Nguyễn Huệ Chi
Đọc
bài viết “Ba ngàn chữ ký” của Facebooker Lưu Gia Lạc ngày 27-3-2014
khiến tôi sững sờ. Mỗi dòng chữ xúc động của tác giả phơi trải một sự
thật phũ phàng làm cho trái tim bất kỳ ai cũng phải đau thắt. Huống nữa
là tôi, một trong ba sáng lập viên và là người chủ trì trang Bauxite Việt Nam
trong gần suốt 5 năm. Hôm nay, vào lại đường link bài viết đó thì người
viết đã rút bài xuống. Ngạc nhiên, không hiểu vì lý do gì, tôi đành đi
tìm những thông tin xung quanh thầy giáo Đinh Đăng Định, người ký tên
vào bản Kiến nghị Bauxite đợt 4 với số thứ tự 679, lật giở lại một số
bài viết cáo buộc ông trên các loại báo chính thống, mới hay tội danh
đích thực bao trùm nhất người ta quy cho ông chung quy vẫn là việc ông
phản đối Dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Còn những tội khác như
“móc nối với các phần tử, tổ chức phản động trong và ngoài nước để xuyên
tạc chủ trương, đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước” (Người lao động
21/2/2012), “đòi đa nguyên đa đảng, phi chính trị hóa lực lượng CA,
quân đội và đòi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” (Công an Đà Nẵng,
21/2/2012), v.v. thì cứ đọc vào bản cáo trạng dành cho bất kỳ người dân
Việt nào có ý thức ít nhiều về quyền tự do dân chủ của công dân, từng
bị cơ quan chức năng khởi tố và kết án tù, cũng đều thấy câu chữ na ná
tuồng như cóp lại của nhau kể cả về câu chữ, cho đến cái chấm phẩy, hay
cách dùng những trạng ngữ “chặt chém”. Thế thì, dẫu có rút xuống khỏi
trang facebook, trước sau cái giá trị thông báo trong bài viết của người
ký tên Lưu Gia Lạc vẫn cứ còn nguyên. Giá trị thông báo ấy không phải
là ở sự định lượng – một con số ba ngàn chữ ký đã chính xác hay chưa,
thậm chí không có nghìn nào cả cũng vẫn không sao hết – bởi tinh thần
cốt lõi mà tác giả tóm bắt được trên gương mặt Đinh Đăng Định là cái
thái độ quyết liệt không đồng tình với một kế hoạch đào bới quặng mỏ tại
một vùng đất mà kéo theo nó là hàng chục thứ hệ lụy tày đình, do chính
người Tàu bày đặt ra và mớm ép, bắt Việt Nam thi hành.
Thì
ra, vào tháng Tư năm 2009, khi ba anh em chúng tôi, Phạm Toàn, Nguyễn
Huệ Chi, Nguyễn Thế Hùng đang căng đầu phấp phỏng tính toán với nhau về
một hình thức đấu tranh sao cho hiệu quả – để không đến nỗi không được
ai nghe, trở thành vô duyên, cũng không đến nỗi rước lấy tai họa “sứt
đầu bươu trán” – nhằm phản bác lại Dự án Bauxite Tây Nguyên mà viên Tổng
bí thư của đảng cộng sản thuở ấy mang từ nước Tàu về như một quả bom
hẹn giờ thẩy vào “sân” Nhà nước – mà Nhà nước thì cố nhiên ngồi trên đầu
hơn 85 triệu dân chúng Việt Nam – và được cả một bộ máy đảng răm rắp
tuân theo, lại được ông Chủ tịch Quốc hội bấy giờ đặc biệt “ưu ái” cho
lách luật bằng cách băm chặt thành nhiều khúc để ngân sách từng hạng mục
nằm dưới mức phải đưa ra thông qua ở Quốc hội, trong khi đó thì ông Phó
thủ tướng (mà nay đã “đổi ngôi” giữ chức Chủ tịch Quốc hội) đứng giữa
diễn đàn Quốc hội bặm miệng giơ tay chém chém vào không khí mà nói: “Bô
xít không thể không làm!”, đến nỗi những lá thư phản đối kiên trì của Võ
Đại tướng cũng như nhiều bản thỉnh nguyện của các bậc trí thức công
thần liên tiếp gửi lên các vị cầm chịch tối cao đều chẳng ăn nhằm gì;
đúng giữa cái lúc tình hình oi ngột như thế thì rải rác khắp nơi trên
đất nước từ Nam chí Bắc, ít nhất cũng có hàng chục, chưa nói có thể hàng
trăm, tấm lòng thao thức vì sự mất còn của dân tộc trước đại họa tiềm
tàng này, cũng đang ngày đêm trăn trở, giằng xé không nguôi, trong đó có
thầy giáo Đinh Đăng Định.
Và
rồi các kiến nghị dừng Dự án bauxite Tây Nguyên 1, 2, 3, 4, 5... đã lần
lượt tung ra, như những tiếng chuông mạnh gióng lên trong dư luận, khởi
sự từ đầu tháng Năm, liên tục kéo dài cho đến cuối năm 2009 (và cả năm
2010), cùng lúc với sự xuất hiện trang blog, kế đấy là trang mạng Bauxite Việt Nam,
được người Việt khắp trong và ngoài nước nhiệt liệt hưởng ứng, tạo nên
một không khí phấn động lạ thường. Việc ký tên vào Kiến nghị, từ chỗ là
một việc còn lạ lẫm ngỡ ngàng, xét về mặt tâm lý tiếp nhận, kể cả một
chút sợ hãi vô hình phảng phất đâu đó như một ám ảnh, đã nhanh chóng
chuyển thành thói quen, một việc làm đàng hoàng chính đáng, làm người ta
trở nên bạo dạn. Người ký tên mỗi đợt có lúc lên đến con số nghìn. Các
trang mạng bè bạn vì thế cũng bạo hẳn lên với những lời lẽ châm biếm sát
sườn, chua cay, chỉ trích thẳng thắn bất kỳ hành vi nào của những kẻ cứ
khăng khăng bám víu vào hàng loạt con số tính toán trên giấy để bênh
che cho cái Dự án mà ai có lương tri cũng biết là việc đùa với lửa vô
cùng dại dột. Thậm chí khi một nhân vật như Lê Dương Quang đại điện cho
TKV ra giữa Quốc hội lớn tiếng nhục mạ những người trí thức ký tên vào
Kiến nghị, rằng họ đã “ăn phải bả của thế lực thù địch” thì ông ta chỉ
chuốc lấy những tai tiếng tày đình vì chính hành vi “ăn có nói không”
của mình. Có thể nói một phong trào dân sự bắt đầu dấy lên từ đây, trên
một đất nước suốt hàng bao nhiêu năm vốn chỉ biết cúi đầu vâng lệnh
“đảng quang vinh”.
Về
phía những người xướng xuất Kiến nghị, phải nói cũng đã trải qua nhiều
chặng biến thái tâm trạng khác nhau. Nỗi lo lắng buổi đầu tiên đón đợi
phản hồi của dư luận là một hồi hộp khôn tả. Tôi còn nhớ đã phải canh
giờ chờ đợi VTDH từ Paris gọi điện về báo tin chị đã liên lạc được với
GS Trần Văn Khê để cho tôi nói chuyện trực tiếp với ông, trong bụng đang
không thật tự tin bỗng thở phào sung sướng khi đầu dây bên kia vị GS
già cất tiếng nhận lời ký tên. Và khi con số người ký mỗi ngày một tăng,
mỗi đợt lại có thêm hàng trăm người mới xin ghi danh, và hàng ngày cả
ba sáng lập viên đều nhận rất nhiều thư điện tử phản hồi cổ vũ, thì
chúng tôi bỗng trở nên vững bụng hơn, có khi chuyển từ trạng thái căng
thẳng ban đầu sang cái thái cực gọi là lạc quan tếu nữa, vì nghĩ rằng
thế nào thì ông đảng và ông nhà nước cũng sẽ phải thột tỉnh trước “cánh
chim báo bão”, sẽ lắng nghe và chấp nhận tiếng nói của “lòng dân”. Trong
vòng 4 tháng tính từ đầu tháng Năm 2009, Kiến nghị bauxite đúng là
“diều gặp gió” cứ thế mà bay lên.
Chúng
tôi lạc quan đến mức vào cuối thu 2009, cả một dải miền Trung đất nước
gặp “bão dồn lũ dập”, anh em đã hăng hái bàn nhau cho phát ngay lên mạng
lời kêu gọi quyên góp tiền bạc nhằm tổ chức cứu trợ lụt bão. Và sau khi
nhận được một khoản kinh phí khá lớn trong một thời gian tương đối
ngắn, trong đó người đóng góp lớn nhất và tích cực nhất là TS. Phùng
Liên Đoàn – ông đóng dôi ra cho chúng tôi đủ tiền đi lại – chúng tôi
liền lập hai đoàn cứu trợ xuất hành cách nhau chưa đầy một tháng, với sự
giúp đỡ tận tình của anh em trí thức Đà Nẵng, lần thứ nhất vào đến Phú
Yên, ra cả đảo Lý Sơn và lần thứ hai lên đến tận Tumơrông Tây Nguyên.
Ở
bất kỳ nơi nào chúng tôi tìm đến, người dân cũng bộc lộ những tình cảm
đôn hậu, chân thành. Tôi không thể nào quên được cái ngày chạy xe một
mạch từ Đà Nẵng vào Phú Yên, phát được cho 12 gia đình thì trời tối phải
quay ra. Nhưng khi xe vừa ngang qua cổng Ủy ban xã thì một người chạy
bổ từ trong sân ra chắn ngay trước xe. Mở cửa bước xuống là một bộ mặt
đen thủi, gầy tọp, râu ria tua tủa, đứng đối diện với tôi. “Em là Chủ
tịch xã đây. Chỉ có một yêu cầu. Mai các anh chị thế nào cũng quay lại.
Vì chỉ mới được có bằng nấy gia đình. Bao nhiêu người sập hết nhà và
chết người nữa, chưa có gì ngoài mấy ký mì và chai nước mắm của một đoàn
đến trước. Không quay lại thì dân họ xé thịt em ra”. Nghe lời nói thẳng
tuột của anh, chúng tôi không thể không thay đổi chương trình, nhận lời
thêm vào lịch trợ cứu cho Phú Yên một ngày nữa. Nhưng trước khi ra nhà
trọ còn được nghe thêm anh Chủ tịch xã phơi bày gan ruột – nghe mà không
hết ngạc nhiên, cảm động: “Em trông già sụm thế này nhưng mới xấp xỉ 30
thôi đấy. Thức trắng từ hôm nước tràn về đến nay. Mới tốt nghiệp Đại
học Kinh tế tại Sài Gòn được mấy năm. Đại học chính quy hẳn hoi”. Hôm
sau y hẹn, chúng tôi quay lại phát khắp lượt bà con trong xã của anh,
trong đó có một gia đình phải đến tận nơi theo lời yêu cầu của anh Chủ
tịch – để hiểu được người ta đang phải chịu đựng mất mát như thế nào.
Gia đình này có hai vợ chồng trẻ mà chồng còn mếu máo được vài câu, còn
vợ thì cứ ngồi ngây ra không nói không rằng, nhìn chúng tôi trừng trừng.
Hỏi ra mới biết vì đập thủy điện xả van nên nước ập về nhanh quá, gia
đình có hai con một trai một gái vội đẩy con lên bàn còn vợ chồng đứng
dưới đất, nào ngờ dòng nước quái ác xoáy đúng vào cái bàn, và sau khi
nước rút nơi đấy chỉ còn là một lỗ trũng sâu hoắm. Cách nhau gang tấc mà
bố mẹ sống trong khi con mất dạng. Tôi cũng không thể nào quên được cặp
mắt một bé gái ở Lý Sơn, cặp mắt mở to đứng ở cửa nhìn hút theo chúng
tôi, khi cả đoàn từ trong nhà em đi ra: đấy là một mẹ và 5 con còn bé
choắt, đầu đứa nào cũng chít vành khăn trắng, mẹ chỉ biết khóc vùi, vì
bố vừa rơi từ mái nhà xuống chết đúng trong cơn bão. Tôi càng găm vào
trí mình ấn tượng một ngày nhịn đói nhịn khát ròng rã lội suối trèo đèo,
vượt qua vô số đoạn đường sạt lở thành sông, để mang niềm vui, dẫu rằng
chỉ gói trong mấy xe tải chở tôn và một số tiền không nhiều nhặn gì cho
lắm, đến với bà con Xơ Đăng ở Tumơrông vốn đang bị sập hết những ngôi
nhà sàn vì lũ cuốn. Tuy ngay trong đêm ấy, đứng ở giữa mảnh sân Ủy ban
xã đón cơn gió lạnh cao nguyên thổi lộng óc, nhìn sang thân thể liêu
xiêu vì đói của anh Phạm Toàn đứng kế bên, tôi đã linh cảm một điều gì
đó chẳng lành, nước mắt bỗng ràn rụa chảy ra khiến Toàn và TN phải nắm
chặt lấy tay, vỗ về: “Bình tâm đi!”. Nhưng cũng chỉ là một linh cảm
thoáng qua rồi tắt nhanh, bởi trong lòng vẫn tràn trề hy vọng, tin vào
chính đại quang minh của những việc mình làm.
Chúng
tôi đã bé cái nhầm. Người ta đâu có cần mình nói lời nói thẳng. Những
lời nói thẳng vì lợi ích đất nước nhưng lại xóc vào gan ruột những ai ai
đấy. Chúng tôi quên mất rằng lợi ích dân tộc từ lâu rồi đã bị lợi ích nhóm giày đạp và xé cho tơi tả. Cho đến vài ngày cuối năm 2009, khi trang Bauxite Việt Nam
bất ngờ bị đánh sập, và những lá thư nặc danh bôi nhọ giữa Phạm Toàn và
tôi được ném lên mạng thì chúng tôi mới vỡ lẽ về sự thơ ngây nông nổi
của mình. Và rồi một cuộc khám nhà, khám máy tính, và 22 ngày thẩm vấn
liên tục tiếp theo đã mở mắt cho tôi. Mọi hy vọng mơ hồ cứ thế tắt lịm
đi. Cho đến hôm nay, khi thực tế sờ sờ về tai họa nhãn tiền của dự án
Bauxite Tây Nguyên – chỉ mới tính riêng về mặt kinh tế – đã hiển hiện và
được báo chí phơi bày, cả Phạm Toàn và tôi cũng không còn lạc quan mấy
nỗi. Sự đời là thế, dẫu biết chết mười mươi đi nữa, những kẻ “theo lao”
đâu có chịu dừng lại. Những con bạc khát nước ấy sẽ đâm đầu vào Cái Chết
cho đến khi trắng mắt. Nhưng đó là nói lẽ đời, chứ cụ thể ở đây thì
chết là chết Dân, chết Nước chứ “đương sự” có chết đâu. Họ vẫn sống
khỏe, còn khỏe hơn khi chưa “đâm đầu” là khác. Và trên con đường của
những con thiêu thân thần kỳ nọ, người ta sẽ không nể nang gì mà không chà đạp, nếu chà đạp được, lên thân phận của cái thằng mình.
Bài
học rõ ràng nhất chính là trường hợp thầy giáo Đinh Đăng Định. Đọc bài
viết về Đinh Đăng Định của Lưu Gia Lạc mà không khỏi bàng hoàng biết ông
là một nạn nhân tồi tệ của chuyện ký tên vào Kiến nghị Bauxite.
Không, bài của Lưu Gia Lạc đã rút xuống nên chuyện ấy thì án từ của ông
rồi đây sẽ soi tỏ cho chúng ta. Tôi muốn nói đến một phía khác của con
người này kia: ông đúng là một người “đồng thanh tương ứng” với bản Kiến
nghị của chúng tôi đến tận trong tâm khảm, và vì thấm sâu lời cảnh báo
gớm ghê của nó nên không chỉ tham gia ký tên mà ông còn đã thầm lặng,
một mình một xe, đi vào các xóm làng để lấy bằng được thật nhiều chữ ký
đáp ứng lời kêu gọi dừng dự án khai thác bauxite ở Tân Rai và nhất là
Đắc Nông. Cũng là dễ hiểu và chẳng có tội lỗi gì ở đây, bởi nếu không có
những sự thầm lặng góp sức của những người như thế, chúng tôi làm sao
thực hiện nổi 5 bản Kiến nghị đầy ắp chữ ký trên trang Bauxite Việt Nam
được. Hoặc giả tuy không hề biết đến những Kiến nghị lan truyền rất
rộng vào thời điểm ấy (giả định này là phi thực tế), song do “chí lớn
gặp nhau”, là người tận mắt chứng kiến việc ồ ạt phá rừng để triển khai
dự án Bauxite tại địa điểm Đắc Nông nơi mình cư ngụ, thầy giáo Đinh Đăng
Định đã tự phát lên tiếng cự tuyệt và vì thế rước họa vào mình. Đằng
nào thì cũng thế thôi.
Thử
hỏi, những việc ông làm, dù tự phát hay từ Kiến nghị của chúng tôi, giá
thử có lặn lội đi lấy chữ ký của ba nghìn người dân cho bản Kiến nghị
đi nữa, liệu chưa đủ để giúp người cầm chịch nhận ra ở người thầy giáo
họ Đinh không phải là một việc làm “sách động” mà là một mục tiêu chí
cốt cao xa hơn nhiều: giác ngộ và quy tụ lòng căm phẫn của đồng bào vào
một kẻ thù chung hết sức nguy hiểm là lũ bành trướng Đại Hán mà chính
ông đã nhìn thấu tim đen, ẩn trong một Dự án chứa nhiều bất cập như dự
án Bauxite triển khai ngay trên “mái nhà” trung tâm – tử huyệt của đất
nước? Từ đó, thử hỏi, giữa một Đinh Đăng Định và những kẻ đã tra vấn,
hành tội ông, đẩy ông đến những ngày cuối của căn bệnh ung thư, ai là
người yêu nước, thật tâm muốn ngăn chặn những nguy cơ tày trời cho dân
tộc, và ai là phường phản dân hại nước? Viết đến đây tôi lại cứ như nghe
trong tai mình đang ong ong những lời xỉ vả đám trí thức của ông Lê
Dương Quang năm nào giữa diễn đàn Quốc hội. Bỗng chốc, một thứ triết lý
sống ngạo ngược của cuộc sống hôm nay cứ hiện rõ ra dần: Ai chết cứ
chết, ai giành được một miếng cứ việc ngoạm, và ngoạm xong đâu đấy – như
kiểu gã trung tá KGB gian giảo vừa ngoạm xong Crimé của Ukraine – thì
tự nhiên tất cả mọi thứ, lợi lộc, chính danh, chính nghĩa cũng khắc tuôn
hết vào tay. “Mười lăm thằng trên hòm người chết / Be rượu rom say tít cung thang – Quinze hommes sur la poitrine du mort, yo-ho-ho et une bouteille de rhum!” (Châu đảo – L’ île au trésor – của Stevenson).
N.H.C.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét