CUỐN SÁCH BÊN THẮNG CUỘC CỦA HUY ĐỨC: Cái nhìn thiên kiến về lịch sử
Posted by basamnews on 02/01/2013
Đôi lời: Đáng tiếc cho Nhà báo Đức Hiển đã “bán danh ba đồng” khi vội vã tung ra một bài viết không chỉ “Lợi bất cập hại” mà là “Từ tệ hại cho tới có hại và bại hoại”.Pháp luật TPHCM
Vài ví dụ, một cuốn sách về lịch sử, với ngồn ngộn những tư liệu vô cùng quan trọng, mà dám viết một bài chỉ trích toàn bộ, nhưng ngay dòng đầu đã phải rào đón “chưa bàn đến những chi tiết cụ thể”. Khi không bàn tới chi tiết cụ thể thì làm sao dễ đánh giá là nó “thiên kiến”? Để công bằng hơn cho Đức Hiển, thì nếu như tạm chấp nhận vài tranh cãi trong bài, thì nó cũng không thể nào được coi như là bản chất của cả cuốn sách. Nói cụ thể, Đức Hiển chỉ có thể có nhận định khiêm nhường, cẩn trọng rằng: “Một số cái nhìn thiên kiến …” Rõ ràng ở đây Đức Hiển đã thể hiện ngay mình là một kẻ đầy “thiên kiến”, lao vào cái biển dữ liệu mà mình chỉ là “con tép riu” thôi, lại dám vuốt râu … rồng!
Có lẽ vì không đọc được bao nhiêu cuốn sách, nhưng phải nhận lãnh một sứ mệnh nào đó, nên Đức Hiển lại phạm phải lối lý sự kiểu “báo Quân đội Nhân dân”, đó là viện vào lời lẽ của một kẻ vô danh nào đó, ấn vào miệng mình: “Một nhân vật trong cuốn Bên thắng cuộc sau khi đọc sách đã nói rằng…”
Một chi tiết khôi hài trong lối ní nuận ngu ngơ, vẩn vơ, là Đức Hiển nhắc tới “nhiều trang sách đề cập những tướng lĩnh quân đội Sài Gòn tự sát trong ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, mà tác giả gọi là ‘tuẫn tiết’”, nhưng lại chẳng có được một ý kiến rành rẽ, phê phán hay vạch ra sai lầm gì đó, mà lại đưa ra một câu vô thưởng vô phạt: “Nhưng tác giả từng là lính, không thể không biết những đồng đội thế hệ trước mình đã làm gì trong những ngày ấy” .
“Từ tệ hại cho tới có hại và bại hoại” chính là: “Tệ hại” trong lối viết và tư duy. “Bại hoại” cho thanh danh bản thân, vốn là một nhà báo từng xông pha lăn lộn với nhiều phóng sự nóng hổi, một blogger nổi tiếng một thời. Còn “có hại” thì rất nhiều, trong đó có cả “lợi bất cập hại” (cho những kẻ vẫn muốn lẩn trốn, che đậy sự thực lịch sử), giúp cho bao nhiêu độc giả chưa biết về cuốn sách sẽ tìm đọc nó.
CUỐN SÁCH BÊN THẮNG CUỘC CỦA HUY ĐỨC
Cái nhìn thiên kiến về lịch sử
Nguyễn Đức Hiển
02-01-2012
02-01-2012
Chưa bàn đến những chi tiết cụ thể của
cuốn sách này, góc tiếp cận của tác giả đã khó vươn tới điều mình muốn:
Hiểu đúng về bản chất của cuộc chiến tranh.
Bên thắng cuộc là cuốn
sách gồm hai tập của Huy Đức. Phần I với tựa đề Giải phóng đã phát hành
trên mạng Internet từ trung tuần tháng 12-2012. Nội dung xoay quanh
những diễn biến tại Việt Nam từ sau ngày thống nhất 30-4-1975. Lời đầu
sách, tác giả viết “không ai có thể bước tới tương lai một cách vững
chắc nếu không hiểu trung thực về quá khứ. Nhất là một quá khứ chúng ta
can dự và có phần cộng đồng trách nhiệm”.
Ngày thống nhất
30-4-1975 là ngày kết
thúc chiến tranh Việt Nam. Ngày mà những người anh em miền Nam buông
súng đầu hàng miền Bắc. Ngày chấm dứt hơn 20 năm “da thịt tàn nhau, vạ
trong tường vách”.
Ngay những dòng đầu tiên
của chương đầu tiên, tác giả đã gói cuộc chiến chống ngoại xâm vỏn vẹn
vào 20 năm. Song cuộc kháng chiến ấy thật sự bắt đầu từ hơn một thế kỷ
trước đó, khi người lính đầu tiên của quân xâm lược Pháp đặt chân lên
đất nước Việt Nam. Từ đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, người
Mỹ đã bộc lộ âm mưu can thiệp vào Việt Nam từ trận Điện Biên Phủ. Cuộc
kháng chiến giành độc lập vì vậy đã trải qua thêm một chương bi tráng và
khốc liệt: chống Mỹ.
Sự thật không thể phủ
nhận là người Pháp đã khởi đầu chiến tranh, người Mỹ thay vai chuyển nó
sang một giai đoạn khác và cả dân tộc này đã đổ máu xương để kết thúc
nó. Không phải chỉ có 20 năm và càng không thể là cuộc chiến“da thịt tàn
nhau, vạ trong tường vách” như Huy Đức đã viết.
Lịch sử diễn ra liên tục
nhưng trong Bên thắng cuộc, nó bị cắt khúc ra, nhìn nhận như là cuộc
chiến ý thức hệ, cuộc nội chiến Nam-Bắc của nội bộ người Việt từ năm
1954 đến ngày 30-4-1975. Cách lập luận này, người Mỹ đã nói từ mấy chục
năm trước đó khi muốn có cớ can thiệp vào đất nước ta. Dù vậy, người Mỹ
không thể phủ nhận sự thật là người Việt đang chiến đấu vì Tổ quốc mình.
Bìa cuốn sách Bên thắng cuộc do Huy Đức xuất bản với tư cách cá nhân và phát hành trên mạng Internet tháng 12-2012.
Cuộc chiến giành độc lập
của người Việt Nam thực sự đã nổ ra từ trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam
ra đời vào năm 1930 với rất nhiều cuộc khởi nghĩa và những phong trào
đấu tranh, dù bị đàn áp, thất bại nhưng chưa bao giờ quy phục. Những
người cộng sản chỉ nối tiếp sứ mệnh mà lịch sử giao phó. Vì thế, nó là
cuộc chiến không của một chính thể mà của cả dân tộc. Càng không là cuộc
chiến của miền Bắc XHCN với nửa nước còn lại. Vì thế, 30-4-1975 là ngày
đất nước thống nhất sau hơn một thế kỷ bị xâm lược, đô hộ và chia cắt,
không phải “Ngày mà những người anh em miền Nam buông súng đầu hàng miền
Bắc”. Đó không phải là chiến thắng của một “bên thắng cuộc” hạn hẹp mà
là chiến thắng của mọi người Việt Nam, trong đó cả những người từng ở
phía bên kia.
Một nhân vật trong
cuốn Bên thắng cuộc sau khi đọc sách đã nói rằng nếu không vì lòng yêu
nước và tinh thần dân tộc mà chỉ là cuộc chiến Bắc-Nam thì sẽ không có
những người ở Lạng Sơn, Thái Bình xung phong lên đường ra trận và chết ở
Cà Mau. Và đâu phải chỉ có bộ đội miền Bắc vào Nam đánh Mỹ, chính nhân
dân cả miền Nam đã làm nên Nam Bộ kháng chiến thời kháng Pháp rồi cùng
nổi dậy Đồng khởi từ khi chính quyền Ngô Đình Diệm phá hủy hiệp định
đình chiến và truy sát những người kháng chiến. Người Việt ở cả hai miền
đã cùng cầm súng chống ngoại xâm.
Viết về chiến tranh
không thể không nói đến mục đích, ý nghĩa, đối tượng, quy mô, thời gian
và các bên tham chiến. Khi mục đích chống xâm lược giành độc lập và
thống nhất nước nhà bị bỏ qua, sẽ không thể lý giải thỏa đáng nguyên
nhân và ý nghĩa của chiến thắng, còn bóp méo sự thật lịch sử dù với bất
cứ lý do gì thì đều là tệ hại.
Ngày cuối chiến tranh và “tù cải tạo”
Huy Đức viết: “Cuốn sách
này bắt đầu từ những câu chuyện xảy ra trong ngày 30-4-1975. Ngày mà
tôi, một cậu bé 13, trước giờ học chiều, đang vật nhau ven đồi thì nghe
loa phóng thanh truyền tin “Sài Gòn giải phóng”.
Tác giả đòi hỏi “hiểu
trung thực về quá khứ” nhưng lại nói về “bên thắng cuộc” bằng cách ghi
nhận chỉ một phần những gì diễn ra với một số ít người ở phía bên kia.
Nhiều trang sách đề cập những tướng lĩnh quân đội Sài Gòn tự sát trong
ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, mà tác giả gọi là “tuẫn tiết”. Sự
tuyệt vọng dẫn đến cái chết ấy ở đây xin không bình luận. Nhưng tác giả
từng là lính, không thể không biết những đồng đội thế hệ trước mình đã
làm gì trong những ngày ấy. Hình ảnh ngày cuối chiến tranh không đơn
giản chỉ là những chiến xa bánh xích hiền lành với những anh bộ đội miền
Bắc lạ lẫm ở Dinh Độc lập sáng 30-4-1975.
Hơn 10 năm trước, một
đoàn làm phim của hãng BBC qua Việt Nam, họ muốn làm một bộ phim về ngày
cuối chiến tranh từ trận đánh cầu Rạch Chiếc. Nơi đó, trong ba ngày
cuối cùng, một đơn vị bộ đội biệt động đã quần nhau với hai tiểu đoàn
Trâu Điên giữ cầu và nhà máy điện Thủ Đức cùng với lực lượng chi viện
hùng hậu. Nhiều người lính đã hy sinh trên cầu để chiếc cầu, nhà máy
điện được giữ nguyên, cửa ngõ ấy mở ra cho những đoàn tăng T.54 vào giải
phóng và góp phần giữ nguyên vẹn Sài Gòn cho hôm nay. Và trong những
ngày ấy, có rất nhiều sự hy sinh như thế của những người lính giải
phóng.
Bên thắng cuộc hướng suy
nghĩ của người đọc rằng chế độ mới thiếu nhân văn khi nói về điều kiện
sống của những sĩ quan chế độ Sài Gòn bị đưa đi học tập. Thật ra cái khó
khăn mà những sĩ quan cao cấp đó gánh chịu chỉ bằng một phần rất nhỏ
những gì mà quân và dân Việt Nam chịu đựng suốt trong hai cuộc kháng
chiến, không lẽ tác giả không biết? Nhấn mạnh “chế độ hà khắc” của các
trại cải tạo nhưng cuốn sách lại không nhắc đến những trại tù và cách
ứng xử của chế độ Sài Gòn cũ đối với những người yêu nước. Không nhắc
đến một thực tế là đã không có người tù cải tạo nào bị tra tấn bằng vôi
bột, bị đóng đinh, gí điện, bị đánh đến tàn phế… như những gì mà nhiều
người trong số họ từng đối xử với đối phương của mình ở Phú Lợi, Côn
Đảo, Phú Quốc, Chuồng cọp Sở thú và hàng trăm nhà tù khác khắp miền Nam.
Cuốn sách cũng đã không nói rằng sau khi tiếp quản, không hề có việc lê
máy chém đi khắp miền Nam như chế độ cũ đã làm với cán bộ cách mạng và
thân nhân trong Luật 10-1959.
Cần phải đặt trong sự
tương quan khi nhận định về sự nhân văn nhưng tác giả cuốn Bên thắng
cuộc đã không làm hoặc không muốn làm điều đó.
Để có bản tin giải phóng
trên loa phóng thanh mà cậu bé 13 tuổi nghe khi đang vật nhau với bạn
ven đồi, phải trả giá bằng trăm ngàn mất mát, đau thương chứ không đơn
giản chỉ là việc húc đổ cổng Dinh Độc lập và cắm cờ trên nóc.
Nếu lịch sử được mô tả chỉ từ một hướng với sự sắp đặt thiên kiến thì nó không còn là lịch sử nữa.
Trên đây chỉ là một số
nhận xét về cuốn sách. Người viết không có ý định đi sâu vào tính chính
xác của từng sự việc, từng chi tiết bởi nó không mới và không hẳn cần
thiết. Tuy nhiên, đã có phản hồi bất bình của những nhân vật trong sách,
từ cả hai phía, về tính chính xác của các sự kiện và cách trích dẫn cắt
cúp, tách bối cảnh ra khỏi sự kiện để gián tiếp giải thích nguyên nhân
theo chủ kiến của tác giả.
Công bằng mà nói, lao
động và khả năng của Huy Đức đối với việc sưu tập tư liệu cho cuốn sách
là điều cần được nhìn nhận. Với ưu thế là phóng viên của nhiều tờ báo
lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, Sài Gòn Tiếp
Thị, anh có cơ hội tiếp cận với nhiều thông tin. Rất tiếc những thông
tin ấy được cố ý sắp đặt để phục vụ chủ kiến của tác giả, vì vậy nó hoàn
toàn không chân thật.
NGUYỄN ĐỨC HIỂN
TP.HCM ngày 31-12-2012
Hợp tác xã và thời bao cấp |
Nguồn: Pháp luật TPHCM
Copy từ: Anh Ba Sàm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét