CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

CMND sẽ thay sổ hộ khẩu?


CMND sẽ được coi là thẻ căn cước công dân, khi kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia thì người dân có thể không cần dùng đến sổ hộ khẩu nữa

Bộ Công an vừa công bố dự thảo Luật Căn cước công dân để lấy ý kiến người dân trên cổng thông tin điện tử (www.mps.gov.vn). Theo đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế (V19) - Bộ Công an, dự thảo sẽ được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào tháng 4-2014.
Giảm giấy tờ, thủ tục
Theo dự thảo, căn cước công dân (căn cước) là các đặc điểm về gốc tích, nhân dạng của công dân để phân biệt giữa người này với người khác.
Cơ sở dữ liệu căn cước thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý. Thông tin, tài liệu của công dân được thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước sẽ bao gồm: Số CMND; ảnh chân dung; họ và tên khai sinh; họ và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch; tôn giáo; nơi thường trú; đặc điểm nhận dạng; vân tay; họ và tên cha; họ và tên mẹ. Ngoài ra, thông tin, tài liệu được thu thập bổ sung khi có điều kiện hoặc công dân tự nguyện cung cấp sẽ bao gồm: nhóm máu; gien (ADN); thông tin, tài liệu khác.
Bộ Công an chịu trách nhiệm bảo đảm hoạt động ổn định đối với các thiết bị, phương tiện nhập, lưu trữ thông tin, tài liệu về căn cước và sự an toàn, bảo mật thông tin, tài liệu đó; phòng, chống các hành vi làm hư hỏng các tổ chức logic của dữ liệu điện tử căn cước.
Mẫu CMND trong dự thảo Luật Căn cước công dân (trái) và mẫu CMND mới 12 số đang được cấp ở Hà Nội
Để tránh sự cố do thiên tai hoặc do con người gây ra đối với cơ sở dữ liệu căn cước, dự thảo luật quy định dữ liệu điện tử căn cước phải được tổ chức nhân bản để lưu trữ tại một số địa điểm khác nhau do cơ quan quản lý căn cước quyết định.
Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) - Bộ Công an, cho biết song song với việc hoàn thiện dự thảo Luật Căn cước công dân, sắp tới Bộ Công an cũng sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 90/2010 về cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, trong đó giảm bớt thông tin thu thập về người dân từ 23 trường thông tin xuống còn khoảng 18. Những trường thông tin này, theo ông Vệ, cũng gần giống như dự thảo Luật Căn cước công dân đưa ra.
Đi đâu cũng phải mang theo
Theo đại tá Trần Thế Quân, CMND sẽ được coi là thẻ căn cước công dân khi giúp người dân chứng minh nhiều thông tin với cơ quan quản lý. Khi các cấp ngành đã có sự kết nối thông tin với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia thì trước mắt, người dân sẽ không cần phải dùng tới sổ hộ khẩu nữa.
Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết hiện đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để thực hiện đề án này, cần phải làm đồng bộ hàng loạt công việc, trong đó có việc triển khai cấp CMND mới, trang bị máy móc, thiết bị hiện đại để cập nhật thông tin lưu trữ về công dân (đang ở dạng thô, trên văn bản giấy tờ) lên hệ thống mạng. “Các thông tin thu thập được trong cơ sở dữ liệu căn cước, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ là các thông tin lõi. Từ đó, các ngành đã hoặc đang triển khai thu thập, xây dựng các thông tin quản lý chuyên ngành của công dân như ngân hàng, bảo hiểm, thuế…, sẽ kết nối, chia sẻ vào đó để có một mạng thông tin công dân chung. Tuy nhiên, sẽ có những tính toán để mỗi ngành chỉ truy cập được vào sâu trong hệ thống ở mức nhất định thôi” - ông Vệ nói.
Trong khi đó, đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý cư trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) - Tổng cục VII, cho rằng việc cấp CMND 12 số, thu thập căn cước và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là bước đi đầu tiên trong cả một đề án dài hơi: giảm giấy tờ, thủ tục cho công dân. “Khi đầy đủ thông tin của công dân và kết nối được giữa các ban ngành, cơ quan với nhau rồi thì sẽ tính tiếp tới việc trang bị các loại máy đọc hiện đại và cấp thẻ đa ứng dụng có gắn chip, mã vạch cho công dân. Các loại thẻ này rất hiện đại và có tính bảo mật cực cao, có thể thay thế cho rất nhiều loại giấy tờ từ thẻ ngân hàng, bằng lái xe, sổ hộ khẩu… Đó mới là đỉnh cao của hiện đại trong giảm giấy tờ công dân” - ông Dung nói.
Theo Thiếu tướng Trần Văn Vệ, khi Luật Căn cước có hiệu lực, công dân sẽ bắt buộc phải mang theo CMND bên mình để làm được nhiều công việc.
Hai mẫu CMND khác nhau
Theo dự thảo Luật Căn cước công dân, 2 mặt của CMND in hoa văn màu xanh trắng nhạt. Nền mặt trước CMND gồm: Hình ảnh trống đồng, bản đồ Việt Nam, hoa sen và các hoa văn; nền mặt sau CMND gồm các hoa văn. Tuy nhiên, mẫu CMND này lại hoàn toàn khác so với mẫu CMND mới 12 số mà Tổng cục VII vừa triển khai cấp cho hơn 106.000 người dân 4 quận, huyện ở Hà Nội và sắp tới sẽ triển khai trên toàn quốc.
Bài và ảnh: THẾ KHA

Copy từ: Người Lao Động


.......................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét