Ông đã vượt qua thử thách do các đồng chí của ông giăng ra trong đợt chỉnh đảng tưởng như ghê gướm lắm vừa qua nhưng liệu ông có vượt qua món nợ mà ông còn mắc với nhân dân hay không? Dù đối với ông và các đồng chí của ông, nhân dân chỉ là khái niệm trừu tượng trong các câu khẩu hiệu mà các ông vẫn hô to hàng ngày. Tuy nhiên nhân dân vẫn có thật, nợ thì vẫn là mắc nợ và mắc nợ thì phải trả.
Ông nợ với nhân dân nhiều thứ lắm nhưng ở đây chỉ khoanh lại trong món nợ kinh tế cụ thể để có một chút hy vọng ông có khả năng hoàn trả trong thời gian ba năm còn lại nhiệm kỳ thủ tướng của ông.
Bảy năm qua, ở cương vị điều hành đất nước ông đã đẩy nền kinh tế đi vào tình trạng tồi tệ như ngày hôm nay. Nợ công lên đến 130 tỉ USD vượt qua tổng thu nhập quốc dân, nợ xấu ngập tràn, hệ thống tài chính- ngân hàng rối loạn, vốn liếng thất thoát vào các tập đoàn nhà nước và các nhóm lợi ích hoặc bốc hơi theo chứng khoán hoặc chôn vùi vào thị trường bất động sản đang xì hơi, doanh nghiệp sản xuất hụt vốn, hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, hàng chục vạn công nhân mất việc làm, lạm phát tăng vùn vụt trong vài năm qua, nông dân mất đất trở thành dân oan đang kêu gào khắp nơi, tham nhũng phát triển lên thành quốc nạn...
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2012 là năm ngấm đòn, bước qua năm 2013 những điều tồi tệ mới nổ ra nếu như ông và ê kíp chính phủ không có một kế sách đúng đắn kịp thời.
Ông có thời gian 3 năm phía trước để khắc phục những sai lầm, cứu vãn nền kinh tế hầu tìm cách trả nợ cho nhân dân. Trước mắt, người dân nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, đang chờ đợi nơi ông một sách lược kinh tế ở tầm quốc gia mới mẻ và có tính đột phá để dựa vào đó mà có kế hoạch đầu tư làm ăn hầu thoát ra khỏi thế bế tắc hiện nay.
Ấy vậy mà trong thông điệp ông gởi đi trong dịp đầu năm vừa qua không thấy mở ra một điều gì mới mẻ, không thấy bật lên cái gì đó mang tính đột phá. Ông vẫn loay hoay nhắc lại những điều cũ kỹ, sáo mòn ... mà dường như bao năm nay ông vẫn thường lặp đi, lặp lại và chẳng mấy khả thi.
Thông điệp đầu năm ông nêu ra 6 trọng tâm và "đòi
hỏi sự nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ
thống chính trị trong việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp đã
đề ra". Trong đó nào " Nâng cao chất lượng thể chế và khả năng phản ứng chính sách, tạo lập niềm tin cho thị trường", nào "Điều
hành chính sách tiền tệ theo tín hiệu thị trường và theo lạm phát mục
tiêu. Kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá", nào "Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường", nào "Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đề cao trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi công vụ", nào "Đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế", nào "xóa đói giảm nghèo"....Những câu hô nầy dường như nghe đâu đó trong sách vở và trong các thông điệp của ông từ nhiều năm trước.
Lảng vảng trong thông điệp của ông cũng thấy có vài chiến thuật cụ thể nhưng lại mang nặng tính đối
phó phòng thủ nhiều hơn là tấn công như: Ngăn chặn lạm phát, giảm nợ
xấu, giảm hàng tồn kho bất động sản, tái cơ cấu để cứu ngân hàng và cứu
nguy cho các tập đoàn quốc doanh thua lỗ nặng nề...để đi vào chỗ xơ cứng công thức là "góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Công bằng mà
nói, ông cũng nhắc đến việc tạo cầu để khơi thông nguồn cung, tháo gỡ
khó khăn cho sản xuất nhưng rồi mục đích của nó thấy thấp thoáng nhằm
vào việc cứu nguy cho các tập đoàn quốc doanh đang giãy chết, các doanh nghiệp bất động sản và các ngân hàng liên quan trong nhóm lợi ích. Ông nói: "Trong hạn mức bội chi ngân sách được phê duyệt, phải tìm các nguồn lực để tăng tổng cầu (tìm đâu ra?),
hỗ trợ thị trường; sớm công bố các biện pháp về thuế để giảm bớt khó
khăn cho doanh nghiệp. Tăng nguồn cung tín dụng với thời gian dài hơn và
lãi suất thấp hơn cho người mua nhà để ở nhằm giảm tồn kho bất động
sản. Hỗ trợ thích hợp, kể cả khoanh nợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn
tạm thời"
Nhiều
chuyên gia kinh tế cho rằng các tập đoàn quốc doanh đang chết nên cho
chết luôn thì vẫn có lợi hơn là cứu cho chúng sống ở tình trạng dặt
dẹo. Thị
trường bất động sản do ngân hàng rót tiền ra bơm lên quá cao so với
thực tế, nay nó xệp đi để trở về với giá trị thực là điều hợp lý có lợi cho người có nhu cầu thực sự. Bây giờ lại tìm cách bơm tiền ra để cứu nó, để bơm giá lên là nhằm mục đích gì nếu như không nhằm mục đích cứu nguy cho các doanh nghiệp bất động sản và các ngân hàng trong cùng nhóm lợi ích? Những doanh nghiệp BĐS và ngân hàng cấu kết với nhau làm ăn sai trái thì phải để họ tự lãnh hậu quả và cho họ chết nếu như họ chỉ từng "tay không bắt giặc". Nên chăng chỉ nên khoanh lại nợ xấu của các doanh nghiệp sản xuất và tìm cách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nầy tiếp tục làm ăn.
Đọc
xong thông điệp đầu năm của ông, một doanh nghiệp trong lãnh vực tư
vấn đầu tư đã nói: "Thông điệp của thủ tướng chẳng nói lên được điều gì
có ích cho các doanh nghiệp. Thông điệp đó không nêu ra được Chiến lược kinh tế mang tầm quốc gia, không đưa ra các trọng tâm của các bộ ngành trong năm 2013 và cũng không nêu ra phân bổ ngân sách nhà nước vào các ngành. Một khi không có những thông tin cốt lõi soi đường đó thì các doanh nghiệp làm sao nắm bắt được tín hiệu để hướng đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào hầu lên kế hoạch làm ăn cho năm mới"
Để đưa ra được sách lược đúng đắn hầu vượt khỏi tình hình bi kịch như hiện nay thì e rằng thủ tướng và ê kíp chính phủ không đủ sức làm nổi và cũng không thoát ra khỏi những vướng bận hành chánh, quản lý đầy rối ren để có thời giờ mà tỉnh tâm suy nghĩ (chưa nói là trong bộ máy ấy đầy rẫy bọn tham ô bất tài, chỉ biết chăm chăm dồn tư duy vào chuyện tư túi). Chuyện nầy phải nhờ vào trí tuệ của các nhà chuyên môn, các chuyên gia, các học giả, các nhà hoạt động kinh tế ...Họ sẽ tỉnh táo nghiên cứu và tư vấn cho thủ tướng. Thế nhưng rất tiếc, nhóm tư vấn đầy tài năng có từ thời thủ tướng Võ Văn Kiệt đã bị thủ tướng giải tán. Rồi viện IDS, nơi tập hợp bao tài năng của đất nước, tự nguyện nghiên cứu đưa ra sách lược cũng như tư vấn không công cho thủ tướng nhưng thủ tướng không những không thèm quan tâm tới mà còn đẩy viện ấy vào chỗ phải đóng cửa. Hậu quả bây giờ đứng trước tình thế khủng hoảng, không còn ai giúp thủ tướng tìm ra được lối thoát.
Thủ tướng trong vòng vây. Kể luôn những chuyện phải tiếp tục đối phó hậu chỉnh đảng, Thủ tướng đang rơi vào thế trận "thập diện mai phục" hiểm nghèo và thủ tướng đang loay hoay trong ấy.
E rằng món nợ kinh tế to lớn của nhân dân, thủ tướng sẽ khó bề trả được.
HNC
Để đưa ra được sách lược đúng đắn hầu vượt khỏi tình hình bi kịch như hiện nay thì e rằng thủ tướng và ê kíp chính phủ không đủ sức làm nổi và cũng không thoát ra khỏi những vướng bận hành chánh, quản lý đầy rối ren để có thời giờ mà tỉnh tâm suy nghĩ (chưa nói là trong bộ máy ấy đầy rẫy bọn tham ô bất tài, chỉ biết chăm chăm dồn tư duy vào chuyện tư túi). Chuyện nầy phải nhờ vào trí tuệ của các nhà chuyên môn, các chuyên gia, các học giả, các nhà hoạt động kinh tế ...Họ sẽ tỉnh táo nghiên cứu và tư vấn cho thủ tướng. Thế nhưng rất tiếc, nhóm tư vấn đầy tài năng có từ thời thủ tướng Võ Văn Kiệt đã bị thủ tướng giải tán. Rồi viện IDS, nơi tập hợp bao tài năng của đất nước, tự nguyện nghiên cứu đưa ra sách lược cũng như tư vấn không công cho thủ tướng nhưng thủ tướng không những không thèm quan tâm tới mà còn đẩy viện ấy vào chỗ phải đóng cửa. Hậu quả bây giờ đứng trước tình thế khủng hoảng, không còn ai giúp thủ tướng tìm ra được lối thoát.
Thủ tướng trong vòng vây. Kể luôn những chuyện phải tiếp tục đối phó hậu chỉnh đảng, Thủ tướng đang rơi vào thế trận "thập diện mai phục" hiểm nghèo và thủ tướng đang loay hoay trong ấy.
E rằng món nợ kinh tế to lớn của nhân dân, thủ tướng sẽ khó bề trả được.
HNC
-------------------------------------------------------------------
Thông điệp đầu năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
(Chinhphu.vn)-Nhân
dịp năm mới 2013, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ
tướng Chính phủ có bài viết với tiêu đề: “Kiên quyết khắc phục yếu kém,
vượt qua khó khăn, tiếp tục kiềm chế lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, đưa
đất nước phát triển bền vững”. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ xin trân
trọng giới thiệu toàn văn bài viết này.
Năm 2012 - một
năm đầy khó khăn thách thức. Nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn
quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã đạt được những
kết quả tích cực: Kinh tế vĩ mô có bước được cải thiện, lạm phát được
kiềm chế ở mức thấp 6,81% (năm 2011 là 18,13%); kim ngạch xuất khẩu tăng
trên 18%; dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay, tỷ giá ổn định,
niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được nâng lên. Trong điều kiện kinh tế
toàn cầu suy giảm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) vẫn tăng trên 5%. Các
lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước tiến bộ; phúc lợi xã hội và an sinh xã
hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả.
Chính trị xã hội ổn định. Nhìn chung, các chính sách phát triển đang đi
đúng hướng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng-Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Mặc dù đạt được
những kết quả nêu trên nhưng năm 2013 đất nước vẫn phải tiếp tục đối
mặt với nhiều khó khăn thách thức: Kinh tế thế giới phục hồi chậm, các
thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư chủ yếu của nước ta vẫn chưa
thoát khỏi tình trạng suy giảm. Quá trình điều chỉnh chính sách của các
nền kinh tế lớn vẫn chưa đem lại kết quả mong đợi, độ rủi ro và tính bất
định vẫn còn rất cao. Nguy cơ về những cú sốc từ bên ngoài vẫn đang
tiềm ẩn, có thể tác động xấu đến kinh tế nước ta.
Ở trong nước,
những yếu kém về cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chậm được giải
quyết. Quá trình tái cơ cấu mới chỉ ở giai đoạn khởi động và còn nhiều
khó khăn. Nợ xấu tăng nhanh, tồn kho còn lớn, lãi suất tín dụng vẫn cao
so với khả năng sinh lợi của doanh nghiệp. Quản lý nhà nước còn nhiều
yếu kém. Ý thức trách nhiệm và năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán
bộ công chức còn nhiều bất cập. Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm
trọng... Tất cả những yếu kém nói trên hội tụ và phản ánh trong bức
tranh kinh tế và đời sống xã hội. Kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, lạm phát
vẫn có nguy cơ tăng cao trở lại. Nền kinh tế chưa lấy lại được đà tăng
trưởng. Sản xuất kinh doanh và giải quyết việc làm đang rất khó khăn;
nguồn lực của doanh nghiệp và thu nhập dân cư sụt giảm. Niềm tin của thị
trường còn ở mức thấp. Trong khi đó, chúng ta phải thường xuyên đối phó
với những âm mưu thủ đoạn nhằm gây mất ổn định chính trị xã hội, xâm
phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Trong bối cảnh
nêu trên, để đạt được mục tiêu tổng quát đặt ra cho năm 2013 (1), đòi
hỏi sự nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ
thống chính trị trong việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp đã
đề ra. Trong đó phải tập trung thực hiện tốt các trọng tâm sau đây:
1. Nâng cao chất lượng thể chế và khả năng phản ứng chính sách, tạo lập niềm tin cho thị trường
Thể chế là yếu
tố quan trọng hàng đầu trong việc phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn
lực, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững. Thể chế có chất
lượng cao với thủ tục hành chính đơn giản, công khai, minh bạch và trách
nhiệm giải trình đầy đủ sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư kinh
doanh, ngăn chặn tham nhũng lãng phí, góp phần quan trọng nâng cao sức
cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế. Đây còn là điều kiện để tái cơ cấu
nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt hiệu quả. Để có thể chế
và chính sách tốt phải kiên định quan điểm của Đảng về xây dựng nền kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xuất phát từ nhu cầu phát
triển và lợi ích của người dân. Cần làm cho chính sách có tính dự báo và
ổn định cao hơn để người dân và doanh nghiệp định hướng đầu tư, phân bổ
nguồn lực và dự tính được hiệu quả. Không ban hành chính sách mà chưa
xác định rõ phương cách thực hiện và khả năng giám sát. Phải tính toán
hiệu quả xã hội khi thực hiện, khắc phục tình trạng không ít chính sách
mà chi phí thực thi lại lớn hơn lợi ích phát triển.
Trong điều kiện
toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mọi biến động của
thị trường thế giới tác động rất nhanh, rất mạnh đến kinh tế trong nước,
đặc biệt là trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất trắc, khó lường. Điều
đó, đòi hỏi phải phản ứng chính sách nhanh nhạy, hợp lý. Những năm qua,
không phải lúc nào chúng ta cũng làm tốt việc này, trong một số trường
hợp chẳng những không tranh thủ được thời cơ, giảm thiểu được tác động
tiêu cực từ bên ngoài mà còn tạo ra những cú sốc mới. Để khắc phục tình
trạng này, phải có được nền tảng thể chế bền vững, có cơ cấu kinh tế và
mô hình tăng trưởng hiệu quả. Tuy nhiên, không một thể chế nào có thể
bao quát mọi hiện tượng kinh tế, nhất là trong môi trường đầy biến động
hiện nay. Muốn có phản ứng chính sách tốt, phải tôn trọng quy luật kinh
tế, nâng cao năng lực dự báo, tính toán đầy đủ phản ứng của thị trường
và các hệ quả có thể xẩy ra. Việc ban hành hoặc điều chỉnh chính sách
không được gây ra những biến động lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống
dân cư và hoạt động của doanh nghiệp.
2.
Điều hành chính sách tiền tệ theo tín hiệu thị trường và theo lạm phát
mục tiêu. Kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá
Trong
điều kiện ngân sách hạn chế, không gian chính sách tài khoá bị thu hẹp,
chính sách tiền tệ có vai trò hết sức quan trọng trong việc kiềm chế
lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Trên nguyên tắc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, phải điều chỉnh
linh hoạt, bảo đảm giữ mức lãi suất phù hợp với lạm phát mục tiêu. Chỉ
đạo quyết liệt việc xử lý nợ xấu để khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước sử dụng có hiệu quả các công cụ thị trường mở để
giảm lãi suất cho vay vàbảo
đảm mức tăng tín dụng hợp lý; quản lý và giám sát chặt chẽ hoạt động
của các tổ chức tín dụng. Giảm thiểu các biện pháp hành chính trong việc
điều hành thị trường tiền tệ.
Trong điều kiện
tổng cầu suy giảm, việc xử lý nợ xấu cần có thời gian, tăng trưởng tín
dụng có thể còn thấp trong những tháng đầu năm, chính sách tài khoá có
vai trò quyết định trong việc tạo cầu cho nền kinh tế. Phải khẩn trương
triển khai những dự án đầu tư theo kế hoạch nhằm tăng nhanh tổng cầu để
kích hoạt nền kinh tế, tạo tác động lan toả đến sản xuất kinh doanh và
hoạt động của các doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện kế hoạch phải
kết hợp chặt chẽ chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ để điều tiết
tổng cầu, bảo đảm kiềm chế lạm phát thấp hơn và thúc đẩy tăng trưởng cao
hơn năm 2012.
Trước thềm năm mới 2013, công trình Thủy điện Sơn La về đích trước 3 năm
là biểu tượng cho bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ tổ quốc-Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
3. Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị trường
Phải hết sức
coi trọng các giải pháp tạo cầu, trên cơ sở tạo cầu mà khơi thông nguồn
cung, hướng ưu tiên của chính sách tài khóa, tiền tệ vào các đối tượng,
lĩnh vực có mức tăng cầu lớn. Đó là khu vực nông nghiệp, nông dân, nông
thôn, mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển hạ tầng kinh tế xã hội,
nhà ở xã hội, ký túc xá… Đây cũng là một giải pháp để cải thiện đời sống
nhân dân và các đối tượng còn nhiều khó khăn.
Trong hạn mức
bội chi ngân sách được phê duyệt, phải tìm các nguồn lực để tăng tổng
cầu, hỗ trợ thị trường; sớm công bố các biện pháp về thuế để giảm bớt
khó khăn cho doanh nghiệp. Tăng nguồn cung tín dụng với thời gian dài
hơn và lãi suất thấp hơn cho người mua nhà để ở nhằm giảm tồn kho bất
động sản. Hỗ trợ thích hợp, kể cả khoanh nợ cho các doanh nghiệp gặp khó
khăn tạm thời. Ban hành cơ chế mới về bảo lãnh tín dụng cho doanh
nghiệp vừa và nhỏ. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Kiên quyết ngăn chặn nạn buôn lậu, nhập khẩu các mặt hàng không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh, an toàn, phòng dịch.
Cần nhấn mạnh
rằng, các giải pháp chính sách tuy rất quan trọng nhưng cũng chỉ có tác
động hỗ trợ, sự chủ động của các doanh nghiệp là yếu tố quyết định. Các
doanh nghiệp phải biết biến khó khăn thành cơ hội đẩy nhanh quá trình
tái cơ cấu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị phần. Phải
triệt để tiết giảm chi phí, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, hạ giá
bán để giảm nhanh tồn kho, tích cực triển khai các giải pháp mở rộng thị
trường trong và ngoài nước.
4. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đề cao trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi công vụ
Có thể chế và
chính sách tốt là rất quan trọng nhưng chưa đủ. Thể chế và chính sách
được vận hành thông qua thủ tục hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức.
Đây cũng là công đoạn thường phát sinh tiêu cực. Phải kiên quyết loại
bỏ các thủ tục không cần thiết, tăng cường kỷ luật kỷ cương, trách nhiệm
của cán bộ công chức trong thực thi công vụ và xử lý nghiêm các hành vi
nhũng nhiễu. Mở rộng việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông
đến tất cả các huyện. Các cơ quan hành chính nhà nước phải công bố công
khai mọi thủ tục hành chính với quy trình và thời hạn xử lý cụ thể, bảo
đảm có tiến bộ mà người dân và doanh nghiệp có thể so sánh được. Cán bộ
công chức phải nhận thức rõ trong mối quan hệ công vụ, người dân là chủ
thể quyền còn cán bộ công chức là người thực thi trách nhiệm, là người
phục vụ dân. Các
bộ ngành, địa phương phải giám sát chặt việc thực hiện trách nhiệm của
cán bộ công chức thuộc ngành, địa phương mình. Tăng cường kiểm tra việc
đơn giản hóa thủ tục hành chính ở các cấp và công bố chỉ số cải cách
hành chính ở các địa phương. Đề nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân tăng cường kiểm tra giám sát về cải
cách thủ tục hành chính và trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ công
chức trong từng nội dung quản lý, đồng thời tăng cường chất vấn, giải
trình về cải cách thủ tục hành chính, tinh thần trách nhiệm của cán bộ
công chức khi thi hành công vụ.
Ảnh minh họa
|
5. Đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế
Khẩn
trương thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn liền với việc giải
quyết nợ xấu. Đây là hai quá trình liên quan chặt chẽ và tác động qua
lại với nhau. Việc giải quyết nợ xấu phải thực hiện theo nhiều phương
cách khác nhau ở từng tổ chức tín dụng cũng như ở cấp quốc gia, trong
toàn nền kinh tế. Đây là công việc rất phức tạp, nếu không triển khai
ngay, nợ xấu sẽ tăng thêm, việc xử lý sẽ càng khó khăn và nền kinh tế sẽ
rơi vào tình trạng trì trệ. Không thể thấy hết mọi vấn đề cùng một lúc,
điều cần thiết là có phương hướng đúng để hành động và chỉ có hành động
quyết liệt mới nhận rõ mọi khả năng và lựa chọn được giải pháp tốt nhất
để xử lý.
Trong
ba nội dung của tái cơ cấu nền kinh tế từ nay đến năm 2015, tái cơ cấu
doanh nghiệp nhà nước có vị trí đặc biệt quan trọng. Đây là trục kết nối
chính trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, không chỉ vì doanh nghiệp
nhà nước đang sử dụng nguồn lực lớn nhưng hiệu quả đạt được là chưa
tương xứng mà còn do doanh nghiệp Nhà nước là một chủ thể quan trọng
trong đầu tư. Doanh nghiệp nhà nước cũng đang chiếm tỷ trọng lớn trong
tổng mức tín dụng của nền kinh tế, có tỷ lệ nợ xấu khá cao trong tổng nợ
xấu của các ngân hàng thương mại. Cải
cách doanh nghiệp nhà nước còn tạo ra đột phá trong việc tạo lập môi
trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, góp phần hoàn
thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các tập
đoàn và tổng công ty nhà nước phải tập trung nguồn lực vào lĩnh vực kinh
doanh chính nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách công nghiệp, thúc đẩy
tiến trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá, hỗ trợ sự phát triển của
khu vực tư nhân. Phải thực hiện công khai minh bạch, áp đặt kỷ luật thị trường trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Tiếp
tục hoàn thiện cơ chế thực hiện chức năng chủ sở hữu và đại diện chủ sở
hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Tăng cường giám sát hoạt động của doanh
nghiệp nhà nước.
6. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội
Trong những năm
qua, Đảng và Nhà nước ta đã rất chú trọng đến việc bảo đảm an sinh xã
hội và phúc lợi xã hội. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, công tác này
càng phải được coi trọng, đặc biệt quan tâm các đối tượng yếu thế dễ bị
tổn thương. Trong năm 2013 phải tập trung đẩy mạnh giảm nghèo nhất là
vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ các đối tượng cận nghèo và những
hộ vừa thoát nghèo vươn lên giảm nghèo bền vững. Ngoài Chương trình 30a,
Chính phủ đã quyết định một số chính sách mới cho 23 huyện có tỷ lệ hộ
nghèo cao. Coi trọng phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng tái định cư,
bảo đảm cho đồng bào ta có cuộc sống ổn định, tiến tới phải tốt hơn nơi
ở cũ, coi đây là tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả tổng thể của bất
kỳ một dự án đầu tư nào có gắn với thu hồi đất và tái định cư dân trong
vùng dự án. Tiếp tục dành ưu tiên cho những người có công với nước, bảo
đảm có mức sống không thấp hơn mức trung bình của dân cư trên cùng địa
bàn.
Trong khi tập
trung thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, phải đồng thời thực hiện tốt
nhiệm vụ trên các lĩnh vực khác, đặc biệt chú trọng bảo đảm an ninh,
quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia và nâng
cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
* * *
Phát huy những
tiến bộ đã đạt được, kiên quyết khắc phục yếu kém, đề cao trách nhiệm,
tinh thần tự lực tự cường, truyền thống đoàn kết - chung sức chung lòng,
nhân dân ta, đất nước ta nhất định sẽ vượt qua khó khăn thách thức,
thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.
***********
(1) Tăng
cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm
2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền
kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc
lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội.
Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.
Copy từ: Huỳnh Ngọc Chênh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét