Sự xấu hổ
Bùi Hoàng Tám
Sự đối mặt với lịch sử luôn là điều khủng khiếp của mỗi thế hệ bởi
không ai thoát khỏi lịch sử! Ai có công, lịch sử và nhân dân không quên
và ngược lại. Hãy biết xấu hổ thật nhiều bởi đây là đặc điểm chỉ con
người mới có.
Bộ VH-TT&DL vừa trình Chính phủ đề án chọn
Quốc hoa đồng thời tổ chức hội thảo, lấy ý kiến nhân dân qua bầu chọn
trực tiếp và qua Intenet. Theo đó, 62,1% số ý kiến được hỏi trên mạng
Internet chọn hoa sen, 16% chọn hoa Đào, 5% chọn hoa Ban và 2% chọn hoa
tre và nhiều ý kiến khác...
Thế nhưng một số người lại đặt câu hỏi có cần thiết phải chọn Quốc hoa vào thời điểm này hay không?
Thậm chí, trên một số tờ báo, bức xúc trước thực trạng tham nhũng hiện
nay, một số độc giả còn đề xuất chọn… hoa hồng và hoa trinh nữ. Điều hài
hước ở đây là hoa hồng được hiểu chung là phần trăm (%), là chia chác,
là phong bao, phong bì tham nhũng hối lộ. Còn hoa trinh nữ có cái tên
dân gian là loài hoa… xấu hổ!
Những ý kiến trên có vẻ hài hước
nhưng ẩn chứa trong đó là một sự thật chua chát đến đắng lòng. Đó là tệ
nạn tham nhũng, hối lộ, chia chác (hoa hồng) “nở rộ” khắp nơi. Nó như
một sự “tất yếu trong cuộc sống” mà đỉnh cao có lẽ ở Hà Nội với lời nhận
xét của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị: “… những nơi khác khi “bôi thì
trơn”, còn ở chúng ta “cũng bôi mà không trơn”! Tức là có thể hiểu tiền
vẫn lấy (hoa hồng % vẫn nhận) nhưng việc không làm.
Cùng nở rộ
với những “bông hoa hồng phần trăm” là loài hoa xấu hổ của những ai có
lương tri, có tấm lòng đối với non sông, đất nước .
Không xấu hổ sao được khi mà tổ quốc thống nhất đã gần 40 năm mà vừa mới thoát khỏi ngưỡng nước nghèo của thế giới.
Không xấu hổ sao được khi tình trạng nói một đằng làm một nẻo, sự dối
trá đã trở thành “nỗi nhục lớn” như lời giáo sư Hoàng Tụy.
Không xấu hổ sao được khi nạn tham ô, tham nhũng nhung nhúc như một “bầy
sâu” trong một nồi canh theo lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Không xấu hổ sao được khi những vụ tham ô, tham nhũng ngày càng tinh vi
và nghiêm trọng, có những vụ đẩy nền kinh tế cả nước vào cảnh lao đao
như vụ Vinashin, Vinalines…
Không xấu hổ sao được khi cả nước
có đến hơn 9.000 giáo sư, tiến sĩ mà mỗi năm không có nổi vài ba cái
sáng chế, thậm chí không có được một bài báo trên tạp chí khoa học uy
tín.
Không xấu hổ sao được khi còn nhiều lắm những em thơ áo
không đủ ấm, cơm không đủ no, sách không đủ học. Không xấu hổ sao được
khi mỗi dịp tựu trường là một cuộc chạy đua bằng những chiếc phong bì
chứa đầy ngoại tệ.
Không xấu hổ sao được trước cảnh bệnh nhân chen chúc, chui từ gầm giường ra chào Bộ trưởng Y tế.
Không xấu hổ sao được khi tai nạn giao thông vào loại hàng đầu thế giới và mỗi khi tan tầm là nhiều con đường kẹt cứng.
Không xấu hổ sao được khi có những người phụ nữ Việt Nam xếp hàng bán
mình làm dâu xứ người như cảnh bán nô lệ thời Túp lều bác Tôm.
Không xấu hổ sao được khi nền hành chính mà có đến 30% công chức có cũng được mà không cũng được.
Không xấu hổ sao được khi người ta cần đến một tháng để soạn một bức thư và hơn một năm để soạn một cái thông tư.
Có lẽ khó có thể kể hết về những sự việc đáng xấu hổ đã và đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở mọi miền của đất nước.
Không chỉ xấu hổ với thế hệ hôm nay mà tủi hổ với cả mai sau.
Chúng ta sẽ nói như thế nào với cháu con hay ngược lại, rồi đây lịch sử sẽ nói gì về thế hệ chúng ta hôm nay?
Sự đối mặt với lịch sử luôn là điều khủng khiếp của mỗi thế hệ bởi không ai thoát khỏi lịch sử!
Ai có công, lịch sử và nhân dân không quên và ngược lại.
Hãy biết xấu hổ càng nhiều càng tốt bởi đây là đặc điểm chỉ con người mới có.
B.H.T
Copy từ: TS Nguyễn Xuân Diện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét