CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Biển Đông – ‘Tử địa’ của các cường quốc hải quân

Với đặc điểm là một vùng biển hẹp, dài và nông, Biển Đông được nhiều chuyên gia quân sự đánh giá là vùng “tử địa” của các cường quốc hải quân với đội ngũ tàu chiến, tàu sân bay hùng hậu bởi chúng khó lòng tránh được hỏa lực trên bộ và không quân của các nước ven biển.
Thiết giáp hạm HMS Prince of Wales của hải quân Anh đã bị không quân Nhật đánh chìm trên Biển Đông năm 1941
Có lẽ hải quân Hoàng gia Anh chưa thể quên bài học về việc tham chiến trên Biển Đông hồi chiến tranh thế giới thứ 2. Ngày 10/12/1941, thiết giáp hạm HMS Prince of Wales cùng với tuần dương hạm HMS Repulse của hải quân Anh vừa lần đầu tham chiến tại khu vực Đông Nam Á đã bị không quân Nhật Bản xuất phát từ một căn cứ trên đất liền đánh chìm ngay ngoài khơi bờ biển Malaysia.
Thất bại này cùng với hàng loạt tiền lệ khác kể từ chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay cho thấy việc tham chiến và tăng cường quốc phòng trong các vùng biển hẹp như Biển Đông có những đặc điểm hết sức riêng biệt. Theo chuyên gia về an ninh hàng hải Ristian Atriandi Supriyanto (Học viện nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam), chính địa hình dài và hẹp của Biển Đông đang giúp các quốc gia có tiềm lực hải quân hạn chế ở Đông Nam Á có thể tự tin hơn nhiều khi đối đầu với các lực lượng hải quân mạnh như Trung Quốc, Mỹ… với điều kiện họ phải cải thiện khả năng khống chế biển từ bờ và khống chế bầu trời trên vùng biển của mình.
Theo dự đoán của công ty tư vấn hải quân AMI International có trụ sở tại Mỹ, các quốc gia Đông Nam Á sẽ chi tới 25 tỷ USD cho các trang thiết bị hải quân cho đến năm 2030. Nhưng khác với thông thường, Đông Nam Á sẽ chú trọng mua sắm các hệ thống tên lửa bờ biển, tiêm kích và tàu chiến gần bờ và tàu ngầm.
Hệ thống tên lửa bờ biển Bastion –P K300R của  Việt Nam có thể bắn trúng tàu chiến cách bờ biển 300km
Theo ý kiến của chuyên gia Milan Vego thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, sự thiếu khoảng không vật lý và gần kề các vùng đất sẽ là trở ngại rất lớn cho các lực lượng hải quân của các nước lớn vốn chỉ quen hoạt động trên các đại dương. Cho dù được hậu thuẫn bởi các tàu chiến cỡ lớn hay thậm chí là tàu sân bay, Biển Đông sẽ là “tử địa” của các cường quốc hải quân bởi chúng vẫn nằm trong tầm khống chế của các vũ khí từ trên bộ đồng thời nằm trong tầm hoạt động của máy bay chiến đấu trên đất liền. Chính vì thế, một quốc gia ven Biển Đông có tiềm lực hải quân yếu thế hơn cũng có thể thách thức các siêu cường hải quân bằng cách sử dụng khả năng “không tương xứng” như thủy lôi, các khẩu đội tên lửa bờ biển và tàu ngầm. Bằng chiến thuật này, các nước Đông Nam Á có thể dễ dàng tạo ra thách thức quyền kiểm soát biển và tiến hành các hoạt động chống xâm nhập trên biển mà không cần tăng cường nhiều trang thiết bị chiến đấu trên biển cho hải quân.
Giới chuyên gia quân sự quốc tế nhận định, trong lúc vấn đề an ninh và chủ quyền trên Biển Đông ngày càng nóng lên cùng với sự ráo riết tăng cường lực lượng hải quân của Trung Quốc, các nước duyên hải dường như đã nhận ra nguy cơ và chuẩn bị để đối mặt với thách thức này. Các tàu ngầm đã được đưa vào biên chế của Indonesia, Singapore và Malaysia hay đã nằm trong danh sách mua sắm (chuẩn bị tiếp nhận) của hải quân Việt Nam trong khi Thái Lan và Philippines cũng đang suy ngẫm để trang bị. Bên cạnh đó, để tận dụng ưu thế về địa hình gần bờ, không quân hải quân các nước như Indonesia, Malaysia, đặc biệt là Việt Nam đã trang bị một đội ngũ khá hùng hậu các loại tiêm kích hiện đại trong đó có cả Sukhoi Su-30. Philippines cũng bắt đầu tìm kiếm máy bay chiến đấu trong một phần kế hoạch củng cố khả năng giám sát trên không yếu kém của mình.
Để bảo vệ chủ quyền biển của mình, Việt Nam đã trang bị 2 hệ thống tên lửa bờ biển Bastion –P K300R của Nga có thể bắn trúng tàu chiến cách xa bờ biển 300km. Một số nguồn tin từ Nga cho biết, Việt Nam đang tiến hành đàm phán để mua thêm hệ thống tên lửa Bastion thứ 3 đồng thời sẽ phối hợp với Nga để phát triển một loại tên lửa hành trình mới. Cũng có tin cho rằng, Việt Nam đang đàm phán về việc triển khai sản xuất tên lửa Yakhont tại Việt Nam song song với việc đàm phán mua tên lửa BrahMos của Ấn Độ và Extra của Israel. Nếu những dự án trên được thực hiện hiệu quả, Việt Nam sẽ sở hữu tiềm lực tên lửa chống hạm hùng mạnh nhất khu vực và là nền tảng để chế tạo các loại tên lửa đối đất tầm xa, có ý nghĩa chiến lược. Hiện BrahMos chỉ có trong trang bị của quân đội Ấn Độ với các biến thể đã có và đang phát triển trang bị cho tàu nổi, bệ phóng mặt đất, tàu ngầm, máy bay, dùng để tấn công mục tiêu mặt nước và mặt đất. Ấn Độ đang có tham vọng mua sắm và xuất khẩu hàng ngàn quả BrahMos.
Việt Nam đã mua 24 tiêm kích đa năng hiện đại Sukhoi SU-30 của Nga để tăng cường năng lực phòng thủ.
Đối với Indonesia, chiến tranh thủy lôi đã được vạch ra như một yếu tố sống còn trong chiến lược hải quân của họ. Quan trọng hơn, các quốc gia ven Biển Đông cũng có thể sử dụng các hòn đảo trong khu vực này bằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng để tăng cường kiểm soát đối với các vùng nước xung quanh. Việc quản lý các trạm kiểm soát và tuyến giao thông trên biển cũng là vấn đề quan trọng khi chúng đảm bảo việc tiếp cận cho các cường quốc hải quân khi di chuyển trong các vùng biển hẹp của khu vực.

Để phần nào hạn chế yếu điểm của mình, các cường quốc hải quân cần có một đội ngũ tàu hộ tống, tàu khu trục nhỏ và tàu chiến ven biển. Nếu không có sự hộ tống đầy đủ, hải quân các nước này sẽ gặp rất nhiều rủi ro khi triển khai tàu tấn công đổ bộ hay tàu sân bay tại Biển Đông. “Nhưng dù với điều kiện nào, các cường quốc hải quân cũng nên rất cẩn thận với những tham vọng của mình tại Biển Đông nếu không muốn trở thành mục tiêu tập bắn của các lực lượng hải – lục – không quân của cá quốc gia ven biển”, chuyên gia Milan Vego thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ kết luận.


Copy từ: Infonet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét