CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2013

Đánh thuế tiền tiết kiệm: Đòi hỏi của “đứa trẻ hư”!


(Petrotimes) - Không chỉ tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận xã hội, giới chuyên gia còn đánh giá đây là một đề xuất vô lý, phi đạo đức, ích kỷ, thiếu hiểu biết,...

Ông Lê Hoàng Châu "có nghĩ" khi cho rằng đánh thuế tiền gửi tiết kiệm là hợp lý?
Thị trường bất động sản dù đã và đang được hưởng rất nhiều ưu đãi, hỗ trợ từ chính sách song sự bết bát, khó khăn của thị trường này vẫn chưa hề được cải thiện. Và mới đây, một lần nữa, Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoRea) mà người đại diện là ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hội đã lên tiếng đề xuất rất nhiều giải pháp nhằm cứu thị trường, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến giải pháp đánh thuế thu nhập trên tiền tiết kiệm.
Theo lý giải của ông Lê Hoàng Châu thì giải pháp này sẽ “ép” một lượng tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng vốn đang nằm trong sổ tiết kiệm của người dân tại các ngân hàng “chảy” vào nền kinh tế để phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngay sau khi thông tin trên được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, một làn sóng phản đối mạnh mẽ đã dấy lên trong dư luận xã hội nói chung và giới chuyên gia nói riêng. Và có một điều rất dễ nhận thấy, dù điều này không được nhắc tới trong lời lý giải “vì sao lại có kiến nghị này” của ông Châu nhưng ai nghe cũng ngầm hiểu, đề xuất này được đưa ra là nhằm ép dòng tiền của người dân vào lĩnh vực bất động sản.
Xung quanh vấn đề này, đã có rất nhiều bài viết đăng tải các ý kiến phân tích, bình luận của giới chuyên gia về đề xuất này và tất nhiên, với mục đích được đánh giá chung là không trong sáng, chẳng có ai ủng hộ đề xuất này ngoại trừ ông Lê Hoàng Châu.
TS Lê Đăng Doanh - một chuyên gia tài chính cho rằng: Không thể lấy số tiền thuế thu nhập từ tiền tiết kiệm để “cứu” BĐS. Bởi lẽ trước đây khi lãi xuất BĐS là 100%/ 1 năm không ai bảo ai mọi người đổ xô vào đầu tư. Giờ BĐS gặp khó không thể thu tiền thuế từ nguồn tiền gửi tiết kiệm để giải cứu BĐS được.
“Vì vậy câu chuyện giải cứu BĐS và tiền thuế thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm là hai câu chuyện khác nhau, liệu rằng số tiền thuế đó có giải cứu được BĐS lúc này” – TS Doanh nhấn mạnh.
Đó chỉ là một trong rất nhiều bình luận được xem là rất khiêm tốn của giới chuyên gia dành cho đề xuất. Nhưng đằng sau đề xuất này, một lần nữa, dư luận xã hội đang dấy lên luồng thông tin về một “nhóm lợi ích” nào đó đang âm mưu tác động vào chính sách để kiếm lợi và đây chỉ là bước đi mang tính chất thăm dò phản ứng của xã hội, của các cơ quan hoạch định chính sách.
Nếu nhìn vào diễn biến thị trường bất động vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong giai đoạn thị trường này đóng băng, ế ẩm dẫn tới tồn kho, nợ xấu tăng mạnh và nguy cơ phá sản, giải thể của một loạt doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã hiện hữu có thể khẳng định: Bất động sản chẳng khác nào một “đứa trẻ hư” vốn được nuông chiều thành quen.
Một thời gian dài, những khó khăn mà bất động sản đang đối diện đã được giới chuyên gia mổ xẻ và bên cạnh nguyên nhân được cho là do cơ chế chính sách, định hướng phát triển thị trường thì vấn đề đầu cơ, thao túng thị trường, thổi giá, làm giá cũng đã được chỉ ra là “thủ phạm” chính.
Vào thời kỳ hưng thịnh, bất động sản được coi là lĩnh vực kinh doanh siêu lợi nhuận. Giới đầu tư chỉ cần bằng một vài mối quan hệ để xin được dự án nọ, dự án kia rồi mang đi huy động vốn từ khách hàng thông qua các hợp đồng góp vốn và tiền chênh lệch. Thậm chí, có người còn bảo, bất động sản thời đó là bán nước... bọt và thu về tiền thật. Và cũng chính vì vậy, chuyện người người, nhà nhà kéo nhau đi buôn đất, mua bán bất động sản bỗng trở thành một trào lưu trong xã hội ta.
Bất động sản sinh lợi nhuận cực khủng là điều không hề bàn cãi mà minh chứng rõ nét nhất của nhận định này là việc có tới 60 – 70% những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam là nhờ bất động sản.
Hay một minh chứng khác chính là xu hướng giảm giá diễn ra trên thị trường bất động sản 2 năm trở lại đây khi có không ít dự án đã giảm tới 30, 40, thậm chí là 50% thành sản phẩm mà vẫn được giới chuyên gia, thậm chí là ngay như người trong cuộc nhìn nhận là còn có thể giảm tiếp.
Nên "thà một lần đau" với thị trường bất động sản!
Nhưng đó là câu chuyện của thời hoàng kim, còn hiện tại, bất động lại được xem là cục nợ, là gánh nặng, là sự ám ảnh với giới đầu tư, thậm chí nó còn được coi là “cái máy chém” khiến nhiều người lâm vào cảnh trắng tay trong thời gian tới.
Cũng chính vì thế mà trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiếng kêu than, cầu cứu, giãi bày của giới kinh doanh, đầu tư bất động sản nhiều như “nấm mọc sau mưa”. Và tất nhiên, họ sẽ chỉ nói về những cái khó của mình mà chẳng bao giờ đi phân tích, mổ xẻ xem cái khó đó đến từ đâu. Bất động sản vì thế mà thật tham lam, thật ích kỷ!
Nói vậy để thấy rằng, bất động sản chính là nguyên nhân chính khiến thị trường lâm vào tình cảnh bi đát như hiện nay và nếu có ai đó có trách thì nên tự trách mình chứ đừng đổ lỗi cho người dân hay.
Ở một góc nhìn khác, chúng ta cũng phải thấy cái lỗi của những nhà hoạch định chính sách thời gian vừa qua. Bất động sản kêu khó, xin hạ lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, Ngân hàng Nhà nước lập tức mang ra bàn thảo, nhấc lên đặt xuống và cuối cùng là hạ lãi suất. Bất động sản đòi giảm thuế đất, thuế giá trị gia tăng, đòi giảm tiền thuê đất,..., Bộ Tài chính lập tức xem xét và cũng chấp thuận.
Kêu khóc, đòi hỏi,... vì thế trở thành con đường quen thuộc của giới đầu tư, kinh doanh bất động sản khi muốn điều chỉnh một chính sách nào đó hay đưa ra một “yêu sách” với nền kinh tế. Bất động sản là vậy, chẳng khác nào “một đứa trẻ” đã quá quen với sự nuông chiều, đòi gì được đấy!
Trở lại câu chuyện đề xuất đánh thuế thu nhập trên tiền gửi tiết kiệm mà HoRea mới đưa ra, dù không trực tiếp nhưng ai cũng hiểu, có “nắn” được dòng tiền của người dân vào nền kinh tế thì chắc chắn, có tới 90% trong số đó sẽ “chảy” vào bất động sản.
Thử hỏi, ai là người đang nắm giữ những tài khoản tiết kiệm tại các ngân hàng, đó chắc chắn không phải dân kinh doanh và càng chẳng phải giới đầu tư bởi với tầng lớp này, tiền nằm là tiền chết. Vậy ai là chủ nhân của chúng? Đó là những cán bộ công chức nghèo, cả đời làm việc tích cóp được vài ba trăm triệu gọi là để an dưỡng tuổi già.
Vậy nên đánh thuế trên số tiền mà họ đã tích cóp cả đời là điều vô lý!
Một điều nữa, đánh thuế tiền gửi tiết kiệm nếu đúng mục đích là “ép” vốn vào bất động sản lại càng ích kỷ, vô lý. Giới đầu tư, kinh doanh bất động sản một thời gian dài đã kiếm ra cả chục, cả trăm, thậm chí cả ngàn tỉ đồng từ bất động sản nhưng khi đó, họ có đóng góp gì cho xã hội hay chỉ khư khư mưu tính chạy chỗ này, chỗ kia để tìm cửa đầu tư tiếp để kiếm ra những khoản lợi lớn hơn, không lồ hơn. Khi ấy, có bao giờ họ nghĩ tới người dân không hay chỉ chăm chăm tìm mọi cách đẩy giá nhà đất lên càng cao càng tốt.
Như đã nói ở trên, bất động sản chẳng khác nào “một đứa trẻ” được nuông chiều quá mức nên giờ mới đưa ra một cái đòi hỏi hết sức phi lý như vậy.
Thị trường bất động sản cũng như bao cuộc chơi khác với một bên là giới đầu tư, kinh doanh bất động sản và một bên chính là người tiêu dùng. Nhưng khi cuộc chơi đó không có sự công bằng, thậm chí là thiên vị kéo dài thì bên còn lại chắc chắn sẽ rời bỏ sân chơi là điều tất yếu. Lòng tin của người tiêu dùng đang bị tổn thương nghiêm trọng, họ sẽ rời bỏ thị trường và thực tế đã rời bỏ thị trường từ lâu. Nhưng “chiêu, trò” đại loại như giảm giá, khuyến mại khủng vì thế cũng chẳng có chút tác dụng nào cả.
Từ thực tế trên để thấy rằng, chẳng ai chấp nhận một lần nữa hy sinh cái quyền lợi mà họ đã phải quần quật làm việc, tích cóp bao năm, có khi là gần cả cuộc đời vào một việc làm vô lý như vậy được.
Chúng tôi thiết nghĩ, những người hoạch định chính sách cần phải đưa ra những phán quyết thật sự quyết liệt, không nên đưa ra những quyết sách theo kiểu “quýt làm cam chịu” như đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm của người dân được.
Bất động sản đúng là một trong những điểm nghẽn của nền kinh tế, là cái “mồ chôn” tiền của xã hội, là cái mới nợ xấu thật nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể mềm lòng. Thanh lọc thị trường là điều mà cả xã hội đang hết sức trông chờ các nhà hoạch định chính sách sẽ thực thi trong thời gian tới. thậm chí có ý kiến còn cho rằng, nếu dự án nào có thể cho “chết” thì cứ để nó “chết” để cho những người thực sự có lực, có tâm với xã hội thực hiện!
Thanh Ngọc




Copy từ: Petrotimes

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét