vừa có thể cách tân thời đủ dùng để diễn được các tư
tưởng mới, đó là cái cấp vụ hiện nay, mà là cái đường thứ nhất trong
việc gầy dựng một nền quốc học sau này vậy… Nhà văn muốn thờ nước không
có cái phương tiện nào hay bằng giúp cho nước nhà có một nền quốc văn
xứng đáng. Đó là chủ nghĩa của tôi bấy lâu nay, mà là cái tín điều thứ
nhất trong đạo quốc gia của tôi vậy”.
Nam Phong Tạp chí có sự tham gia của một số cây bút nổi tiếng như
Tiêu Đẩu (Nguyễn Bá Trác), Đông Hồ (Lâm Tấn Phác), Tản Đà (Nguyễn Khắc
Hiếu), Mân Châu (Nguyễn Mạnh Bổng), Tung Vân (Nguyễn Đôn Phục), Đông
Châu (Nguyễn Hữu Tiến), Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Tương Phố, Dương
Quảng Hàm…
Dù bị hạn chế, nhưng báo chí tư nhân trong giai đoạn Pháp thuộc đã
nói lên được tiếng nói của người bị trị, góp phần không nhỏ trong việc
chấn hưng dân trí.
Ô nhục thay nền báo chí cách mạng
Báo chí cách mạng là công cụ của đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN),
phục vụ cho mục đích cầm quyền của ĐCSVN và chịu sự kiểm duyệt, quản lý
chặt chẽ của ĐCSVN.
Một bộ máy tuyên truyền cồng kềnh, chi phí tốn kém khủng khiếp cho
một hệ thống hơn 700 tờ báo, 67 đài phát thanh truyền hình, hàng trăm
trang tin, báo điện tử, hàng ngàn trang tin của các bộ, ngành, với 17
ngàn nhà báo mang thẻ, cộng thêm đội ngũ dư luận viên, chuyên gia bút
chiến đông đảo và 80 ngàn tuyên truyền viên miệng trên khắp các tỉnh
thành.
Thế nhưng, từ khi có internet, bộ máy tuyên truyền này bị vỡ toang
và phải đối đầu không khoan nhượng với báo chí lề dân, thông qua các
blogs và mạng xã hội.
Bằng con số "có hơn 31,3 triệu người sử dụng internet, chiếm 35,58%
dân số (tính đến 11/2012) và "tổng số thuê bao băng rộng hiện nay đạt
gần năm triệu, tổng số thuê bao 3G đạt hơn 3,3 triệu, 100% viện nghiên
cứu, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trung học phổ
thông ở Việt Nam có kết nối để truy nhập internet băng rộng...", Bộ
Thông tin - Truyền thông cho rằng "tự do internet của Việt Nam là sự
thật không thể bác bỏ. Hay nói cách khác, Việt Nam là quốc gia hết sức
thân thiện với internet".
Đây là một tuyên bố láo khoét!
Trước hết, số lượng người sử dụng hoàn toàn độc lập với sự tự do
Internet. Sự phát triển Internet đã không tỷ lệ thuận với sự tự do sử
dụng. Số lượng người sử dụng tăng nhanh, nhưng nhà nước VN cũng đồng
thời tìm cách đánh phá các trang web có các bài viết không đúng với
đường lối chính sách của ĐCSVN.
Nếu không phải là hung thần của Internet thì làm sao có chuyện
tướng công an Vũ Hải Triều khoe khoang đánh sập 300 trang mạng xấu trong
một cuộc hội nghị báo chí năm 2010? Cho tin tặc đột nhập phá hoại đã
trở thành chính sách xuyên suốt. Các trang báo lề dân liên tục bị tấn
công. Mạng xã hội Facebook bị chặn hết sức quyết liệt, người sử dụng vẫn
phải sử dụng công nghệ vượt tường lửa để truy cập.
Nhà cầm quyền đã càn quét, khủng bố các cây bút tự do. Trong một
thời gian ngắn gần đây, gần 40 bloggers bị bắt giữ, tù đày, trong đó
nhiều người nhận mức án tù rất nặng nề, phí lý như Điếu Cày 12 năm tù, 5
năm quản chế; Tạ Phong Tần 10 năm tù, 3 năm quản chế; Hồ Đức Hoà 13 năm
tù...
Việc bắt giam các bloggers Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh
Nhật Uy chứng tỏ phản ứng lúng túng, điên rồ của nhà chức trách.
Trong bài "Trận địa thông tin" trên tờ Lao Động Online ngày
10/01/2013, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn đã thừa
nhận:
"Tại sao chúng ta có một hệ thống hơn 700 tờ báo, 67 đài phát
thanh truyền hình, hàng trăm trang tin, báo điện tử, hàng ngàn trang tin
của các bộ, ngành. Có tới 17.000 nhà báo, trong đó có nhiều cây bút có
đủ khả năng làm lay động bạn đọc mà thông tin lưu truyền trong xã hội
lại là thông tin từ blog cá nhân”.
“Lên tiếng một cách đồng loạt, im lặng một cách đồng loạt”, báo
chí đang đánh mất niềm tin của bạn đọc. Và, với việc né tránh những
thông tin nhạy cảm, với việc không được cung cấp thông tin đầy đủ kịp
thời, báo chí đánh mất nốt thói quen tìm kiếm thông tin của bạn đọc, khi
giờ đây, họ “lên mạng”, thay vì tìm đọc báo. Đây là những sự thật đau
lòng".
Khi xã hội bị khủng hoảng lòng tin, cái Ác lên ngôi thay thế cái
Thiện, sự dối trá và vô cảm thành vấn nạn thường trực, chủ quyền an ninh
quốc gia bị đe doạ nghiêm trọng, ngư dân bị xua đuổi, ức hiếp trên biển
Đông, mà báo chí lề đảng cũng chỉ nói đến tàu "lạ", hoặc "đồng loạt im
lặng" trong những ngày kỷ niệm lịch sử chống Trung Quốc xâm lược, thì bộ
máy tuyên truyền có lớn bao nhiêu đi nữa khó mà đảo ngược thực tế.
Người ta đi tìm sự thật ở lề dân.
Lời tự thú của Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn là sự ô nhục của một nền báo chí cách mạng!
© 2013 Lê Diễn Đức - RFA Blog
Copy từ: Lê Diễn Đức (RFA’blog)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét