|
|
Ảnh: Triệu Trùng Điệp. |
(TBKTSG) - Xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản đã và đang mang về cho Việt
Nam hàng chục tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Nhưng, nhiều ý kiến cho rằng cách
phát triển kinh tế dựa vào tài nguyên thô chẳng khác gì “ăn thịt” chính
mình.
Từ thô tới thô!
Chỉ trong vòng bảy năm, tính từ cuối năm 2005, sản lượng cà phê xuất
khẩu của Việt Nam tăng gần 2,5 lần, cao su (thiên nhiên) xuất khẩu cũng
tăng hai lần. Nhưng thành quả này cũng phải trả giá rất đắt, vì trong
cùng thời gian đó, chỉ riêng ở khu vực Tây Nguyên 206.000 héc ta rừng đã
biến mất.
Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, xuất khẩu tài nguyên từng là nguồn
thu ngoại tệ chủ yếu của Việt Nam. Giờ đây, tuy tỷ lệ doanh thu từ các
mặt hàng khoáng sản chỉ còn chiếm khoảng một phần mười tổng kim ngạch
xuất khẩu, nhưng Việt Nam vẫn là một nền kinh tế phát triển dựa vào tài
nguyên.
Thật vậy, theo nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,
công nghiệp khai khoáng đóng góp 10-11% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu các loại khoáng sản trên 9,6 tỉ đô
la Mỹ, trong đó nhiều nhất vẫn là dầu thô (8,228 tỉ đô la Mỹ) và than đá
(1,238 tỉ đô la Mỹ). Tuy nhiên, nếu tính cả giá trị của những ngành mà
Việt Nam đã phải trả giá bằng chính những tài nguyên quý giá nhất (rừng,
đất đai) để có được, thì sự phụ thuộc của nền kinh tế vào tài nguyên là
rất lớn.
Cho đến nay, các nhà địa chất đã phát hiện được ở Việt Nam trên 5.000
điểm mỏ với 60 loại khoáng sản khác nhau, từ khoáng sản kim loại như:
đồng, chì, kẽm, sắt, mangan, crom, titan, molybden, wolfram, thiếc,
bauxite... cho đến các khoáng sản phi kim loại là nguyên liệu của ngành
phân bón, vật liệu xây dựng, và khoáng sản năng lượng (dầu khí, than).
Tuy nhiên, do phần lớn là khai thác, sơ chế rồi xuất khẩu dưới dạng thô,
nên nó không có đóng góp gì đáng kể cho sự phát triển của các ngành
công nghiệp.
Việc các cơ quan quản lý nhà nước ngó lơ cho các doanh nghiệp xuất
khẩu khoáng sản thô, thay vì lấy nguồn tài nguyên khoáng sản làm “mồi”
để thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, khiến cho Việt Nam
mất dần cơ hội để phát triển những ngành công nghiệp quan trọng, những
lĩnh vực phụ trợ có sức lan tỏa lớn. |
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ năm 2009-2011, mỗi năm Việt Nam
xuất khẩu 2,1-2,6 triệu tấn khoáng sản các loại (không kể than, dầu
thô) với điểm đến chủ yếu là Trung Quốc, và chỉ mang lại giá trị 130-230
triệu đô la Mỹ. Riêng năm 2012, lượng khoáng sản xuất đi có giảm, chỉ
còn gần 800.000 tấn, bằng đường chính ngạch. Nếu cộng cả số xuất lậu,
xuất qua đường biên mậu, số lượng còn lớn hơn nữa. Chẳng hạn như vào năm
2008, chỉ riêng xuất lậu quặng titan ước tính đã lên đến 200.000 tấn.
Ở một số lĩnh vực, và dưới sức ép của Chính phủ, doanh nghiệp khai
khoáng cũng có “đầu tư vào khâu chế biến” để xuất khẩu, nhưng thực tế
chỉ là “ít thô” hơn mà thôi. Ngay những cơ sở tinh luyện đồng, dù được
một số doanh nghiệp giới thiệu là “công nghệ cao”, nhưng công nghệ ấy
cũng chỉ làm được đồng có độ tinh khiết 99,9%, chưa đủ “sạch” so với yêu
cầu chung của các ngành công nghiệp sử dụng đồng làm nguyên liệu, vốn
chỉ sử dụng đồng tinh khiết đến 99,99%.
Lợi có đủ bù đắp thiệt hại!
Cho đến nay, khai thác tài nguyên để xuất khẩu vẫn là ngành kiếm được
nhiều lợi nhuận, nhưng cái lợi đó chỉ chảy vào một nhóm nhỏ doanh
nghiệp. Việc khai thác ồ ạt tài nguyên và khoáng sản để xuất khẩu khiến
cho nền kinh tế đã, đang và sẽ tiếp tục phải trả giá trong nhiều năm
nữa.
Trước hết là sự lãng phí. Tại hội thảo “Tài nguyên khoáng sản và sự
phát triển bền vững ở Việt Nam” diễn ra vào cuối tháng 11-2011, các diễn
giả đã đưa ra con số trên 2.000 doanh nghiệp với 4.218 giấy phép khai
khoáng đã được cấp. Điều đáng nói ở đây là sự cấp phép dễ dãi, mà một số
chuyên gia kinh tế cho là do nhóm lợi ích chi phối, cộng với sự “dễ
dãi” cả về công nghệ khai thác, làm cho tài nguyên bị thất thoát rất
lớn.
Chẳng hạn như thất thoát trong khai thác than hầm lò đến 40-60%; khai
thác apatit tổn thất 26-43%; khai thác quặng kim loại tổn thất 15-20%...
Ngoài ra, do các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến nguồn quặng chính, nên
không tận thu được các khoáng sản đi kèm khác cũng như các quặng nghèo.
Ví dụ, độ thu hồi vàng từ quặng chỉ được 30-40%.
Tiếp đến, việc các cơ quan quản lý nhà nước ngó lơ cho các doanh nghiệp
xuất khẩu khoáng sản thô, thay vì lấy nguồn tài nguyên khoáng sản làm
“mồi” để thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, khiến cho
Việt Nam mất dần cơ hội để phát triển những ngành công nghiệp quan
trọng, những lĩnh vực phụ trợ có sức lan tỏa lớn. Đây mới là thiệt hại
đáng kể cho nền kinh tế.
Hơn nữa, việc mở đường cho khai thác tài nguyên mà không gắn với phát
triển công nghiệp chế biến còn đẩy nhanh tốc độ “chảy máu tài nguyên”.
Khi các ngành công nghiệp nội địa phát triển thì tài nguyên cũng không
còn. Công nghiệp chế biến gỗ là một ví dụ điển hình. Trong suốt thập
niên 1980 và những năm đầu thập niên 1990, Việt Nam xuất khẩu ồ ạt
nguyên liệu gỗ. Mỗi năm, hàng triệu mét khối gỗ tròn và gỗ xẻ đã được
đưa xuống tàu để xuất khẩu. Giờ đây, khi ngành công nghiệp sản xuất đồ
gỗ phát triển thì nguồn gỗ nội địa cũng không còn. Chúng ta cũng có thể
tìm thấy một ví dụ tương tự đang xảy ra với ngành khai thác than.
Đáng ngại hơn, việc phát triển kinh tế dựa chủ yếu vào việc khai thác
và xuất khẩu tài nguyên thô còn làm triệt tiêu động lực phát triển khoa
học công nghệ. Đây là sự khác biệt giữa những nền kinh tế nghèo tài
nguyên, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore... và những nền kinh
tế giàu tài nguyên như Nigeria, quốc gia đã kiếm được 350 tỉ đô la Mỹ
từ xuất khẩu dầu thô từ năm 1965-2000 và giờ đây đang là một trong những
nước nghèo của thế giới. Các nhà kinh tế gọi đó là lời nguyên tài
nguyên, là “căn bệnh Hà Lan”.
Ở Việt Nam, “lời nguyền tài nguyên” rõ nét nhất có lẽ là ở lĩnh vực
nông nghiệp. Để có sản lượng cà phê, cao su, tiêu, tôm... xuất khẩu tăng
liên tục, chúng ta đã phải trả giá bằng hàng triệu héc ta rừng. Chỉ
trong năm năm, 2006-2011, 124.000 héc ta rừng ngập mặn ven biển đã biến
mất để nhường chỗ cho các ao tôm, ao cá, tương đương diện tích bị mất
trong 63 năm trước đó.
Việc gia tăng sản lượng dựa vào tăng diện tích canh tác đã góp phần thủ
tiêu động lực phát triển khoa học kỹ thuật nông nghiệp (để tăng sản
lượng thông qua tăng tăng suất).
Và, giờ đây chúng ta đang phải trả giá và sẽ còn phải trả giá nhiều hơn trong tương lai.
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét