CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Lợn chết bất thường ở ngoại thành Hà Nội


Dương Đình Tường   -
Đã mấy ngày nay, cả gia đình anh Nguyễn Trung Sơn, thôn Tiền Phong, xã Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) mất ăn mất ngủ vì đàn lợn 120 con đang tuổi ăn, tuổi lớn bỗng dưng đổ bệnh.
Chị Hiển - vợ anh Sơn cho hay, ban đầu chỉ có một con đi lại khó khăn với những dấu vết rộp mủ trắng quanh móng, quanh mép, thân sốt, đỏ mọng và bỏ ăn: “Tiêm vi ta min tổng hợp không thấy đỡ, tôi mới chợt nghĩ đến bệnh lở mồm long móng. Nhớ đến cách người ta chữa cho trâu bò bằng xát các loại quả chua như quất, chanh và bôi xanh ê ti len vào chân, vào mồm tôi làm theo không ngờ hôm sau ra chuồng phát hiện 6 con đau chân, hôm sau nữa bị cả chuồng 10 con và chết mất 3 con. Các chuồng khác trong trại cũng lần lượt lây với cùng một triệu chứng, toàn là lợn đang chuẩn bị xuất chuồng trọng lượng 60-70 kg.

Chân lợn bị lở loét
Hoảng quá, chồng tôi gọi thú y ở xã Cửu Cao (Văn Giang, Hưng Yên) mua hàng loạt bộ sản phẩm tai xanh tăng cường hệ miễn dịch trộn cho lợn ăn để giải độc, tiêm vắc xin, cho uống vitamin giảm đau, hạ sốt, dùng Amoxlium trị CRD, viêm phổi... Anh thú y ấy kê liều dùng cho 5 ngày nhưng đến ngày thứ 2 lợn vẫn lăn ra chết nên chồng tôi lại xuống xã Phụng Công (Văn Giang, Hưng Yên) mời thú y ở đó chữa và được kê cho uống vitamin, tiêm gluco thảo dược, thuốc bôi, thuốc phun tiệt trùng đủ cả mà bệnh tình vẫn không thấy đỡ. Chán quá chúng tôi lại chuyển sang mua thuốc của một người quen ở Xuân Quan về tự tiêm nhưng xem ra không có chuyển biến…”.
Đến khi lợn chết mỗi lúc một nhiều, chị Hiển mới tra thông tin trên mạng Internet và tìm được số điện thoại của “ông già ozon” tức Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải với bài thuốc dung dịch anolyte (dung dịch sát khuẩn hay quen gọi là nước ozon). Những con lợn yếu trong trại được cho uống anolyte đã nôn ra chất lỏng có màu đen nhờ nhờ rồi tỉnh lại. Kết hợp phun sát khuẩn chuồng trại bằng anolyte, rửa chân, rửa miệng cho lợn bằng anolyte, dấu hiện bệnh đã ngừng, đàn lợn ăn trở lại.
Tổng cộng đợt dịch mấy ngày tại trang trại của anh Sơn khiến cho 13 con lợn chết, tiền thuốc, tiền chi phí giống, thức ăn chăn nuôi mất cỡ 40-50 triệu. Nghe phong thanh những vùng quanh xã Kim Lan cũng có hiện tượng lợn chết tương tự nhất là ở Xuân Quan trọng điểm chăn nuôi của huyện Văn Giang với đàn lợn gần 10.000 con, tôi gặng hỏi ông Trịnh Văn Lợi - cán bộ thú y xã. Ông Lợi thừa nhận: “Đúng là chúng tôi có nghe thông tin ấy nhưng khi đến các trại hỏi ai nấy đều chối bảo: “Không, trại em có bị gì đâu? Lợn vừa xuất chuồng xong mà bác!”. Xin vào trại thì người ta lấy lý do phòng bệnh nên không cho, hỏi tiếp người ta không nói.


Đàn lợn của trang trại Sơn-Hiển đang được phun chất sát trùng
Không thể tiếp cận được nên chúng tôi cũng không chẩn đoán được là lợn có bị dịch hay không và nếu dính thì mắc bệnh gì. Có lẽ là người ta sợ bị nếu biết lợn bệnh sẽ phải tiêu hủy cả đàn nên không dám nói với mình. Theo phỏng đoán của chúng tôi nếu lợn có bị dịch cũng chỉ ở những cơ sở nuôi nhỏ lẻ, không tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại kém”.
Đến thời điểm hiện tại, Xuân Quan chưa công bố dịch nhưng theo ông Lợi, để chủ động trước dịch dã ông vẫn tham mưu với Ủy ban xã làm công tác tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột, phát quang bụi rậm quanh các chuồng trại cùng với khuyến cáo người chăn nuôi hạn chế ra vào, không nhập lợn từ những vùng không rõ nguồn gốc.
Trao đổi với NNVN, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải - người vừa rồi nhận được nhiều cú điện thoại phản ánh tình hình lợn bệnh, lợn chết ở các địa phương. Ông vô cùng bức xúc với chuyện mỗi thú y đưa ra một thứ thuốc, một cách chữa trị riêng và thái độ thờ ơ, bàng quan của chính quyền cơ sở. “Theo tôi bệnh này do chuồng trại bẩn tạo thành các ổ dịch rồi lây lan lung tung nên dù có rắc vôi bột cũng không ăn thua mà phải vệ sinh toàn bộ bằng chất khử trùng, tạo độ thoáng mát cho ô nuôi mới mong phòng được”.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét