Bắn súng, cởi truồng hay nằm vỉa hè sẽ giữ được đất?
Chuyện
gia đình anh em họ Đoàn dùng súng bắn chim (bắn đạn ghém chì) hay còn
gọi “súng hoa cải” để giữ mảnh đất khai hoang lấn biển của mình đã được
dư luận bàn tán nhiều rồi. Đồng chí X thì dù chê trách các đệ tử của
mình ở Hải Phòng là “sai toàn diện“. Nhưng cũng không quên nhắc nhở thuộc cấp bên dưới phải “khẩn trương đưa vụ án “giết người và chống người thi hành công vụ” ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật”. (Xem ở đây).
Đó chính là lý do khiến anh em nhà ông
Vươn bị tuyên án 15 năm rưỡi tù giam. Còn 2 bà vợ bị 33 tháng án
treo (chắc tội chi tiền mua súng?).
Quan điểm của chính quyền từ cấp thượng
tầng thì đã rõ. Còn tầng lớp thảo dân bên dưới, đa phần khen
ngợi hành động của anh Vươn và gia đình chống lại lệnh cưỡng chế là
đúng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chống bằng cách nổ súng là sai. Vậy
phải làm cách nào cho hay và tốt hơn?
Ta thử tham khảo qua mấy trường hợp sau đây!
- Cách đây ngót một năm, vào
trưa ngày 22/5/2012, tại Quận Cái Răng TP Cần Thơ, do không tán thành
với mức đền bù qúa rẻ mạt của Công ty cổ phần xây dựng số 8 thuộc CIC 18
(Bộ Xây dựng) trên miếng đất của mình đã bỏ tiền ra mua và sống hợp
pháp tại đó suốt mấy chục năm. Bà Phạm Thị Lài (sinh năm 1960) và con
gái là Hồ Nguyên Thủy (sinh năm 1979), cực chẳng đã phải cởi truồng
để giữ đất. Mà cũng không tài nào giữ được. Hai mẹ con bà đã bị đám vệ
sĩ dùng vũ lực thô bạo đàn áp bằng cách lôi sềnh sệch trên cát, bãi cỏ
và các đống vật liệu trong tình trạng khoả thân dưới cái nắng gay gắt.
(Xem tại đây).
Sau đó còn bị Công an quận Cái Răng (Cần Thơ) đề nghị xử phạt gia đình
bà Lài 1,5 triệu đồng về hành vi cản trở hoạt động bình thường của cơ
quan, tổ chức và phạt 80.000 đồng vì vi phạm thuần phong mỹ tục vào
ngày 19/6/2012. (Xem ở đây).
- Trước vụ “khoả thân giữ đất” đúng
hai năm, một vụ cũng khá ầm ĩ nhưng nay cũng đi vào quên lãng đó là vào
ngày 25/5/2010, trong cuộc biểu tình giữ đất vì mức đền bù chưa thỏa
đáng tại địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu Nghi Sơn Thanh Hóa, em Lê
Xuân Dũng, 13 tuổi, một học sinh ngoan học giỏi ở xã Tĩnh Hải, huyện
Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, đã bị trúng đạn của sỹ quan CA Nguyễn Mạnh Thư
(CA huyện Tĩnh Gia) vào bụng chết ngay tại chỗ. Một người nữa dính
đạn và chết vào 5 hôm sau là anh Lê Hữu Nam, 43 tuổi bị đạn bắn vào đầu.
Ngoài ra có Bà Lê Thị Thanh, 37 tuổi bị trúng đạn xuyên táo vào tay, bị
thương. Cả hai nạn nhân người lớn đều cùng làng với em Dũng. Các phát
đạn bắn gần, bắn thẳng này được cho là “bắn chỉ thiên” cảnh cáo và cướp
cò. (Xem ở đây và ở đây).
- Nhắc đến cái tên Dũng, ở quê, tôi
có thằng bạn đồng môn cấp 1, 2 trường làng là thằng Dũng (trong giấy
khai sinh tên là Lê Đình Hỷ). Nhà nó có mấy sào đất được sở hữu hợp pháp
từ sau cải cách ruộng đất. Đến năm 2008, Hà Nội mở rộng, đất bị qui
hoạch (treo) thành Khu đô thị mới Thăng Long 9. Mức đền bù giá bèo
chỉ được 45 triệu VNĐ/sào (360 m²), trong khi giá thị trường đất
sát đường QL.32 lúc đó tới hơn trăm triệu một m². Tiếc của, không nhận
đền bù, Dũng-Hỷ mang bàn thờ tổ tiên ra giữ đất. Bị chính quyền bắt giam
và truy tố ra toà về tội “chống người thi hành công vụ”. Kết cục đất
vẫn không giữ được và còn bị 2 năm bóc lịch nữa. (Xem ở đây).
Như vậy, nếu gia đình anh Đoàn Văn Vươn mà cứ ngoan ngoãn chấp hành nghiêm lệnh cưỡng chế ”sai toàn diện”
của huyện Tiên Lãng. Thì chắc chắn vụ này sẽ rơi tõm vào quên lãng. Đất
cũng không giữ được. Mà tù tội là ở nhãn tiền. Bởi trong thực tế ở
ta, chính quyền là luôn luôn đúng. Toàn bộ gia đình anh sẽ mang công nợ
(các khoản “nợ xấu”) và anh sẽ phải đối diện với các án phạt tù với các
tội “lừa đảo chiếm dụng vốn” của ngân hàng cũng chưa biết chừng. May hơn
chút nữa, thoát tù tội thì suốt đời vợ chồng mấy anh em nhà anh sẽ sống
trong bần cùng và sẽ phải gia nhập đội quân dân oan đi khiếu kiện vượt
cấp ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Ba Đình, Hà Nội: ”làm xấu hình ảnh
thủ đô” (Lời Nguyễn Thế Thảo - Tổng đốc HN thời nay) là không cần phải
bàn cãi.
Trong các tình huống đặng chẳng đừng đó,
rõ ràng tiếng súng hoa cải (không làm chết ai) của anh em Đoàn Văn Vươn
là sự lựa chọn sáng suốt nhất. Tiếng súng ấy “đã khiến cả một xã hội
choàng tỉnh, nó khởi đầu cho một thời kỳ mà người ta không còn nghĩ
rằng, cứ người nhà nước là bất khả xâm phạm. Nó buộc những kẻ nhân danh
nhà nước để làm bậy phải chùn tay…” (nhận định của blogger Phương Bích)
Về ý nghĩa sâu xa, ”tiếng súng hoa
cải” Đoàn Văn Vươn còn là tiếng súng yêu thương nhằm lay động một chút
lương tri còn sót lại của cái thể chế mà bố anh đã từng hàng chục năm
phụng sự (là Bí thư Chi bộ đảng ở địa phương). Rồi đến lượt anh từng là
sỹ quan quân đội. Phục viên cởi áo lính anh lao vào học thành kỹ sư canh
nông trồng rừng. Nhận bằng tốt nghiệp, anh không màng chốn quan trường.
Để lao vào chinh phục một vùng đồng biển khó khăn gian khổ vào bậc nhất
nước này. Điều đó cho thấy cái bản án “giết người” mà đảng, nhà nước ở
Hải Phòng nói riêng và ở cả nước nói chung đối với anh em họ Đoàn chính
là sự kết tội và bỏ tù chính cái động lực phát triển đáng qúi
nhất trên đất nước giữa cơn suy thoái kinh tế trầm trọng hiện nay.
Nó lại diễn ra trong thời điểm quan trọng: sửa đổi Hiến pháp 1992! Đã cho thấy cái “Đảng cầm quyền thay vì nắm bắt tư duy của thời đại và ý chí của nhân dân, chỉ có thể loay hoay trong một cái vòng tự vẽ”. Và cái “Hệ thống chính trị, trải qua nhiều thế hệ, càng về sau lại càng có ít khả năng khắc phục sai lầm”. Như nhận xét của nhà báo Huy Đức là chính xác hoàn toàn!
Copy từ: Gò Cỏ May
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét