CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Cát - Tú - Văn “xúi” Đảng đánh cắp “quyền lực” của Dân?



PGS. TS. Hà Nguyên Cát, PGS. TS. Nguyễn Thanh Tú và Thiện Văn “xúi” Đảng đánh cắp “quyền lực” của Dân?

Thanh Tùng
Có lẽ chưa bao giờ dư luận lại “nóng” với việc góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 như hiện nay, đặc biệt là từ khi Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 khẳng định với báo giới: Không có điều gì cấm kỵ khi Nhân dân góp ý sửa Hiến pháp.
Nhiều người góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng là dấu hiệu của sự cởi mở, dân chủ và phản ánh trình độ hiểu biết, nhận thức của người Dân. Một khía cạnh khác không thể không nhắc tới, đó là sự tự tin, bản lĩnh vượt qua sự “ngại ngùng” để tham gia bàn thảo một vấn đề mà từ trước đến nay mọi người cho là “nhạy cảm, kiêng kỵ”, đó là chính trị, mà cụ thể là đề cập đến việc xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 1992 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Vì nhận thức được sự “thiêng liêng” của bản Hiến pháp của một quốc gia, dân tộc nên tôi rất quan tâm và đọc khá nhiều bài góp ý cả trên các báo chính thống và mạng xã hội. Từ góc nhìn của một chú “ếch ngồi đáy giếng”, tôi có cảm nhận, có lẽ là Đảng và Dân chưa hiểu nhau…
PGS, TS HÀ NGUYÊN CÁT, PGS.TS. NGUYỄN THANH TÚ VÀ THIỆN VĂN ĐẠI DIỆN CHO AI?
Các bài viết: “Tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” của PGS. TS. Hà Nguyên Cát – Học viện Quốc phòng;Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là hợp lý, hợp tình” của PGS. TS. Nhà văn Nguyễn Thanh Tú, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội; và “Cần hiểu đúng nội dung về Đảng lãnh đạo trong Dự thảo Hiến pháp” của tác giả Thiện Văn trên qdnd.vn, đã khiến tôi thực sự băn khoăn, trăn trở.
Ngay dòng đầu tiên của bài viết, PGS. TS. Hà Nguyên Cát, đã khẳng định: Mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đối với Nhà nước CHXHCN Việt Nam và toàn xã hội luôn được các thế lực thù địch đặt lên hàng đầu trong thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, nhằm xóa bỏ thành quả cách mạng, hướng lái Việt Nam theo con đường của chủ nghĩa tư bản… Tuy nhiên, lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, việc quy định vai trò lãnh đạo của ĐCSVN tại Điều 4, Hiến pháp 1992 cần tiếp tục được khẳng định trong nội dung sửa đổi, bổ sung hiến pháp lần này, dựa trên những căn cứ lịch sử, chính trị và pháp lý không thể phủ nhận”.
Tương tự, tác giả Thiện Văn cũng đề cập ngay phần đầu bài viết: “Ngay sau khi các phương tiện thông tin đại chúng của nước ta đồng loạt đăng tải toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để lấy ý kiến toàn dân vào văn kiện đặc biệt quan trọng này, nhiều trang mạng ở hải ngoại và các phần tử phản động lại tiếp tục xuyên tạc nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội được quy định tại Điều 4 của Hiến pháp…”. Tác giả Thiện Văn còn khẳng định: Việc quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không chỉ là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán để khẳng định vị trí, vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng, mà còn là một nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị - xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn”.
Riêng PGS. TS. Nguyễn Thanh Tú thì có vẻ “sốt sắng” hơn, khẳng định ngay ở tựa đề: “Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là hợp lý, hợp tình”.
Xin thưa ngay với các nhà “lý loạn” học hàm, học vị đầy mình thế này: Nhân dân (theo tôi hiểu) chưa bao giờ và không bao giờ có ý định xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Tuy đại đa số người Dân không có học hàm, học vị và trình độ “lý loạn” như các vị, nhưng họ cũng đọc và hiểu Điều 2, câu 2 Hiến pháp 1992 khẳng định:“Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân (…)”, có nghĩa là, nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Như vậy, quyền lập pháp là của Nhân dân, chứ không phải của Quốc hội, lại càng không phải của một tổ chức hay nhóm người nào. Theo tôi hiểu, Nhân dân – bằng quyền lực của mình – chỉ muốn bỏ sự bất hợp lý là Điều 4 trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, đồng thời để Đảng Cộng sản Việt Nam có môi trường cạnh tranh. Khi có cạnh tranh, Đảng mới tích cực tự rèn luyện và phát huy tính sáng tạo, tinh thông và trí tuệ của Đảng, để tiếp tục nhận được sự tin yêu của Nhân dân như những năm Đảng lãnh đạo Nhân dân giành chính quyền 1945.
Sau khi đọc 03 bài viết này, tôi tự đặt câu hỏi: tiếng nói của PGS. TS. Hà Nguyên Cát, PGS.TS. Nhà văn Nguyễn Thanh Tú và Thiện Văn (tôi không biết là ai) là đại diện cho ai? Nếu là tiếng nói theo nhận thức và quan điểm cá nhân, thì trình độ đọc hiểu ngữ nghĩa tiếng Việt là “có vấn đề” (những điều đơn giản vậy, người Dân còn hiểu không lẽ các vị không hiểu?); còn nếu là tiếng nói với danh nghĩa là những nhà “lý luận” của Đảng, thì rõ ràng, tôi nhận thấy rằng, Đảng và Dân chưa hiểu nhau, nói chính xác hơn là Đảng chưa hiểu Dân...
Ý ĐẢNG CŨNG LÀ LÒNG DÂN ĐẤY CHỨ!
Trên VietNamNet đưa tin: tại cuộc họp báo triển khai thực hiện việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chiều 29/12/2012, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 khẳng định: Ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân nên nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp. Ông Phan Trung Lý còn nhấn mạnh: Mục đích là phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp. Vì thế, không có điều gì cấm kỵ khi nhân dân góp ý sửa Hiến pháp. Nhân dân có thể cho ý kiến đối với Điều 4 Hiến pháp như với tất cả các nội dung khác trong dự thảo… Qua lấy ý kiến nhân dân, nếu đa số đồng ý với phương án UB chọn thì giữ lại, không thì phải nghiên cứu chỉnh sửa cho phù hợp.
Ông Phan Trung Lý còn cam kết: mọi ý kiến đều sẽ được trân trọng, lắng nghe, phản ánh, tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình…
Sau những lời phát biểu của ông Phan Trung Lý, ông Vũ Trọng Kim (ảnh), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTƯMTTQ Việt Nam, đã phát biểu, về mặt tinh thần, tương tự phát biểu của ông Phan Trung Lý.
Ngày 1/2/2013, trong cuộc hội thảo lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, do Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật (Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam) tổ chức tại TP HCM, ông Trần Quốc Thuận (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) góp ý sửa Hiến pháp cũng có lời “khuyên” chân thành: "Một đảng cầm quyền nên chấp nhận cạnh tranh, chính là chấp nhận sự tự rèn luyện để ngày càng trưởng thành, trong sạch và vững mạnh. Nhân dân sẽ giúp loại bỏ những phần tử suy thoái tư tưởng, thoái hóa biến chất, tham nhũng"…
clip_image002
Ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam
Ông Lê Hiếu Đằng - Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam - chia sẻ: “Tôi thấy Bác Hồ có một câu nói rất hay là “Đảng chỉ trở thành người lãnh đạo các đảng viên gương mẫu khi các tổ chức đảng gương mẫu và nhất là khi Đảng đưa ra các đường lối chủ trương đúng đắn và phù hợp với lòng dân thì lúc đó Đảng mới là Đảng lãnh đạo”.
Chia sẻ quan điểm của ông Lê Hiếu Đằng, ông Phạm Vĩnh Thái - ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật và Luật sư Nguyễn Hữu Danh khẳng định: Không thể nói Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nếu nhân dân không trao quyền lãnh đạo Nhà nước cho đảng viên qua các cuộc bầu cử dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện theo điều 6 của dự thảo Hiến pháp này. Về nguyên tắc trong nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân thì nhân dân là chủ thể quyền lực. Vai trò Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội về bản chất là do nhân dân ủy thác cho Đảng…
PGS. TS. Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) thẳng thắn: “Không có sự phản biện, sự cạnh tranh, Đảng dễ chủ quan, duy ý chí. Đường lối chính trị dễ bị sai lầm, hành động độc đoán, chuyên quyền, làm mất dân chủ trong xã hội và không bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, không bảo đảm và phát huy vai trò quản lý của Nhà nước. Đặc biệt, quan điểm, đường lối của Đảng ít được cọ xát…”.
Phúc quyết về Hiến pháp và các việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia là một quyền thể hiện đầy đủ nhất nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Vấn đề này còn chưa được Hiến pháp 1992 đề cập đến nên cần nghiên cứu, bổ sung vào Hiến pháp sửa đổi lần này – đây cũng là quan điểm của GS. TS. Trần Ngọc Đường (Chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Lập pháp – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội).
clip_image004
TS Nguyễn Sĩ Dũng (giữa): Những rào cản và trói buộc không đáng có cần phải được tháo dỡ. Ảnh: Lê Anh Dũng
 
 
TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng nói trên VietNamnet: Khi mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, thì mọi quyền lực đều chỉ hợp pháp khi được nhân dân phân chia. Chính vì vậy, bảo đảm quyền phúc quyết của nhân dân là bảo đảm tính chính danh của toàn bộ hệ thống quyền lực nhà nước. Quyền lập hiến là quyền tự nhiên của nhân dân, chứ không phải là một quyền hiến định.
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh thì đưa ra dẫn chứng cụ thể: “Trong thời kỳ vận động cách mạng lật đổ ách thực dân Pháp giành lại độc lập tự do cho dân tộc, Đảng Cộng sản không có chút quyền hành nào, không điều nào quy định cho Đảng được quyền lãnh đạo, thế mà Đảng vẫn lãnh đạo được dân, dân tự giác theo sự lãnh đạo của Đảng làm Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong 2 cuộc kháng chiến vì độc lập thông nhất Tổ quốc cũng vậy. Chỉ cần Đảng có chính nghĩa, trong sạch, thực sự vì nước, vì dân, thực thi dân chủ trong mọi lĩnh vực làm cho nước mạnh, dân giầu, thì tự khắc dân sẽ tự nguyện theo sự lãnh đạo của Đảng, không cần ghi Điều 4 vào Hiến pháp”.
Trong bài góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của ông Bùi Đức Lại (nguyên chuyên gia cao cấp Ban Tổ chức Trung ương) trên VietNamNet, cũng khẳng định: “Trong nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân (các lãnh đạo Đảng và Nhà nước vẫn thường nói) thì nhân dân là chủ thể quyền lực. Vai trò Đảng lãnh đạo Nhà nước về bản chất là do nhân dân ủy thác cho Đảng…”.
Thực chất, đem ra phân tích về mặt ngữ nghĩa những điều Đảng nêu ra, như: “Nhà nước của Dân, do Dân, vì Dân”, “Tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân” và những ý kiến đóng góp Dự thảo Hiến pháp sửa đổi của các nhân sĩ trí thức, trong đó không ít nhân vật đã và đang là quan chức đứng trong hàng ngũ của Đảng, từ trung ương xuống địa phương, thì ý Đảng cũng là lòng Dân đấy chứ! Sao PGS. TS. Hà Nguyên Cát lại: “Tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Thanh Tú lại:Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là hợp lý, hợp tình”; và Thiện Văn, trong khi mình hiểu, lại đi “GIÁO DỤC” Nhân dân: “Cần hiểu đúng nội dung về Đảng lãnh đạo trong Dự thảo Hiến pháp”?
Nếu căn cứ vào quan điểm và lập luận trong ba bài viết nêu trên, thì người Dân có quyền nghĩ rằng: PGS. TS. Hà Nguyên Cát, PGS.TS. Nguyễn Thanh Tú, Thiện Văn và những người có chung quan điểm này đang “xúi” Đảng đánh cắp “quyền lực” của Nhân dân?
T.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho Bauxite Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét