CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Coca-Cola, Metro 'làm xiếc' - ngành Thuế không biết thẹn!

 (Petrotimes) - Cần phải nhìn nhận hiện tượng chuyển giá, khai khống giá trị đầu tư… để trốn thuế tại các doanh nghiệp như thế nào là điều mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Ngành Thuế không đủ năng lực “bắt bài” chiêu thức trốn thuế của doanh nghiệp hay có sự tiếp tay của cán bộ trong ngành?
Nghi vấn trốn thuế ở Metro và câu hỏi trách nhiệm của ngành thuế.
Đầu tháng 3/2012, tại Hội nghị chuyên đề về chống thất thu thuế và nợ đọng thuế năm 2012, đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, “miếng võ” cơ bản để trốn thuế của các doanh nghiệp là chuyển giá.
Theo đó, chuyển giá tồn tại dưới các hình thức tài sản hữu hình giữa các bên liên kết; chuyển giá qua chuyển giao tài sản vô hình giữa các bên liên kết; chuyển giá thông qua chuyển giao dịch vụ giữa các bên liên kết; chuyển giá thông quá chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh giữa các bên liên kết…
Và dù là chuyển giá dưới hình thức nào thì cũng được các doanh nghiệp thực hiện bằng cách xác định giá trị chuyển nhượng sản phẩm không phù hợp với thông lệ quốc tế và không hợp lý nhằm giảm số thuế phải nộp cho Nhà nước.
Trước đó, câu chuyện chống chuyển giá, thất thu thuế cùng từng được đại diện cơ quan thuế nhấn mạnh trên các phương tiện truyền thông.
Nói như vậy để thấy rằng, ngành Thuế đã nhìn nhận tính chất và mức độ nghiêm trọng của hiện tượng chống thất thu thuế. Nó được thể hiện qua số vụ thanh tra các doanh nghiệp báo lỗ, số tiền truy thu thuế hàng năm và đặc biệt là số tiền nộp lại ngân sách Nhà nước qua các đợt thanh, kiểm tra thuế. Cụ thể:
Năm 2011, toàn ngành Thuế đã thanh tra, kiểm tra tại 50.276 doanh nghiệp (đạt 90,65% chỉ tiêu kế hoạch và bằng 158,3% so năm 2010), xử lý truy thu, truy hoàn và phạt qua thanh tra, kiểm tra 7.582 tỉ đồng, bằng 138,8% (7.582 tỉ đồng/5.462 tỉ đồng) so năm 2010, giảm khấu trừ qua thanh tra, kiểm tra là 567 tỉ, giảm lỗ qua thanh tra, kiểm tra là 11.021 tỉ đồng.
Đó là những kết quả rất đang khích lệ và nó thể hiện quyết tâm rất cao của ngành Thuế trong việc “dẹp loạn” thất thu thuế. Đặc biệt khi mà theo nhiều chuyên gia thì, chống chuyển giá tại Việt Nam hiện nay là một vấn đề không đơn giản, đây là một vấn đề rất phức tạp, trải rộng trên nhiều lĩnh vực nên không thể hy vọng vào một giải pháp hoàn hảo mà phải kết hợp rất nhiều giải pháp khác nhau, tùy thuộc vào từng đối tượng, hoàn cảnh và địa phương.
Tuy nhiên, khi một loạt những nghi vấn trốn thuế tại Coca-cola và Metro – những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và chiếm thị phần lớn trên thị trường nước uống giải khát, bán lẻ ở Việt Nam được báo chí phản ánh thì một loạt các câu hỏi đã được đặt ra. Đặc biệt là khi những nghi vấn đấy được cho là đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng ngành Thuế lại “không hề hay biết”.
Đây chính là nỗi đau vì nó rất có thể là sự “bất lực” hoặc là tiêu cực trong đội ngũ cán bộ ngành Thuế. Nhưng dù khả năng nào xảy ra thì sự yếu kém của ngành Thuế đã làm ngân sách Nhà nước mất đi một khoản không nhỏ và nó cần phải được nhìn nhận và mổ xẻ.
Ngành thuế yếu kém, các tập đoàn nước ngoài tha hồ "làm xiếc" ở Việt Nam.
Chúng tôi xin lấy nghi án trốn thuế ở Coca-cola làm ví dụ. Theo những thông tin mà Petrotimes có được, mặc dù doanh thu từ năm 2006 đến nay liên tục tăng nhưng báo cáo hoạt động kinh doanh của công ty này lại liên tục thua lỗ. Sự bất thường này được thể hiện ở chỗ, trong khi doanh thu của công ty tăng từ 1.026 tỉ đồng lên 2.712 tỉ đồng vào năm 2011 nhưng công ty vẫn lỗ và số lỗ chỉ giảm nhẹ từ 253 tỉ đồng xuống 188 tỉ đồng.
Như vậy, tính lũy kế đến năm 2011, Coca-cola đã đã lỗ tổng cộng 3.768 tỉ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng.
Hay một ví dụ khác có thể kể đến là trường hợp của Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro).
Theo thống kê của Cục Thuế TP.HCM, dù doanh thu tăng liên tục qua các năm nhưng kết quả kinh doanh của công ty này lỗ triền miên. Cụ thể, năm 2007 doanh thu đạt hơn 6.607 tỉ đồng, nhưng số lỗ là 157 tỉ đồng. Năm 2008 doanh thu vọt lên 8.175 tỉ đồng, số lỗ lên đến hơn 190 tỉ đồng. Năm 2009 doanh thu đạt 8.728 tỉ đồng, số lỗ cũng rất ấn tượng: 160 tỉ đồng.
Từ khi thành lập (2001) đến nay, chỉ duy nhất năm 2010 công ty này khai có lãi 116 tỉ đồng, nhưng do được chuyển lỗ của những năm trước đó nên đến nay doanh nghiệp này cũng chưa đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào. Đến năm 2011 Metro lại khai lỗ 89 tỉ đồng.
Có một điểm đáng lưu ý là trong khi kêu lỗ như vậy nhưng hệ thống các siêu thị bán lẻ của Metro lại liên tục tăng và mở rộng tại nhiều tình thành từ Bắc vào Nam.
Sự bất thường trên diễn ra tại 2 công ty này kéo dài nhiều năm và điều mà dư luận quan tâm là liệu ngành Thuế có biết một khoản tiền thuế không nhỏ đã bị “đánh cắp” khỏi ngân sách hay không? Đáp án cho câu hỏi này dù đúng hay sai thì nó cũng cho thấy ngành Thuế có vấn đề.
Nếu đúng ngành Thuế biết nhưng “im hơi lặng tiếng” thì nó cho thấy tiêu cực trong đội ngũ cán bộ của ngành là không nhỏ. Đây là điều có thể hoàn toàn xảy bởi từ nhiều năm nay, xã hội đã nghe, đã thấy rất nhiều những trường hợp sách nhiễu người dân, doanh nghiệp của bộ máy công quyền rồi.
Cũng có không ít cán bộ thoái hóa, biến chất, nhận tiền đút lót rồi thì im lặng, che giấu cho những sai phạm của doanh nghiệp, người dân.
Nếu đáp án cho câu hỏi trên là không đúng thì nó cho thấy chất lượng đội ngũ cán bộ ngành Thuế có vấn đề về năng lực cũng như trình độ chuyên môn. Và nếu điều này là đúng thì một lần nữa, vấn nạn “chạy chức, chạy quyền”, “chạy việc làm”, “chạy công chức”,… ở nước ta vốn vẫn được nhắc lâu nay cần phải nhắc đến và báo động.
Sự yếu kém của đội ngũ cán bộ nói chung và ngành Thuế nói chung không chỉ làm giảm hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền, tổn hại uy tín của Nhà nước mà nó còn thất thoát một khoản tiền không nhỏ ngân sách quốc gia.
Và dù đúng hay sai thì câu chuyện trốn thuế ở Việt Nam, đặc biệt là tại những doanh nghiệp lớn như Coca-cola và Metro, ngành Thuế phải có trách nhiệm, phải đứng trước gương và soi lại mình.
Đất nước đang trải qua thời kỳ hết sức khó khăn, nguồn vốn ngân sách đầu tư cho sự phát triển kinh tế - xã hội đang hết sức thiếu thốn, vậy nên, mỗi cán bộ ngành Thuế cần phải thấy có tội với nhân dân, với đất nước vì đã không làm tròn bổn phận, trách nhiệm và nghĩa vụ mà Đảng, Chính phủ cũng như nhân dân giao phó!
Nhóm phóng viên Petrotimes 





Copy từ: PetroTimes




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét