Tâm sự lúc tuổi già
Dương Trạch Tế
Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già... Chẳng dám nói hiểu hết mọi điều nhân sinh nhưng chỉ có hiểu đời thì sống mới thanh thản, sống thoải mái.
Qua một ngày, mất một ngày,
Qua một ngày, vui một ngày,
Vui một ngày, lãi một ngày .
Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sống là mục tiêu cuối cùng của cuộc đời, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc và vui sướng là cảm giác và cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.
Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì cả. Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi. Nếu có người cần bạn giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền đừng làm tôi tớ cho nó.
"Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú". Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ đi, hãy chia tay với "ông sư khổ hạnh", hãy làm "con chim bay lượn". Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của tuổi già.
Tiền bạc rồi sẽ là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình
Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn !
Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhìn một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi !
Con tiều tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ !
Nhà cha mẹ là nhà con, nhà con không phải nhà cha mẹ !
Khác nhau là thế, người hiểu đời coi viêc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong chờ báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.
Ốm đau trông cậy ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu (cửu bệnh sảng tiền vô hiếu tử). Trông vào bạn đời ư? Người ta cũng yếu, có khi lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi
Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy.
Cái được, người ta chẳng hay để ý, cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người hiểu đời rất quí trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát triển thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.
Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình (tỷ thượng bất túc tỷ hạ hữu dư), biết đủ thì lúc nào cũng vui (tri túc thường lạc).
Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt, tự tìm niềm vui
Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.
Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như có cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ người ta cũng nghỉ cả rồi, ai cũng thế cuối cùng trở về với tự nhiên. Thực ra ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.
Quá nửa đời người dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian chẳng còn lại bao nhiêu nên dành cho chính mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc gì muốn làm, thích làm, thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thích, nên sống thật với mình.
Sống trên đời không thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm cho khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực thế nào cũng xong.
Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già. Tuổi không già mà tâm già, thế là không già mà già. Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe già.
Sống phải năng hoạt động, nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ, quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu. Mọi thứ đều nên "vừa phải ".
Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn tham uống...)
Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám bệnh)
Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống.
Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới khám chữa bệnh... đều là muộn.
Chất lượng cuộc sống của người già cao hay thấp chủ yếu tùy thuộc vào cách tư duy, tư duy hưởng lợi là bất cứ việc gì đều xem xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy có lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và tự tin, cuộc sống có hương có vị; tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.
Chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi ưa thích nhất, trong khi chơi hãy thể nghiệm niêm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm lý và sinh lý, người già cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn khỏe mạnh.
"Hoàn toàn khỏe mạnh", đó là nói thân thể khỏe mạnh, tâm lý khỏe mạnh và đạo đức khỏe mạnh. Tâm lý khỏe mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao thiệp. Đạo đức khỏe mạnh và có tình thương yêu, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, ngừơi chăm làm điều thiện sẽ sống lâu.
Con người là con người xã hội (có bản ghi: con người tồn tại trong xã hội), không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình, đó là cách sống lành mạnh.
Cuộc sống tuổi già nên đa tầng, đa nguyên, nhiều màu sắc. Có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có một nhóm bạn già. Tình bạn làm đẹp thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc...
Con người ta chịu đựng, hóa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất, quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống thế nào.
Tại sao khi về già người ta hay hoài cựu (hay nhớ lại chuyện xa xưa) ? Đến những năm cuối đời, ngừời ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân ga cuối, tâm linh cần trong lành, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tìm lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân yêu, cùng nhắc lại những ước mơ thuở nhỏ, cùng bạn học nhớ lại niềm vui thời trai trẻ, có như vậy mới tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già.
Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không thể thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó! Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.
Sinh, lão, bệnh, tử, là qui luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng mà không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình một dấu chấm hết thật tròn.
Tháng 12 năm 2008
Lê Thanh Dũng dịch
TÂM SỰ TUỔI GIÀ-ĐÔI ĐIỀU CẢM NGỘ
(Bài này lúc đầu nhiều người tưởng
của cụ CHU DUNG CƠ)
Dương
Trạch Tế (Trung Quốc)
Trang Hạ dịch
Tháng năm vội vã, đời người ngắn quá, chớp mắt đã
già. Chúng ta nào dám nói đã thấu hết lẽ đời, nhưng ta cảm thấy, chỉ có hiểu
đời, mới sống được ung dung, thanh thản. Tôi muốn viết đôi dòng “cảm nhận nhỏ
nhoi” gửi tới những bạn già, để được mọi người chia sẻ những “cảm nhận lớn lao”
hơn, để ta cùng cố gắng.
1. Cách sống: Qua một ngày, mất một ngày. Vui một ngày, lãi
một ngày.
2. Hạnh phúc và niềm vui: Hạnh
phúc không tự gọi cửa tìm đến ta, niềm vui cũng không tự rơi từ trên trời
xuống, mà đều phải tự tay mình tạo dựng nên. Niềm vui là mục đích cuối cùng của
đời mình, niềm vui ở ngay trong những việc vụn vặt của cuộc sống, ta phải tự
mình tìm lấy. Hạnh phúc và niềm vui là một thứ cảm xúc và cảm nhận, quan trọng
là ở tâm trạng mình.
3. Tiền bạc: Tiền không phải là
vạn năng, tăng lực, nhưng không tiền thì vạn sự bất lực (*). Không nên quá coi
trọng đồng tiền, lại càng không nên tính toán tiền bạc, nếu hiểu ra, sẽ thấy
tiền chỉ là thứ đồ vật ở ngoài thân, khi ta chào đời ta đâu mang tới, khi ta
chết đi lại chẳng mang theo. Nếu có người cần ta giúp đỡ, khảng khái mở
hầu bao chính là một niềm vui lớn. Nếu tiền bạc mua được sức khỏe và niềm vui,
cớ gì chần chừ nữa? Nếu bỏ tiền ra để được an nhàn tự tại, chẳng phải xứng đáng
sao! Người hiểu biết là người biết cách kiếm tiền biết cách tiêu pha, làm chủ
đồng tiền chứ đừng làm nô lệ cho nó.
4. Học cách hưởng thụ: “Phần đời
còn lại ngắn ngủi, càng phải làm cho nó giàu có”. Người già phải biết đổi nếp
nghĩ cũ, tạm biệt cách sống như tu hành, để làm loài chim vui. Cần ăn thì ăn,
muốn mặc phải mặc, thèm chơi hãy chơi, không ngừng nâng cao chất lượng
sống, đón nhận những thành quả của thời đại công nghệ, mới là
mục đích sống của tuổi già.
5. Sức khỏe quan trọng nhất: Tiền bạc là của con mình, địa
vị chỉ tạm thời giữ, vinh quang thuộc về quá khứ, sức khỏe mới là của ta.
6. Khác biệt: Tình yêu bố mẹ
dành cho con là vô hạn, con yêu bố mẹ có hạn; Con cái bệnh tật bố mẹ lo âu, bố
mẹ bệnh tật con cái hỏi han vài lời là thấy thỏa mãn; Con cái tiêu tiền bố mẹ
thì dễ, bố mẹ tiêu tiền con cái thì khó; Nhà bố mẹ chính là nhà của con,
nhà con lại chẳng phải nhà bố mẹ. Khác biệt là khác biệt. Người hiểu ra sẽ thấy
lo liệu cho con chính là trách nhiệm và niềm vui, chẳng đòi con báo đáp, còn
người cứ muốn được con báo đáp, là tự chuốc ưu phiền.
7. Bệnh tật trông cậy ai: Cậy con, bệnh nặng ốm lâu con mệt
mỏi vắng bóng. Cậy bạn đời, người già tự lo thân chưa xuể, lấy đâu sức lực mà
chăm nhau. Cậy tiền, có lẽ phải vậy.
8. Trân trọng những gì đã có: Ta
thường coi nhẹ những gì trong tay, ta thường tiếc nuối những gì không có. Nhưng
cuộc sống hạnh phúc đủ đầy lại bởi ta có biết cách cảm nhận cuộc sống chăng.
Người hiểu đời sẽ trân trọng và nâng niu những gì đã có, cho nó thêm ý nghĩa
trong đời mình, để sống tràn đầy và say mê vui sướng.
9. Cách nắm giữ niềm vui: Phải
giữ tấm lòng rộng mở bao dung, để cảm ơn đời và tận hưởng sự sống. So với
người trên nào bằng, ngoảnh xuống kẻ dưới thấy đủ, thấy đủ là thấy vui nhẹ
nhõm; Nuôi dưỡng nhiều niềm say mê, vui thú ấy nào cạn, ta tự tìm lấy được niềm
vui; Tốt với người đời, thường làm việc thiện, vui khi giúp người. Đó là những
cách nắm giữ niềm vui, cũng mạnh khỏe trong tâm.
10. Dung dị mới là cốt lõi: Chức
cao bổng lộc nhiều, địa vị hiển hách được mấy ai, số đông chúng ta chỉ là
thường dân. Nhưng thiểu số ấy chưa chắc đã hạnh phúc, còn đám đông thường dân
như chúng ta lại chưa chắc đã bất hạnh, nên ta cần gì nhìn lên đám thiểu
số giàu sang đó mà tự ti, thèm muốn. Con người vốn không phân chia đẳng
cấp giàu nghèo sang hèn, chỉ phân chia có tận tâm tận lực với sự
nghiệp hay không mà thôi, là đã được coi có công với đời, lòng dạ thanh thản,
không hổ thẹn với ai, nữa là con người ta đã lui về rồi thì đều giống nhau cả,
chốn sau cùng của chúng ta đều là về với thiên nhiên. Kỳ thực, chức cao nào
bằng thọ lâu, thọ lâu nào bằng sống vui lâu, sống vui mới chính là hạnh
phúc.
11. Hãy sống đích thực cho chính mình:
Con người quá nửa đời là hy sinh vì sự nghiệp, gia đình, con cái, thời gian giờ
còn lại đâu nhiều, hãy sống đích thực cho chính mình, sống sao thấy vui
thì sống, làm những gì mình muốn làm và mong làm, đừng ngại ngần người khác đàm
tiếu, bởi ta đâu phải sống hộ người khác, mà ta đang sống cuộc đời của chính
bản thân ta.
12. Không cầu toàn: Con người
sống trên đời này làm sao có thể vạn sự như ý, tất sẽ có những điều
thiếu sót tiếc nuối, càng mong hoàn hảo càng khổ sở, chi bằng thanh thản đối
diện hiện tại, tùy hoàn cảnh mà sống.
13. Già và không già: Người già tâm hồn trẻ, tức là không
già. Người chưa già nhưng tâm hồn già cỗi, vậy đã già nua. Nhưng mọi vấn đề vẫn
cần nghe người già.
14. Chú ý điều độ: Sống là phải
vận động, nhưng không nên quá sức; ăn uống đạm bạc thì không đủ dinh dưỡng
nhưng thịt cá nhiều cũng không tiêu hóa nổi; Nhàn hạ quá thì quạnh
quẽ, nhưng khách khứa lắm lại nhiều lo toan, cho nên việc gì cũng nên giữ lấy
chữ “điều độ”.
15. Làm một người thông minh: Kẻ ngốc tự chuốc bệnh (vì hút
thuốc, nghiện rượu, ăn uống vô tội vạ); kẻ thiếu kiến thức thì chờ
bệnh tới (chờ ốm mới đi bệnh viện); còn người thông minh thì phòng bệnh; hãy
tốt với chính mình, hãy giữ gìn sinh mệnh của mình.
16. Đừng lầm lẫn: Chờ khát mới
uống, đợi đói mới ăn, phải mệt mới nghỉ, buồn ngủ mới ngủ, sinh bệnh mới đi
viện, lúc đó đã muộn rồi.
17. Lạc quan và bi quan: Chất
lượng cuộc sống của người già cao hay thấp phụ thuộc vào cách họ nghĩ, lạc quan
thì mọi việc đều suy nghĩ theo hướng có lợi, nếu lạc quan để quy hoạch quãng
đời tuổi già, sẽ được sống đầy tự tin và đầy sức sống, ngày tháng trôi qua sẽ
đầy màu sắc; nếu dùng cách nghĩ bi quan sẽ sống trong tâm trạng chán nản tiêu
cực, tất già sớm chết sớm.
18. Học cách vui chơi: Chơi là
một trong những nhu cầu của người già, hãy mang một trái tim thơ trẻ để chọn
thú chơi mình thích, trải nghiệm những niềm vui khi chiến thắng, cũng không
giận khi thua, không làm nư, từ góc độ tâm lý và sinh lý, người già cũng
cần sự hào hứng vừa đủ, để giữ cho tuần hoàn tốt.
19. Làm một người già “mạnh khỏe toàn
diện”: Mạnh khỏe toàn diện tức là khỏe về thể chất, tâm lý lẫn đạo
đức. Mạnh khỏe về tâm lý tức là sức chịu đựng cao, sức kiềm chế tốt và có năng
lực giao tiếp thân thiện; Mạnh khỏe về đạo đức tức là luôn có lòng yêu thương,
vui vẻ giúp đỡ người khác, tính tình điềm đạm, lòng dạ rộng rãi, thiện tâm tất
thọ lâu.
20. Hòa nhập với xã hội: Con người
là người của xã hội, không được phép sống tách rời biệt lập, lãnh đạm với đời,
phải chủ động tham gia hoạt động công ích tập thể, hoàn thiện bản thân từ trong
hoạt động chung, thể hiện được giá trị bản thân, đó mới là một cách sống lành
mạnh.
21. Kết giao rộng rãi: Cuộc sống
cuối đời nên có nhiều tầng thứ đa dạng, phong phú đầy màu sắc. Một hai người
bạn thâm giao nào thể đủ, phải có nhiều bạn bè mới làm cuộc sống tuổi già tươi
mới. Để bạn sống mê say vui tươi, muôn hình vạn vẻ.
22. Nỗi đau: Khi con người phải đối diện nỗi đau, chịu
đựng, giải thoát cũng như xóa nhòa nỗi đau, nói cho cùng vẫn phải dựa vào chính
bản thân mình, thời gian là vị thầy thuốc tốt nhất, nhưng quan trọng là ở chỗ
bạn sẽ chọn cách sống như thế nào trong quãng thời gian ấy.
23. Hoài niệm quá khứ: Vì sao
người ta già rồi thường nhớ quá khứ? Con người về già, sự nghiệp đã đi đến
chặng cuối, những huy hoàng dĩ vãng đã biến thành mây khói trong mắt,
ta đang đứng ở ga cuối của cuộc đời, gột
sạch những dục vọng trong lòng, tinh thần cần thăng hoa, chỉ mong lại tìm thấy
được chân tình. Lúc này, chỉ có quay về chơi chốn cũ, gặp gỡ người thân bạn bè,
cùng ôn lại những giấc mơ thiếu thời, cùng bạn học cũ hàn huyên lại những niềm
vui thời tuổi trẻ, mới cảm thấy được sức sống của thời trẻ. Trân trọng những
chân tình, đón nhận những tình thân cũng là một niềm vui lớn của cuộc sống
người già.
24. Thuận lẽ tự nhiên: Nếu bạn
đã cố gắng hết mình nhưng vẫn không thay đổi được những gì bạn không mong muốn,
vậy hãy để nó thuận theo lẽ tự nhiên thôi! Có lẽ đó cũng là một cách giải
thoát. Mọi chuyện ở đời làm sao cưỡng ép theo ý muốn, những trái dưa ép chín
cũng đâu có ngọt.
25. Thanh thản đối diện cái chết:
Sinh lão bệnh tử, quy luật muôn đời, ai người trốn được. Khi cái chết sẽ
không buông tha bạn, tại sao ta không đối diện nó, mỉm cười kiêu ngạo. Chỉ
những người đã sống cương trực, không hổ thẹn lương tâm, mới có thể bình an
thanh thản, cho mình một dấu chấm hết thật tròn vẹn.
==========================================2008======================================================
Những dòng tâm sự
về đạo lý con người này do một blogger Trung Quốc sinh năm 1937 tên là Dương
Trạch Tế viết ra, khi viết, ông tròn 71 tuổi. Vốn tốt nghiệp ngành hàng hải năm
1960, phục vụ trong quân đội của Trung Quốc suốt 40 năm mới nghỉ hưu, tuổi già
sống trong bệnh tật. Bạn già của Dương Trạch Tế nhận xét, ông là một người
khiêm tốn.
Điều đáng chú ý là, entry “tâm
sự tuổi già – đôi điều cảm ngộ” này được lưu truyền tại Việt Nam và được rất
nhiều bạn đọc thích thú, tâm đắc, nhưng lại mang tên tác giả là cựu thủ tướng
Trung Quốc Chu Dung Cơ. Nhiều người tích cực lưu truyền, in ra giấy phân
phát cho nhiều người già tại các thành phố với lời dặn dò, đây là lời dặn của
cựu thủ tướng Chu Dung Cơ. Trong khi trên toàn bộ hàng triệu trang mạng tiếng
Hoa không hề có bất kỳ một lần nào xuất hiện tên Chu Dung Cơ dưới bài này.
Tôi cho rằng, sự nhầm lẫn này là do dịch giả hoặc
độc giả Việt Nam
trước đây. Thật không vui gì khi dịch lại một bản dịch đã có người làm, nhưng
tôi thích trả lại sự chính xác cho văn bản này, tôi cũng không thích những sự
“sửa chữa” của người dịch cũ, tôi càng mong muốn trả lại tên đích thực cho tác
giả và tác phẩm. Có thể tôi khó tính, nhưng tôi có lý.
(ST)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét