Thất Lĩnh (Danlambao)
- Vào ngày 22.3, tàu ngư chính 312 của Trung Quốc thực hiện chuyến tuần
tra phi pháp đến Trường Sa. Trước đó, không lâu thì hai tàu cá của ngư
dân Quảng Ngãi đánh bắt tại vùng biển gần đảo Trường Sa thì bị tàu Trung
Quốc xua đuổi. Cả hai lần bộ ngoại giao Việt Nam đều lên tiếng phản đối
nhưng cái cách phản ứng lập đi lập lại rất yếu ớt ấy khiến nhiều người
nghi ngờ: Lãnh đạo cộng sản Việt Nam có thực lòng phản đối Trung Quốc
hay chỉ là đòn gió đánh lạc hướng dư luận.
Ngay sau khi hai tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc rượt
đuổi trong vùng lãnh hải Việt Nam, cư dân mạng đã đặt ra câu hỏi: lúc đó
thì hải quân Việt Nam hay các lực lượng trên biển của Việt Nam ở đâu mà
không hỗ trợ cho người dân của mình? Sau sự kiện tàu ngư chính 312,
được cho là tàu ngư chính lớn nhất của Trung Quốc, xâm phạm Trường Sa,
thì bộ ngoại giao cũng chỉ làm được mỗi việc lên tiếng phản đối Trung
Quốc mà không có một động thái nào khác.
Tất nhiên, không ai yêu cầu chính phủ Việt Nam đem tàu và súng ra đấu
tay đôi với Trung Quốc. Bởi vì, Việt Nam là một nước nhỏ, nghèo và yếu
thế hơn Trung Quốc vì thế đối đầu trực diện bằng vũ trang sẽ là một giải
pháp không thông minh. Nhưng phản ứng của chính phủ Việt Nam như thời
gian vừa qua là chưa đủ. Đại diện Ủy ban biên giới quốc gia Việt Nam cho
biết: “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa”. Thế
nhưng vì sao Việt Nam không dùng tất cả chứng cứ đó kiện Trung Quốc tại
tòa án quốc tế giống như Philipines đã làm cách đây không lâu?
Ai cũng hiểu rằng chủ quyền lãnh thổ là vô cùng thiêng liêng. Một quốc
gia dù nhỏ đến đâu cũng phải đấu tranh mạnh mẽ và quyết liệt để bảo vệ
sự thiêng liêng đó. Một nước nhỏ như Philipines dám đem trực thăng đuổi
tàu Trung Quốc khi xâm nhập Bãi Cạn của họ và sau đó, nước này đâm đơn
kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế. Họ dám hành động như thế bởi vì lãnh đạo
của họ không hề bị lệ thuộc vào Trung Quốc từ tiền bạc đến thế lực
chính trị. Trong khi đó, lãnh đạo cộng sản Việt Nam trước mỗi lần bầu
lãnh đạo mới đều phải báo cáo với Trung Quốc. Sự lệ thuộc này giúp cho
lãnh đạo cộng sản Việt Nam củng cố sức mạnh cai trị của giai cấp cầm
quyền, nhưng đi ngược lại nguyện vọng nhân dân vì đánh mất chủ quyền
quốc gia.
Nhiều người hiểu rằng, Philipines dám kiện Trung Quốc vì họ là đồng minh
của Hoa Kỳ. Việt Nam hiện tại không có một đồng minh thực sự nào chống
lưng nên không dám chống Trung Quốc vì yếu thế và lực. Hơn nữa, vì những
ràng buộc trong quá khứ trong đó có cam kết ở hội nghị Thành Đô đã
khiến lãnh đạo cộng sản Việt Nam phải phục tùng Trung Quốc bằng mọi giá.
Lãnh đạo cộng sản Việt Nam thấy rằng nếu bỏ Trung Quốc thì mất quyền
cai trị đất nước nên đành thực hiện chính sách “ỡm ờ” là vừa lên tiếng
phản đối nhưng bên trong chịu phục tùng. Sự phục tùng được thấy rõ nhất
qua việc bắt bớ, kêu án rất nặng với những công dân phản đối sự xâm lược
của Trung Quốc.
Trong khi đó, sự căm phẫn của người dân trước sự xấc xược của Trung Quốc
đã lên đến đỉnh điểm. Thái độ này của người dân đã đặt lãnh đạo cộng
sản Việt Nam vào thế “tiến thoái lưỡng nan” theo Trung Quốc bị dân
chống, mà chống Trung Quốc thì sợ mất quyền. Vì thế, họ đã chọn giải
pháp “trung dung” là lên tiếng phản đối mỗi khi Trung Quốc xâm phạm lãnh
hải. Chỉ có thế không hơn không kém! Nhìn ở phía khác, cộng sản Việt
Nam cũng dùng tâm lý chống Trung Quốc để khiến người dân lãng quên những
sự kiện quốc nội. Mỗi khi có mâu thuẫn về đất đai với nông dân, hay
người dân đòi tự do dân chủ thì “lá bài chống Trung Quốc” được sử dụng
để tranh thủ sự đồng thuận của toàn dân. Cuối cùng thì họ sử dụng lá bài
chống Trung Quốc để khơi dậy chủ nghĩa dân tộc nhằm đánh lạc hướng sự
quan tâm của người trước hiện thực cay đắng trước mắt mà thôi.
Một chế độ chính trị mị dân như cộng sản Việt Nam rõ ràng không quan tâm
đến sự tồn vong của dân tộc, mà chỉ vì lợi ích của nhóm lãnh đạo. Đây
là một chế độ không đủ tư cách để điều hành và quản lý đất nước. Vì vậy,
người Việt Nam cần phải nỗ lực tạo ra một chế độ mới thực sự vì dân và
vì dân tộc.
Copy từ: Dân Làm Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét