CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Bị tẩy chay khắp nơi, Huawei vẫn tung hoành tại Việt Nam

Mặc dù bị tẩy chay vì nguy cơ gián điệp công nghệ trên hầu khắp các thị trường lớn ở thế giới, song kết quả kinh doanh do Huawei công bố vẫn cho thấy một năm tăng trưởng cao, rất có thể nhờ vào những thị trường được coi là xuôi chèo mát mái, như thị trường Việt Nam.
Làn sóng tẩy chay lan rộng
Là hãng viễn thông lớn của Trung Quốc được thành lập từ năm 1987, hiện Huawei được coi như một công ty đa quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, kinh doanh, thiết kế đủ mọi thứ, từ thiết bị viễn thông, linh kiện điện thoại di động, chip máy tính cho tới smartphone.
 
Tuy nhiên, khác với các tập đoàn công nghệ-truyền thông có tiếng của châu Âu và Mỹ thường nhận được sự tin cậy từ khách hàng như Ericsson, Alcatel, Siemens, Motorola, IBM…, quá trình tăng trưởng của Huawei khá kỳ lạ khi tên tuổi của tập đoàn này luôn đi liền với sự hồ nghi, thậm chí là tẩy chay của nhiều chính phủ từ khắp các châu lục gồm Mỹ, Canada cho tới Anh, Bỉ, Australia… Trong vòng một năm qua, hàng loạt vụ scandal gián điệp đã được các quốc gia trên hướng sự hoài nghi vào Huawei.
 
Cụ thể, Ủy ban An ninh và Tình báo Anh đã tiến hành điều tra mối quan hệ thương mại giữa Huawei và hãng viễn thông Anh British Telecom. Trước đó, Ủy ban đã có bằng chứng cáo buộc Huawei có các mối liên hệ với quân đội Trung Quốc, theo một công thức, bất kỳ công ty Trung Quốc nào cuối cùng cũng thuộc về chính phủ Trung Quốc. Chủ tịch Ủy ban, ông Malcolm Rifkind cũng từng tuyên bố, Ủy ban này đang xem xét lại toàn bộ về sự hiện diện của Huawei trong cơ sở hạ tầng quốc gia để quyết định dè chừng các thiết bị của Huawei ở mức nào.
 
Trung tâm mối lo ngại là mạng lưới của Huawei không an toàn và có thể bị lợi dụng làm gián điệp. Tâm lý tẩy chay xuất phát từ vô số những vụ việc tấn công mạng, thâm nhập vào các đường truyền tín hiệu để đánh cắp thông tin, được nhiều quốc gia xác định xuất phát, hoặc có liên quan tới Trung Quốc thông qua các sản phẩm công nghệ xuất xứ Trung Quốc như Huawei.
 
Không chỉ bị liệt vào dạng nghi vấn ở Anh, nặng nề hơn, tại Australia, chính phủ nước này đã cấm Huawei tham gia cung cấp mạng lưới cáp quang cấp quốc gia. Tại Brussel (Bỉ), tham tán viên thương mại châu Âu, Karel De Gucht, cũng từng thu thập chứng cứ để điều tra việc Huawei được chính phủ Trung Quốc hỗ trợ, cho phép bán thiết bị ở mức giá lỗ vốn. Trong khi đó, tại Bắc Mỹ, chính phủ Canada cũng cho thấy khả năng sẽ tẩy chay Huawei trong các dự án truyền thông quốc gia trước những lo ngại về nguy cơ an ninh mạng. Ngay bên cạnh, nước láng giềng Mỹ cũng kêu gọi các đối tác nên tránh xa Huawei vì thiết bị của họ có thể bị chính phủ Trung Quốc lợi dụng cho các hoạt động tình báo mạng.
 
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Mike Rogers, đồng thời cũng là một cựu đặc vụ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) lên tiếng cảnh báo: “Huawei không đáng tin cậy trong việc giữ bí mật thông tin khách hàng, là mối nguy lớn đối với an ninh quốc gia”. Vị quan chức này nhấn mạnh: “Nếu có ai đang tính đến việc mua thiết bị từ Huawei, thì nên chọn một nhà cung cấp khác, nếu chính phủ quan tâm về sở hữu trí tuệ, quyền riêng tư của người tiêu dùng và an ninh quốc gia”.
 
Vẫn công bố tăng trưởng đều đặn…
Mặc dù bị tẩy chay ở nhiều thị trường lớn trên thế giới, song Huawei vẫn tuyên bố tập đoàn này có mức tăng trưởng doanh thu 8% năm 2012 trong bản công bố kết quả hoạt động tài chính hồi tháng 2/2013.
 
Thông tin từ công ty công nghệ Huawei Việt Nam cho thấy, tập đoàn này dự kiến doanh số bán hàng toàn cầu trong năm 2012 sẽ đạt 220,2 tỉ nhân dân tệ (tương đương 35 tỉ USD), tăng 8% so với cùng kỳ 2011. Trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt 15,4 tỉ nhân dân tệ, tăng 33% so với cùng kỳ 2011. Đối với năm 2013, Giám đốc Tài chính của Huawei, Cathy Meng dự báo, doanh thu của Huawei sẽ đạt mức tăng trưởng 10-12% trong năm 2013.
 
Được biết, có tới 66% doanh số của Huawei được tạo ra ở các thị trường bên ngoài Trung Quốc. Trong đó khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tạo ra  doanh số 37,4 tỉ nhân dân tệ; các thị trường khu vực Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi có doanh số 77,4 tỉ nhân dân tệ và thị trường khu vực Châu Mỹ đóng góp 31,8 tỉ nhân dân tệ. Thị trường nội địa Trung Quốc đạt 73,6 tỉ nhân dân tệ.
 
Theo dự kiến, kết quả kinh doanh của Huawei được KPMG kiểm toán sẽ xuất hiện trong báo cáo thường niên của tập đoàn. Song cho tới thời điểm này, vẫn chưa có thông tin mới nhất về những con số trên.
 
… với đóng góp của thị trường Việt Nam
Trong tổng số 37,4 tỉ nhân dân tệ doanh số ở thị trường Châu Á - Thái Bình Dương, Huawei Việt Nam không công bố có bao nhiêu % đạt được tại thị trường Việt Nam, song có lẽ, con số này không hề nhỏ bởi với đòn giá rẻ, Huawei đã thành công trong chiến dịch tiếm ngôi của hàng loạt các tập đoàn công nghệ lớn ở Việt Nam.
 
Cụ thể, trước khi có sự xuất hiện của Huawei, toàn bộ hệ thống tổng đài, mạng lõi, trạm thu phát sóng của nhà mạng lớn như MobiFone, Vinaphone… đều thuộc về các nhà cung cấp hàng đầu như Erisson, Alcatel, Nokia-Siemens, Orange-France Telecom, Motorola…
 
Chiến lược của Huawei rất đơn giản, nhất quán: giá rẻ, và rẻ nhất. Trên thực tế tại thị trường Việt Nam, Huawei đã khiến giá bán các trạm BTS giảm quá nửa so với mức thấp nhất trước đó, và chỉ bằng xấp xỉ 1/10 so với mức cao nhất từng có. Ngoài thiết bị viễn thông, Huawei còn mở rộng sang nhiều thị trường khác  như điện thoại giá rẻ, USB 3G, smartphone…
 
Mặc dù các nhà mạng lớn cho rằng họ có khoảng 40-50% thiết bị do Huawei cung cấp, song có những chuyên gia viễn thông nhận định, tỷ lệ này tối thiểu cũng rơi vào 70-80%.
 
Huawei tung hoành  được như vậy cũng một phần nhờ vào cơ chế đấu thầu thiếu linh hoạt trong luật pháp Việt Nam hiện hành, với quy định gói thầu được chọn là gói thầu rẻ nhất. Trong khi đó, không phải là không có cơ sở để nghi ngờ rằng Huawei , cũng như nhiều tập đoàn hàng đầu khác của Trung Quốc, luôn có tiếng là được nhà nước ngầm hậu thuẫn về cơ chế và chi phí, với mục đích giành lấy thị trường và đè bẹp các đối thủ tiềm năng trong nước sở tại.
 
Giả sử bỏ qua các vấn đề về an ninh quốc gia, tình báo công nghệ… mà các nước khác vẫn đang “vướng” với Huawei với giả định rằng tập đoàn này xâm chiếm thị trường Việt Nam với động cơ lợi nhuận, thì riêng việc các nhà mạng hàng đầu Việt Nam, và có thể là cả thị trường bán lẻ đồ công nghệ có thể bị thâu tóm bởi một Huawei cũng là yếu tố đầy bất lợi cho cả nền kinh tế lẫn người tiêu dùng trong nước.
 
Vẫn còn đó vô vàn bài học còn nóng hổi trong chuyện làm ăn với người Trung Quốc, từ thị trường nông sản cho đến các hoạt động thầu xây dựng, khai khoáng…, mà phần thiệt luôn thuộc về phía Việt Nam.
Trường Giang tổng hợp


Copy từ: Sống Mới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét