Việt Hà, phóng viên RFA
2013-09-23
2013-09-23
Nhân chuyến thăm Paris của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ ngày 24 đến 26 tháng 9, tổ chức Phóng viên Không Biên Giới (RSF), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Pháp, đã thu thập chữ ký vào một thỉnh nguyện thư đòi tự do thông tin để trực tiếp gửi Thủ tướng.
Việt Hà phỏng vấn ông Benjamin Ismail, phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương của RSF về chiến dịch thỉnh nguyện thư này.
Trực tiếp trao thỉnh nguyện thư
Trước hết, ông Benjamin Ismail nói về nội dung thỉnh nguyện thư và dự định trình thỉnh nguyện thư như sau:
Chúng tôi bắt đầu thỉnh nguyện thư này từ đầu tháng 7 năm 2013, lúc đó không có một sáng kiến chung nào toàn cầu yêu cầu việc trả tự do cho toàn bộ các blogger cùng một lúc. Hiện có 35 bloggers Việt nam đang bị cầm tù. Trong hai tháng qua chúng tôi đã thu nhận được hơn 25,000 chữ ký cho thỉnh nguyện thư này.
Bây giờ chúng tôi muốn nhân cơ hội chuyến thăm tới Paris của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ ngày 24 đến 26 tháng này để đưa thỉnh nguyện thư này trực tiếp tới ông ta. Chúng tôi đã liên hệ với đại sứ quán Việt nam tại Pháp để xin được gặp trực tiếp Thủ tướng, dù chỉ là trong thời gian ngắn.
Chúng tôi gọi họ trong suốt tuần qua và cả ngày hôm nay nhưng không nhận được trả lời từ họ hay từ đoàn Việt Nam tới Pháp. Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục các nỗ lực của mình để gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để nêu những quan ngại của mình về tình hình Việt Nam và đưa bản thỉnh nguyện thư.
Việc không cho chúng tôi gặp Thủ tướng không chỉ có nghĩa là họ đã từ chối không muốn gặp một tổ chức phi chính phủ quốc tế mà còn có nghĩa là họ đã từ chối không muốn nghe tiếng nói của chính người Việt Nam, những người rất muốn đưa ra bản thỉnh nguyện thư và tham gia lấy chữ ký cho bản thỉnh nguyện thư.
Việt Hà: Nếu trường hơp phía Việt Nam không thu xếp cuộc gặp cho các ông với Thủ tướng, các ông sẽ làm thế nào để có thể gặp trực tiếp Thủ tướng để có thể trao thỉnh nguyện thư và nói lên những quan ngại của mình?
Benjamin Ismail: Chúng tôi sẽ cố gắng gặp ông ấy bằng mọi cách dù tôi không thể nói cho các bạn biết cụ thể chúng tôi sẽ làm ra sao. Thủ tướng ở Paris trong 3 ngày tới. Trong 3 ngày đó, sẽ có thể có cơ hội cho chúng tôi để nói cho ông ấy nghe những quan ngại và những kiến nghị của chúng tôi.
Chúng tôi muốn nhân cơ hội chuyến thăm tới Paris của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ ngày 24 đến 26 tháng này để đưa thỉnh nguyện thư này trực tiếp tới ông ta.
- Benjamin Ismail
Việt Hà: Nếu các ông được gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và trong điều kiện thời gian hạn hẹp thì những điểm chính nào sẽ được các ông trình bày trong cuộc gặp?
Benjamin Ismail: Chúng tôi có những ưu tiên là về vấn đề 35 bloggers bị cầm tù, là những người bị bỏ tù vì lên tiếng phản đối những đàn áp về quyền con người, tự do báo chí, đi ngược lại hiến pháp của Việt Nam. Chính quyền chỉ chọn những luật mà họ muốn áp dụng như điều 88, 79, hay 258 thuộc luật hình sự. Họ áp dụng các điều luật đảm bảo quyền cho các bloggers và những người bất đồng chính kiến. Tại văn phòng của Phóng viên không biên giới vào hôm nay, chúng tôi có một họp báo để công bố một báo cáo dài 40 trang bằng tiếng Anh, Pháp và sẽ có cả tiếng Việt.
Trong báo cáo này chúng tôi mô tả lại những đàn áp và kiểm duyệt báo chí, mô tả tình hình báo chí chính thống hoàn toàn bị kiểm soát bởi đảng cộng sản. Chúng tôi cũng mô tả tình hình báo chí mạng tự do ở Việt Nam.
Trong báo cáo này, các bạn cũng sẽ thấy những kiến nghị của chúng tôi với không chỉ Việt Nam mà với cả cộng đồng thế giới và kêu gọi sự hỗ trợ lớn hơn với các bloggers tại Việt Nam.
Kêu gọi sự quan tâm từ chính phủ Pháp
Việt Hà: Nhân việc ông nói đến báo cáo mới của RSF về Việt Nam, xin ông cho biết đánh giá về truyền thông mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay?
Benjamin Ismail: Truyền thông chính thống đã không nói tiếng nói của đa số người dân, mà truyền thông mạng đã làm được, ví dụ như Facebook đã đóng vai trò hết sức quan trọng. Chúng ta cũng thấy xuất hiện nhiều các diễn đàn độc lập, bao gồm của các cá nhân như blogger Bùi Thanh Hiếu, hay trang web của Boxit Vietnam, hay con đường Việt Nam. Tất cả các trang mạng này đều cung cấp những cơ hội để tranh luận dân chủ về nhiều chủ đề như quyền con người, hay hiến pháp. Như vậy truyền thông mạng xã hội đã điền vào chỗ trống của báo chí Việt Nam vốn thiếu tự do vì bị kiểm soát bởi đảng cộng sản.
Việt Hà: Ông có dự liệu phản ứng từ phía Thủ tướng Việt Nam là gì khi nhận thỉnh nguyện thư hay những thắc mắc của RSF và liệu chiến dịch này của RSF có thể đóng góp được gì cho những thay đổi tại Việt Nam?
Benjamin Ismail: Chiến dịch diễn ra trong tình huống cụ thể, đó năm quan hệ Pháp Việt bắt đầu từ tháng 4. Có hai năm, năm đầu là năm Pháp tại Việt Nam và đã có ngày lễ được tổ chức ở Hà Nội vào tháng 4 vừa rồi. Năm này sẽ kéo đến tháng 12. Năm tiếp theo là từ tháng giêng tới với chủ đề Việt Nam tại Pháp. Trong dịp này, giới chức hai nước sẽ gặp nhau nhiều lần để củng cố quan hệ hai nước.
Các chủ đề chính được bàn thảo chủ yếu là kinh tế, nhưng chúng tôi muốn kêu gọi không chỉ chính phủ Việt Nam mà cả chính phủ Pháp không được lờ đi vấn đề nhân quyền ở Việt Nam với lý do củng cố quan hệ kinh tế và mở cửa thị trường. Chúng tôi muốn họ đặt vấn đề nhân quyền và tự do thông tin vào nghị sự. Đó là lý do mà chúng tôi có chiến dịch này.
Việt Hà: Ông đánh giá thế nào về thái độ và hành động của chính phủ Pháp với những vấn đề mà ông đề cập về Việt Nam?
Benjamin Ismail: Trong báo cáo mới, chúng tôi cũng đề cập đến vấn đề này. Phần cuối của báo cáo nói tới vai trò của cộng đồng quốc tế và làm thế nào mà các bloggers cũng như các nhà bất đồng chính kiến đang tìm đến cộng đồng quốc tế ngày một nhiều. Ví dụ như các diễn đàn được thành lập bằng hai thứ tiếng Anh và Việt.
Chúng tôi chỉ trích những hành động yếu ớt từ chính phủ Pháp với tình hình hiện tại của một số các nhà báo tự do như Tạ Phong Tần, Điếu Cày. Chúng tôi muốn thấy chính phủ Pháp phải có những sức ép lớn hơn đối với chính phủ Việt Nam.
- Benjamin Ismail
Các sáng kiến được lập ra như sáng kiến từ các bloggers Việt Nam yêu cầu Liên Hiệp Quốc phải tạo sức ép lên Việt Nam để bỏ điều 258 nếu muốn được bầu vào hội đồng nhân quyền. Điều này cho thấy họ đang tiếp xúc với cộng đồng quốc tế ngày một nhiều để tìm kiếm sự giúp đỡ. Vì thế chính phủ Pháp cần phải lắng nghe những tiếng nói này mà chúng tôi đã đề cập trong báo cáo và thỉnh nguyện thư.
Chúng tôi chỉ trích những hành động yếu ớt từ chính phủ Pháp với tình hình hiện tại của một số các nhà báo tự do như Tạ Phong Tần, Điếu Cày. Chúng tôi muốn thấy chính phủ Pháp phải có những sức ép lớn hơn đối với chính phủ Việt Nam.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.
Copy từ: RFA
........................
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét