Phạt cả người bán lẫn bên mua
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, mua bán vàng tại các đơn vị
cấp phép sẽ an toàn cho người mua. Còn nếu cố tình mua bán ở những tiệm
vàng không được cấp phép sẽ rất rủi ro vì nếu cơ quan chức năng phát
hiện sẽ xử phạt cả tiệm vàng lẫn người mua, bán với mức phạt rất cao vì
từ ngày 10-1 mua bán vàng miếng được xem như mua bán ngoại tệ.
Hiện NHNN đã cung cấp danh sách các điểm được phép mua
bán vàng miếng để đoàn kiểm tra liên ngành (NHNN, công an, quản lý thị
trường) kiểm tra. Cũng theo ông Minh, khi mua bán vàng người mua nên yêu
cầu các công ty vàng, ngân hàng xuất hóa đơn, trong đó ghi rõ số xêri
để có thể khiếu nại nếu phát sinh sự cố.
TT - Từ ngày 10-1, gần 2.500 điểm kinh doanh vàng miếng trên cả nước thuộc 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ chính thức thay thế hàng chục ngàn cửa hàng vàng không đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng hiện nay.
Cũng từ ngày 10-1, mua bán vàng được xem như mua bán
ngoại tệ và sẽ rất rủi ro nếu mua bán ở những nơi không được cấp phép.
Trước giờ G, thị trường đang có những chuyển động để thích ứng với quy
định mới.
Tiệm vàng chuyển hướng
“Với nhiều cửa hàng kinh doanh vàng không đủ điều kiện, việc cấm kinh
doanh vàng miếng thời điểm này hầu như không gây ảnh hưởng nhiều” - chủ
tiệm vàng KL (bên hông chợ Tân Định, quận 1, TP.HCM) nói. Theo giải
thích của vị này, giá vàng trong nước ngày càng bỏ xa giá vàng thế giới
khiến thị trường vàng trên địa bàn rơi vào tình trạng trầm lắng thời
gian gần đây. Ngay tại tiệm vàng KL, từ sáng đến chiều vẫn chưa có giao
dịch trong khi thời điểm này mọi năm giao dịch rất sôi động.
Trong khi đó, nhiều tiệm vàng khác đang tìm cách xoay
xở. Ông C., chủ tiệm vàng KN tại quận 8, TP.HCM, cho biết vẫn đang theo
dõi tình hình. “Trước mắt từ ngày 10-1 tôi sẽ không niêm yết bảng giá
như trước, đồng thời sẽ chỉ mua bán với khách hàng quen” - ông C. nói.
Nhiều tiệm vàng khác dù còn niêm yết bảng giá nhưng không còn trưng bày
vàng miếng trên kệ. Anh T., chủ một tiệm vàng trên đường Phạm Văn Hai
(Tân Bình), khẳng định “không có gì phải lo” vì tới đây các tiệm vàng
vẫn có cách lách để mua bán vàng miếng. Nếu gắt quá sẽ chuyển sang bán
vàng nhẫn vì đem lại nguồn thu lớn hơn vàng miếng và lại được mua bán tự
do.
Dạo một vòng các điểm kinh doanh vàng sầm uất tại
TP.HCM như khu Lê Thánh Tôn (quận 1), chợ Vườn Chuối (quận 3), chợ Tân
Định (quận 1) ..., chúng tôi ghi nhận hiện tượng nhiều tiệm vàng đã thay
biển hiệu thành tiệm cầm đồ hoặc thêm chức năng này trên biển hiệu kinh
doanh. Theo các tiệm vàng, bằng cách đăng ký thêm chức năng cầm đồ, tới
đây nếu bị cơ quan chức năng “sờ gáy” có thể lấy lý do là cầm đồ chứ
không phải mua bán vàng. Khảo sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP.HCM
cũng cho thấy ngay từ giữa năm 2012, nhiều tiệm vàng đã giao dịch vàng
thông qua hình thức cầm đồ với giá cầm bằng giá vàng mua trên thị trường
tại cùng thời điểm, lãi suất 0%, thời gian trong vòng hai tuần.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều tiệm vàng cũng thông
qua các điểm giao dịch của NH để hợp pháp hóa việc mua bán vàng. Một
tiệm vàng tại quận 1 cho biết tới đây thay vì mua bán ngay tại tiệm, ông
sẽ chuyển sang giao dịch tại các chi nhánh NH. Khách hàng có nhu cầu
mua, ông sẽ mua vàng của NH rồi bán lại, khách hàng nộp thẳng tiền vào
tài khoản của tiệm vàng. Tất cả giao dịch đều diễn ra ở tiệm vàng.
Trường hợp khách hàng muốn bán, tiệm vàng cũng sẽ mua lại nhưng sau đó
sẽ đem bán ngay cho NH.
Người dân mua vàng ở đâu?
Từ hàng chục ngàn tiệm vàng hiện nay, từ ngày 10-1 cả
nước sẽ chỉ còn 2.497 điểm được phép mua bán vàng miếng. Riêng tại địa
bàn TP.HCM, từ hơn 3.000 điểm sẽ rút xuống còn 900 điểm mua bán vàng.
Trong đó chủ yếu là chi nhánh của NH và công ty vàng thuộc các NH. Ông
Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NHNN TP.HCM, cho biết 17 NH được cấp
phép mua bán vàng miếng hầu hết đều có trụ sở và chi nhánh trên địa bàn
TP.HCM. Riêng 14 công ty vàng được cấp phép mua bán vàng miếng thì có
chín công ty có trụ sở ở TP.HCM, hai công ty vàng có trụ sở ở Hà Nội
nhưng có chi nhánh ở TP.HCM là DOJI và Bảo Tín Minh Châu, ba công ty
khác kinh doanh tại các tỉnh. Theo ông Minh, sau ngày 10-1 tại các quận
huyện trên địa bàn TP.HCM vẫn có điểm mua bán vàng. Riêng tại các quận
nội thành mạng lưới mua bán vàng phủ xuống tận các phường.
Tuy nhiên, thực tế trong danh sách cấp phép của NHNN,
ngoài những đơn vị đã quen tên như Công ty SJC, Công ty PNJ, Bảo Tín
Minh Châu, DOJI..., có nhiều đơn vị dù được biết đến nhiều trong giới
kinh doanh vàng nhưng lại xa lạ với đa số người dân. Do vậy rất khó để
người dân xưa nay vốn chỉ mua bán ở tiệm vàng quen biết được các đơn vị
này để mua bán hợp pháp. Chị Vân (quận 1) cho biết xưa nay chỉ giao dịch
ở những tiệm vàng khu vực đường Lê Thánh Tôn, đường Lê Lợi (quận 1),
đọc báo chị có thấy nêu tên một số tiệm vàng được phép mua bán vàng
miếng từ ngày 10-1, nhưng ngoài những tiệm vàng có tiếng từ trước còn
lại những tiệm khác chị không biết ở đâu, chi nhánh chỗ nào. “Nên có dấu
hiệu phân biệt để người dân được biết, tránh trường hợp giao dịch của
người dân vô tình trở thành giao dịch bất hợp pháp” - chị Vân nói.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy đến nay hầu như
không có dấu hiệu phân biệt giữa các tiệm vàng được phép mua bán vàng
miếng và các tiệm vàng còn lại. Tiệm vàng Mi Hồng (Bình Thạnh) là một
trong số ít các tiệm vàng được cấp phép có chạy bảng chữ điện tử phía
trước cửa hàng thông báo việc được NHNN cấp phép mua bán vàng miếng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết đã có văn
bản yêu cầu các điểm giao dịch được phép phải dán công khai giấy phép
của NHNN trước quầy giao dịch để người dân dễ dàng nhận biết. Nhiều
người dân cũng lo khi quy định cấm tiệm vàng bán vàng miếng có hiệu lực,
các tiệm vàng cũng có lý do chính đáng để từ chối vàng miếng trước đây
do họ bán ra. Trường hợp bán tại các tiệm vàng được cấp phép khác sẽ bị
ép giá. Ông Phạm Phong Phú, giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Ngọc Phú - một
trong những tiệm vàng được cấp phép mua bán vàng miếng từ 10-1, cho
biết nếu người dân mang vàng miếng SJC ở những nơi khác đến bán vẫn sẽ
áp dụng theo đúng giá niêm yết tại cùng thời điểm và không có chuyện ép
giá người mua.
Thêm bảy đơn vị được kinh doanh vàng miếng
Chiều 8-1, Vụ Quản lý ngoại hối cho biết Ngân hàng Nhà
nước vừa cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng đợt hai cho bảy đơn vị gồm
năm tổ chức tín dụng và hai doanh nghiệp. Theo đó, sẽ có thêm 41 điểm
kinh doanh vàng miếng. Như vậy, tính đến nay cả nước đã có 38 đơn vị với
2.497 điểm kinh doanh vàng miếng đã được cấp phép kinh doanh mua bán
vàng miếng. Tuy nhiên, NHNN cho biết sẽ tiếp tục cấp phép kinh doanh mua
bán vàng miếng nếu tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều
kiện và hồ sơ đăng ký hợp lệ.
Đại diện Vụ Quản lý ngoại hối cho rằng qua khảo sát của
cơ quan này cho thấy nhu cầu vàng miếng không dàn trải khắp trên cả
nước, bởi đây là hàng hóa đặc biệt có giá trị cao. Nhu cầu vàng miếng
hầu hết tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn và ở khu vực đồng bằng sông
Cửu Long. Do vậy NHNN đánh giá 2.500 điểm là khá lớn, song việc phân bổ
các điểm kinh doanh vàng miếng sẽ không đều giữa các địa phương.
Vụ Quản lý ngoại hối nhận định rằng khó có chuyện các
cửa hàng được cấp phép sẽ ép giá, tức mua thấp, bán cao. Vì theo quy
định về trạng thái vàng, những đơn vị được cấp phép phải mua thì mới bán
được. Chắc chắn gần 2.500 điểm kinh doanh trên cả nước của 38 đơn vị
được cấp phép sẽ phải cạnh tranh về giá, về chất lượng dịch vụ. Thêm
nữa, trên thị trường vàng miếng SJC chiếm tới hơn 90%. Còn các thương
hiệu vàng khác có lượng vàng miếng rất ít.
LÊ THANH
Copy từ: Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét