Ít nhất 24 người chết và mất tích, 3 người bị thương, hàng ngàn hộ dân ở các tỉnh miền Trung bị ngập nặng do lũ lớn và thủy điện xả lũ.
>>> Liên tục cập nhật
Bình Định: Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, tỉnh này đã có 11 người chết, 3 người mất tích.
Ông Nguyễn Bay, Trưởng phòng NN-PTNT H.Tuy Phước, cho biết: “Hiện lũ tại các xã ven sông Côn đã vượt đỉnh lũ năm 1999 gần 1,93m”. Hiện, lực lượng bộ đội, công an vẫn đang triển khai sơ tán dân khắp nơi.
Trưa 16.11, mưa lũ gây sập 2 cầu Tân An và Liêm Trực (trên QL 1A, đoạn qua P. Bình Định, thị xã An Nhơn) khiến giao thông trên QL1A tắc nghẽn 7 km.
Sáng 15.11, nước lũ trên sông Côn bắt đầu lớn nhanh khiến các xã Bình Thành, Tây Giang, Tây Thuận, Tây Phú (H.Tây Sơn)... bị cô lập.
Hai anh Trần Văn Sang (40 tuổi) và Phan Minh Hải (43 tuổi), bị lũ cuốn. Anh Hải may mắn được cứu, anh Sang chết đuối. H.Tây Sơn còn phát hiện chị Đỗ Thị Kim Loan (33 tuổi) chết đuối tại kênh Vân Phong.
Tại H.Tuy Phước, mưa lũ làm 2 người chết, đó là em Nguyễn Văn Tá (ở xã Phước An) và ông Ngô Văn Bá (ở xã Phước Quang).
Chiều 15.11, nhiều nơi trên QL19 bị lũ chia cắt và đoạn qua đèo An Khê bị sạt lở gần 300 m khiến giao thông ách tắc hoàn toàn. Tối cùng ngày, toàn huyện mất điện, đã có hơn 3.530 nhà dân bị ngập lũ.
Tại H.Hoài Ân, sáng cùng ngày, em Trần Thế Giảng (17 tuổi, xã Ân Nghĩa) khi đi chăn bò đã bị nước cuốn trôi, mất tích. H.
Vân Canh có một trường hợp bị mất tích do lũ, nạn nhân tên Điền (28 tuổi, ở xã Canh Vinh).
Đến chiều 15.11, các huyện Hoài Ân, Vân Canh, Phù Mỹ... có 2.000 ngôi nhà bị ngập hoặc bị sập hoàn toàn. Trong khi đó, hàng ngàn hộ dân ở TP.Quy Nhơn bị ngập sâu hơn nửa nhà.
Quảng Ngãi: 2 người chết, 1 người bị thương, 2 người mất tích do mưa lũ.
Đến 17 giờ ngày 16.11, trên QL 1A đoạn qua xã Đức Phong, H.Mộ Đức vẫn còn bị ngập sâu khiến giao thông tắc nghẽn, hàng ngàn phương tiện nối nhau dài 15 km.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, tối 15.11, mực nước sông Trà Khúc, sông Vệ vượt đỉnh lũ năm 1999 từ 0,1-0,4 m nhấn chìm nhiều ngôi nhà của người dân ở ven sông, nhiều địa phương bị cô lập hoàn toàn.
Tối 15.11, nước sông Trà Khúc vượt qua đê bao sông Trà Khúc 'tấn công' vào thành phố Quảng Ngãi. Trong đêm 15.11, các địa phương đã sơ tán gần 50.000 người đến nơi ở an toàn.
Tính đến sáng 16.11, mưa lũ tại Quảng Ngãi làm 2 người chết. Nạn nhân là em Vương Thị Thu Thảo, học sinh lớp 5 Trường tiểu học xã Hành Minh,H.Nghĩa Hành và ông Lâm Quang Vinh, ở xã Tịnh Hà, H.Sơn Tịnh.
Ngoài ra, 2 người mất tích do sạt lở ta luy đường Trung tâm y tế Gò Lã, H.Sơn Tây và 1 người bị thương do sạt lở núi tại Gò Re, xã Ba Xa, H.Ba Tơ.
Trên địa bàn H.K’bang (Gia Lai) mưa lớn kéo dài. Nước trên nhiều sông suối dâng cao bất thường cộng với thủy điện An Khê - Kanak xả lũ khiến nước sông Ba lên nhanh. Nhiều đoạn đường bị ngập trong lũ, nhiều tuyến đường bị chia cắt.
Thông tin từ Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết hiện Gia Lai đã có 1 người thiệt mạng vì lũ, 1 phụ nữ khác bị lũ cuốn trôi hiện chưa tìm thấy thi thể.
TX.Sông Cầu, Phú Yên: Đến chiều 15.11 đã có 10 ngôi nhà ở xã Xuân Thọ 2 bị sập, 1 người mất tích, 4 tàu cá bị chìm...
Đến cuối ngày 15.11, QL24 đoạn thuộc xã Pờ Ê (H.Kon Plong) bị lũ cuốn trôi một đoạn, chia cắt hai tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi.
Nước lên nhanh nên một số điểm trường học tại H.Kon Plong bị ngập sâu.
Theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tỉnh Phú Yên đã có một người chết do lũ.
Hình ảnh quen thuộc ở “túi lũ” Hội An: phố đi bộ trở thành phố bơi thuyền - Ảnh: H.X.Huỳnh - Quốc Phương
Thừa Thiên-Huế: Mưa lớn bất ngờ ập xuống trong tối 15.11 khiến nhiều người dân không kịp trở tay.
Đến 22 giờ ngày 15.11, cả TP.Huế nước đã ngập sâu và gây chia cắt hầu hết các tuyến đường trong thành phố, giao thông hỗn loạn và tê liệt.
Quảng Nam: Ít nhất đã có 3 người tử vong vì mưa lũ.
Ngày 16.11, mưa lũ khiến núi lở, đèo sạt khiến các vùng cao bị chia cắt nghiêm trọng. Đường ĐT 616 từ TP.Tam Kỳ lên các huyện miền núi Bắc Trà My, Nam Trà My hoàn toàn tắc nghẽn.
Tại H.Nam Trà My, tuyến đường huyết mạch ĐT 616 có 10 điểm sạt lở, giao thông tê liệt 24 tiếng. Hơn 100 điểm sạt lở trên các trục đường về các xã Trà Vân, Trà Vinh, Trà Leng, Trà Cang, Trà Nam, Trà Linh...
Tại H.Tây Giang, đường Hồ Chí Minh qua xã A Vương và các tuyến đường Azứt - Lăng, Lăng đi 4 xã vùng cao bị sạt lở nhiều đoạn. Hiện cơ quan chức năng đang san ủi đất, đá sạt lở.
Sáng 16.11, TP.Hội An phải sơ tán khản cấp hàng ngàn du khách để tránh lũ. Ban quản lý bến thủy nội địa TP.Hội An thông báo dừng mọi hoạt động của các bến đò ngang, nghiêm cấm hoạt động đánh cá, vớt củi… trên sông.
Hiện tại, địa bàn các xã, phường Cẩm Kim, Cẩm Nam, Thanh Hà, Cẩm Phô, Minh An, Cẩm Châu… bị ngập sâu. Riêng xã Cẩm Kim bị chia cắt hoàn toàn.
Trên tuyến QL 1 qua tỉnh Quảng Nam, nước lũ đã tràn qua mặt đường tại nhiều điểm như: thành phố Tam Kỳ, thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên). Nhiều đoạn đường khác bị tê liệt.
Ông Phan Đức Tính, Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết nước lũ hiện vẫn đang lên nhanh, khiến khoảng 34.000 hộ dân có nhà cửa ngập sâu trong nước lũ.
Đặc biệt, có khoảng 1.200 căn nhà ngập từ 2 m trở lên. Trong đó, xã Đại Lãnh là địa phương ngập sâu nhất, có nơi ngập đến 3 m.
Tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn qua H.Phước Sơn (Quảng Nam) bị sạt lở nghiêm trọng khiến hàng trăm phương tiện ách tắc. Sau 6 giờ liên tục san ủi, 200 phương tiện mới thoát khỏi khu vực sạt lở.
Thông tin PV Thanh Niên Mobile vừa nhận được, tại H.Nông Sơn có một người chết do nước lũ. Nạn nhân được xác định là bà Ngô Thị Chí (68 tuổi, trú xã Phước Ninh).
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão (BCH PCLB) H.Đại Lộc, em Lê Ngọc Triều (17 tuổi, trú tại thôn Ô Gia Nam, xã Đại Cường, H.Đại Lộc) đã bị tử vong do bị lũ cuốn khi đang chăn vịt.
Cũng theo BCH PCLB H.Đại Lộc, trong mưa lũ đã ghi nhận thêm 6 người bị thương do té ngã khi chạy lũ.
Tại Hội An, UBND thành phố này xác nhận cái chết của ông Nguyễn Sinh (53 tuổi, trú tại P.Minh An, TP.Hội An) là do lũ.
TP.Đã Nẵng: Chiều 16.11, Ban chỉ huy PCLB-TKCN TP.Đà Nẵng cho biết các địa phương đã phải di dời hơn 4.500 hộ/ 16.000 người dân do ngập lụt.
H.Hòa Vang bị ngập nặng nhất với 9/11 xã; riêng các xã Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Tiến ngập nặng đến 2-3 mét nước.
Mưa lũ cũng đã làm sạt lở tuyến đường thôn 1 ở xã Hòa Ninh, cô lập người dân trong thôn. 10 phường ở quận vùng ven là Cẩm Lệ, Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn cũng ngập nặng.
Bên cạnh nguyên nhân mưa lớn kéo dài khiến hệ thống thoát nước tê liệt, nhiều khu dân cư còn bị ngập nặng do các dự án thi công dở dang.
Tại trung tâm thành phố, trong ngày 16.11, nhiều tuyến đường chính như Hàm Nghi, Quang Trung, khu vực Đầm Rong, Huỳnh Ngọc Huệ... cũng đã biến thành sông sau trận mưa lớn kéo dài.
Km75+900 (quốc lộ 24) tỉnh Kon Tum bị sát lở, gây ách tắc hoàn toàn tuyến giao thông này - Ảnh: Phạm Anh.
QL24 đoạn qua Kon Tum bị lũ cuốn trôi - Ảnh: Gia Hương
Kon Tum: Chiều 16.11, ông Huỳnh Tấn Phục, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Kon Tum cho biết, do bão lũ và sạt lở, ít nhất phải đến chiều 17.11, Quốc lộ 24 mới thông tuyến được.
Tại Km75+ 900, đường đã đứt gãy hoàn toàn do ta luy dương bị sụt dài khoảng 20m, sâu 10m, với khối lượng đất đá sạt lở khoảng 5.000 m3.
Ông Nguyễn Văn Tín, Giám đốc Công ty quản lý công trình giao thông tỉnh Kon Tum trên tỉnh lộ 676, tại Km 20+900 và Km 31+150 cũng bị sạt ta luy dương, cây đổ, mọi phương tiện không thể qua lại được.
Hiện xã Đăk Nên, H.Kon Plông bị cô lập do cầu vào xã này bị lũ cuốn trôi. 4 xã Đăk Tăng, Đăk Ring, Măng Bút và Đăk Nên thuộc H.Kon Plong bị hư hỏng, mất điện hoàn toàn.
Tổng thiệt hại do bão số 15 gây ra ước tính trên địa bàn Kon Tum là gần 60 tỉ đồng.
Copy từ: Thanh Niên
.......................
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét