(Tin tức thời sự)-
Sau khi Thủ tướng Chính phủ vừa báo cáo trước Quốc hội và đưa ra con số
lạm phát đã giảm xuống mức thấp nhất cho đến nay, thì Thứ trưởng Bộ
GTVT lại chỉ rõ lí do phải tăng mức thu phí đường bộ gấp đôi là do trượt
giá. Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra quan điểm của mình về hai lý lẽ
trái ngược này.
Thu nhập tăng đâu mà tăng?
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh,
nguyên Viện trưởng viện quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, con số
trong báo cáo của Chính phủ và việc tăng giá phí để bù trượt giá của Bộ
GTVT không phải là hoàn toàn mâu thuẫn hay việc này bác bỏ việc kia, mà
là do lạm phát tích tụ lại từ nhiều năm trước và bây giờ chúng ta vẫn
đang phải trả giá.
Ông Doanh phân tích: "Việc lạm phát về
thấp trong năm nay, điều này hoàn toàn xác nhận được. Còn việc Bộ GTVT
lấy cớ nâng giá phí BOT, mức phí này ổn định từ nhiều năm nay rồi, bây
giờ anh lại cộng mức lạm phát từ những năm trước vào, đề nghị này về một
phần nào đó thì có lý nếu theo cách tính của ngành GTVT".
Tuy nhiên, vị chuyên gia này chỉ rõ
điểm chưa đúng trong hai lập luận của Bộ GTVT (tăng phí để bù trượt giá
và tăng phí vì thu nhập của người dân đã tăng lên nhiều - PV).
Bộ GTVT tăng mức thu phí đường bộ là tiền hậu bất nhất (Trong ảnh: Dân lấy đất vá đường) |
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng
Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): "Tăng phí là phù hợp?
Sao nói như vậy được?! Người dân thu nhập tăng cao đâu mà tăng?
Thu nhập bình quân đầu người của nước ta là 1.960 đô/người/năm, Thủ
tướng đã có con số cụ thể khi báo cáo Chính phủ, nó tăng cao hơn năm
2012 là 20%, nhưng đấy mới chỉ là trong báo cáo còn cơ sở tính toán thì
phải xem xét lại.
Không những vậy, so với các nước, Việt Nam vẫn được xếp vào nước có
thu nhập trung bình thấp, thế nên thu phí thì phải xứng với chất lượng
phục vụ, cơ sở hạ tầng và nhiều yếu tố khác nữa", ông Long cho biết
thêm.
Hoàn toàn bất hợp lý
Chuyên gia Ngô Trí Long phân tích thêm: "Với mức tăng phí này, Bộ
GTVT không chỉ tính mức trượt giá trong năm nay mà trong nhiều năm, cả
những năm tới nữa, như vậy là bất hợp lý".
Đặt vào bối cảnh, các doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn, đời sống
người dân kém, thu nhập thấp, ông Long một lần nữa nhấn mạnh: "Tăng phí
như thế này hoàn toàn bất cập".
"Ngành giao thông cái gì cũng đòi tăng phí lên trong khi đó, đầu tư
của ngành lại không có hiệu quả, chất lượng phục vụ không tốt. Chưa kể
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư đã nói, hàng năm nguồn vốn nhà nước đổ vào
trong ngành giao thông là lớn nhất, thế mà cuối cùng đòi tăng phí như
vậy là không hợp lý" - vị chuyên gia kinh tế nói thêm.
Ngoài ra, theo ông Long, tính phí BOT là phải tính thời gian thu
hồi vốn, tính khả năng sức chịu đựng của nền kinh tế chứ nếu trượt giá
bao nhiêu mà tính bấy nhiêu.
"Vì khi đầu tư vào, họ sẽ tính thời gian thu hồi vốn là bao lâu,
với thời gian như vậy thì mức phí rơi vào bao nhiêu. Bây giờ ngành giao
thông lại ăn nhằm với cái CPI (trượt giá) thì nó chỉ là một cơ sở, một
căn cứ thôi" - ông Long phân tích.
Nhắc đến độ chính xác, minh bạch của số liệu thống kế trong báo
cáo, ông Long lo ngại: "Số liệu thống kê từ trước đến nay đưa ra, rất
nhiều người cảm thấy không tin kể cả lãnh đạo.
Thí dụ, biểu hiện rõ nhất là tồn kho,
nợ xấu con số hoàn toàn khác nhau, cho nên tốc độ tăng trưởng một số chỉ
tiêu hoàn toàn không phù hợp với thực tế. Đây là điều hoàn toàn bất
cập.
Một khi số liệu thống kê không chính
xác sẽ dẫn đến những hệ lụy cực kỳ nguy hiểm là đưa ra những hoạch định
đường lối hoàn toàn không có tác dụng. Mà đa số hiện nay, các số liệu
thống kê của nước ta chưa phản ánh đúng được thực trạng của một vấn đề
nào đó, sai lệch rất nhiều".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét