CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

ĐÀO TIẾN THI: THƯ NGỎ GỬI ANH NGUYỄN THANH TÚ



Thư ngỏ gửi anh Nguyễn Thanh Tú:

TIẾNG NÓI THÀNH THỰC HAY TIẾNG GỌI CỦA SỔ HƯU? 
Đào Tiến Thi
Kính gửi anh Nguyễn Thanh Tú, PGS.TS, nhà văn
Vì cũng có chút biết anh nên xin phép xưng hô thân mật như trên. Chả là tôi và anh đã cùng dự lớp bồi dưỡng về lý luận, phê bình văn học hồi hè 2008 do Hội Nhà văn mở. Thời gian khoảng hơn hai tháng và học gần như liên tục các ngày nên nó cũng không đến nỗi quá ít để chúng ta biết nhau. Hơn nữa trong thời gian học, lớp có tổ chức một số cuộc hội thảo và một số lần gọi là “đi thực tế”, cho nên tôi và anh đã từng nói chuyện với nhau, từng được (hoặc phải) nghe ý kiến của nhau trong các hội thảo.
Dáng vẻ anh hiền lành, nho nhã. Anh kém tuổi tôi nên xưng hô, “anh – em” rất lễ độ. Anh giống một thầy giáo hơn là một người làm báo (tạp chí Văn nghệ quân đội). Cho nên ấn tượng về anh tuy không có gì đặc sắc nhưng tôi cũng có đôi chút thiện cảm.
Nhưng chính vì một chút thiện cảm trên mà một điều bất ngờ kinh khủng đã đến với tôi khi đọc bài của anh trên báo Quân đội nhân dân: Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là hợp lý, hợp tình.
Điều sốc đầu tiên là giọng điệu của người viết (anh là dân lý luận, phê bình văn học nên thừa hiểu giọng điệu quan trọng như thế nào trong một tác phẩm). Anh viết: “Có những kẻ cơ hội dựa vào một số sai lầm của Đảng ta để kêu gọi sửa đổi Điều 4 Hiến pháp (ĐTT nhấn mạnh) đòi thay đổi vị trí lãnh đạo cách mạng của Đảng”. Tuy ngôn từ không chỉ đích danh “những kẻ cơ hội”, nhưng còn ai khác ngoài những người đã ký bản kiến nghị – gọi là  “Kiến nghị 72” – gửi Quốc hội. Chưa kể đến nay hơn 4000 người ký, trong đó có hàng trăm người danh giá, chỉ tính riêng trong số 72 người “ký tươi” đợt 1 đã có hàng chục vị nhân sỹ, trí thức khả kính. Nếu chỉ tính riêng trong giới văn chương thôi, nhiều vị về tuổi tác là bậc cha chú, bậc anh chị của anh và tôi, về học vấn thì sự uyên thâm của họ là những bậc thầy, bậc đàn anh của anh và tôi. Đó là những người như nhà văn Nguyên Ngọc, GS. Trần Đình Sử, GS. Nguyễn Huệ Chi, PGS. Phạm Vĩnh Cư, nhà văn – nhà giáo Phạm Toàn, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên,... Trong số này, GS. Trần Đình Sử còn là người thầy trực tiếp hướng dẫn tiến sỹ cho anh, người thầy mà anh có dùng hết cuộc đời còn lại để học, tôi nghĩ cũng không có được sự uyên bác như thầy.
Điều sốc thứ hai với tôi, là vấn đề kỹ thuật trong bài viết của anh. Tôi không thể hiểu nổi một người có học hành, mang những chức danh đẹp như thế mà viết nó lại luộm thuộm như thế. Không có biện bác, không có chứng minh, gần như gặp đâu nói đó, không rõ mạch nào ra mạch nào. Ví dụ như mục 1 – Đảng kế tục lịch sử và làm nên lịch sử – nhưng phần triển khai anh lại huyên thuyên về tội ác của thực dân Pháp và các truyền thuyết về lịch sử, chẳng dính dáng đến cái tiêu đề đã nêu, chẳng cho người đọc thấy Đảng “kế tục lịch sử” ở chỗ nào và “làm nên lịch sử” ở chỗ nào. Thực ra làm cái này rất dễ, vốn là những bài rất quen thuộc, học trò cấp 3 vẫn làm làu làu bấy lâu nay. Này nhé, Đảng kế tục lịch sử, vì Đảng tiếp nối ngọn cờ giải phóng dân tộc của các phong trào trước đó, như Cần vương của các văn thân, sỹ phu, như phong trào vận động dân tộc và dân chủ đầu thế kỷ XX của các cụ chí sỹ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh,... Này nhé, Đảng làm nên lịch sử vì đã lãnh đạo nhân dân đánh đổ thực dân và phong kiến trong Cách mạng tháng Tám (1945), rồi lại liên tiếp lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống xâm lược Pháp (1946 – 1954), Mỹ (1955 – 1975), Trung Cộng (1979), v.v..  
Nhưng thôi, tôi bỏ qua hầu hết các lỗi kỹ thuật đó để trao đổi những nội dung và những thông điệp chính mà anh gửi gắm qua bài viết. Vì tôi là một trong 72 người “ký tươi” đợt đầu bản Kiến nghị 72, cho nên từ đây xin được đối thoại với anh ở ngôi thứ nhất – chúng tôi, chứ không phải ngôi thứ ba như phần đầu, khi trao đổi về mặt đạo lý trong mối quan hệ giữa anh với một số vị tên tuổi trong số 72 người.
Về nội dung thứ nhất Đảng kế tục lịch sử và làm nên lịch sử
Trong mục này, trước hết anh kể tội thực dân Pháp trong thời kỳ đô hộ Việt Nam. Những tội của thực dân (đầu độc bằng rượu cồn, bóc lột bằng sưu thuế,...) anh nêu na ná như trong Tuyên ngôn độc lập, học trò đã qua cấp 3 gần như thuộc lòng, cho nên thực ra là thừa và từ trước cũng như bây giờ, chả có ai phủ định những điều đó cả. Nhưng mục đích anh nêu thể hiện ở mấy câu cuối đoạn này:  
“Có thể nói trong lịch sử hàng nghìn năm chưa bao giờ đất nước vẻ vang “con Rồng cháu Tiên” lại rơi vào thảm cảnh khốn cùng như thế. Để cứu một dân tộc đang bị tàn lụi vì bị đầu độc, đang bị chết đói bởi sự dã man thú vật của kẻ thù, lại có một con đường “thỏa hiệp” với chính kẻ đang hút máu nhân dân mình ư? Và kẻ thù xâm lược ấy chỉ có một mục đích là hút máu nhân dân mình, thì thử hỏi “thỏa hiệp” với ai và bằng cách nào? Đúng là một lối nghĩ ảo tưởng, mơ hồ!”.
À, thì ra anh nghĩ chúng tôi đang muốn đổi chế độ XHCN hiện nay để lấy chế độ thực dân cách đây từ 70 – 150 năm trước.
Không biết “duyên do” nào mà anh lại có suy nghĩ như thế. Vì ít ra một em học sinh hết cấp 3 cũng đã có ít nhiều khả năng phân biệt 3 điều sau:
- Chủ nghĩa thực dân Pháp khác với văn hoá, văn minh Pháp.
- Chính sách thực dân của nhà nước Pháp thi hành ở các nước thuộc địa khác với chính thể Cộng hoà Pháp (ở chính quốc) với tôn chỉ “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” mà nhân dân Pháp liên tục hoàn thiện nó suốt từ  Cách mạng 1789 đến nay.
- Nước Pháp thời trước, cách đây 30, 50, 70, 100, 150,... năm khác với nước Pháp bây giờ.
Đối với nước Mỹ, Nhật hay thế giới phương Tây nói chung tình hình cũng tương tự như vậy. Cho nên nền dân chủ của Pháp, Mỹ, Đức, Anh,... đến nay vẫn là những nền dân chủ mà nhân loại phải ngưỡng mộ.
Cũng chính vì nhận thức như thế nên ngay từ đầu thế kỷ XX, các chí sỹ cách mạng lỗi lạc như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, với hoài bão giải phóng dân tộc mãnh liệt, lại chính là người vận động “Tân học”, tức là học theo phương Tây, cụ thể là học theo nước Pháp, người Pháp một cách tích cực nhất. Và chính bản thân hai cụ Phan – một mặt là nạn nhân đàn áp của chủ nghĩa thực dân Pháp, mặt khác, chính những người Pháp dân chủ, tiến bộ lại ra sức ủng hộ và cứu các cụ. Cụ Phan Châu Trinh bị triều đình Huế kết tội chung thân đày đi Côn Đảo, thế nhưng chỉ ba năm sau do sự bênh vực của Hội Nhân quyền Pháp mà cụ được ra tù và người Pháp đón hẳn cụ sang Pháp ở (có chế độ trợ cấp của chính phủ Pháp). Cụ Phan Bội Châu, người dính líu vào hàng chục cuộc bạo động chống Pháp, ấy thế mà cuối cùng họ lại tha bổng. (Còn các hoạt động “tuyên truyền chống nhà nước Pháp”, thì chính quyền Pháp không coi là tội[1]). Chính cụ Phan cũng thừa nhận nếu giao cụ cho toà án Nam triều (triều đình Huế) thì cụ đã không thoát khỏi án tử hình và do đó cụ hết lời cảm ơn chính phủ Pháp. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi đi tìm đường cứu nước cũng đến Pháp, nhờ sự giúp đỡ của người Pháp.
Phần tiếp theo trong mục 1, anh nói về Đảng biết nhân nhượng: “Những người cộng sản lãnh đạo dân tộc ta làm nên kỳ tích lịch sử năm 1945 không hề thỏa hiệp với kẻ thù nhưng rất biết nhân nhượng với kẻ thù vì mục đích hòa bình. Hãy đọc lại Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh...”. Sau đó anh dẫn ra các anh hùng của Việt Nam theo dã sử được nhân dân thờ phụng. Như trên đã nói, đó là một sự lạc đề trong lập luận. Nhưng nếu cố khớp 2 ý trên với đoạn kết thì sẽ đọc được ý anh muốn nói gì. Anh viết: “Có thể nói phẩm chất anh hùng quyết không bao giờ chịu nô lệ cho kẻ ngoại bang có ở trong máu của mỗi người Việt, nhất là mỗi khi có kẻ thù xâm lăng thì phẩm chất ấy càng trỗi dậy mạnh mẽ”.
À, thì ra tuy đang bàn về hiến pháp nhưng anh “tạt ngang” để thanh minh cho một bộ phận cầm quyền hiện nay đang nhân nhượng chủ quyền quốc gia cho Trung Cộng. Nhưng lý lẽ thanh minh của anh không có sức thuyết phục, bởi vì không thể lấy cái anh hùng của người xưa để bào chữa cho cái hèn hôm nay. Và sự nhân nhượng của Cụ Hồ hồi ấy cũng khác hẳn hôm nay. Cụ Hồ nhân nhượng nhưng không bắt nước ta phụ thuộc vào Pháp. Nhân nhượng nhưng không để mất biển, mất đảo. Nhân nhượng Pháp nhưng không đàn áp người yêu nước chống Pháp... Vả lại, cái anh hùng hồi 1945 – 1946 cũng đã thuộc về thế hệ trước. Ngay cả những người anh hùng trong chống Mỹ, chống Tàu Cộng hôm nay còn sống khoẻ mạnh, nhiều người cũng đã trở nên hèn rồi. Vì trong khi chúng tôi đề cao quá khứ dân tộc thì họ tìm cách dập tắt đi. Bia ghi công của Quang Trung đại phá quân Thanh (do chính Cụ Hồ viết) ở Nghệ An bị người ta thay. May nhờ sự đấu tranh quyết liệt của những người anh cho là “cơ hội” (trong đó phải kể đến công anh Phạm Xuân Nguyên) nên gần đây người ta mới khôi phục lại văn bia do Cụ Hồ viết. Và mới đây nhất (17-2-2013), họ dứt khoát không cho chúng tôi tưởng niệm liệt sỹ chống Trung Cộng hồi 1979, chẳng lẽ anh không biết sao?
Về nội dung thứ hai - Bài học “Quốc trị, thiên hạ mới bình”
Câu“Quốc trị, thiên hạ mới bình” anh dẫn của Cụ Hồ, mà Cụ Hồ lại dẫn của Khổng Tử, với lời giải thích của anh – Mỗi quốc gia hãy thật yên ổn đã, thì tự nhiên thế giới sẽ hòa bình”, tôi chưa có điều kiện kiểm tra lại có đúng không, nhưng nếu đúng thì anh phải đem “dạy” cho nhà cầm quyền Trung Cộng chứ? Bởi cứ khi nội tình họ không yên là họ tìm cách bành trướng ra bên ngoài mạnh hơn. Và cũng có khi họ giải quyết được vấn đề. Ví dụ cuộc “Dạy cho Việt Nam một bài học” năm 1979 đã giúp Đặng Tiểu Bình lấy lại được tinh thần Trung Quốc sau cơn đại khủng hoảng do Cách mạng văn hoá đem lại.
Đoạn tiếp sau anh viết: Bản chất xâm lược của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động là không bao giờ thay đổi. Muốn vậy chúng sẽ tìm mọi cách gây mất ổn định chính trị để từ đó tạo cớ can thiệp hoặc làm suy yếu để dễ bề xâm lấn, tiến đến thôn tính. Do vậy đối với tình hình cách mạng nước ta hiện nay mục tiêu cơ bản, bao trùm là giữ vững ổn định chính trị để phát triển đất nước”.
Điều đó thì đúng quá rồi. Có điều phải xác định đâu là đế quốc và không phải đế quốc nào cũng là kẻ thù. Trong lịch sử, Đảng CSVN đã từng xác định rất đúng kẻ thù. Ví dụ giai đoạn 1941 – 1945, nước ta bị cả Pháp và Nhật đô hộ, Đảng kêu gọi người Pháp đứng về phía Việt minh để chống Nhật. Hồi chống Mỹ, Đảng tranh thủ sự ủng hộ của người Pháp để chống Mỹ. Hồi 1978 – 1988, Đảng xác định kẻ thù nguy hiểm trực tiếp là Trung Cộng. Còn hiện nay, kẻ thù nguy hiểm trực tiếp (và có lẽ là duy nhất), vẫn là đế quốc Trung Cộng. Thế nhưng Đảng lại coi là bạn, thậm chí bạn thân nhất, thế là xác định sai. Nhà cầm quyền Trung Cộng được cái thế “ông anh”, cứ lấy dần chủ quyền và lãnh thổ của ta. Cho nên điều trên lẽ ra anh phải đem “dạy” cho Đảng CSVN chứ không phải chúng tôi.
Anh viết tiếp: “Chỉ có Đảng ta chứ không thể có bất kỳ một lực lượng chính trị nào khác gánh vác thay, làm thay sứ mệnh cực kỳ hệ trọng này. Và cũng không thể có bất kỳ một lực lượng chính trị nào khác có đủ uy tín, đủ năng lực, đủ vai trò để làm công việc lớn lao đó”.
Anh nêu điều này như một tiên đề, mà lẽ ra anh phải chứng minh mới đúng. Nhưng chắc đây không phải “sơ xuất kỹ thuật” mà vì anh không thể nào chứng minh nổi. Vì đến đứa trẻ con cũng biết, nước Mỹ, nước Anh, nước Pháp, nước Đức, nước Nhật,... không có Đảng mà vẫn là cường quốc; ngay nước Thái, nước Singapore,...  chưa lâu trước đây lạc hậu hơn ta nay lại gấp ta hàng chục lần. Còn nước ta, Bắc Triều, Cu Ba, Lào có Đảng mà sao vẫn là “nhược tiểu”. Trung Quốc mạnh nhưng nhân dân cũng khổ.  
Về nội dung thứ 3 – Đảng lãnh đạo thực hiện mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"
Mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"  thì đẹp quá rồi, có ai phản đối gì đâu. Vấn đề là làm thế nào để đạt mục tiêu đó. Và chính điều này liên quan đến hiến pháp. Hiến pháp hiện giờ cản trở mục tiêu trên và một trong những điều cản trở lớn nhất là điều 4. Điều 4 làm cho đất nước không có dân chủ và chính nó làm tha hoá Đảng CSVN. Vấn đề này nhiều người đã phân tích nên tôi không nói lại hoặc là sẽ nói vào một dịp khác. Nhưng tôi phải phân tích cách hiểu sai của anh khi anh viết:
Có những kẻ cơ hội dựa vào một số sai lầm của Đảng ta để kêu gọi sửa đổi Điều 4 Hiến pháp đòi thay đổi vị trí lãnh đạo cách mạng của Đảng. Phải thấy một chân lý giản đơn rằng, con người ta ai cũng có sai lầm, có làm việc là có sai lầm, có cái sai mới dẫn đến có cái đúng. Với quan niệm rộng lượng mà triết lý, cụ thể mà phổ quát, người Việt ta có câu “ngọc còn có vết” là vì thế”.
Trước hết, anh Tú đã hiểu sai 2 điều sau đây:
1. Bỏ điều 4, anh nghĩ là chúng tôi “đòi thay đổi vị trí lãnh đạo cách mạng của Đảng”. Chúng tôi đâu có bảo Đảng không được lãnh đạo mà chỉ muốn sự lãnh đạo của Đảng CSVN (hay bất cứ đảng nào) phải chính danh.
Cho nên Kiến nghị 72 ghi rất rõ, anh Tú nếu chưa đọc xin đọc lại đoạn này:
“Nếu hiến pháp thực sự do nhân dân quyết định thì việc định trước vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội thuộc về một tổ chức chính trị hay một tầng lớp là trái với quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân và ngược với bản chất của một nhà nước pháp quyền”.
Nghĩa là đảng nào được nhân dân lựa chọn thì chính danh, thì trở thành đảng cầm quyền, chứ không thể mặc định một cách bất bất biến, đó là nguyên tắc của một nhà nước dân chủ. Một đảng hôm qua tiến bộ, hôm nay có thể lạc hậu, nhưng ngày mai có thể lại tiến bộ. Tuỳ mỗi lúc như thế nào mà nhân dân lựa chọn hay không lựa chọn.
2. Tính chính danh sẽ làm cho Đảng CSVN mạnh lên, giúp Đảng luôn luôn đào thải những phần tử thoái hoá. Cho nên Kiến nghị 72 viết tiếp:
“Chủ thể nào lãnh đạo xã hội sẽ do nhân dân bầu chọn ra trong các cuộc bầu cử tự do, dân chủ, định kỳ. Một chính đảng thực sự có chính nghĩa, phục vụ lợi ích của nhân dân sẽ không lo bị thất bại trong các cuộc bầu cử như vậy. Hiến pháp của Liên Xô năm 1977 quy định ở Điều 6 vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước và xã hội đã không tránh được sự sụp đổ của chế độ Xô-viết khi không còn lòng tin của dân.
Việc đảng cầm quyền chấp nhận cạnh tranh chính trị là phù hợp với xu thế lịch sử, là điều kiện cho sự phát triển của đất nước, đáp ứng đòi hỏi của nhân dân, kể cả các đảng viên trung thực của Đảng Cộng sản Việt Nam trước bối cảnh hiện nay của đất nước.
Ý kiến nêu trên được tiếp thu sẽ tạo cơ hội cho Đảng Cộng sản Việt Nam lấy lại niềm tin đã từng có trong dân để thực sự trở thành lực lượng lãnh đạo chính trị được xã hội chấp nhận”.
Tôi là một đảng viên, cũng như hầu hết các vị nhân sỹ trí thức ký Kiến nghị 72 (đợt 1) là đảng viên, lẽ nào không mong đảng mình giành được quyền lãnh đạo? Nhưng muốn thế phải giành được quần chúng bằng sự chính danh, bằng sự tín nhiệm chứ không thể ép buộc.
Sau nữa, anh phải đem đạo lý ra để bảo vệ sai lầm của Đảng thì quả là bi hài và cũng không đúng đạo lý! Nếu đã chấp nhận Đảng cầm quyền một cách mặc định bất biến như anh thì phải chấp nhận mọi sai lầm của Đảng thôi, kể cả Đảng có đưa dân tộc này đến chỗ diệt vong. Nếu nhân dân đã giao phó sinh mệnh của mình cho Đảng một cách vĩnh viễn thì “lượng cả bao dong” của nhân dân cũng là vô nghĩa!
Anh Tú lấy công lao của Đảng trong quá khứ để Đảng cầm quyền vĩnh viễn lại càng hớ. Anh viết: Việc đòi bỏ điều 4 Hiến pháp vừa phi lý, vừa chẳng hợp tình. Phi lý ở chỗ với vai trò lịch sử của mình không một ai có thể làm thay Đảng ta công cuộc đưa đất nước phát triển, lớn mạnh; chẳng hợp tình ở chỗ cố tình quên lịch sử, cố tình quên những hy sinh xương máu của Đảng ta...”
Anh Tú ạ, thứ nhất, không ai quên Đảng CSVN đã từng “hy sinh xương máu” nhưng cũng phải thấy đấy là xương máu của cả dân tộc mà Đảng chỉ là một bộ phận. Hàng vạn quần chúng vô danh đã chết, đã bị tù đày trong các cao trào do Đảng phát động hay trong chiến tranh vệ quốc, suốt từ Xô viết Nghệ Tĩnh, qua khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương, qua kháng Nhật, kháng Pháp, kháng Mỹ, kháng Pôn-pốt, kháng Tàu Cộng, số quần chúng vô danh này chắc chắn nhiều hơn đảng viên của Đảng hàng ngàn lần. Không có nhân dân thì Đảng không làm nên cái gì cả. Mà trớ trêu là nhân dân hy sinh như thế mà đến nay lại không có tự do, hạnh phúc. Nhiều người đã ủng hộ Đảng, ủng hộ kháng chiến hết lòng nhưng nay lại là nạn nhân của chính những quan chức mà họ đã tận tình chở che, đùm bọc. Và xương máu nhân dân đổ ra trước khi có Đảng cũng gián tiếp góp phần cho Đảng về sau. Từ các cuộc giữ bán đảo Sơn Trà (1858), giữ thành Gia Định (1859 – 1862), giữ thành Hà Nội (1873, 1882), cuộc phản công ở kinh thành Huế (1885), rồi cả một phong trào Cần vương rộng lớn với hàng chục cuộc khởi nghĩa (1885 – 1900), rồi các cuộc vận động cứu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thái Học,... Những phong trào ấy đã nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, nuôi dưỡng dòng máu quật cường của dân tộc Việt Nam, tạo điều kiện để Đảng CSVN, người lãnh đạo cuộc chạy tiếp sức cuối cùng, giành thắng lợi. Không có các phong trào trước đó để dân tộc trưởng thành thì cũng không có sự thành công về sau. Giai đoạn 1900 – 1945, cái giai đoạn mà anh Tú cho là đất nước trong cảnh tối tăm mù mịt ấy, thực ra đó chỉ là một mặt của đời sống, một mặt khác, nhờ cuộc chạy tiếp sức của các thế hệ các nhà cách mạng và trí thức, dân tộc ta đã trưởng thành vượt bậc, từ ý thức dân tộc, ý thức cá nhân đến văn hoá, văn học, nghệ thuật. Là người nghiên cứu văn học Việt Nam, chắc anh Tú thừa hiểu điều đó.
Thứ hai, theo cách lý luận của anh thì hàng loạt dòng tộc ở nước ta đều có quyền đòi hỏi cái quyền lãnh đạo đất nước, bởi vì cha ông họ cũng đã từng “hy sinh xương máu”, cũng đã từng đưa đất nước phát triển, lớn mạnh”. Có lẽ chỉ có thời các vua Hùng, thời An Dương Vương, Hai Bà Trưng do sự ghi chép còn mù mịt, nên nay ta khong biết con cháu các cụ ấy là ai, chứ từ Lý Bí là chúng ta có thể tìm được hậu duệ của những vị tiền nhân có công lập quốc. Các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn đều có thể tìm được “người thừa kế” ngai vàng hôm nay dễ dàng. Và nếu như thế lịch sử không thể nào kết tội được những Kiều Công Tiễn, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống,... vì họ đều là con cháu của các triều đại có công.
Thay lời kết
Nếu anh Nguyễn Thanh Tú viết bài mắng mỏ, dạy dỗ chúng tôi theo lý thuyết cái “sổ hưu” của PGS.TS. Đại tá Trần Đăng Thanh, thì chúng tôi bó tay. Còn nếu quả thật anh Tú nhận thức đúng như những điều anh viết thì có lẽ chỉ vì anh không chịu tìm hiểu, không chịu suy nghĩ, thì có thể trao đổi tiếp được. Thời đại thông tin tạo cơ hội cho mọi người nhìn rộng ra năm châu bốn biển, cho nên mỗi người đều có thể tự tìm ra chân lý. Cho nên ngay cả nhiều vị lãnh đạo cao cấp hoàn toàn ở trong “lề Đảng” mà cũng có cái nhìn rất tiến bộ, rất thực tế. Cách đây 3 năm, ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội đã từng đề nghị nhân dân phải có quyền phúc quyết hiến pháp, cũng có nghĩa quyền lập hiến thuộc về nhân dân. Cũng có nghĩa không thể áp đặt Điều 4. Và mới đây, TS. Nguyễn Sỹ Dũng, đương kim Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã nêu rõ “hiến pháp là một bản khế ước xã hội”“Một bản Hiến pháp chỉ thực sự hiệu năng khi nó trở thành một thứ “kinh thánh” thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Muốn được như vậy thì nó không thể bị áp đặt”. Còn TS. Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, như anh biết, là một thành viên quan trọng của nhóm Kiến nghị 72, Trưởng đoàn của Đoàn đại biểu nhân sỹ trí thức, đến trao tận tay Kiến nghị 72 cho Quốc hội.
Cho nên tôi hy vọng anh sẽ tìm hiểu các nguồn thông tin, tìm hiểu thực tế, để chúng ta có thể biện bác bằng lý lẽ, chứ không phải cậy thế “lề Đảng”, chỉ cần vung đao với ai khác mình bằng lời kết tội “bọn cơ hội”, “bọn phản động”.
Thân chào anh.
Đào Tiến Thi



[1] Cứ như cách xử của các toà án Việt Nam bây giờ thì riêng tội “tuyên truyền chống nhà nước, cụ Phan cũng không tránh được mức án cao nhất: 20 năm tù.
 
 

Copy từ: TS Nguyễn Xuân Diện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét