Song Chi.
v.v…
Liên tiếp trong thời gian qua, TQ đã có những hành động ngang ngược
xâm phạm lãnh hải, coi thường chủ quyền của VN, coi luật pháp và dư luận
quốc tế không ra gì. Hết xúc tiến xây dựng và quảng bá “thành phố Tam
Sa” trên quần đảo Hoàng Sa cướp được của Việt Nam, lại cấp hàng triệu hộ
chiếu mới cho công dân có in chìm bản đồ hình “lưỡi bò”, ban hành những
quy định mới cho phép cảnh sát biển lên tàu, lục soát, và trục xuất các
tàu nước ngoài bị xem là xâm nhập trái phép trong vùng biển mà TQ tự
cho là lãnh hải của mình ở biển Đông…Và mới đây nhất, ngày 30 tháng 11,
tàu cá thực chất là các tàu bán quân sự của TQ đã lại cắt cáp tàu thăm
dò dầu khí Bình Minh 02 đang nằm trong lãnh hải của VN!
Trong khi nhà cầm quyền TQ ngày càng lấn tới, thì nhà cầm quyền VN
ngày càng thể hiện một sức nhịn nhục không giới hạn. Thi thoảng, lâu lâu
người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng lên tiếng phản đối, có lúc VN cũng
tuyên bố đã gửi công hàm phản đối cho TQ (nhưng không ai biết gửi bao
giờ, có thật không). Tuy nhiên không có một nhân vật lãnh đạo cao cấp
nào của VN chính thức lên tiếng trước bất kỳ hành động nào của TQ, trái
ngược hẳn với Philippines, Tổng thống nước này thường xuyên ra mặt.
Không những thế, các nhà lãnh đạo VN từ Tổng Bí thư ĐCS, Thủ tướng,
Bộ trưởng Quốc phòng…vẫn tích cực đón tiếp những phái đoàn ngoại giao
khác nhau từ TQ qua, tiếp tục ca tụng tình hữu nghị giữa hai đảng, hai
nhà nước. Những việc làm của phía TQ người dân thường chỉ được biết khi
sự đã rồi, như chuyện cắt cáp báo chí chỉ được phép lên tiếng 3 ngày sau
đó, hoặc khi chuyện đã xảy ra từ lâu, như vụ hộ chiếu mới thật ra đã
được TQ phát hành từ hổi tháng 5 năm 2012, hơn nửa năm sau VN mới lên
tiếng khi bị báo chí phương Tây hỏi (!).
Người dân ngạc nhiên, phẫn nộ và nhục nhã khi chứng kiến thái độ ngày
càng bạc nhược của nhà nước VN. Không ai có thể hiểu được vì sao họ,
nhà cầm quyền VN lại khiếp sợ TQ đến thế?
Không chỉ tự hù dọa mình về sức mạnh của TQ, họ còn hù dọa cả nhân
dân bằng đủ mọi luận điệu khác nhau, nhưng thực chất cũng chỉ để che
giấu lý do chính: sự sợ hãi. Và một lý do khác sâu xa hơn mà nhân dân VN
ai cũng lo ngại, rằng đã có một thỏa thuận ngầm nào đó, một “hợp đồng
bán nước” kiểu nào đó đã được âm thầm ký kết giữa những nhân vật cao cấp
trong hai đảng, hai nhà nước. Cho nên họ mới lúng túng như gà mắc tóc,
há miệng mắc quai như vậy.
Rõ là chưa đánh mà đã sợ vãi cả ra, nếu đánh chưa chắc VN đã thua vì
lực lượng quân sự hay hải quân yếu hơn, vũ khi phương tiện kém hơn nhưng
thua vì tình thần chủ bại, quy hàng của những người lãnh đạo!
Thật trái ngược với thời chống Pháp chống Mỹ. Trong rất nhiều lý do
khách quan và chủ quan đưa đến “chiến thắng” của người cộng sản Bắc
Việt, có một nguyên nhân rất quan trọng: đó là không biết sợ.
Do đã được cả một bộ máy tuyên truyền hoạt động hết công suất ngày đêm,
tiêm tinh thần yêu nước, chống giặc xâm lược cho từng người dân, từng
người lính, cộng với khả năng bưng bít thông tin khiến người dân không
biết, không hiểu hết từ con số thương vong, tỷ lệ mất mát giữa hai bên,
cho đến mục đích, tên gọi thật sự của cuộc chiến, sự thật cuộc sống giữa
hai miền.
Trong cuộc chiến tranh với Mỹ và người anh em đồng bào miền Nam,
những người lính miền Bắc đã đi vào cuộc chiến với một tâm trạng “đường
ra trận mùa này đẹp lắm”, với niềm tin Mỹ là kẻ xâm lược và bè lũ miền
Nam là tay sai bán nước, với niềm tự hào tự cho mình là tiền đồn chống
Mỹ của cả thế giới, là thành trỉ của phe xã hội chủ nghĩa, ai ngăn cũng
quyết đánh. “Còn cái lai quần cũng đánh”, “dù có phải đốt cháy cả dãy
Trường Sơn cũng giải phóng cho được miền Nam”. Sao bây giờ họ không có
được cái tinh thần như vậy cho dân nhờ?
Nói cho ngay, hồi đó miền Bắc có cả phe xã hội chủ nghĩa yểm trợ, có
Liên Xô có Tàu chi viện từ cái quần đùi, miếng lương khô cho tới súng
ống vũ khí, cũng như miền Nam có đồng minh Mỹ đứng bên cạnh vậy, cứ việc
đem cái thân và sự quyết liệt ra mà đánh tới cùng.
Hồi đánh nhau với Mỹ, người cộng sản Bắc Việt từ các nhân vật lãnh
đạo cao cấp, tướng tá cho đến lính trơn hay dân thường nhìn chung đều vô
sản như nhau. Vào lính tiêu chuẩn ăn uống còn sướng hơn đời sống khổ
cực ở quê nhà. Người lao vào cuộc chiến sống chết hiểm nguy hoặc chịu
cực chịu khổ ở hậu phương đều có chung niềm tin “thắng giặc Mỹ ta sẽ xây
dựng hơn mười ngày nay”, mơ về một xã hội đẹp đẽ công bằng sau chiến
tranh.
Còn bây giờ? Đồng minh chiến lược nhìn tới nhìn lui chẳng có ai. Lý
tưởng đã cạn. Ảo tưởng về một xã hội tươi đẹp đã tan vỡ. Những người
lãnh đạo đảng, nhà nước hiện nay về tài năng, tư duy ngoại giao, chiến
lược chiến thuật đều thua xa Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp. Đảng
viên từ trên xuống dưới hầu hết đều có tài sản của chìm của nổi, sung
sướng quen nên sợ mất, sợ chết, sợ đủ thứ.
Lại không còn có được lòng tin của nhân dân, không còn dân bên cạnh.
Mối quan hệ giữa nhân dân và chính quyền đã trở nên xấu hơn bao giờ hết.
Trong nội bộ đảng thì lục đục chia rẽ sâu sắc. Kinh tế một phần bị lệ
thuộc nặng nề vào TQ, phần khác do tham nhũng, điều hành quản lý kém cỏi
nên nát bét, ngập trong nợ nần. Chẳng trách gì đảng và nhà nước VN sợ
chiến tranh, sợ TQ là phải. Nhưng chính nỗi sợ đó sẽ khiến họ thua Tàu
cộng ngay từ trong tâm trí. Và tìm mọi cách để khỏi đối mặt với một sự
thật rằng TQ đang và sẽ không bao giờ dừng lại trước khi nuốt được VN,
hay ít nhất là vùng biển thuộc chủ quyền của VN, để lấy bàn đạp tiến xa
hơn trên vùng biển châu Á Thái Bình Dương mênh mông giàu tài nguyên, dầu
khí.
Nhưng trốn tránh sự thật thì liệu sự thật có khác đi? Nhân nhượng,
nhịn nhục, cắt đất dâng biển liệu có làm cho tham vọng của kẻ bành
trướng chịu dừng lại?
Không, ngàn lần không. Đặc biệt với một kẻ thù như nhà nước Đại Hán
xưa và Trung Nam Hải bây giờ. Đường đi, sách lược ngoại giao của Bắc
Kinh từ bao lâu nay đã chứng minh cho chúng ta thấy: đó là mềm nắn rắn
buông. Không chỉ đối với những quốc gia trong vùng mà TQ còn e ngại như
Nhật Bản, ngay cả một quốc gia yếu hơn hẳn như Philippines nhưng khi họ
cứng rắn, cương quyết bảo vệ chủ quyền, TQ cũng phải xoa dịu. Thậm chí
những quốc gia lệ thuộc hoàn toàn vào TQ như Bắc Triều Tiên, không phải
TQ bảo gì họ cũng nghe, nhiều khi trái lại, còn Myanmar, bao nhiêu năm
bị thế giới cô lập và phụ thuộc nặng nề vào TQ, nhưng khi họ cương quyết
thoát ra, TQ cũng chẳng làm gì được, mà còn phải nương nhẹ để không mất
hẳn Myanmar vào tay Hoa Kỳ và các nước dân chủ phương Tây.
Ngược lại, nhà nước VN càng cố nhẫn nhịn làm vừa lòng nhà cầm quyền
TQ, càng cố đề cao sự trung thành bằng cách tự mình đi ngược chiều với
xu hướng tiến bộ của các quốc gia dân chủ trong việc gia tăng đàn áp dân
chủ, tôn giáo…, càng cố bịt miệng nhân dân, ngăn chặn, đàn áp mọi biểu
hiện bất bình đối với cách hành xử của TQ…thì TQ càng coi thường, lấn
lướt.
Hèn nhát đến độ không dám mở miệng lên tiếng trước bất cứ sự ngang
ngược nào từ TQ, chỉ dám nhìn sang trông chờ các nước khác như
Philippines, Singapore… nói hộ cho, nhất là trông chờ vào phản ứng của
Mỹ. Chính sự bạc nhược của nhà cầm quyền đã phần nào ảnh hưởng đến tinh
thần của người dân.
Ngư dân ra khơi mà lòng thấp thỏm lo sợ, hễ thấy tàu TQ là…chạy, còn
tàu TQ thì đuổi dí theo y như chính chúng ta mới là kẻ đi đánh bắt cá
trộm ngay trên vùng biền của mình. Người yêu nước tuyên bố sẽ đi biểu
tình phản đối TQ mà lòng thấp thỏm sợ công an lại gây khó dễ, bắt bớ. Ai
đã làm cho cả dân tộc thành ra thế này? Nếu những người lãnh đạo bây
giờ có được một phần sự quyết tâm đến mức sắt máu như ngày xưa khi họ
đánh nhau với Mỹ và với miền Nam cùng chung dòng máu với họ thì…
Tình thế như nước sôi lửa bỏng. Chỉ có hai con đường cho nhà nước VN
lựa chọn mà thôi: hoặc là đi với nhân dân, thay đổi thể chế chính trị
thành một quốc gia dân chủ để có thể tập hợp được lòng dân một cách mạnh
mẽ và có được sự ủng hộ của quốc tế trong việc đối đầu với TQ, bảo vệ
toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải. Đó là con đường mà Myanma đã đi. Cũng là con
đường êm thắm nhất, ít mất mát nhất cho họ-nhà cầm quyền VN.
Ngược lại, nếu họ cứ tiếp tục trì hoãn khiến tình hình ngày càng nguy
ngập hơn, sự mất mát thiệt thòi cho đất nước, dân tộc ngày càng nhiều
hơn (như đã từng xảy ra, khi nhìn lại nếu VN chịu thay đổi từ hơn 20 năm
trước, khi Liên Xô và khối Đông Âu sụp đổ thì đã không đến nỗi mắc sâu
vào cái vòng kim cô của TQ, mất thêm bao nhiêu kilomet đất, biển, hoặc
nếu thay đổi chỉ trước đây 5, 10 năm cũng đã khác…Và câu nói đó sẽ được
lặp lại 5 năm sau nữa.) Để đến lúc người dân nổi giận, tự đứng dậy, thì
không còn có chỗ cho họ nữa.
Ông Andre Hồ Cương Quyết đã nói rõ: “Lối thoát duy nhất: phải kháng cự.” Rằng “Từ
nay không có gì có thể cứu được nước Việt Nam và nhân dân của nó ngoài
cuộc kháng cự đối mặt với mối hiểm nguy ngày càng tăng, tức thì mất
biển, mất đảo, mất nước. Phải tiến hành cuộc kháng cự ấy ngay bây giờ,
và liên tục, nhất thiết không thể tránh, cùng với những người lãnh đạo
hay không có họ, điều ấy tùy thuộc ở họ. Đây là vấn đề sống còn.” (bản dịch của Nguyên Ngọc, trang Bauxite Vietnam).
Nhà báo, blogger Huỳnh Ngọc Chênh: “Tình thế quá hiểm nghèo, tự đảng lo không nổi đâu” và “Nhanh lên chứ không còn kịp nữa.”
Giáo sư Tương Lai: “Đảng “nên đặt Tổ quốc lên trên hết” (BBC tiếng Việt).v.v…
Đã có những lời kêu gọi biểu tình phản đối những hành động gây hấn
gần đây của nhà cầm quyền TQ vào ngày 9 tháng 12 sắp tới tại Hà Nội, Sài
Gòn. Liệu các cuộc biểu tình có nổ ra được không, hay nhà cầm quyền lại
tiếp tục đàn áp làm thui chột lòng yêu nước của nhân dân? Kể cũng lạ.
Sức mạnh đoàn kết của nhân dân là lợi thế gần như duy nhất của nhà cầm
quyền VN nếu phải đối đầu với một kẻ thù lớn mạnh thâm hiểm như TQ, cái
lợi thế đó họ đã rất biết cách lợi dụng trước đây trong cuộc chiến tranh
với Mỹ, nhưng nay thì họ lại tìm mọi cách ngăn chặn, bóp nghẹt, làm
nguội lạnh đi!
Và nếu chúng ta nhớ lại thì trước đây 5 năm, ngày 9 tháng 12 năm 2007
là lần đầu tiên có những cuộc biểu tình phản đối TQ xâm lược Hoàng Sa
Trường Sa nổ ra tại Sài Gòn, Hà Nội. Từ đó đến nay, TQ đã đi được một
chặng đường khá dài trong quá trình hợp thức hóa những hòn đảo họ đã
đánh chiếm được, âm mưu hợp pháp hóa đường “lưỡi bò” trên biển Đông, lấn
chiếm dần biển Đông theo kiểu tằm ăn dâu, sự đã rồi, trong khi biển
Đông ngày càng trở nên chật hẹp với VN và cả các cánh cửa mở ra với thế
giới tự do dân chủ tiến bộ cũng hẹp hơn. Mà đảng và nhà nước VN thì vẫn
chưa có được một sách lược đối phó nào mạnh mẽ hữu hiệu hơn, vẫn tiếp
tục lội ngược dòng với xu hướng chung của thế giới, ngày càng trở thành
một nhà nước độc tài hơn, bảo thủ, hà khắc hơn, còn nhân dân thì càng
ngày càng mất lòng tin.
Liệu có bao giờ lịch sử đen tối 1000 năm Bắc thuộc xa xưa lại lập lại
hay gần nhất, số phận đau thương của người dân Tây Tạng liệu có làm cho
tất cả chúng ta, từ nhà cầm quyền, quân đội cho đến người dân tỉnh
thức?Copy từ: Song Chi (RFA Blog)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét