"Nick Vujicic sẽ ra sao nếu sinh ra tại Việt Nam?" Câu hỏi trên không phải là nội dung của bài viết này, ở đây tôi muốn đặt ra câu hỏi đó để độc giả suy ngẫm về sự kiện Nick Vujicic và những câu chuyện liên quan. Vì một thực tế đơn giản, câu hỏi đó ai cũng có riêng cho mình một câu trả lời, và hầu hết đó đều là những câu trả lời giống nhau.
Sự kiện Vujicic đến Việt Nam đã mang tới những ngày sôi động trên làng
báo Việt. Tôi biết đến sự kiện này cách đây một, hai tháng gì đấy… khi
đi trên đường từ sân bay về thành phố, và tôi ngỡ ngàng tự hỏi tại sao
người ta lại giăng đầy các bảng quảng cáo to đùng về sự kiện này. Đến
khi xem chương trình vào tối 22/04, Nick giao lưu khán giả tại TP HCM
tôi mới vở lẽ ra cái sự quảng cáo đó, trong chương trình nếu ai để ý, sẽ
thấy cứ khoảng 2-3 phút, máy quay lại trờ tới khán giả, nơi ghế ngồi
của ông Lê Phước Vũ, chủ tịch tập đoàn Hoa Sen.. hình ảnh lặp đi lặp lại
liên tục đó thực sự là một trò lố!
Sau đêm giao lưu, trên mạng xã hội FB xuất hiện bài viết “Bụt chùa nhà không thiêng”
lan truyền nhanh với hơn 40 nghìn lượt thích, gần như ngay lập tức vào
ngày mai, nó đã có bài viết phản biện được đăng trên giaoduc.net.vn của
tác giả Vũ Tuấn Anh (Giám đốc Viện quản lý VN), bài viết phản biện có
tựa đề “Bụt chùa nhà không thiêng viết về Nick Vujicic: 'Đốt đền để nổi tiếng'”,
với cách phản biện mang hơi hướng lý sự, mà theo comment của một độc
giả là “phản biện hời hợt”, khiến độc giả có cảm giác bài viết phản biện
được viết theo đơn đặt hàng, bài viết có những câu khá sốc chẳng hạn “đốt đền để nổi tiếng”, “Bài viết đã chà đạp lên những giá trị cốt lõi của cuộc sống”, “Tác giả có vẻ tán đồng và bảo vệ cho những người khuyết tật Việt Nam: Theo tôi đây là một sự mạo danh không thể chấp nhận được.”,… Thế mới thấy văn hóa phản biện thấp kém của lề báo Việt mà ví dụ trên là điển hình.
Dạo một vòng báo mạng và blog 2 ngày gần đây còn vô số những bài viết
về Vujicic, trên blog Đào Tuấn có bài viết khá hay về một cuộc phỏng vấn
tưởng tượng của tác giả với Vujicic, tuy vậy việc đặt tiêu đề “Nick
Vujicic: Không ở đâu người ta khóc khi đi xem xiếc thú như ở Việt Nam”
là một sự động chạm lớn mà nhiều người sẽ coi đó là sự xúc phạm, nên tôi
không tiện share link.
Vâng, ở xứ lạ này thì con người dường như cũng rất lạ, hầu như trong
mọi sự việc bao giờ cũng tồn tại những luồng mâu thuẫn giữa những con
người. Dưới đây tôi xin chia sẻ bài viết của tác giả Mi An đăng trên báo
Đất Việt, để độc giả có cảm nhận “nhẹ nhàng” hơn về sự kiện Nick Vujicic.
——————
(Cộng đồng Việt)- Có lẽ hiếm có sự kiện truyền thông nào lại “gây bão”
trong cộng đồng mạng xã hội như chuyến viếng thăm Việt Nam của người đàn
ông không chân tay Nick Vujicic. Ngay từ khi Nick xuất hiện ở TP. HCM,
con số hơn 30 tỷ mà nhà tổ chức đã phải bỏ ra để có chuyến đi này thật
sự gây sốc cho nhiều người.
Tôi học qua trường hợp của Nick cái cách mà những người làm truyền
thông nước ngoài đã làm để biến những điều bình thường trở thành kỳ
diệu. Những người khuyết tật nhưng không chấp nhận đầu hàng nghịch cảnh
như Nick ở Việt Nam không phải là không có, họ còn xứng đáng vinh danh
hơn, bởi ai cũng biết, mọi điều kiện sống, sinh hoạt, học tập, vui chơi
của họ đều thua xa Nick, nhưng tại sao chúng ta không có một ai trở
thành người- truyền -cảm- hứng như Nick? Là bởi vì truyền thông của
chúng ta kém cỏi, và bởi vì người Việt chúng ta đã chưa biết cách để tôn
vinh những tấm gương rất đáng tôn vinh của cộng đồng mình.
Nếu cuộc chiến trên mạng xã hội của người Việt về chuyến viếng thăm của
Nick giống như một dòng sông đã bị chia làm 2 nhánh thì tôi mong rằng
nó sẽ cùng gặp nhau ở biển, đó là khi chúng ta hãy xem như đây là một cơ
hội để hiểu nhau nhiều hơn. Hãy chủ động nhìn ra những kém cỏi của bản
thân mình từ câu chuyện của Nick, hãy biết yêu thương và đánh giá đúng
những đóng góp của người khuyết tật, những người bình thường mà bạn gặp
hàng ngày, đang lê la ngoài đường xin ăn hay đang miệt mài khó nhọc từng
bước đến trường để không thua kém ai về tri thức.
Thay vì cãi vã nhau để khẳng định sự hơn thua, chúng ta hãy cùng nhìn
chung về một hướng, đó là nỗ lực vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả
mọi người. Nếu xã hội chúng ta nhân văn hơn, nhiều ưu đãi cho những
người sinh ra với một số phận kém may mắn thì chúng ta sẽ thấy trường
hợp của Nick không có gì đáng phải làm ầm ĩ xôn xao đến vậy. Nhưng trái
lại Nick không hề là một giá trị ảo, câu chuyện sống của anh đã giúp ích
cho rất nhiều người, tạo niềm tin cho họ, vì thế chúng ta không thể chỉ
vì con số hơn 30 tỷ mà “của đau con xót” rồi sổ toẹt đi tất cả.
Tôi nghĩ, sẽ thật may mắn biết bao khi qua chuyến diễn thuyết này của
Nick, người Việt chúng ta ai cũng nhận được một điều gì đó có ích. Kẻ
yếu đuối ngã lòng thì có thêm niềm tin. Người lo lắng cho một cú “tiêu
hoang vì sính ngoại” sẽ từ đó mà quan tâm hơn đến những số phận thiếu
may mắn xung quanh mình. Nếu chúng ta có một cái nhìn cởi mở hơn để nhìn
thấy chỗ kém cỏi của mình từ chuyến đi bạc tỷ này của Nick, thì có lẽ
con số hơn 30 tỷ kia mới là không hoài phí.
Theo tôi, bài học quý giá nhất mà Nick đem đến cho đất nước này, đó
là một cơ hội để chúng ta nhìn nhận ra, trong cộng đồng này đang có quá
nhiều những kẻ khuyết tật tâm hồn đang tồn tại. Chưa khi nào mà đề
tài “khuyết tật tâm hồn” lại được bàn bạc nhiều và nghiêm túc đến thế.
Chúng ta phát hiện ra rất nhiều những kẻ nhìn bề ngoài thì lành lặn bảnh
bao, nhưng bên trong, họ khuyết thiếu nhiều thứ, có thể là một trí não
sáng suốt không bị tiền quyền làm u mê hay là một trái tim biết yêu
thương đồng loại. Nếu xét ở khía cạnh ấy, thì con số vài chục tỷ kia
cũng đáng đồng tiền bát gạo đấy chứ.
(Nguồn: Chuyện xứ lạ)
Copy từ: Trương Duy Nhất
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét