Huy Phương biên soạn
Theo Văn học nguồn cội
“Hoàng tử” Bảo Ân |
Nhiều người Việt Nam sống ở quận Cam nhiều năm nay nhưng ít người biết có một người con trai của Cựu Hoàng Bảo Ðại đang sinh sống tại nơi này.
Ðó là ông Nguyễn Phước Bảo Ân, con trai
của bà Lê Phi Ánh, người vợ không hôn thú của cựu hoàng trong thời gian ở
Ðà Lạt. Bà Phi Ánh có hai người con với cựu hoàng là bà Nguyễn Phúc
Phương Minh sinh năm 1950 đã qua đời tại Mỹ cách đây vài năm và ông Bảo
Ân, sinh năm 1951, đang sống tại thủ phủ tỵ nạn, Westminster.
Chúng tôi không gọi ông Bảo Ân bằng
hoàng tử như trong văn bản triều đình mà gọi bằng “Mệ” theo lối xưng hô
trong hoàng tộc: Con gái, con trai của vua được gọi bằng Mệ, hàng cháu
là “Mụ” chứ không phải ai là Tôn Thất, Bửu, Vĩnh… đều được gọi bằng Mệ
như nhiều người đã lầm tưởng (1).
Ðiều đặc biệt không phải vì ông là một
hoàng tử lưu lạc, mà vì chính ông là người con nối dõi nhà Nguyễn. Cựu
hoàng có tất cả 5 người con trai: Con Hoàng Hậu Nam Phương là Bảo Long
không có vợ chính thức, Bảo Thăng không có con; con của Thứ Phi Mộng
Ðiệp là Bảo Hoàng chết khi mới 1 tuổi, Bảo Sơn mất khi ông 30 tuổi không
có con.
Bảo Ân có hai con, gái là Nguyễn Phước
Thụy Sĩ, sinh năm 1976 và trai là Nguyễn Phước Quý Khang sinh năm 1977.
Như vậy, Nguyễn Phước Quý Khang là cháu đích tôn của Cựu Hoàng Bảo Ðại
và chắt của ngài là một cặp trai song sinh có tên là Nguyễn Phước Ðịnh
Lai, Nguyễn Phước Ðịnh Luân ra đời năm 2012.
“Mệ” Bảo Ân sinh năm 1951 tại Ðà Lạt.
Năm 1953, khi cựu hoàng sang Pháp, bà Phi Ánh đem hai con về sinh sống
trong một biệt thự trên đường Phùng Khắc Khoan tại Sài Gòn. Ông theo học
trường Saint Paul rồi Taberd.
Ngày 4 tháng 10 năm 1955, Thủ Tướng Ngô
Ðình Diệm lập ủy ban trưng cầu dân ý truất phế Quốc Trưởng Bảo Ðại, và
trở thành quốc trưởng. Theo lời kể của ông Bảo Ân, sau ngày đó, nhiều
biệt thự ở Sài Gòn, Ðà Lạt và Pháp của bà Phi Ánh đều bị tịch thu, bà và
người nhà được lệnh ra khỏi nhà trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Nhiều
người đã đến đục tường ngôi nhà vì nghi có của cải cải cất giấu. Tài sản
này là của tư hữu của bà Phi Ánh, vì chúng ta cũng biết bà Phi Ánh là
em vợ của Thủ Hiến Trung Phần Phan Văn Giáo, sinh ra trong một gia đình
giàu có, trong khi Cựu Hoàng Bảo Ðại rất nghèo, trong thời gian sống rất
khó khăn ở Pháp, phải nhờ sự yểm trợ của thân mẫu là bà Từ Cung. Ðức Từ
Cung đã phải bán nhiều cổ vật của Vua Khải Ðịnh để lấy tiền gửi sang
cho cựu hoàng.
Sau ngày cựu hoàng bị truất phế, bà con,
ngay cả bên gia đình của bà Phi Ánh cũng không ai muốn chứa chấp mẹ con
bà, ba mẹ con phải ở nhà thuê, rày đây mai đó.
Trong hoàn cảnh này, bà Phi Ánh đành phải bước thêm bước nữa.
Khi nghe bà Phi Ánh đi lấy chồng, theo đề nghị của nhiều người thân thuộc trong Hoàng Tộc, bà Từ Cung đem Bảo Ân về Huế ăn học.
Chúng ta cũng biết thêm rằng, ngày 25
tháng 8 năm 1945, khi thoái vị làm dân, Cựu Hoàng Bảo Ðại đã giao tất cả
cung điện như là tài sản của quốc gia, trừ Cung An Ðịnh tại làng An
Cựu, nơi bà Từ Cung sinh sống, là tài sản riêng, do lương bổng của Vua
Khải Ðịnh xây dựng nên. Sau đó, chính “công dân” Vĩnh Thụy, bà Nam
Phương và các con đã về ở đó một thời gian, trước gia đình tan rã, mỗi
người một phương.
Cũng theo lời ông Bảo Ân, sau khi truất
phế Bảo Ðại, Cung An Ðịnh bị chính quyền tịch thu, bà Từ Cung trong lúc
đó đang đau yếu phải dọn ra một ngôi nhà nhỏ trong khuôn viên của cung.
Tuy vậy trong cuốn hồi ký của Vua Bảo Ðại, ông không hề có một lời trách
móc oán hận về chuyện bị đối xử tệ bạc này.
Tại Huế, ông Bảo Ân theo học tại trường Thiên Hựu (Providence) do các linh mục quản nhiệm. Ông tâm sự rằng, tuy sống trong một gia đình Phật Giáo thuần thành, ông lại phải theo học từ nhỏ đến lớn tại các trường nhà dòng, nên ông còn thông thuộc kinh Thiên Chúa Giáo hơn một người theo đạo Chúa khác.
Bà Phi Ánh thời xuân sắc. (Hình: Tài liệu của ông Bảo Ân)
Sau thời gian ở Huế, Bảo Ân trở lên Ðà Lạt rồi về Sài Gòn. Tới tuổi quân dịch, năm 1970, chỉ mới có bằng trung học, ông vào quân trường Quang Trung, rồi phục vụ tại Trung Tâm 3-Tuyển Mộ Nhập Ngũ Sài Gòn. Không hiểu vì lý do gì, năm 1972, ông Bảo Ân bị thuyên chuyển ra SÐ3 tại Quảng Trị, nhưng khi ra đến nơi, sư đoàn đã tan hàng nên ông được trở về đơn vị gốc.
Cố gắng đến trường, và cuối cùng, trước
khi Sài Gòn thất thủ, ông Bảo Ân là sinh viên năm thứ hai phân khoa
Thương Mại tại Ðại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn.
Sau năm 1975, bà Phi Ánh sống trong cô
đơn tại Sài Gòn và qua đời vào năm 1984, ở tuổi 62. Cô Phương Minh, chị
ruột của ông Bảo Ân, lấy chồng và lập nghiệp ở Pháp, ly dị, trước tháng 4
năm 1975 về Sài Gòn thăm thân mẫu và bị kẹt lại đây, sau đó được bảo
lãnh sang Hoa Kỳ lập nghiệp và qua đời vào năm 2012. Phần ông Bảo Ân,
lúc đó đã có gia đình nên phải sống dưới chế độ cộng sản thêm nhiều năm
nữa, cho đến 1992 mới được gia đình bên vợ bảo lãnh sang Mỹ.
Hai
nhân vật cuối cùng của giòng Vua Bảo Ðại: Nguyễn Phước Ðịnh Lai và Ðịnh
Luân (cháu nội của Bảo Ân). (Hình: Tài liệu của ông Bảo Ân)
Cựu Hoàng Bảo Ðại có gồm cả vợ và tình nhân là 8 người với 13 người con (tài liệu đã được ông Bảo Ân hiệu đính):
Vợ:
1. Nam Phương Hoàng Hậu. Có hôn thú, 5 con.
2. Bùi Mộng Ðiệp. Không hôn thú, 3 con.
3. Lý Lệ Hà. Không hôn thú, không con.
4. Hoàng Tiểu Lan. Không hôn thú, 1 con gái.
5. Lê Thị Phi Ánh. Không hôn thú, 2 con.
6. Vicky (Pháp). Không hôn thú, 1 con gái.
7. Clément. Không hôn thú.
8. Monique Marie Eugene Baudot. Có hôn thú, không con.
Con:
* Với Nam Phương Hoàng Hậu:
1. Thái Tử Nguyễn Phúc Bảo Long (4-1-1936/28-7-2007)
2. Công Chúa Nguyễn Phúc Phương Mai (1-8-1937).
3. Công Chúa Nguyễn Phúc Phương Liên (3-11-1938).
4. Công Chúa Nguyễn Phúc Phương Dung (5-2-1942).
5. Hoàng Tử Nguyễn Phúc Bảo Thăng (9-12-1943).
(Bốn người con còn lại của Bà Nam Phương hiện sống ở Pháp.)
*Với Thứ Phi Mộng Ðiệp, hai người con đầu hiện ở Pháp:
1. Nguyễn Phúc Phương Thảo (1946).
2. Nguyễn Phúc Bảo Hoàng (1954-1955).
3. Nguyễn Phúc Bảo Sơn (1957-1987), tử nạn tại Nhật.
*Với Hoàng Tiểu Lan:
1. Nguyễn Phúc Phương Anh, hiện sống ở Hawaii.
* Với Lê Thị Phi Ánh:
1. Nguyễn Phúc Phương Minh (1950-2012).
2. Nguyễn Phúc Bảo Ân (1951).
* Với bà Vicky
1. Nguyễn Phúc Phương Từ (Pháp).
“Họa vô đơn chí!”
Bảo Ân đã trao cho chúng tôi những trang nhật ký viết về cuộc sống của ông sau ngày 30 Tháng Tư 1975:
Ngày 30 Tháng Tư, nóng lòng vì không có
tin tức gì của Ðức Bà Từ Cung ở Huế, tôi ở lại Sài Gòn để ngóng tin nên
đã bỏ lỡ chuyến bay ra Hạm Ðội 7. Sau vài tuần đi ‘học tập cải tạo’ trở
về, Ủy Ban Quân Quản đến nhà tôi ở 213 Công Lý Q.1 yêu cầu chị Phương
Minh và tôi phải dọn ra trong vòng 24 tiếng đồng hồ vì họ nói nhà này
của tướng cảnh sát ‘ngụy’ Nguyễn Ngọc Loan.
Bức hình giống phụ hoàng nhất của “Mệ Bửu Ân”. (Hình: Tư liệu của gia đình)
Tôi không biết Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan có ở đây không? Thật ra biệt thự này ngày xưa là của Ðức Bà Từ Cung (mẹ Vua Bảo Ðại), ngài mua để khi vào Sài Gòn có nơi trú ngụ. Năm 1957 sau khi truất phế Vua Bảo Ðại, chánh quyền Ðệ Nhất Cộng Hòa đã tịch thu và sau này được Quốc Hội Ðệ Nhị Cộng Hòa với sự vận động tích cực của Trung Tướng TNS. Tôn Thất Ðính, chính quyền đã giao trả lại cho Ðức Bà Từ Cung và ngài ra lệnh lấy căn nhà trước lập bàn thờ Ðức Gia Long và văn phòng liên lạc bà con Nguyễn Phước Tộc, còn căn phía sau thì cho chị em chúng tôi ở.
Giấy tờ nhà đất chưa hoàn tất thì biến
cố 1975 xảy ra nên không có cái gì để chứng minh là nhà này của gia đình
chúng tôi. Vậy là hai chị em mau mau thu xếp đồ đạc, những gì có thể
mang được gì thì mang, còn những gì nặng nề không thể mang được thì bỏ
lại như tủ lạnh, bàn ghế tủ giường và nhiều thứ khác. Chị em chúng tôi
về nhà Me chúng tôi ở nhờ.
Vào một buổi sáng thức dậy xuống nhà lấy
vài vật dụng để xài, tôi không thấy cái vali quần áo mà tôi đã đem ra
được khỏi nhà 213 Công Lý để về đây, đó là cái vali độc nhất của tôi còn
lại, nay không cánh mà bay. Cuối cùng tôi tìm thấy một cái thư của chị
giúp việc cho Me tôi để lại, đại ý trong thư chị ta viết, trong hoàn
cảnh này, chị cần một số vốn để buôn bán nuôi con nên đã lấy cái vali
trốn đi, và mong tôi tha thứ cho chị. Thế là tay trắng hoàn trắng tay,
đành phải đi mua thêm quần áo để mặc.
Sống ở nhà Me tôi cho đến năm 1978 thì
Me tôi bị quy vào diện tư sản, bị cưỡng chế ra khỏi nhà và buộc phải đi
kinh tế mới trên cao nguyên. Vì không thể sống ở nơi rừng thiêng nước
độc nên cả nhà đều bỏ trốn về Sài Gòn, mỗi người đi mỗi nơi, trốn chui
trốn nhủi, không hộ khẩu, không chứng minh nhân dân, sống như những kẻ
bất hợp pháp. Me và chị Phương Minh thì sống lén lút trong nhà dì Phi
Hoa (vợ ông cựu Thủ Hiến Phan Văn Giáo), còn tôi thì ở nhờ nhà mẹ vợ,
mỗi tháng đều phải chi tiền cho công an khu vực nhưng vẫn lo sợ bị bắt,
nên ban ngày thì ngủ còn ban đêm thì mở mắt trao tráo để canh chừng công
an gõ cửa xét hộ khẩu thì lo leo sang nhà bên cạnh trốn cho mau.
Me tôi rất lo lắng sợ tôi bị bắt, bà nói
“Me và chị Phương Minh là đàn bà con gái, chắc không ai bắt đâu, còn
con là con trai, mà là con Vua Bảo Ðại nữa, ở đây nguy hiểm lắm.” (Lúc
đó chánh quyền đang tuyên truyền nói xấu nhà Nguyễn.) Me tôi ép tôi phải
ra đi, bà gom góp, vay mượn cho chúng tôi vàng để tìm đường vượt biên.
Tôi đi vượt biên tổng cộng ba lần, cả ba
lần đều bị lừa, hai lần vợ chồng con cái cùng đi, sau cùng hết tiền, Me
tôi chỉ còn đủ cho một mình tôi đi thôi, nhưng cũng bị lừa luôn, tuy
nhiên cũng còn may mắn vì chỉ bị mất vàng chứ không bị bắt vào tù.
Hết tiền, bà và chị Phương Minh đem nhẫn
kim cương đi bán thì bị cướp lấy mất, chúng còn xô chị Minh té trầy cả
mình mẩy. Tôi không dám làm phiền Me tôi nữa, vợ chồng tôi bàn với nhau
coi ra chợ trời xem thử có thể buôn bán gì được không? Thế là tôi bán
luôn hai chiếc nhẫn vàng, đó là quà kỷ niệm của Me tôi tặng khi tôi tốt
nghiệp trung học và một chiếc khi tôi vào đại học.
Gian nan chốn chợ Trời
Vợ chồng tôi bắt đầu ra chợ trời kiếm
sống bằng cách mua đi bán lại, các bạn hàng ngoài chợ trời thấy hai
khuôn mặt ngơ ngơ ngác ngác, họ biết hai con nai này mới ra giàn, nên họ
có những món hàng mua cả năm rồi mà không bán được, dân Chợ Trời gọi là
“hàng ngậm,” họ giả dạng cho người khác đem đến bán cho chúng tôi, ham
rẻ chúng tôi mua vô và sau đó có những món hàng chúng tôi “ngậm” cho đến
ngày đi Mỹ vẫn còn trong nhà.
Gia đình “Mệ” Bảo Ân trong thời gian lăn lóc Chợ Trời. (Hình: Tư liệu của gia đình)
Thấy coi bộ bán Chợ Trời không khá, một dịp đi thăm người bà con ở Q.11, được biết người bà con này có phần hùn trong một xưởng sản xuất nước tương, vợ tôi mới bàn với tôi đổi cách làm bằng nghề đi bỏ mối ở chợ Bến Thành. Thế là vợ chồng tôi lại chuyển qua nghề bỏ mối nước tương, chúng tôi mua nước tương rồi thuê xe ba bánh chở từ Phú Thọ Hòa đến chợ Bến Thành.
Tôi đứng ở ngoài giữ hàng, còn vợ tôi
thì đẩy hàng vào chợ giao cho khách hàng, cô ấy không cho tôi vô chợ vì
sợ gặp người quen. Bỏ mối nước tương một thời gian, chính quyền không
cho xe ba bánh lưu thông những con đường chính trong trung tâm thành
phố, vả lại tôi thấy vợ tôi khiêng nặng và cực nhọc quá mà chẳng kiếm
được bao nhiêu nên vợ chồng tôi bàn nhau đổi nghề một lần nữa.
Số là khi đi lấy nước tương bỏ mối,
chúng tôi thấy trong khu vực này có vài xưởng làm dép cao su, bỏ mối dép
cao su nhẹ nhàng hơn, thế là vợ chồng tôi đến nói chuyện và xin mua về
để bán. Lúc đầu họ bảo chúng tôi phải đợi đến khi nào họ giao cho khách
hàng cũ của họ xong, nếu còn dư họ sẽ bán cho chúng tôi. Cả tháng trời,
mỗi ngày chúng tôi phải chờ đợi 3-4 tiếng đồng hồ mà chỉ lấy được vài lố
(12 đôi) dép, rồi chúng tôi đem những lố dép đó giao lại cho các tiệm
bán dép ở chợ Ðại Quang Minh, Chợ lớn.
Sau một thời gian quen rồi, chủ hãng
giao cho chúng tôi nhiều hơn và bạn hàng ở chợ, họ cũng đặt hàng nhiều
hơn. Có hôm chúng tôi bán được hơn năm mươi lố dép. Những người lấy mối
dép như chúng tôi thấy chúng tôi được chủ hãng giao cho một số lớn, họ
ganh tỵ, kiếm chuyện gây sự và dọa đánh chúng tôi, bọn họ thì đông, còn
chúng tôi chỉ có hai vợ chồng. Bán dép thì nhẹ nhàng hơn nước tương,
cũng kiếm tiền khá hơn nhưng bây giờ chúng tôi cảm thấy không còn an
toàn nữa, mỗi lần đi lấy hàng phải nhìn trước ngó sau xem có ai phục
kích mình không?
Tôi thì lo cho vợ tôi, nhưng ngược lại
nàng nói nàng không sợ mà chỉ sợ cho tôi. Cô ấy nói nếu tôi có mệnh hệ
nào thì Me tôi sẽ oán trách cô ấy, vì ngay cả chuyện đi bán Chợ Trời, bỏ
mối nước tương hay dép chúng tôi đều giấu mẹ tôi. Nghĩ mình đang sống
bất hợp pháp, không có một tờ giấy lận lưng, nay đi gây chuyện với người
ta, công an mà bắt được thì đi tù là cái chắc, nên vẫn trông có dịp
kiếm cách khác làm ăn.
Trong một dịp tình cờ đi ngang qua đường
Nguyễn Thái Bình, Q.1, tôi gặp lại anh bạn thương phế binh tên Quân,
con Ðại Úy Hải, trưởng ban an ninh trong Quân Trấn, mà chúng tôi quen
nhau trước 1975. Nhà anh ở trong Quân Trấn, Sài Gòn-Chợ Lớn, nơi trước
kia tôi làm việc. Hiện nay, anh đang mua bán đĩa nhạc trên lề đường
Nguyễn Thái Bình. Kỳ này tôi nói vợ tôi ở nhà chăm sóc con cái, để tôi
ra gặp và hùn vốn với Quân.
Sáng chúng tôi đứng ở Nguyễn Thái Bình
để thu mua đĩa, chúng tôi chỉ mua nhạc hòa tấu thôi, buổi chiều thì
chúng tôi đi xe bus đến các quán cafe nhạc ở Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Ðịnh để
bán. Thời gian này, nhà nước chỉ cho phép các quán cafe mở nhạc không
lời mà thôi, nên các đĩa nhạc hòa tấu càng ngày càng khan hiếm khó mua.
Chúng tôi lại xoay qua buôn bán đủ thứ, cái gì có lời là chúng tôi mua
vào.
“Công Chúa” Phương Minh và “Hoàng Tử” Bảo Ân bên cạnh mẹ trong thời gian thơ ấu ở Ðà Lạt. (Hình: Gia đình cung cấp)
Tôi có một kỷ niệm không bao giờ quên được là, có một lần con trai tôi là Quý Khang đòi theo cha ra chợ Trời chơi, lúc đó Quý Khang mới ba tuổi, đến trưa Quý Khang buồn ngủ, tôi đang bận coi hàng nên không thể chở Khang về, nên trải tạm tờ báo ra lề đường cạnh chỗ tôi ngồi bán hàng để cháu nằm ngủ. Nhưng xui xẻo làm sao, đúng lúc đó công an và quản lý thị trường đem xe đến hốt những người chiếm lòng lề đường để buôn bán, thương binh Quân thì tàn tật không chạy nhanh được nên tôi phải phụ Quân gom hàng chạy cho nhanh, nếu họ bắt được thì hàng mất, còn tôi chắc cuộc sống của tôi cũng bi đát luôn, quýnh quáng quá lo chạy, nên bỏ quên thằng con đang nằm ngủ ngon lành trên lề đường. Lúc đó đường Nguyễn Thái Bình vắng tanh không còn một bóng người, chỉ còn Quý Khang đang nằm ngủ trên tờ báo, đúng như thành ngữ “đem con bỏ chợ!”
Quân theo gia đình đi Mỹ theo diện H.O.
trước chúng tôi. Sau này qua Mỹ gặp lại anh ở Garden Grove, Quân nhỏ
tuổi hơn tôi, chưa lập gia đình vẫn ở với cha mẹ, anh bị tàn tật nên
cũng khó lấy vợ, còn gia đình tôi ở Westminster, lâu lâu Quân đến nhà
tôi ăn cơm, ngồi ôn lại những ngày tháng vui buồn chợ Trời. Tiếc là ngày
nay Quân đã ra người thiên cổ.
Gian nan những chuyến đi
Khoảng cuối năm 1975, bà Phi Ánh vào Tòa
Ðại Sứ Pháp tại Sài Gòn, yêu cầu xin cho toàn gia đình (gồm cả chồng,
con riêng và con của cựu hoàng) được đi Pháp. Ít lâu sau, qua ông đại sứ
Pháp, Cựu Hoàng Bảo Ðại chỉ chấp thuận cho bà Phi Ánh và hai con sang
đoàn tụ và tòa đại sứ đã nhanh chóng cấp Laissez-Passer cho bà Phi Ánh,
Phương Minh và Bảo Ân. Tuy nhiên, Phương Minh đã có thời gian sống ở
Pháp, nói rằng đời sống ở Pháp rất khó khăn, và tuy vì tình thương con,
cựu hoàng thật ra không đủ khả năng bảo trợ nuôi dưỡng ba người. Mặt
khác gia đình của bà Phi Ánh không thể chia cắt như thế, và Bảo Ân cũng
không thể bỏ vợ con ở lại, nên chuyện ra đi không thành.
Ông Bảo Ân và Thứ Phi Mộng Ðiệp trước tranh vẽ Cựu Hoàng Bảo Ðại (Paris 2004)
Năm 1978, người chồng sau của bà Phi Ánh vượt biên sang Mỹ thành công, gửi giấy bảo lãnh về, nhưng lúc ấy Bảo Ân đã có gia đình, không đủ điều kiện ra đi. Trong khi chờ đợi đi Mỹ, bà Phi Ánh mắc bệnh ung thư và qua đời năm 1984. Năm 1985, bà Phương Minh và các con riêng của bà Phi Ánh đi định cư ở Mỹ.
Mãi đến năm 1992, gia đình ông Bảo Ân
được gia đình bên vợ bảo lãnh, sang Mỹ và định cư tại quận Cam từ đó đến
nay. Những năm đầu tiên, cũng như bao nhiêu người mới sang khác, bà Bảo
Ân phải ngồi shop may suốt ngày, ông làm trong một hãng in áo T-shirt
và về sau sang làm cho một hãng Nhật chuyên sản xuất CD tại Garden
Grove.
Con trai ông Bảo Ân, cháu đích tôn của
Cựu Hoàng Bảo Ðại, Nguyễn Phước Quý Khang tốt nghiệp UCI về ngành thương
mãi và hiện làm cho một công ty ngoại quốc ở Sài Gòn.
Xây mộ cho phụ hoàng
Gia đình Bảo Ân đến Mỹ năm 1992 nhưng vì
thất lạc hồ sơ nên đến năm 2005 gia đình mới có quyền công dân. Cầm
passport trong tay, quốc gia đầu tiên mà ông muốn đến là Pháp, để thăm
mộ cha, điều mà ông mơ ước từ lâu, nhưng chưa có cơ hội thực hiện. Ông
Bảo Ân đã liên lạc với một người bạn ở Paris là Ðặng Văn Phụng, nhờ vợ
chồng người này đi xem thử tình trạng ngôi mộ của Vua Bảo Ðại hiện nay
tại nghĩa trang Passy thuộc hạt Trocadero Paris 16e ra sao. Theo lời kể
của ông Bảo Ân, người bạn này suốt một ngày đi tìm, đọc hết các tấm bia
mộ mà không không thấy, nghi ngờ rằng cựu hoàng không được chôn cất tại
đây. Ông Bảo Ân gợi ý cho người bạn là nên đi tìm người gác nghĩa trang
để hỏi, mặc dầu với bản sơ đồ trong tay, cuộc tìm kiếm cũng không kết
quả. Một lần khác, trong khi đang đứng gần ngôi mộ của cựu hoàng, người
bạn này tình cờ gặp và hỏi một người cảnh sát già về ngôi mộ của “Sa
Majesté Bảo Ðại,” thì ông này chỉ ngay vào ngôi mộ gần đó. Ðó là một
ngôi mộ không có bia, không khắc tên, chỉ trơ trọi hai tấm “đan” xi măng
sần sùi, với mấy chậu hoa đã quá cũ kỹ qua thời gian. Người bạn của anh
nhìn xuống ngôi mộ mà bật khóc. Nơi yên nghỉ của một ông vua mà như thế
này sao?
Ông Bảo Ân hồi tưởng: “Nghe anh kể mà
tôi khóc nức nở, thật là tội nghiệp cho cha tôi, cha nằm đó lạnh lẽo như
một kẻ vô danh đã 8 năm rồi, không ai biết để thắp một nén nhang cho
cha ấm lòng.”
Ông Bảo Ân ngậm ngùi trước ngôi mộ đơn sơ của cha
Nghĩa trang Passy ở Paris là một nghĩa trang nổi tiếng được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX, nơi chôn cất nhiều nhân vật lừng danh của thế giới như tài tử phim hài Fernandel (1903-1971,) nhà văn Virgil Gheorghiu (1916-1992,) họa sĩ Edouard Manet (1832-1883,) người sáng lập công ty xe hơi Marcel Renault (1872-1903,) Tổng Thống Pháp Alexandria Millerand (1859-1943)… Cũng theo lời kể của ông Bảo Ân, Vua Bảo Ðại không tiền và cũng không có thế lực để được chôn cất tại đây, đây là phần mộ của một thương gia giàu có ở Paris, rất kính trọng cựu hoàng, khi nghe ông qua đời đã hiến phần đất này cho ngài. Về việc xây mộ cho Cựu Hoàng Bảo Ðại, khi ông từ trần ở Paris, chỉ có người vợ cuối cùng của ông là bà Monique Baudot, người Pháp ở bên cạnh, và trên pháp lý, chỉ có bà Monique, người vợ có hôn thú còn sống mới có quyền xây mộ cho ngài. Theo sự hiểu biết của ông Bảo Ân, bà Thứ Phi Mộng Ðiệp và các con tuy có tiền nhưng lại không muốn giao cho bà Monique xây mộ. Lúc sinh thời, Thái Tử Bảo Long không làm được, gia đình bên các công chúa không làm được, phía Nguyễn Phước Tộc cũng không làm được vì không có sự đồng ý của bà Monique, thậm chí hội này có quyên góp và giao lại cho bà Monique một số tiền để xây mộ nhưng không có kết quả… Nhiều người giàu có muốn xây mộ cho Vua Bảo Ðại để lấy tiếng cũng bị bà Monique cản trở.
Ông Bảo Ân rất xúc động và đau lòng khi
nghe người bạn từ Paris mô tả những gì về ngôi mộ này, nên muốn nhờ
người bạn đi kiếm người làm một tấm plaque khắc tên Vua Bảo Ðại đặt trên
ngôi mộ và sau này có thể xúc tiến việc xây mộ cho ngài. Người bạn tìm
đến ông Nguyễn Duy Hiệp, một người Việt, có dịch vụ chuyên lo về thủ tục
mai táng của thành phố Paris. Ông này khi nghe nói đến có một người con
cựu hoàng hiện ở Mỹ có quan tâm đến ngôi mộ, ông rất cảm kích và ngỏ ý
ông sẽ liên lạc với bà Monique để có thể tiến hành việc xây mộ. Ông
Nguyễn Duy Hiệp giải thích là bà Monique có nhờ ông quyên tiền để xây mộ
cho cựu hoàng, nhưng trong ba năm, ông chỉ nới quyên được 1,200 Euros,
vậy nếu “Mệ” Bảo Ân có khả năng làm được, “thì mời sang Paris, chúng ta
sẽ bàn tiếp”.
Một chủ công ty mộ bia ở Paris là ông
Cridel thấy hoàn cảnh của Cựu Hoàng Bảo Ðại đáng thương nên đã gặp bà
Monique, và điều đình với bà, nếu bà bằng lòng thì ông sẽ thực hiện bản
vẽ và ông sẽ giúp 50% phí tổn xây cất. Ông Nguyễn Duy Hiệp cũng góp lời
thuyết phục, cuối cùng bà Monique đồng ý và giao cho ông Hiệp gây quỹ
trong bà con cộng đồng Việt Nam.
Ông Bảo Ân và con trai, Quý Khang, cháu đích tôn của Cựu Hoàng Bảo Ðại bên ngôi mộ mới vừa hoàn thành.
Gây quỹ
Tốn phí cho công trình xây mộ ước tính
ban đầu là khoảng 25,000 Euros. Công ty Cridel chịu 50%, ông Nguyễn Duy
Hiệp quyên được 3,000 và cá nhân ông đóng thêm 1,000, chùa Tịnh Ðộ đóng
góp 1,000, các vị đạo hữu Cao Ðài cho được 400. Số tiền còn lại do các
vị trong cộng đồng Việt Nam đóng góp. Xúc động nhất là có 1 cháu gái gởi
tới 5 Euros kèm theo bức thư đại ý là cháu còn đi học không có nhiều
tiền nhưng thấy thương ông vua của mình quá nên xin được đóng góp để xây
mộ cho ngài. Như vậy còn thiếu khoảng 9,000 Euros cho nên việc xây mộ
đã chờ đợi hơn 3 năm nay rồi mà không thực hiện được. Sau sự tường trình
của ông Nguyễn Duy Hiệp, ông Bảo Ân hứa sẽ cung cấp số tiền còn lại.
Ông Bảo Ân cũng cho chúng tôi biết, qua Mỹ phải làm ăn vất vả, không có
tiền, tuy vậy ông đã “cà” tất cả thẻ “credit” ông có mới có đủ tiền xây
mộ cũng như trang trải tốn phí cho những chuyến đi sang Pháp.
Năm 2005, ông Bảo Ân qua đến Pháp, việc
đầu tiên là đến gặp ông Cridel để xem bản vẽ, để xem có cần sửa chữa gì
không? Ghi khắc tên tuổi của cựu hoàng trên bia đá như thế nào? Ðể khắc
chữ bằng vàng trên bia mộ, phải tốn thêm 2,200 Euros. Sau khi bà Monique
chấp thuận, ông Cridel sẽ cho xúc tiến xây mộ ngay lập tức, và khi nào
hoàn tất, ông sẽ báo cho ông Bảo Ân trở qua Pháp để tổ chức lễ tưởng
niệm và cầu siêu cho cựu hoàng.
Khi được thông báo công việc êm xuôi,
cuối năm 2006, ông Bảo Ân trở lại Paris. Ông “chạm trán” bà Monique tại
phần mộ của cựu hoàng. Bà Monique nổi tiếng là khó khăn, câu nói đầu
tiên của bà Monique khi nhận ra Bảo Ân là “mắng” ông sao sang Paris mà
không đến thăm viếng bà theo phép lịch sự, trong khi đó lại đến thăm bà
Mộng Ðiệp. Ông Bảo Ân đành lấy lý do ông không rành tiếng Pháp và không
biết đường sá.
Bà Monique cũng than phiền là các con Vua Bảo Ðại “làm phiền bà quá nhiều!”
Việc ông Bảo Ân xây được mộ cho cựu
hoàng cũng là do duyên định, hình như vua cha dành cho ông vinh dự này
vì gần 10 năm nay, không ai có thể thuyết phục được bà Monique để cho họ
xây mộ của Vua Bảo Ðại, trong khi chính bà lại không có tiền hay không
muốn xây mộ.
Bốn chữ “Bảo Ðại Sắc Tứ” được khắc trên đầu bia mộ.
Ngoài các dòng chữ do ông Bảo Ân soạn khắc trên bia mộ, bà Monique đã quyết định là khắc thêm hình ảnh kim khánh bốn chữ “Bảo Ðại Sắc Tứ”(*) khắc trên tấm bia, mà có lẽ những người làm bia mộ, không ai biết ý nghĩa của nó. Trước ngày khánh thành, ông Bảo Ân cho bà Monique hay là ông sẽ đem lá cờ vàng ba sọc đỏ vào treo trước ngôi mộ, vì đây là lá cờ ngày 2 Tháng Sáu năm 1948, chính phủ của Quốc Trưởng Bảo Ðại (với Thủ Tướng Nguyễn Văn Xuân) đã chính thức dùng làm quốc kỳ của quốc gia Việt Nam. Cuộc thương thảo bất thành vì bà Monique không bằng lòng và de dọa sẽ gọi cảnh sát can thiệp nếu ông Bảo Ân đem lá cờ VNCH vào lễ khánh thành.
Con trai của cựu hoàng phản đối bằng
cách không đến tham dự lễ khánh thành ngôi mộ của cha, và bài diễn văn
soạn sẵn, với tư cách là đại diện của gia đình Vua Bảo Ðại, để cám ơn
các quan khách và hội đoàn người Việt tại Paris, sẽ không bao giờ còn cơ
hội để đọc nữa.
Ngày khánh thành mộ cựu hoàng có đủ các
chức sắc thành phố, các hội đoàn người Việt ở Paris, nhưng lại vắng bóng
các “Mệ” con của Vua Bảo Ðại, ngoài lý do trên của Bảo Ân, không ai
muốn gặp mặt bà Monique. Ông Bảo Ân cho biết lý do, nếu ai đến, tức là
đã công nhận bà Monique trong vai trò người vợ chính thức của nhà vua,
đó lại là điều tất cả mọi người không ai muốn.
Ghi chú:
(*) Theo nhà biên khảo Võ Hương An, 4
chữ “Bảo Ðại Sắc Tứ” khắc trong kim khánh trên bia của lăng Vua Bảo Ðại
tại nghĩa trang ở Paris, nhìn thì đẹp nhưng không có nghĩa. Hai chữ sắc
tứ (hay có khi là ân tứ) được dùng khi vua ban thưởng một vật gì đó cho
bầy tôi; ở đây, Vua Bảo Ðại đã là vua rồi thì không viết “Bảo Ðại Sắc
Tứ” được. Nếu muốn trang trí thì nên ghi “Bảo Ðại Hoàng Ðế”.
Trong bài báo này chúng tôi dùng tiếng
“mộ” để chỉ nơi an nghỉ của Cựu Hoàng Bảo Ðại. Nhưng theo sách vở triều
Nguyễn, mộ của Hoàng Ðế, Hoàng Hậu, Thái Hậu được gọi là “lăng,” còn
ngoài ra, dân thường và quan lại, dù đến nhất phẩm triều đình cũng chỉ
được gọi là “mộ.”
Những đoạn đời gian truân
Ông Bảo Ân nhớ lại: Nếu không có chuyện
tịch thu tài sản và nhà cửa của bà Phi Ánh, mẹ ông, thì không có cảnh
gia đình tan tác, mẹ con mỗi người mỗi ngả và lâm cảnh túng bấn.
“Cuộc đời đôi khi giống như một vở
kịch.” Ông Bảo Ân tâm sự: “Ngày hôm đó thật là một ngày buồn thảm đáng
ghi nhớ, trời đã tối rồi mà ba mẹ con chúng tôi vẫn chưa tìm ra chỗ để
dung thân, đi tới đâu ai cũng khéo léo từ chối, không ai còn muốn dính
dáng tới chúng tôi nữa. Ông ngoại nói với dì Phi Hoa để cho chúng tôi
tạm trú, mặc dầu gia đình bà cũng đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì có
liên hệ đến Quốc Trưởng Bảo Ðại như chúng tôi.
Một thời gian khi thấy tình hình bên
ngoài tạm yên, Me tôi quyết định cho chúng tôi đi học lại. Me tôi nhờ
ông ngoại đến trường ghi danh cho chúng tôi, nhưng ông ngoại tới đâu,
sau khi xem ‘lý lịch’ họ đều khéo léo từ chối, mà không nói lý do. Chị
em chúng tôi đành phải ở nhà chơi một năm không đến trường. Sau đó chúng
tôi phải tìm giải pháp là làm lại giấy khai sinh, lấy họ mẹ, từ dòng
dõi nhà Nguyễn đổi thành con cháu họ Lê. Chúng tôi đã trở thành con
người mới, không còn dính líu gì đến chế độ cũ nữa, có thể gọi là ‘chối
bỏ nguồn gốc để tồn tại!’”
Trong thời gian này, bà Phi Ánh cũng
không dám liên lạc với Ðức Từ Cung vì sợ bị lộ tung tích, vì dầu sao Bảo
Ân cũng là giọt máu của cựu Hoàng Bảo Ðại duy nhất đang sống tại Việt
Nam.
Ông Bảo Ân tiết lộ, tên thật của ông do
bà Từ Cung đặt cho ông khi mới sinh ra đời là Bảo Khương. Khi làm lại
giấy khai sinh, ông đã đổi tên Bảo Ân và lấy họ mẹ. Sau này khi bà Từ
Cung và cựu Hoàng Bảo Ðại biết chuyện này, cũng đã rất thông cảm.
Năm 1964, bà Từ Cung đem Bảo Ân ra Huế ở
với bà để đi học, cho đến năm 1968, khi biến cố Mậu Thân xảy ra, sau
khi Việt Cộng rút ra khỏi Huế, bà Phi Ánh lo sợ cho con, nên đã nhờ một
người trong Nguyễn Phước Tộc là ông Bửu Nghi, xin với Thiếu Tướng Nguyễn
Cao Kỳ một chiếc trực thăng để đưa Bảo Ân từ sân Phú Văn Lâu lên phi
trường Phú Bài, và từ đây ông đi theo máy bay C.130 chở tử sĩ và thương
binh về Sài Gòn. Mười hai năm sau, 1980, “Mệ” Bảo Ân và chị là Phương
Minh đã trở lại Huế để thọ tang bà nội là Ðoan Huy Hoàng Thái Hậu, tức
là Ðức Bà Từ Cung.
Việc tịch thu tài sản của gia đình Quốc Trưởng Bảo Ðại
Nhiều người biết chuyện Quốc Trưởng Bảo
Ðại bị ông Ngô Ðình Diệm truất phế trong cuộc “trưng cầu dân ý” vào ngày
23 Tháng Mười năm 1955, nhưng ít ai biết đến việc tài sản của toàn gia
đình những người liên hệ với Quốc Trưởng Bảo Ðại (kể cả vợ không hôn
thú) và của các ông Vĩnh Cẩn, Nguyễn Ðệ đều bị tịch thu. Thân mẫu của
Quốc Trưởng Bảo Ðại, Ðức Từ Cung phải dọn ra khỏi Cung An Ðịnh.
Câu hỏi của chúng tôi đối với ông Bảo Ân
là, phải chăng việc tịch thu tài sản này là do cấp dưới, tùy tiện, “lấy
điểm” mà không phải do chủ trương, chính sách của cấp trên?
Công báo VNCH ngày 22 Tháng Ba 1958.
Ông Bảo Ân đã cho chúng tôi xem một tài liệu cũ mà ông đã lưu giữ từ 56 năm qua, tờ Công Báo Việt Nam Cộng Hòa ngày Thứ Bảy 22 Tháng Ba 1958, ấn hành bởi tòa tổng thư ký Phủ Tổng Thống, “bảng phụ đính vào quyết định số 400.BTC/DC ngày 14 Tháng Ba 1958 của ông bộ trưởng tài chánh chỉ định những tài sản của Bảo Ðại và bộ-hạ đặt dưới đạo luật số 17/57 và 16-2-1957 và sắc lệnh số 122-TC ngày 27-02-1958 chỉ định tài sản tịch thu” của:
- Vĩnh Thụy tức Bảo Ðại.
- Marie Jean Nguyễn Hữu Hào, tức Nguyễn
Thị Lan, tức Nam Phương Hoàng Hậu, vợ chính thức của Bảo Ðại. – Bùi Thị
Mông Ðiệp hay Bùi Mộng Ðiệp, vợ không chính thức của Bảo Ðại.
- Lê Thị Phi Ánh hay Lê Phi Ánh, vợ không chính thức của Bảo Ðại.
- Hoàng Thị Lang (hay Lan) tức Wong Y Lang, tức Jenny, vợ không chính thức của Bảo Ðại.
- Vĩnh Cẩn (anh em chú bác và là người
thân cận với cựu hoàng, thường được gọi là Hoàng Tùng Ðệ) và vợ chính
thức là Nguyễn Hữu Thị Bích Tiên.
- Nguyễn Ðệ (đổng lý văn phòng quốc trưởng ở Paris) và vợ là Bùi Thị Mão.
Tài sản bị chỉ định tịch thu gồm có bất
động sản như nhà cửa, lâu đài, biệt điện, đồn điền, các sở đất, các kho
chứa hàng, tất cả khí mãnh, dụng cụ trang bị cho các cơ sở trên, số tồn
khoản tại các nhà băng, các cổ phần trong các công ty, các số nợ cho
người khác vay, các loại xe hơi…
Chúng ta cũng biết là sau khi Quốc
Trưởng Bảo Ðại bị truất phế, An Ðịnh Cung, diện tích 16,584 m2, tọa lạc
tại bờ sông An Cựu Huế, tư sản của Vua Khải Ðịnh, không phải của triều
đình nhà Nguyễn, đã bị chỉ định là tài sản tịch thu của “Vĩnh Thụy tức
Bảo Ðại”. Thoạt đầu Ðức Từ Cung phải dọn qua tạm trú tại nhà thờ Kiên
Thái Vương, trong khuôn viên Cung An Ðịnh Cung, và sau đó ra ở tại ngôi
nhà ở địa chỉ 79D Phan Ðình Phùng, gần chợ An Cựu cho đến khi bà qua
đời.
Sống lưu vong, chết nghèo khó
Theo lời kể của thứ phi Mộng Ðiệp với
ông Bảo Ân, cuối năm 1955, sau khi bị truất phế, bề ngoài không ai biết
cựu hoàng nghĩ gì, nhưng theo bà, ông đã có một thời gian bị trầm uất,
mất ngủ và phải dùng thuốc an thần. Ông nói là ông rất lo cho Ðức Từ
Cung. Sau này nghe tin Ðức Từ Cung bị đuổi ra khỏi Cung An Ðịnh, cựu
Hoàng Bảo Ðại lại càng lo hơn, tối không ngủ được. Cựu hoàng hút thuốc
lá liên miên, và thường bỏ nhà đi “bụi đời” (nguyên văn), không biết đi
đâu, chỉ những lúc đau ốm hay cạn tiền mới trở về với bà Mộng Ðiệp.
Cũng theo lời tường thuật của ông Bảo
Ân: “Sau cú ‘sốc’ đó cựu hoàng không muốn tin ai nữa, không muốn tiếp
xúc với ai, ông bảo bà Mộng Ðiệp đưa tiền rồi đeo cái túi xách lên vai
đi 3-4 ngày, đôi khi đi cả tuần đến khi đau ốm hoặc hết tiền mới trở về.
Khi hết bệnh ông lại đi tiếp, hỏi ông đi đâu thì ông nói đi loanh quanh
đây thôi. Có khi bà Mộng Ðiệp phải bảo Hoàng Tử Bảo Sơn và anh Jean Bui
(con riêng của bà) theo dõi cựu hoàng, thì ông giận bà suốt hai tuần.
Có lần cựu hoàng lên cơn sốt rét nằm trên băng ghế, dưới hầm metro, cảnh
sát đem ông về đồn và gọi điện thoại cho Hoàng Tử Bảo Long đến bảo lãnh
ông về, rồi khi hết bệnh ông lại đi nữa.”
Thứ Phi Mộng Ðiệp nói với Bảo Ân: “Nhà
dì giống như cái trạm, hết tiền hay đau bệnh thì ngài mới về. Vì vậy khi
Hoàng Hậu Nam Phương qua đời năm 1963, ở Chabrignac, không ai biết ngài
ở đâu để thông báo. Ðiều này làm ngài rất buồn và cứ băn khoăn trách
móc dì mãi!”
Nghèo khổ và cô đơn
Năm 1967, Công Chúa Phương Minh sang
Pháp theo sự sắp xếp hôn nhân của gia đình nhưng không thành, thấy hoàn
cảnh của vua cha cô đơn và tội nghiệp, nên cô tình nguyện ở lại để săn
sóc cha.
Lúc này cựu hoàng đã dùng thuốc ngủ rất
nặng, có lần uống thuốc xong, nằm vắt tay lên trán, vừa suy nghĩ vừa hút
thuốc. Khi thuốc ngấm, ông ngủ hồi nào không biết, điếu thuốc trên tay
rơi xuống áo cháy phỏng cả ngực, nên lần sau mỗi lần ông dùng thuốc ngủ,
cô Phương Minh đứng đó canh chừng đến khi ông ngủ rồi mới dám đi làm
công việc. Tuy ở Paris, Phương Minh cũng chỉ gặp Hoàng Tử Bảo Long một
lần và chưa hề giáp mặt Bảo Thăng và các công chúa Phương Mai, Phương
Liên và Phương Dung. Quốc Trưởng Bảo Ðại có nhiều vợ và nhiều dòng con,
khi Nam Phương Hoàng Hậu qua đời, ông cũng không hay biết, điều đó đã
tạo thêm sứt mẻ trong gia đình.
Từ trái sang phải: Bà Ưng Thi, cựu Hoàng Bảo Ðại, bà Monique Baudot, ông Ưng Thi (Paris 1995). (Hình: Tài liệu của gia đình ông Bảo Ân)
Ðời sống ở Paris cũng khó khăn, vất vả,
cô con gái của cựu hoàng, phải đi làm tiếp viên trong một nhà hàng Trung
Hoa để có phương tiện để sống gần cha và chính cô, cũng phải nhận sự
trợ giúp từ mẹ ở Sài Gòn. Trong thời gian này, hầu hết sự chi dùng của
ngài là do tiền của Ðức Bà Từ Cung gởi qua. Mặc dầu các con cũng thường
hay lui tới thăm ngài, nhưng ngài không bao giờ đề cập đến vấn đề tiền
bạc, và cũng không ai nghĩ đến chuyện giúp đỡ ngài. Theo lời cô Phương
Minh kể lại, khi có tiền thì hai cha con rủ nhau đi nhà hàng, khi hết
tiền thì nhiều ngày chỉ có một bữa ăn.
Nhiều khi cạn tiền, túng thế, cựu hoàng phải bảo Phương Minh chạy đi “vay mượn” những người quen biết.
Cho mãi đến năm 1971, Phương Minh hay
tin mẹ đau nặng, cô trở về Sài Gòn và bị kẹt lại sau khi cộng sản chiếm
miền Nam. Cũng năm này, Bảo Ðại kết hôn với Monique Baudot, một phụ nữ
Pháp kém hơn 30 tuổi (Monique Baudot sinh năm 1946.) Bảo Ðại vào đạo
Thiên Chúa, có tên thánh là Jean-Robert.
Ở Paris, cựu Hoàng Bảo Ðại không có nổi
một căn nhà, nơi mà cựu hoàng ở với bà Monique trong những ngày cuối đời
là do một người Pháp yêu mến để cho cựu hoàng ở không lấy tiền. Có lần,
theo lời kể của bà Mộng Ðiệp, bà Monique đã xúi nhà vua kiện ra tòa án
để lấy các tài sản của bà thứ phi, nhưng nhà vua đã không bằng lòng.
Cuộc hôn nhân cuối cùng với bà Monique đã đưa đến chia rẽ trong gia đình
cựu hoàng, từ đó không ai đến thăm viếng ông nữa và gần như vị vua cuối
cùng của triều Nguyễn sống trong cảnh nghèo khó và cô đơn. Năm 1982,
nhân khai trương Hội Hoàng Tộc ở hải ngoại, Bảo Ðại lần đầu tiên sang
thăm Mỹ với tư cách cá nhân, cùng đi với cựu hoàng có bà Monique.
Sau khi cựu Hoàng Bảo Ðại kết hôn với bà
Monique thì các con đều xa lánh không lui tới, thăm viếng. Ông mất ngày
31 Tháng Bảy 1997 tại Quân Y Viện Val-de-Grâce, Paris, hưởng thọ 85
tuổi. Ðám tang Bảo Ðại được tổ chức một cách lặng lẽ vào lúc 11 giờ ngày
6 Tháng Tám năm 1997 tại nhà thờ Saint-Pierre de Chaillot số 35 đại lộ
Marceau, quận 16 Paris và linh cữu được mai táng tại nghĩa địa Passy
trên đồi Trocadero, không hề thấy sự hiện diện của thân thích gia đình,
trừ bà Monique, người vợ cuối cùng ở bên cạnh, với cờ tam tài của Pháp
Quốc và Hội Cựu Quân Nhân Pháp.
‘Hoàng Tử’ Bảo Ân xin hai chữ ‘công bình’
Ðể kết thúc 5 kỳ báo viết về cựu Hoàng
Bảo Ðại và tấm lòng của đứa con trai lưu lạc Bảo Ân, không có gì hơn là
mời bạn đọc hiểu nỗi lòng của ông, được ghi lại trong bài diễn văn thay
mặt gia đình, dự định đọc trong lễ khánh thành lăng mộ cựu Hoàng Bảo Ðại
năm 2006 không thành.
Hoàng Tử Bảo Ân đã biện bạch nỗi lòng
của một đứa con “bất hiếu” và xin hai chữ “công bình” cho phụ hoàng:
“Năm 1980 tại Huế, tôi đã từng khóc để tiễn biệt Ðức Bà Nội tôn kính của
chúng tôi là Ðoan Huy Hoàng Thái Hậu Từ Cung về với tổ tiên, liệt thánh
nhà Nguyễn. Một lần nữa, 1986, tôi lại khóc để vĩnh biệt mẹ thân yêu
của chúng tôi là bà thứ phi Lê Phi Ánh, và bây giờ, mặc dầu trễ chín năm
do hoàn cảnh, cuối cùng tôi cũng đến được nơi đây để mong một phần nào
làm tròn bổn phận của một đứa con hơn 50 năm qua, ao ước được gặp lại
cha mình, nhưng rồi mãi mãi niềm ao ước đó chẳng bao giờ thành hiện
thực. Ngày nay đứng bên mộ phần của cha, xin cúi đầu kính cẩn dâng lên
ngài lời cầu xin được tha tội!”
“Nói về cuộc đời của Cha tôi, lâu nay có
nhiều dư luận trái ngược nhau. Ngày hôm nay, bên mộ phần ngài, tôi
không muốn biện minh những gì ngài đã làm cho dân tộc của ngài, mà chỉ
xin quý vị, cùng tất cả những người Việt Nam khác, hãy bỏ qua những khác
biệt chính trị mà chỉ xét vấn đề trên từng bối cảnh lịch sử của đất
nước, xin vui lòng nhìn vào lương tâm mình, không phải để tìm trong đó
lòng bác ái hay một tình cảm riêng tư, bởi vì cha tôi, không muốn và
cũng không chờ đợi sự rộng lượng đó của quý vị, mà chỉ xin quý vị tìm
trong đó một đức tính cao thượng và lòng trung thực để trả lại cho ngài
hai chữ ‘công bình’ trong lịch sử.” (Bảo Ân)
Copy từ: Quê Choa’ blog
.........
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét