Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2013-04-23
2013-04-23
Trong góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992 lần này, một phương án được đưa ra là Việt Nam sẽ lấy lại tên cũ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) thay cho tên hiện tại Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN). Tuy có nhiều ý kiến trái chiều về phương án này, nhưng G.S Sử học Lê Mậu Hãn cho rằng “Trở lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tôn trọng thực tiễn.”
Trong bản góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992, quy định về chế độ chính trị, nội dung quy định về tên nước tại Điều 1, chương I nhận được đông đảo sự góp ý của người dân. Loại ý kiến thứ nhất tán thành tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bởi nó đã được sử dụng ổn định từ tháng 7 năm 1976 đến nay. Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai lại đồng ý với tên gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vì tên này gắn liền với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên, được công bố qua Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc.
Trong bài trả lời phóng viên báo Dân Trí hôm 18/4, G.S Sử học Lê Mậu Hãn nhận xét rằng việc đưa trở lại tên Việt Nam theo tên cũ mà chủ tịch Hồ Chí Minh đặt Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tôn trọng lịch sử và tôn trọng thực tiễn nguyện vọng quần chúng. Ông cho rằng “dân chủ” trong tên nước là đúng với ý nghĩa nhà nước của nhân dân. Ông phân tích Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là sự công bố chính thức lần đầu tiên với toàn thế giới và Tuyên ngôn độc lập được đọc khi đó khẳng định công lý, lẽ phải là Việt Nam đã trở thành một nước tự do, độc lập và điều đó buộc các nước khác không thể không công nhận. Đồng thời G.S Hãn cho rằng, việc giữ tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không có gì gọi là rời xa khuynh hướng XHCN, bởi căn cứ theo hiện thực, mức độ phát triển đạt đến XHCN ở Việt Nam chưa có, đặt lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ phù hợp thực tiễn, đó là bàn đạp để cả dân tộc tiến lên.
Chúng tôi gọi điện thoại trực tiếp cho G.S Lê Mậu Hãn để phỏng vấn thêm một số chi tiết liên quan đến bài viết trên báo Dân Trí, tuy nhiên, G.S Hãn nói rằng, ông không có thêm ý kiến gì khác ngoài những gì đã được phỏng vấn và xin phép không trả lời thêm.
Người dân nghĩ gì?
Để hiểu thêm về ý kiến trên của G.S Lê Mậu Hãn cũng như những gì liên quan đến việc thay đổi tên nước, chúng tôi phỏng vấn một số người dân, những người đang đóng trực tiếp góp ý kiến cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại một số quận nội thành Hà Nội. Trước hết là của ông Việt Hùng, một người dân sống tại quận Hai Bà Trưng, ông cho biết:Tôi suy nghĩ rằng tên CHXHCN Việt Nam và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có gì thay đổi bởi mục tiêu của nhân dân Việt Nam là hướng tới CHXHCN Việt Nam, việc chúng ta quay về Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một điều đáng để suy nghĩ của nhân dân Việt Nam. Bởi sau bao năm phấn đấu vươn lên, giờ chúng ta lại quay lại của năm 1945, chủ tịch HCM nói rất chuẩn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cái đó phù hợp, nhưng chúng ta chưa biết hệ lụy khi đổi tên sẽ gây ảnh hưởng, tốn kém như thế nào. Thứ nhất, quốc huy phải sửa, tất cả giấy tờ, công văn dấu má phải chuyển sở hết. Thứ hai, nợ công của ta còn nhiều, đồng tiền đang ổn định thì hãy để yên, bây giờ nếu mà đổi tên sang nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dứt khoát đồng tiền Việt Nam phải đổi và từ đó sẽ ảnh hưởng chính trị rất lớn.
Những gì ông Hùng quan ngại là những hệ lụy kéo theo từ việc đổi tên nước, chứ trong lòng ông cho rằng việc đổi tên là phù hợp với thể chế của quốc gia dân chủ cộng hòa Việt Nam. Ông cho biết trong thời gian vừa qua khi đóng góp ý kiến vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại địa phương, chính ông cũng được nghe nhiều ý kiến khác nhau, có những ý kiến cho rằng giữ tên nước như hiện tại là để lấy đó làm mục tiêu mà Việt Nam hướng tới - một đất nước xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến ông nghe được cho rằng, tên CHXHCN Việt Nam là không phù hơp với thời đại, bởi để tiến lên XHCN còn rất lâu, mà bản chất hiện tại cần một nhà nước của dân, do dân và vì dân thì cái tên dân chủ là hợp lý nhất.
Trong khi đó, khác với ông Hùng, bà Bùi Thị Phương đang sống tại quận Ba Đình cho rằng không nhất thiết phải thay đổi tên nước vì sự ổn định chung, dù thực tiễn là thế nào đi nữa, có thể khi tên nước thay đổi sẽ kéo theo những biến động khác có thể có, bà nhận xét:
Trong phần lấy ý kiến của các cử tri để thay đổi luật và hiến pháp Nhà nước, cũng có ý kiến là đổi lại tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi là người dân cũng lớn tuổi rồi, tôi quan niệm là việc đổi tên nước là sự không nên, vấn đề tên nước đã đặt như thế này là hợp lý. Tôi thấy là việc đổi tên này liên quan đến nhiều vấn đề ảnh hưởng đến nền chính trị Việt Nam, từ đó liên quan đến các lĩnh vực khác trong xã hội. Là người dân tôi thấy vấn đề đó không cần thiết, không cần thiết phải đổi.
Ngoài ra, bà Phương chia sẻ thêm, cả ba thế hệ sinh sống trong gia đình bà đều từng trải qua giai đoạn Việt Nam có tên Dân chủ Cộng hòa và nay là CHXH, bà thấy rằng dù những lúc kinh tế Việt Nam thời bao cấp khó khăn, đời sống chưa no đủ, nhưng tên gọi chỉ là tên gọi, giờ đây khi cuộc sống ổn định và những gì mà xã hội Việt Nam đang có thì cứ giữ nguyên.
...với tư cách của một người dân, tôi cần đất nước dân chủ, dân chủ thực sự, vì khi có dân chủ thì đất nước mới ổn định và phát triển được, chứ còn cái tên thì không quan trọng.
-Anh Thắng, HN
Tuy nhiên, khi trò chuyện với một công dân sống tại quận Hoàn Kiếm anh Lê Thắng, chúng tôi đặt câu hỏi quan điểm của anh ra sao với lần đổi tên nước này. Anh cho rằng, tên nước không quá quan trọng, điều mà người dân thực sự cần thiết bây giờ là một đội ngũ lãnh đạo hiệu quả, thông tin đến người dân thông thoáng, Việt Nam cần một nền dân chủ cởi mở hơn, anh Thắng phân tích:
Qua thông tin đại chúng, tôi thấy Chính phủ có ý định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bản chất vấn đề thì rất tốt, nhưng hình thức thì tôi không hiểu rằng nó mang khái niệm gì, khái niệm giữ một chính thể đang lung lay hay yếu tố của những khách quan tác động thì tôi không bàn đến, nhưng với tư cách của một người dân, tôi cần đất nước dân chủ, dân chủ thực sự, vì khi có dân chủ thì đất nước mới ổn định và phát triển được, chứ còn cái tên thì không quan trọng. Nếu cái tên có đổi, nhưng bản chất vấn đề, đội ngũ lãnh đạo, cơ cấu tổ chức và guồng máy và nhóm lợi ích vẫn tồn tại như thế thì không giải quyết được vấn đề gì cả.
Xin được nhắc lại khi khối xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh, trên thế giới cũng chỉ có 5 nước có tên Xã hội chủ nghĩa là Liên Xô, Anbani, Nam Tư, Rumani và Tiệp Khắc; còn một số quốc gia khác lấy tên là Cộng hòa Nhân dân, Cộng hòa Dân chủ hoặc Cộng hòa Dân chủ nhân dân. Hiện tại, trên thế giới chỉ còn Việt Nam và Sri Lanka có cụm từ Xã hội chủ nghĩa trong tên nước, nhưng về bản chất Xã hội chủ nghĩa của Sri Lanka không giống với Việt Nam.
Mặc dù, việc quay lại tên cũ hay giữ nguyên tên như hiện tại hay thậm chí chỉ gọi Việt Nam đơn giản là Việt Nam, mà không cần gắn với bất kỳ một thể chế nào vẫn đang là chuyện bàn bạc. Chúng tôi sẽ quay lại đề tài này trong những cuộc trao đổi với các học giả hay các chuyên gia trong lĩnh vực luật pháp trong các kỳ tiếp sau.
Copy từ: RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét