|
|
Nhà nước sẽ tiếp tục thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế. Ảnh: TBKTSG Online. |
(TBKTSG Online) - Nhà nước sẽ tiếp tục thu hồi đất cho các dự
án phát triển kinh tế mặc dù có nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định này
trong dự Luật đất đai sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận.
Tại phiên thảo luận về Luật đất đai sửa đổi trong ngày hôm nay (17-6),
Chủ tịch Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, Nhà nước
sẽ tiếp tục thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế nhằm đảm bảo
tiến độ thực hiện của các dự án này tại Điều 62 của dự luật.
Theo đó, Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội trong các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, để thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Thứ hai, để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ
cao, khu kinh tế, các dự án, công trình khác do Thủ tướng Chính phủ chấp
thuận chủ trương đầu tư.
Và cuối cùng, để thực hiện các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân
cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công
nghiệp, các dự án khác đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.
Tuy nhiên, ông Giàu thừa nhận, có nhiều ý kiến đề nghị không thu hồi
đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội trong quá trình dự
luật này đưa ra lấy ý kiến nhân dân.
Gần đây, khi thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại kỳ họp
này, nhiều ý kiến đại biểu cũng đã đề nghị nên bỏ quy định thu hồi đất
vì mục đích kinh tế do lo ngại xung đột xã hội leo thang.
Tại phiên thảo luận sáng nay, ông Giàu giải thích, Nhà nước thu hồi đất
là để “bảo đảm hài hòa” lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và
của nhà đầu tư.
Ông giải thích, nhằm tạo quỹ đất sạch và thực hiện giao đất, cho thuê
đất chủ yếu thông qua hình thức đấu giá, Nhà nước sẽ điều tiết được phần
giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, tạo
nguồn thu để thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng đất bị thu
hồi đất.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (tỉnh Hậu Giang) đề
nghị cần có những quy định chặt chẽ hơn để chứng minh các dự án thực sự
vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng… để tránh trường hợp chính quyền
lợi dụng quy định này để thu hồi đất.
Bà Thủy cho rằng, Nhà nước phải trưng mua nhà và các tài sản khác gắn
liền với mảnh đất thu hồi do đây là tài sản thuộc quyền sở hữu của công
dân, và nhà nước không thể thu hồi.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (thành phố Hải Phòng) đồng ý điểm này, khi cho
rằng, tài sản gắn liền với đất như nhà ở, các công trình kiến trúc là
tài sản thuộc sở hữu của người dân, không phải sở hữu Nhà nước.
Ông cho rằng, cần bảo đảm hài hòa mục tiêu thu hồi đất để phát triển
kinh tế-xã hội với an dân vì lo ngại tình trạng khiếu kiện, tranh chấp
đất đai gia tăng.
Ngày 16-6 vừa qua, có 18 tổ chức xã hội và nghề nghiệp đã gửi kiến nghị
chính thức đến Quốc hội, đề nghị chưa biểu quyết thông qua Dự thảo Luật
Đất đai tại kỳ họp này. Lý do chính là những điều chỉnh trong Dự thảo
Luật mới nhất vẫn chưa phản ánh đầy đủ những nguyện vọng xác đáng của
người dân.
Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được lấy ý kiến nhân dân có 14 chương,
206 điều, tăng 14 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ
4 vào cuố năm ngoái. Đã có tới 7 triệu lượt ý kiến góp ý vào dự thảo
sau 2 tháng tổ chức lấy ý kiến nhân dân.
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét