Đinh Phàm
Trần Đình Sử dịch từ “多维新闻”本文网址”
Mặc
dù tôi không thích Arendt, bởi vì bà có quan hệ mờ ám, vừa học trò vừa
tình nhân với Heidegger, một người có quan hệ với Đức Quốc xã, nhưng ý
kiến của bà trong bài Bàn về cách mạng mang đầy tính chất lí tính, sâu sắc khiến tôi đồng tình.
Cái
kết luận mà bà rút ra sau khi so sánh hai cuộc cách mạng chẳng qua là:
Bạo lực cách mạng chỉ được sử dụng một lần, nếu sau cách mạng mà không
xây dựng được một chế độ dân chủ và pháp luật có hiệu lực thì sẽ không
có tự do đích thực, sẽ rơi vào một vòng luẩn quẩn của đấu tranh giai cấp
bạo lực, của việc tiếp tục cách mạng lặp đi lặp lại không thể đảo
ngược.
Arendt khi truy tìm từ nguyên của từ “cách mạng” đã chỉ ra, “Từ cách mạng vốn là một thuật ngữ thiên văn học, nhờ công trình Bàn về sự vận hành thiên thể
của Kopernic mà nó ngày càng được coi trọng trong khoa học tự nhiên.
Trong thiên văn học nó vẫn bảo lưu ý nghĩa khoa học của thuật ngữ
Latinh, chỉ sự vận động có quy luật của các thiên thể…. Giống như một
sức mạnh khiến cho các thiên thể vận hành theo một quy luật nhất định [1].
Không có quan niệm nào tương tự như tất cả các hành động khiến mọi
người mê hoặc lại đi xa hơn hai chữ cách mạng ấy. Nói một cách khác, các
nhà cách mạng cho rằng, trong quá trình tuyên cáo một trật tự cũ phải
diệt vong và đón chào sự ra đời một trật tự mới, thì họ chính là nhà
đương cục”. Đúng vậy, để đón chào cái thành quả to lớn của cách mạng
kia, sự ra đời một thế giới mới, chúng ta đã không ngừng tô vẽ cho cách
mạng, đồng thời, che đậy cái mặt tàn nhẫn, phản động của cách mạng.
Tất
cả mọi cuộc cách mạng, nếu không có kết quả cuối cùng là một pháp luật
và một chế độ, thì cái cách mạng ấy rốt cuộc sẽ trở thành hòn đá ngáng
đường tiến lên của lịch sử. Đây chính là điều mà Arendt rút ra sau khi
so sánh cuộc cách mạng Pháp và cách mạng Mĩ, rồi phơi bày tất cả các thứ
tệ đoan của cuộc cách mạng tháng Mười Nga.
Nhìn
lại một trăm năm “cách mạng” Trung Quốc, đúng như bà Arendt có nói,
“Nhìn từ phương diện lịch sử, chăm chú vào khoảnh khắc cách mạng thì
thấy, đại cách mạng đã biến chất thành chiến tranh, biến chất thành nội
chiến và ngoại chiến, quyền lợi của nhân dân vừa mới giành được, chưa
kịp xây dựng chính thức, liền biến chất thành tao loạn liên miên”. Trung
Quốc 20 năm đầu thế kỉ XX đã trải qua các cuộc chiến tranh quân phiệt,
chiến tranh kháng Nhật rồi nội chiến Quốc Cộng, tưởng rằng giành được
những năm tháng hòa bình, nhưng vị chúa tể của thế giới mới liền tiến
hành cuộc thanh toán dị đoan, đó chính là cái phương thức tư duy của kẻ
giành chiến thắng trong cách mạng Pháp mà Arendt đã tổng kết, “bởi vì,
tiếp theo là kẻ hành động vì cách mạng tự cho phép mình muốn làm gì thì
làm,” cho nên, “Làm thế nào để đề phòng kẻ cùng khổ ngày hôm qua, hôm
nay thành cự phú liền phát huy các quy tắc hành động của mình, đem áp
đặt chúng cho chính thể mới, các mối lo này của hôm nay chưa từng có từ
thế kỉ XVIII.” Giải thích theo lí thuyết của Arendt, mấu chốt để phát
động một cuộc “cách mạng” nhằm tiến tới xây dựng một nền dân chủ và pháp
chế thì phải sử dụng phương thức lập quốc theo cuộc “cách mạng” pháp lí
kiểu Mĩ, chư không đi theo con đường chỉ dựa vào cảm xúc và tình cảm.
“Phương hướng của cuộc cách mạng Mĩ trước sau đều nhằm dốc sức xây dựng
một nước tự do, một chế độ lâu dài. Đối với người hành động vì mục tiêu
đó, không cho phép bất cứ hành động nào ngoài phạm vi pháp luật dân sự
được thực hiện. Vì sự khổ đau nhất thời, phương hướng của cuộc đại cách
mạng Pháp ngay từ đầu đã xa rời quá trình lập quốc, nó được quyết định
bởi tính tất yếu, chứ không phải bắt nguồn từ nhu cầu bức thiết giải
thoát khỏi chính trị bạo lực, nó bị thúc đẩy bởi nổi thống khổ quá ư
nặng nề của nhân dân, và sự đồng cảm với nổi thống khổ vô bờ bến ấy. Ở
đây, cái tính chất tùy tiện vô phép tắc vốn bắt nguồn từ tình cảm trong
tâm hồn, tính vô hạn của tình cảm xúi giục thúc đẩy, đã phóng thích cả
chuỗi bạo lực liên tục.” Câu nói này mới sâu sắc biết bao!
Nước
Trung Quốc thế kỉ XX đã đi qua trong cuộc chiến tranh của phong trào
văn hóa “ sau cách mạng” và “hậu cách mạng”, từ sự kiện Phúc Điền [2],
chỉnh phong Diên An, nội chiến, lại trấn áp phản cách mạng, chống phái
hữu rồi cách mạng văn hóa, không có sự kiện nào mà không phải là diễn ra
dưới quyền lực tập trung của cá nhân, không đếm xỉa đến nỗi thống khổ
của nhân dân, quyền lực của nhân dân bị biến thành kẻ hành động vì cách
mạng, biến thành tiếng kèn chiến đấu tiếp tục “cách mạng”. Loại “cách
mạng” này rõ ràng đã phải trả giá bằng sự hy sinh nhân tính và hy sinh
tự do. Do đó lí luận “Cách mạng không phải là được mời đi dự tiệc” của
lãnh tụ vĩ đại Mao Trạch Đông đã trở thành chân lí tối cao và danh ngôn
chí lí, mà đến nay vẫn còn thấm sâu trong quan niệm của bao người chấp
chính mà hoàn toàn không tự giác.
Cái quan niệm
hạt nhân mà Arendt muốn bày tỏ qua sự so sánh hai cuộc cách mang – cách
mạng Pháp và cách mạng Mĩ thật là rõ rệt – cuộc cách mạng đại chúng chỉ
dựa vào lòng đồng tình và thương xót đối với người nghèo khổ là không
đáng tin cậy, đồng thời cũng không cứu được người nghèo khổ, bởi vì cái
“cách mạng” này không lấy nhân tính làm cơ sở: “Từ ngày có cuộc đại cách
mạng Pháp cũng chính là ngày mà tính vô hạn trong tình cảm của các nhà
cách mạng đã khiến cho họ vô cảm trước hiện thực, vô cảm đối với số phận
của những cá nhân. Tất cả những điều đó thật khó tin. Vì các “nguyên
tắc” của mình, vì “tiến trình lịch sử”, vì “sự nghiệp cách mạng”, các
nhà cách mạng sẵn sàng hy sinh mọi cá nhân mà không hề hối tiếc. Tình
trạng vô cảm đối với hiện thực tràn đầy tình cảm này cũng đã thể hiện
khá rõ rệt trong hành động của bản thân Rousseau, trong biểu hiện thiếu
trách nhiệm, tùy tiện lặp đi lặp lại của ông, nhưng chỉ khi Robespierre
đưa nó vào trong cuộc xung đột phe phái của cuộc đại cách mạng Pháp nó
mới trở thành một nhân tố chính trị quan trọng đáng kể.” Rõ ràng Arendt
không hề khẳng định hoàn toàn vai trò của Rousseau và Robespierre trong
cuộc đại cách mạng và chủ nghĩa khai sáng, ngược lại, bà phủ định những
tệ hại mà thứ “cách mạng” này đem lại cho xã hội, cho các cuộc “cách
mạng” kế tục sau đó. Nói thật lòng, đối với nhà khai sáng vĩ đại
Rousseau tôi không hề muốn phủ nhận lí luận và tư tưởng khai sáng do ông
tạo nên, nhưng trong việc lựa chọn hai chế độ xây dựng quốc gia thì tôi
hình như lại thiên về phía Arendt, bởi vì lịch sử đã cho chúng ta biết,
“khai sáng” một khi đã bị “cách mạng” lợi dụng, thì rất có thể nảy sinh
“tha hóa”, từ đó mà phản bội nhân tính và tự do.
Lời
dự báo sau cùng của Robespierre đã chứng minh nguyên nhân thất bại của
chủ nghĩa khai sáng: “Chúng ta sẽ chết đi mà không để lại dấu vết gì,
bởi vì trong dòng sông lịch sử của nhân loại, chúng ta đã bỏ lỡ thời cơ
thành lập một quốc gia tự do.” Cái nghịch lí này chứng minh một sự thật
lịch sử rằng công cuộc khai sáng sau khi bị cuộc cách mạng mù quáng bắt
cóc đưa lên cỗ xe chiến tranh đã gây nên biết bao hậu quả thảm họa.
Khi
người vô sản mất đi xiềng xích, trở thành nguyên động lực của cách
mạng, cách mạng dựa vào sức mạnh tình cảm mà giành chính quyền, nhưng
khi chiếc gông cùm của nghèo khổ ngày xưa đã tháo ra, phải chăng người
vô sản lại không khoác lên mình một chiếc gông cùm mới? Nếu nói Mác đã
kế thừa ý tưởng cách mạng của Roberspierre, phát triển thành học thuyết
đấu tranh giai cấp, thì Lenin trong lúc vội vàng đã quay lại con đường
cũ, thì Stalin đã tạo ra một mô hình cách mạng đấu tranh giai cấp cực
đoan nhất, mà Trung Quốc trong những năm 50 – 70 lại chạy theo mô hình
cực đoan ấy của Stalin, lại tạo ra vô vàn hậu quả thảm họa. Trong cái
chuỗi dây chuyền thế giới “vô sản toàn thế giới liện hiệp lại”, kẻ chịu
thảm họa sâu nặng nhất là nhân dân Liên Xô và nhân dân Trung Quốc. Đương
nhiên thảm họa nặng nể nhất là nhân dân Cămpuchia trong cuộc diệt chủng
của bọn Khơme đỏ của Cămpuchia dân chủ dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ
cách mạng Polpot, nó chứng minh cho hậu quả về mặt luân lí của “cách
mạng”.
Trong giới tư tưởng Âu Mĩ các khái niệm
“nhân dân” và “đại chúng” là hoàn toàn khác nhau. Nhân dân là hình ảnh
của dân chủ, còn đại chúng là danh từ chỉ bọn người ô hợp. Cho nên
Arendt nói: “Về mặt lí luận, điều tai hại nhất là đem đánh đồng nhân dân
với đại chúng.” Ở đây nhân dân là những “công dân” có “giác ngộ”, là
người dân tự do có quan điểm độc lập; còn “đại chúng” là một đám người
nô lệ tinh thần mông muội, là đám AQ bị chấn thương tinh thần dưới ngòi
bút của Lỗ Tấn, là bọn lưu manh dễ bị mê hoặc bởi chiến lợi phẩm của
cuộc cách mạng – Hitler đã lợi dụng tình cảm của đại chúng mà dựng nên
đảng Quốc xã, Stalin cũng lợi dụng tình cảm đại chúng mà lập nên
“Tcheka”, còn “Hồng vệ binh” của Trung Quốc thì vẫn tồn tại trong huyết
mạch của rất nhiều người, chỉ cần có người vung tay hô to một khẩu hiệu,
thì sẽ có vô vàn “cánh tay đỏ” vung lên như rừng, và tiếng hô “Ura!”,
“Vạn tuế!” vang động khắp nơi.
Đ. P.
Ghi chú: Đinh Phàm,
đảng viên cộng sản Trung Quốc, hội viên hội nhà văn Trung Quốc, Giáo sư
đại học Nam Kinh, Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu Văn học Trung Quốc, Chủ
tịch Hội Phê bình Văn học Giang Tô, Phó Tổng biên tập tạp chí Chung Sơn.
[1] Tiếng Latinh, cách mạng là revolvere, nghĩa là quay vong, chuyển động xoay vòng. ND.
[2]
Sự kiện Phúc Điền: Đây là sự kiện do Mao Trạch Đông tạo ra để thanh
trừng nội bộ vào tháng 12 năm 1930, tại Phúc Điền, tỉnh Giang Tây, giết
120 người thuộc quân đoàn Hồng quân số 20, những người liên lụy bị giết
lên đến 70000 người. Năm 1956, Mao đã thừa nhận giết nhầm người, nhưng
đến năm 1989 dưới thời Hồ Diệu Bang, Dương Thượng Côn, những nạn nhân
mới được tuyên bố vô tội. Đây là vụ thanh trừng đẫm máu đầu tiên trong
lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc. ND.
Nguồn: trandinhsu.wordpress.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét