CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Tiền xóa đói giảm nghèo biến thành tiền cho vay nóng



000_Hkg5704496-600.jpg
Ảnh minh họa nhân viên một ngân hàng ở Hà Nội đang đếm tiền
AFP photo


Ngày 28 tháng hai vừa qua, thủ tướng chính phủ Việt Nam thông qua đề xuất của thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình và hứa sẽ rót cho nông nghiệp một số tiền lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Vấn đề ông thủ tướng hứa không biết có làm cho người nông dân vui hơn và nhiều hy vọng hơn hay không. Nhưng có một thực tế mà nông dân nghèo đang bị những thứ chính sách thiếu trách nhiệm đè đầu cưỡi cổ và nỗi bất bình trong người nông dân ngày càng cao. Gói cho vay xóa đói giảm nghèo của nông dân nghèo đã bị hô biến thành tiền cho vay nặng lãi, tiền vay nóng đang là ung nhọt rất lớn đối với nông nghiệp Việt Nam.
Cán bộ hô biến tiền nông dân
Ông Nguyễn Hải Trung, người huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình chia sẻ: “Thì với ngân hàng chính sách đó, tụi hắn làm trong tổ vay vốn đó, con tổ trưởng nó vay vốn ra rồi nó cho vay nóng lại chứ dân đâu vay được đâu. Một số nó làm hồ sơ giả đem vô ngân hàng rồi nó lấy tiền ra. Tụi nó cho vay nóng một triệu lấy tới một trăm mấy, hai trăm ngàn, tức là một trăm mấy mươi phần trăm ấy. Toàn bộ những gói vay ví dụ gói xóa đói giảm nghèo này, lãi suất là 0%, đâu có lãi đâu. Còn những gói kia, ví dụ như gói vay sửa nhà của người nghèo chỉ có 0.04% thôi, một triệu một tháng chỉ nộp lãi bốn ngàn hoặc năm ngàn đồng thôi. Tụi nó vay hết rồi đâu còn người dân nào được vay đâu. Đi hỏi quanh đây, không có ai được vay cả. Thế tụi nó mới có tiền để ung dung chứ lấy tiền đâu. Bí thủ bí dĩ phải đi vay nóng của tụi nó, lãi suất tới một trăm mấy phần trăm ấy chứ!”
Ông Trung bức xúc nói rằng theo chỗ ông tìm hiểu, hiện tại có rất nhiều hộ nông dân nghèo ở quê ông chưa hề biết đồng tiền xóa đói giảm nghèo là gì và họ cũng chưa nghe ai nói cho họ biết cái tiêu chuẩn xóa đói giảm nghèo này. Thế nhưng tên tuổi của họ lại bị gom về thành một danh sách và họ bị lợi dụng trắng trợn.
Tụi nó vay hết rồi đâu còn người dân nào được vay đâu. Đi hỏi quanh đây, không có ai được vay cả. Thế tụi nó mới có tiền để ung dung chứ lấy tiền đâu.
- Ông Nguyễn Hải Trung
Nghĩa là có rất nhiều người bị giả mạo chữ ký trong những cuốn sổ vay xóa đói giảm nghèo khống, sau đó chính cán bộ ngân hàng toa rập với những đầu nậu cấp thôn mà trên danh nghĩa là tổ trưởng tổ phụ nữ hoặc chi hội trưởng chi hội phụ nữ xã để cho vay khống. Khoản tiền vay này lên đến vài tỉ đồng, có nơi ba tỉ, có nơi năm tỉ. Và khoản tiền này được vay với lãi suất rất thấp là 0,05% trên mỗi tháng. Sau đó, các cán bộ này dùng nó để cho vay nặng lãi chừng một đến hai tỉ, số tiền còn lại thì gởi ngân hàng lấy lãi với mức lãi từ 0,5% đến 2% mỗi tháng. Như vậy, chỉ riêng tiền lãi ngân hàng, họ đã kiếm được từ gấp mười cho đến gấp bốn mươi lần tiền lãi gốc.
Và trong nhiều trường hợp, người nông dân nghèo vì gặp phải thiên tai, bệnh tật, lại đi vay nặng lãi với lãi suất rất cao, có khi lên đến 10% mỗi tháng của chính những kẻ đã hô biến tiền xóa đói giảm nghèo. Riêng về những kẻ đã hô biến tiền của nông dân nghèo, họ chỉ việc hằng tháng đi rút lãi và đóng một ít rất nhỏ vào tiền lãi của quĩ xóa đói giảm nghèo, đóng đều đặn, đóng đủ hằng tháng và ngân hàng lại báo cáo về cấp trên về thành tích đóng lãi suất cũng như hoàn vốn đúng kì hạn của cán bộ cấp xã. Lúc này, chính phủ lại gửi bằng khen về thành tích xuất sắc trong việc điều động của loại cán bộ vừa nêu.
Kết cục của việc này là người nông dân hoàn toàn không hay biết về chuyện người ta đã dùng tên của mình trong danh sách vay nợ và người ta đã dùng chính quyền lợi của mình để cho mình vay nóng. Hay nói cách khác là người nông dân đã phải vay với lãi suất rất cao trên chính khoản tiền xóa đói giảm nghèo và khoản hỗ trợ các dự án nông nghiệp của mình.
Gói tiền cho nông dân sẽ về đâu?
Một người dân khác ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa, bức xúc nói: “Nếu nói về mặt pháp luật thì họ sai, nếu nói về mặt tình cảm thì họ không được tốt, đạo đức họ không tốt. Họ đặt lợi ích cá nhân của họ lên trên, trong khi những người nghèo, đang cần tiền thì họ không cho vay mà họ sử dụng vào việc khác. Hơi cục bộ, vì có thể họ biết nhưng mà họ bao che, hoặc họ nới lỏng công tác quản lý, họ cố tình làm vậy!”
Theo người nông dân này, vấn đề ông thủ tướng chính phủ đưa ra là hoàn toàn tốt. Nhưng chính cái nền đạo đức mạt hạng của giới cán bộ Việt Nam đã làm cho những chính sách tưởng là tốt cho nông dân lại trở thành cái bẫy sập người nông dân trong thế cù cum, hết đường cựa quậy.
Ví dụ như khoản tiền xóa đói giảm nghèo hoặc những gói tiền rót xuống để mở rộng qui mô nông nghiệp, xây dựng những dự án nông nghiệp cho tương lai thì nó không được đến tay người nông dân mà nó trở thành một gói tiền cho vay nặng lãi hoặc thành vốn của các loại ngân hàng cấp tỉnh, cấp huyện. Lúc này, kẻ được lợi là cán bộ ngân hàng cùng một số cán bộ thôn, xã chứ người nông dân không được bất kì quyền lợi nào.
Và nguy hiểm hơn nữa là khi có gói tiền này về, nó làm đảo lộn văn hóa cũng như đẩy đạo đức con người xuống mức thấp nhất. Ví dụ như các cán bộ ngân hàng và các loại cán bộ thôn, xã thì không cần bàn về tư cách cũng như đạo đức của họ nữa. Nhưng với người dân nghèo, tư cách, phẩm hạnh của họ cũng sẽ bị liên lụy.
Diễn giải vấn đề này, ông nói thêm về vấn để cá độ, chơi hụi cũng như số đề. Người nông dân vốn chân lấm tay bùn, chân chất làm ăn và không dám nghĩ đến chuyện liều lĩnh. Nhưng chính những tay cán bộ đang cầm vốn của nông dân lại nghĩ ra những chiêu trò để bẫy người nông dân, càng nhiều nông dân sập bẫy, họ càng kiếm lãi được nhiều.
Ngược lại, với người nông dân, một khi gặp thiên tai hoặc mùa màng thất bát, đời sống trở nên bấp bênh, khó khăn vô cùng. Những lúc như thế, người ta dễ dẫn đến nghĩ quẩn và mong cầu vào những thứ vô hình. Đánh vào tâm lý này, đám cầm cái số đề và cá độ bóng đá bắt đầu quần thảo các xóm làng và thả mồi chài để cho vay vốn đánh lô đề. Đây cũng là lúc các thanh niên trở nên hư hỏng, liều lĩnh, lao đầu vào cờ bạc như một con thiêu thân.
Đa phần thanh niên khi chơi số đề và cá độ bóng đá bị thua lại tìm cách vay nóng để gở gạt. Và đây cũng là lúc bọn ăn trên đầu nhân dân tha hồ hưởng lợi, những gói tiền rót cho nông dân được bọn chúng tung ra cho vay và tổ chức những đường dây đòi nợ thuê nhằm giữ đồng vốn không bị hao hụt. Nhiều nông dân đã nghèo còn phải rơi vào cảnh mất trắng nhà cửa vì con cái của họ lỡ vay nóng, cầm sổ đỏ và bị xã hội đen đến nhà hăm dọa, hành hung.
Cuối cùng, khoản tiền ưu tiên cho dân nghèo vay lãi suất thấp để xóa đói giảm nghèo lại thành cái bẫy sập người nông dân vào chỗ trắng tay. Trong chuyện này, một phần do uy tín cũng như năng lực quản lý của nhà nước cấp trung ương quá kém, không thể điều tiết và quán xuyến được những dự án. Phần khác, do đạo đức cán bộ đã xuống cấp trầm trọng và các cán bộ địa phương đang dần đổi màu thành xã hội đen để hưởng lạc ngay trên nỗi nghèo khổ của người nông dân.
Đến bao giờ người nông dân bớt khổ. E rằng phải nhắc đến mấy câu ca dao: Con vua thì được làm vua/ Con sãi ở chùa thì quét lá đa/ Bao giờ dân nổi can qua/ Con vua thất thế lại ra quét chùa.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.


Copy từ: RFA

.............

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét